Ý nghĩa vô thường
Vô thường là định luật chi phối tất cả mọi hiện tượng sự vật từ thân, tâm cho đến hoàn cảnh. Hiểu được vô thường, chúng ta sẽ bình thản trước những biến chuyển đổi thay của cuộc đời, không còn đau khổ trước cảnh tử biệt sinh ly.
Đời là một giấc mộng, một đám sương mù, một làn điện chớp vụt qua rồi biến mất trong tích tắc. Mạng người cũng vậy, muôn vật cũng thế tất cả đều tuân theo một quy luật chung của vũ trụ, nó không đứng yên hay trường tồn mãi trên thế gian này. Vậy mà biết bao người cứ mãi đắm say trong lạc thú, cho rằng cuộc sống này là trường tồn vĩnh cửu, là hạnh phúc an vui, đến một lúc nào đó chúng ta nhắm mắt lìa đời thì sắc thân này cũng trở về cát bụi.
Đức Phật là bậc toàn giác, Ngài đã dùng pháp vô thường chỉ cho chúng sanh thấy rõ để tìm con đường cứu cánh cho mình, cho người thoát khỏi sanh tử khổ đau. Vậy vô thường là gì?
“Vô” là không, “Thường” nghĩa là thường còn. Vô thường nghĩa là không thường còn, không đứng yên một chỗ, dù nhỏ bé như hạt cát hay lớn như sơn hà đại địa cũng phải chịu sự tan rã và biến hoại của thời gian.
Đức Phật dạy: “Tất cả những gì trên thế gian này đã biến đổi, hư hoại đều là vô thường.”
Khi nói đến Vô thường chúng ta đề cập đến ba yếu tố đó là: Thân vô thường, Tâm vô thường và hoàn cảnh vô thường.
1. Thân vô thường
Trong Kinh Pháp cú Đức Phật có dạy:
“Thân này có gì quý
Đồ dơ luôn chảy hoài
Bị bệnh tật phủ vây
Phải chiụ họa già chết”
Hãy ngẫm lại xem, từ lúc chúng ta được sinh ra và lớn lên có ai trẻ mãi không già hay sống hoài không chết?
Cái thân ngày hôm qua đâu phải là cái thân ngày hôm nay, chính sự già nua, bệnh tật không hẹn cùng người, sớm còn tối mất như đóa phù dung thì làm sao gọi là thường được.
Là con người ai cũng có cái sắc thân tạm gọi là sở hữu của chính mình. Cái sắc thân do tinh cha, huyết mẹ tạo thành. Cho nên trong Quy Sơn Cảnh Sách có dạy: “Phù nghiệp hệ thọ thân, vị miễn hình lụy. Bẩm phụ mẫu chi di thể, giả chúng duyên nhi công thành, tuy nải tứ đại phò trì thường tương vi bội…..”.
Vì nghiệp lực kết buộc mà thọ thân này, thì chưa ai thoát ra ngoài cái lụy của hình hài do cha mẹ sinh ra, rồi vay mượn những yếu tố liên quan mà thành nên chúng luôn đối nghịch và xung khắc lẫn nhau“ Vô thường lão bệnh, bất dữ nhơn kỳ, triêu tồn tịch vong, sát na dị thế. Thí như xuân sương hiển lộ thúc hốt tức vô, ngạn thọ tỉnh đằng, khởi năng trường cửu”.
Tuệ giác vô thường giúp ta bớt khổ thêm vui
Vô thường già bệnh, không hẹn với ai, sáng còn tối mất, chỉ một sát na đã qua đời sau, khác nào sương mùa xuân, cây bên bờ, dây bên giếng. Sự thay đổi của sắc thân này thật nhanh chóng, cứ một ngày trôi qua ta lại già đi một ít, cứ một năm trôi qua ta lại thêm một tuổi, điều đó có nghĩa là cái chết đã sắp gần kề. Nhận thức được điều đó, chúng ta sẽ không còn cung phụng cái thân giả huyễn này, từ đó có một cách nhìn đúng đắn về vô thường.
