Ý thức dân tộc của Thiền sư Tính Định thể hiện trong kinh Nhân quả diễn âm
Kinh Nhân quả diễn âm được tổ Tính Định thực hiện tại chùa Xiển Pháp (chùa nay đã không còn, cõi đất của chùa nay thuộc ngách 2, ngõ 20 Cát Linh Tp.Hà Nội) trong khoảng thời gian từ năm 1888 đến năm 1900. Tìm hiểu văn bản, chúng tôi thấy ở đó chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn và thể hiện ý thức sử dụng ngôn ngữ dân tộc, kế thừa một số thủ pháp của văn học truyền thống vào việc diễn âm kinh Nhân quả.
1. Cách sử dụng thể thơ lục bát và cách sử dụng chữ Nôm cổ
1.1. Cách sử dụng thể thơ lục bát
Thơ được thể hiện bằng nhiều thể loại, nhưng hay nhất có lẽ vẫn là thể thơ lục bát (Truyện Kiều của Nguyễn Du, Việt Bắc của Tố Hữu, Cây tre Việt Nam của Nguyễn Duy,…). Tại nhiều cơ sở thờ tự Phật giáo ở miền Bắc, từ xưa, các vị tăng sĩ đã diễn âm một số kinh nhật tụng ra thể thơ lục bát để cho dễ nhớ, dễ thuộc (sau khi đạo Công giáo có mặt ở nước ta, một số giáo sĩ ở một số giáo phận cũng diễn Nôm một số kinh của đạo Công giáo ra thể thơ lục bát để giáo dân dễ học, dễ nhớ, dễ thuộc). Trải qua nhiều năm tháng, việc diễn âm kinh Phật tỏ ra có hiệu quả. Việc diễn âm kinh Nhân quả của thiền sư Tính Định cũng có chung mục đích đó.
1.2. Cách sử dụng chữ Nôm cổ
Đọc Kinh Nhân quả diễn âm, chúng tôi thấy dịch giả sử dụng chữ Việt rất linh hoạt, trong đó có kỹ năng sử dụng một số chữ Nôm cổ. Đó là chữ chiền (trong câu “Người nào tu tạo chùa chiền”; “Cho con tu ở chiền già”; Uế ô guốc dép vào chiền,…).
Chúng ta biết rằng, từ thế kỷ XV, Nguyễn Trãi đã sử dụng từ ghép chùa chiền (“Cảnh tựa chùa chiền, lòng tựa thầy”- Ức Trai, Quốc Âm thi tập). Trong đó, chùa chiền đều là từ để chỉ cơ sở thờ tự của Phật giáo mà chữ Hán Việt gọi là tự, ở Ấn Độ gọi là Tăng Già lam, nhưng có lẽ so với chữ chùa, chữ chiền xuất hiện sớm hơn. Khi dùng chữ chiền (hoặc chữ chùa) độc lập thì có nghĩa là chỉ một ngôi chùa cụ thể, còn khi dùng từ ghép chùa chiền thì từ ghép đó có nghĩa là chỉ chùa nói chung, không nhằm chỉ một ngôi chùa cụ thể nào.
Trong bản diễn âm này, tổ Tính Định cũng dùng từ ghép chiền già, trong đó, già là từ gọi tắt của chữ già lam (hay tăng già lam). Đây là hiện tượng ít gặp trong khẩu ngữ tự do và trong ngôn ngữ văn tự.
Trong bản diễn âm, chúng ta còn thấy tổ Tính Định dùng chữ vân vi (“Nghe lời địa ngục vân vi/ Mừng lòng tin đổi vướng gì đến ta”).
Vân vi là từ Nôm cổ mà một số tác phẩm văn học thế kỷ XVII đã sử dụng (“Huyên đường mừng hãy tại thì/Lạy thôi sau trước vân vi nói cùng” hoặc “Cảnh dầu lòng có vân vi/Chiêu hoàng mủm mỉm ủ ê cũng cười-Thiên nam ngữ lục ngoại kỷ), dùng để chỉ cách nói chuyện tỷ tê, nhỏ to. Chữ vân vi cũng dược Nguyễn Du sử dụng trong Truyện Kiều (“Nén hương đến trước thiên đài/ Nỗi lòng khấn chửa cạn lời vân vi”).
