Ý nghĩa và cách cúng thí thực tại tư gia

Ảnh minh họa

Vào mùa Vu lan tháng Bảy năm nay tôi muốn phát tâm cúng thí thực tại tư gia. Hiện tôi cũng chưa rành nên rất mong được quý Báo hướng dẫn để biết rõ ràng về ý nghĩa cũng như phương cách cúng thí này?

(TÀI PHẠM, ptai35…@gmail.com)

Bạn Tài Phạm thân mến!

Người Phật tử thực hành từ bi, mở rộng tấm lòng, nguyện yêu thương hết thảy chúng sinh. Trong lục đạo, ngạ quỷ là loài luôn bị đói khát hành hạ do nghiệp nhân bỏn sẻn, keo kiệt, tham ái đã gây tạo trước đó. Cúng thí thực là phát tâm từ bi, bố thí các vật thực cho loài ngạ quỷ đang đói khát được no đủ. Cùng với việc cho ăn uống, loài ngạ quỷ còn có cơ hội được nghe kinh pháp, nhờ đó mà được khai ngộ. Những người phát tâm thực hành thiện pháp bố thí này – mở rộng lòng thương giúp cho loài ngạ quỷ bớt đói khổ và trợ duyên cho họ được nghe giáo pháp – sẽ thành tựu công đức phước báo vô lượng.

Về phương cách cúng thí thực, trước là mua sắm lễ vật, sau đó là thành tâm tụng kinh chú nguyện. Lễ phẩm để cúng thí thực chủ yếu là thực phẩm, cơm cháo đồ ăn thức uống, kẹo bánh nói chung cùng với hương, đèn, hoa, trái. Đây là những lễ vật căn bản. Một số nơi còn thêm gạo, muối, cau, trầu, thuốc lá, trà (rượu) v.v…, nói chung là tùy tâm, có gì cúng nấy. Cần lưu tâm là người Việt rất chuộng cúng giấy tiền vàng mã trong lễ này.

Theo quan điểm Phật giáo, vật thực ăn uống là lễ phẩm chính, ngạ quỷ thọ dụng được. Còn giấy tiền vàng mã là lễ phẩm được tín ngưỡng dân gian thêm vào trong lễ phẩm cúng thí thực. Sau khi hóa vàng người ta tin rằng “người âm” sẽ nhận được tiền bạc, áo quần, nhà cửa, xe cộ. Thực chất thì loài ngạ quỷ không thọ dụng được vàng mã vì “không tương ưng xứ”. Do vậy, người Phật tử khi cúng thí thực không nên sắm lễ vàng mã, nếu ai chưa hiểu rõ Phật pháp, cảm thấy không yên tâm thì có thể sắm một ít cho có lễ mà thôi.

Sau khi sắm sanh lễ vật cúng thí đầy đủ, hợp thời là vào buổi chiều hoặc tối, đặt bàn cúng ngoài hiên hoặc sân (mặt người cúng hướng ra ngoài), đốt hương đèn, tụng niệm theo nghi thức Mông sơn thí thực. Nghi thức này thường có trong các kinh Nhật tụng (nếu không có kinh Nhật tụng thì vẫn dễ dàng tìm thấy nghi thức này trên mạng). Khi tụng niệm cần nhất tâm, tụng đọc rõ ràng (để tất cả được nghe lời Phật dạy) và thầm mong cho các ngạ quỷ đói khổ được no đủ. Nếu chưa quen, bạn có thể thành tâm khấn nguyện, lòng bạn như thế nào thì khấn nguyện như thế nấy. Tâm thành thì sự thành.

Nhân dịp này, cần tham dự các lễ cầu siêu cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ; tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, các bậc tiền bối hữu công. Nếu có điều kiện thì nên tùy duyên bố thí cho người nghèo ở địa phương, thăm viếng và hỗ trợ các trung tâm bảo trợ xã hội, giúp đỡ những người già cô độc, người cơ nhỡ, các cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi v.v…

Mùa lễ hội Vu lan là mùa báo hiếu, tri ân và báo ân, nói rộng hơn là lễ hội tình người. Hiếu kính cha mẹ, thờ cúng tổ tiên, mở rộng tình thương bố thí giúp đỡ mọi người và mọi loài. Bố thí cho ngạ quỷ là một trong nhiều thể loại bố thí, thực hành từ bi và tùy duyên cứu giúp của người Phật tử. Không chỉ rằm tháng Bảy mà bố thí được tùy duyên thực thi trong đời sống hàng ngày. Hạnh bố thí của người Phật tử luôn đi liền với tuệ, thấy rõ lợi ích của việc đang làm, cầu mong cho mọi người và mọi loài được an vui.

Người Phật tử thực hành bố thí mà không mong cầu cho bản thân. Vì lòng thương mà thể hiện. Bố thí là thực hành xả buông, bắt đầu từ những vật ngoài thân rồi tiến dần đến buông bỏ chấp thủ tự ngã.

Chúc bạn tinh tấn!

Tổ Tư vấn Báo Giác Ngộ (tuvangiacngo@yahoo.com)