2. Tâm vô thường
Cũng giống như thân, tâm cũng vô thường biến chuyển một cách nhanh chóng, mau lẹ và tinh vi hơn. Đức Phật dạy: “ Tâm viên ý mã”, có nghĩa tâm chúng ta cũng giống như vượn chuyền cành, như ngựa rong chơi. Khi cảm giác này, lúc trạng thái khác, niềm vui này rồi nỗi buồn kia cứ len lõi trong tâm, theo từng trạng thái khác nhau: Hỷ, nộ, ái, ố … giống như một dòng nước chảy xiết, đổi thay nhanh chóng, liên tục và không ngừng nghỉ. Ngài Quy Sơn dạy: “ Niệm niệm tấn tốc, nhất sát na gian, chuyển tức tức thị lại sanh, hà nải yến nhiên không quá”. Nghĩa là ý nghĩ này nối tiếp ý nghĩ khác, chuyển biến một cách liên tục trong từng sát na, vậy mà đôi khi chúng ta lại quên đi những ý niệm trong tâm, không biết nó đổi thay sinh diệt. Mới lúc sáng chúng ta tinh tấn tu hành, mà chiều đã buông lung giải đãi, khi mới bước chân vào chùa thì quyết tâm nổ lực, giữ được sơ tâm ban đầu, mà không bao lâu lại thối tâm chuyển ý. Thế mới biết rằng tâm ý thay đổi khôn lường.
“Con người ý vọng gồm hai
Khi buồn, khi giận đổi thay khôn lường”
Những sự khen, chê, yêu, ghét, buồn, vui, hạnh phúc, khổ đau…. ở đời là những thứ không thật có. Chỉ một chiếc là vàng rơi chầm chậm giữa chiều thu cũng đủ để lòng người man mác. Chỉ một ít màu sắc và hương thơm cuả loài hoa dại cũng làm cho ta sanh tâm yêu thích. Chỉ một chút trái ý nghịch lòng cũng đủ làm phiền não, sân si, thế mới biết tâm con người luôn bị các cảnh trần chi phối. Một khi nhận thức được điều đó, chúng ta sẽ không còn bị các ý niệm buồn vui chi phối, từ đó có một cuộc sống an lạc hạnh phúc trên cõi đời này.
3. Hoàn cảnh vô thường
“Vật đổi, sao dời” là thành ngữ để chỉ cho sự thay đổi của vạn vật trong vũ trụ, tất cả đều tồn tại trong quy luật sinh, trụ, dị, diệt hay thành, trụ, hoại, không. Nghĩa là sanh ra tồn tại, hư hoại và mất đi. Trong Kinh Bát Đại Nhân giác, Đức Phật dạy: “ Thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy, tứ đại khổ không, ngũ ấm vô ngã, sinh diệt biến dị, hư ngụy vô chủ…”. Nghĩa là cuộc đời vô thường, cõi nước mong manh, bốn đại là khổ, năm ấm là không có cái ta, không có chủ thể, nó thay đổi, vận động theo quy luật của vũ trụ.
Thế mới biết “Sơn hà đại địa”, “Thương hải tang điền” bãi dâu hóa thành ruộng dâu, nhà cửa, đền đài, cung điện…biến đổi chỉ trong phút chốc.
Cho nên Đức Phật dạy, ở đời có bốn việc không thể tồn tại lâu dài, bốn việc đó là gì?
1. Trường tồn phải hoại diệt
2. Giàu sang phải nghèo hèn
3. Hòa hợp phải tan hoại
4. Khỏe mạnh rồi phải chết
Đời người cũng thế, ai trong chúng ta cũng từng chứng kiến biết bao sự thăng trầm vinh nhục, giàu sang nghèo hèn….hiện ra trước mắt chúng ta như một bức tranh vân cẩu. Bao nhiêu người quyền cao chức trọng, hống hách nghênh ngang, thế mà chỉ trong một phút không làm chủ được lòng tham, phải lâm vào cảnh ngục tù lao lý. Bao nhiêu người trước đây dinh thự nguy nga, ruộng vườn cò bay thẳng cánh….thế mà trong một phút sa cơ thất thế, sự nghiệp tan tành theo mây khói.
Tóm lại, vô thường là định luật chi phối tất cả mọi hiện tượng sự vật từ thân, tâm cho đến hoàn cảnh. Hiểu được vô thường, chúng ta sẽ bình thản trước những biến chuyển đổi thay của cuộc đời, không còn đau khổ trước cảnh tử biệt sinh ly. Thấy được vô thường con người dám hy sinh tài sản, sinh mạng của mình để làm nhiều việc có ý nghĩa thiết thực, ngộ được vô thường chúng ta mới không còn đam mê những thú vui tạm bợ. Biết tu tập chuyển hóa tự thân, chuyển mê thành ngộ, chuyển phàm thành Thánh, có như thế chúng ta mới hướng đến một đời sống tâm linh cao thượng.