Ngoài ra, trong Kinh Nhân quả diễn âm, tổ Tính Định còn dùng các từ Nôm cổ: non (“Người nào đốt rừng đốt non”), bời bời (“Có người gian ác bời bời”), giữ giàng (“Bây giờ giới sát giữ giàng”).
Trong lịch sử văn hoá Việt Nam, người Việt đã sử dụng loại chữ Hán Việt (tức là viết bằng ký tự Hán nhưng đọc bằng âm Việt). Trong cuộc sống hàng ngày, người Việt sử dụng từ Hán Việt với tần suất rất cao (Tiếng Việt hiện đại có hơn đến 85% có nguồn gốc Hán). Sau này, một số từ ít thông dụng được thay bằng chữ thuần Việt, nhưng còn rất nhiều từ vẫn được sử dụng mà không cần dịch nghĩa, nhưng ai cũng hiểu, và tự nhiên, những từ đó đã tham gia vào từ vựng tiếng Việt, góp phần làm phong phú cho tiếng Việt (như các từ: phụ nữ, thanh niên, nhi đồng, nghiên cứu, hội nghị, hội thảo, tham vấn, hội nhập, tương trợ, đoàn kết, hợp đồng,…). Hiện tượng này cũng xuất hiện trong Kinh Nhân quả diễn âm. Đó là chữ thiên cung (“Rồi cha mẹ được lên tòa thiên cung”).
2. Sử dụng có hiệu quả cách dùng từ của dân gian
2.1. Cách sử dụng lời nói hàng ngày trong dân gian
Tìm hiểu một số truyện thơ Nôm khuyết danh và truyện thơ Nôm có tác giả, chúng tôi thấy, các tác giả đã sử dụng cách nói dân gian rất có hiệu quả. Là tác phẩm Nôm, Kinh nhân quả diễn âm cũng có đặc điểm chung đó. Đó là cách dùng chữ làm lòng (“niệm Phật tưởng Phật làm lòng”); chữ vương (Thụ Tam quy khỏi phải vương/Được chứng Phật quả lên đường thang mây); cụm từ mới thôi (“Sau rồi thành Phật kể rày mới thôi”). Làm lòng, vương, mới thôi là cách nói phổ biến trong dân gian thời cổ. Có chữ đóng vai trò như động từ (làm lòng, vương), có chữ có tác dụng như là kết thúc một câu nói và mang tác dụng nhấn mạnh thay cho cách nhấn mạnh bằng âm sắc và cũng có sắc thái cảm thán (mới thôi).
Cách nói dân gian còn có hiện tượng dùng chữ ghép hai danh từ (hoặc hai động từ) với nhau nhằm biểu đạt ý nghĩa khái quát của từ đó. Trong bản diễn âm này, chúng ta thấy tổ Tính Định dùng chữ ruộng nương (“Ruộng nương của cải những người”). Ruộng, nương đều là danh từ. Khi dùng độc lập (ruộng/nương) chúng đều chỉ một mảnh ruộng, một dãy nương cụ thể, nhưng khi dùng với tư cách là một từ ghép (ruộng nương) chúng có nội hàm chỉ một loại vật tư dùng để canh tác của nhà nông, không phải là chỉ một mảnh ruộng, một dãy nương cụ thể.
Về cách dùng từ hay: Dân gian sử dụng chữ hay trong nhiều trường hợp và ở mỗi trường hợp, giá trị ngữ nghĩa của nó cũng khác nhau. Chẳng hạn, khi dùng từ hay với hàm ý lựa chọn (“nhìn lâu mới biết tròn hay méo”- Trần Tế Xương, Vị thành giai cú tập biên), cũng có khi dùng với ý nghĩa là tốt. Trong Kinh nhân quả diễn âm, tổ Tính Định dùng chữ hay trong câu “Dầu hương hoa quả lòng hay”với nghĩa là tốt.
Kế thừa có hiệu quả cách dùng từ của dân gian còn được tổ Tính Định sử dụng các từ: lẩn quất (Quỷ ma lẩn quất nhiễu nhương), ăn dơ (“Rồi làm ngã quỷ những là ăn dơ), lần khân (“Khinh nhờn cha mẹ dạy còn lần khân”), dại rồ (“Sau rồi phải chịu mê man dại rồ”), chểnh mảng (“Chuyện tu chểnh mảng trong lòng”),…
2.2. Về nghệ thuật dùng từ kép có hai thành tố
Những từ có hai thành tố được tổ Tính Định dùng trong Kinh Nhân quả diễn âm thường là những tính từ chỉ phẩm chất hoặc là những phó từ chỉ trạng thái của sự vật, hiện tượng. Đó là những từ: nết na (“Bởi xưa nhẫn nhục thảo hiền nết na”), sắc mắc (“Bởi xưa sắc mắc hay khinh rẻ đời”), liên miên (“Chẳng còn vướng buộc tội tình liên miên”), bời bời, đời đời (“Có người gian ác bời bời/Thế mà giầu có đời đời phong quang”), thật thà, long đong (“Có người hiền hiếu thật thà/Thế mà khốn đốn cùng là long đong”), đùng đùng (“Dưới trên lửa chất đùng đùng), đằng đẵng (Một ngày đằng đẵng dài hầu muôn năm).
Những từ kép trên đây, có một số từ có hai phụ âm đầu giống nhau: nết na, thật thà, đằng đẵng; có từ giống nhau cả phụ âm đầu, nguyên âm và phụ âm cuối: bời bời, đời đời, đùng đùng; một số từ chỉ có chung nguyên âm và các phụ âm cuối: sắc mắc, liên miên, long đong. Dù cách cấu tạo như thế nào thì chúng đều có tác dụng làm tăng cường sắc thái biểu cảm của từ.
3. Cách dùng điệp từ, chữ đầu câu và chữ cuối câu
3.1. Cách dùng điệp từ
Cách dùng điệp từ đúng chỗ, đúng ngữ cảnh phản ánh tài năng sử dụng tiếng Việt của các tác giả văn học giai đoạn trung đại và cận đại ở Việt Nam. Điều này được thể hiện ở những tác phẩm có tính kinh điển của văn học Việt Nam: Truyện Kiều của Nguyễn Du, Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm, Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều,… Mặc dù Kinh Nhân quả diễn âm chưa được người đọc xếp vào loại tác phẩm văn học, nhưng trên thực tế, cách sử dụng phương tiện ngôn ngữ lại có giá trị văn học đáng chú ý. Điều đó được thể hiện ở các thủ pháp sử dụng công cụ từ ngữ, trong đó có cách dùng điệp từ. Ở đây, chúng ta thấy tổ Tính Định dùng điệp từ càng rất đắc địa:
Càng gian, càng giảo tâm hoài,
Lại càng khốn đốn nhiều tai lo sầu.
Ba chữ càng nếu đứng riêng ở ba văn cảnh khác nhau thì không có gì đáng bàn, nhưng chúng cùng có mặt trong một câu lục bát thì lại tạo nên sắc thái tu từ có đẳng cấp cao, nó phản ánh được tư tưởng: sự gian giảo cấu kết với nhau và ở mức độ cao thì sự khốn đốn vì lo sầu lại càng cao gấp nhiều lần.
3.2. Cách dùng chữ đầu câu
Nếu ở nhiều văn bia, người soạn thường bắt đầu bằng chữ “phù” thì ở đây tổ Tính Định dùng cụm từ Ấy là có ý nghĩa như là khép lại đoạn văn ở đoạn trước và đưa ra một tiểu kết:
Ấy là quả trước còn sang,
Ác này chưa đến, tội đàng chưa ra.
Ấy là tội trước chưa xong,
Quả lành chưa chín để dùng về sau.
Cũng tương tự như vậy, cụm từ Còn như ở đầu câu lại có tính chất như là bắt đầu thể hiện một luận điểm mới:
Còn như súc sinh mọi loài,
Trâu, bò, gà, lợn người đời mắt trông.
3.3. Cách dùng chữ cuối câu
Ngày xưa, người Hán, người một số nước sử dụng văn tự Hán và người Việt dùng chữ Hán Việt và chữ Nôm đều chưa biết dùng các loại dấu chấm câu, chưa biết xuống dòng mà cứ viết liền một mạch từ đầu đến cuối văn bản. Đối với văn tự Hán, dựa vào nội dung, mạch văn và các từ giả, dã, yên, hỹ, tai, hồ, viết mà sau này người đọc biết được khi nào thì dùng dấu chấm (.), khi nào dùng dấu hai chấm mở ngoặc kép (: “), khi nào dùng dấu phẩy (,), khi nào dùng dấu chấm than (!), khi nào thì dùng dấu chấm hỏi (?), khi nào thì xuống dòng,…
Riêng đối với cách diễn đạt bằng chữ Nôm, các cụ vận dụng cách nói dân gian để thể hiện dấu hiệu câu nói mang tính khẳng định. Đó là cách dùng chữ đâu. Chẳng hạn: “Kiến trong miệng chén có bò đi đâu” (Nguyễn Du, Truyện Kiều). Về kỹ năng dùng chữ đâu để thông báo thông điệp mang tính khẳng định trong bản diễn âm của mình, tổ Tính Định sử dụng rất hiệu quả:
Rõ ràng thiện ác mọi bề,
Nhân nào quả ấy chẳng hề sai đâu.
Cũng như cách dùng chữ đâu ở cuối câu, trong Kinh Nhân quả diễn âm, tổ Tính Định còn vận dụng cụm từ mà thôi ở cuối câu theo cách nói dân gian một cách đắc địa:
Tu thời muôn kiếp được vinh,
Há như dương phúc chung mình mà thôi.
4. Cách diễn đạt dân gian
4.1. Thể hiện sự hiểu biết về bộ môn logic hình thức
Trong Kinh Nhân quả diễn âm, Tổ Tính Định đã sử dụng kỹ năng định nghĩa sự vật khi ngài muốn thể hiện quan niệm của mình về thế giới hiện tượng:
Tâm ta là đất trồng sen,
Miệng ta là nước tưới liền tốt xanh.
Tổ Tính Định thể hiện khi trình bày sự việc có ý nghĩa lựa chọn:
Hoặc vào địa ngục súc sinh,
Hoặc là ngã quỷ liều mình cũng thôi.
4.2. Cách dùng thành ngữ
Thành ngữ là một thể loại văn học, thể hiện sự tổng kết của dân gian, mang ý nghĩa khuyên răn, dạy bảo về nếp ăn ở, phép đối nhân xử thế, những kinh nghiệm trong làm ruộng, trong sinh đẻ,… dưới hình thức một cụm từ hoặc một câu văn ngắn gọn. Hiểu được giá trị và lợi thế của tục ngữ, trong bản diễn âm của mình, tổ Tính Định đã sử dụng một số thành ngữ rất phù hợp, góp phần làm cho bản diễn âm thêm dễ hiểu, dễ đi vào lòng người, được phật tử dễ ghi nhớ. Đó là những câu thành ngữ: Ngựa qua cửa sổ trong câu:
Cách đời chóng đã như chơi,
Ngựa qua cửa sổ đến nơi mấy giờ.
Hoặc Cái kim sợi chỉ trong câu:
Dẫu đồ nhỏ nhặt kinh doanh,
Cái kim sợi chỉ thời mình lo âu.
Hoặc Thuốc đắng tật dã (hiện tượng đảo từ trong câu thành ngữ Thuốc đắng dã tật), Mật ngọt chết bao nhiêu ruồi (hiện tượng thêm hai chữ bao nhiêu, nhưng không làm thay đổi ý nghĩa của câu thành ngữ trong dân gian: Mật ngọt chết ruồi) trong câu:
Thuốc đắng tật dã thế nào,
Cũng như mật ngọt chết bao nhiêu ruồi.
4.3. Cách dùng hình ảnh
Thủ pháp nghệ thuật dùng hình ảnh để thể hiện tâm lý nhân vật là cách thường thấy của các tác gia văn học. Tuy Kinh Nhân quả diễn âm chỉ được nhìn nhận với tư cách là một bản kinh, nhưng cách mà dịch giả dùng hình ảnh ở đây lại tỏ ra có giá trị văn học thực sự. Đó là những tóc tơ, bú ẵm ở đoạn dưới đây:
Xin người nghĩ lại tóc tơ,
Thân kia đã mất bao giờ được thân.
Nghĩ rằng tội nhỏ làm thinh.
Tóc tơ chất chứa cũng thành tội to.
Niệm Phật tưởng Phật ngày ngày,
Thật là bú ẵm thân này lớn ra.
Tóc tơ là hình ảnh của sự vật mảnh mai, nhỏ bé; về hành động, đó là cách thể hiện của sự tỷ mỷ, ân cần; bú ẵm thể hiện sự nuôi dưỡng chu đáo,… Những từ này khi được sử dụng trong Kinh Nhân quả diễn âm đã làm tăng sự chú ý của người tụng đọc kinh đó, và do đó, nó giúp cho sự ghi nhớ của người tụng đọc thêm sâu sắc.
4.4. Cách diễn đạt làm sâu sắc hoá sắc thái tu từ
Người Việt có nhiều cách diễn đạt tư tưởng bằng ngôn ngữ, văn tự, trong đó có những cách diễn đạt có tác dụng làm sâu sắc hoá sắc thái tu từ của từ, trong đó có cách đặt hai từ ở thế đối nhau. Trong bản diễn âm của mình, tổ Tính Định đã sử dụng thành công thủ pháp nghệ thuật đó. Chẳng hạn, ngài đã sử dụng thế đối trong cụm từ: Tai kia vạ nọ (trong câu “Tai kia vạ nọ thời thường xông pha), hoặc dùng thủ pháp tách đôi từ kép kinh hoàng trong cụm từ những kinh cùng hoàng, tạo cho câu kinh có sức biểu đạt rất mạnh:
Giết bao đền bấy mới thanh,
Làm người non yểu, những kinh cùng hoàng.
Hoặc tách từ đôi càn rỡ để cấu tạo thành cụm từ mang ý nghĩa biểu đạt mạnh hơn: Ăn càn ở rỡ (trong câu Ăn càn ở rỡ đến cho khổ dài).
Để tạo cho câu kinh có sức biểu đạt mạnh, tổ Tính Định còn khéo léo dùng điệp từ ở cuối câu khiến cho người tụng đọc có cảm tưởng sự trừng phạt đối với người mắc tội lỗi như càng đáng sợ hơn:
Mỗi người một tội âm trầm biết bao.
Tung lên ném xuống đùng đùng,
Hoặc để tạo cảm giác hãi hùng đối với người bị trừng phạt do mắc tội lỗi ở cõi trần, bản kinh dùng các điệp từ thăm thẳm, mờ mờ (trong câu “Ngày dài thăm thẳm, mờ mờ”), ngày ngày (trong câu “Miệng nóng như lửa, ngày ngày khát khao”). Hoặc dùng từ láy lở loét (trong câu “Quỷ thời lở loét quanh thân”), hoặc dùng từ điệp ý: hôi thối (trong câu “Lông da hôi thối như phần đống tro). Ở đây, hôi và thối đều là những từ chỉ một loại mùi khó chịu, nhưng khi chúng xuất hiện với tư cách là một từ gép thì sắc thái tu từ có biểu cảm mạnh mẽ hơn.
4.5. Cách gieo vần
Kinh Nhân quả diễn âm được tổ Tính Định thể hiện bằng thơ lục bát. Thơ lục bát có nguyên tắc bằng trắc nghiêm ngặt và có hai cách gieo vần là vần lưng và vần chân. Do nguyên tắc chặt chẽ đó, cũng như một số truyện Nôm khuyết danh (Thạch Sanh, Hoàng Trừu, Phạm Tải Ngọc Hoa,…), cách gieo vần trong Kinh Nhân quả diễn âm đôi khi cũng bị ép vận. Chẳng hạn:
Thấy người đói khát ở đâu,
Bây giờ thí một, rồi hầu được trăm
Lại như ác báo về sau,
Có chùa có tượng không hầu đèn hương.
Có người phúc hưởng dài lâu,
Trăm nghìn kiếp nữa còn hầu chưa thôi.
Phận mình giàu có đến đâu,
Cũng như nước sũng quá hầu tràn đi
Vào chùa lớn tiếng khinh Sư,
Cởi trần múa hét với như đánh người
Người nào rượu thịt ăn gần,
Ở chùa dâm dục, hoặc phần trăng hoa.
Người nào chẳng học văn Kinh,
Chẳng kính thiện hữu lại rình gièm chê
Địa ngục hắc ám phải về,
Sinh ra hèn hạ, lại bề thanh manh
Người nào chốc lở mình ra,
Bởi xưa hay đánh oan hòa chúng sinh.
Ăn ăn uống uống liền liền,
Thân sau đói khát nhiều miền bệnh nhân.
Hủy báng Tam Bảo nữa mà,
Đui mù câm điếc lâu đà khổ thân.
Chung quanh tám vạn dặm dày,
Thành toàn những sắt cao nay muôn trùng.
Cứ nha, hỏa tượng, bác bì,
Hỏa lang, thiên cước, cùng thì hoạch thang.
Tham ăn tiếc lận tư tài,
Rồi làm ngã quỷ thân đời bẩn dơ.
Tuy nhiên, có lẽ cũng chính hiện tượng ép vần này, mà Kinh Nhân quả diễn âm gần gũi với tín đồ phật tử của những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở các vùng nông thôn hơn và nó gần gũi với văn học dân gian hơn.
4.6. Cách dùng các loại tính từ chỉ phẩm chất, trạng từ chỉ mức độ
Trong kho tàng tiếng Việt, có nhiều loại tính từ chỉ phẩm chất, các loại trạng từ chỉ mức độ,… Những từ loại đó được vận dụng nhiều vào các thể loại văn học. Là văn bản diễn Nôm một bản kinh Phật, Kinh Nhân quả diễn âm cũng được tổ Tính Định sử dụng rất thành công các phương tiện ngôn ngữ đó. Đó là cách dùng từ xấu xí và đen xì. Trong tiếng Việt, chữ xấu có khả năng kết hợp với nhiều từ đơn khác để tạo ra nghĩa mới rộng hơn, như: xấu xa, xấu chơi, xấu trai, xấu xí. Khi nói xấu xí thì mức độ xấu nổi bật hơn, rõ hơn. Cũng tương tự như vậy, từ đen cũng có khả năng kết hợp với nhiều từ đơn khác để tạo nghĩa mới, như: đen nhẻm, đen thui (“Đen thủi đen thui cũng lụa là”- Tú Xương), đen kịt (“Thành thì đen kịt, Đốc thì lang”- Tú Xương), đen xì,… Ở đây, tổ Tính Định dùng từ đen xì đứng sau chữ xấu xí để chỉ mức độ xấu xí hết chỗ nói của những người mà kiếp trước thường mắc lỗi thường xuyên giận dỗi:
Người nào xấu xí đen sì,
Bởi xưa giận dỗi mãi thì chẳng thôi,
4.7. Cách dùng từ ngữ của dân gian
Để làm giàu vốn từ cho mình, những nhà trước tác phải không ngừng học tập cách nói của dân gian. Sinh thời, Đại thi hào Nguyễn Du đã từng viết: Thôn ca sơ học tang ma ngữ (ngày nhỏ ta đã học được trong lời hát của những người trồng dâu, trồng gai ở thôn quê). Học tập những người đi trước, tổ Tính Định trong bản diễn âm của mình đã sử dụng một cách thích hợp cách nói của dân gian, khi ngài dùng rất đúng chỗ những từ: lắm điều, chùa chiền, còn lâu, nhịu trong đoạn:
Đa dâm thời phải làm hươu.
Ác độc làm rắn, lắm điều làm chim.
Chiếm xâm lấy của chùa chiền,
Đọa đầy địa ngục tội đền còn lâu.
Người nào câm ngọng nhịu lời,
Bởi xưa phỉ báng những người phải chăng.
Tóm lại, tìm hiểu thân thế và sự nghiệp của thiền sư Tính Định có thể được thực hiện từ nhiều góc độ khác nhau, từ nhiều phương diện khác nhau. Xuất phát từ mục đích tìm hiểu tư tưởng của thiền sư Tính Định trên phương diện sử dụng phương tiện ngôn ngữ dân tộc trong một bản kinh (Kinh Nhân quả diễn âm) để góp phần làm rõ thêm ý thức dân tộc của một vị thiền sư có nhiều công lao trong việc hoằng dương Phật pháp và truyền bá kinh điển Phật giáo ở nước ta cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn quý vị thấy được sự trân trọng ngôn ngữ dân tộc, thông qua khả năng sử dụng thể thơ lục bát, chữ Nôm cổ, cách sử dụng tiếng nói hàng ngày trong dân gian,… của thiền sư Tính Định, từ đó góp thêm tiếng nói cần bảo tồn và phát huy những di sản mà tổ Tính Định đã để lại cho hậu thế.
Nguyễn Quang Khải – Nguyên Phó ban Tôn giáo, Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2022