Ý nghĩa quá trình tìm đạo và tu chứng của Đức Phật

Khi tán thán Đức Phật, hàng đệ tử thường ca ngợi Ngài là bậc tự mình giác ngộ, không thầy chỉ dạy. Tuy nhiên, lời tán thán ấy chắc hẳn cũng khiến không ít người băn khoăn về quá trình xuất gia tìm đạo, sự tự tu và tự chứng của Ngài…

Xuất gia tìm đạo

Quyết chí xuất gia

Đức Phật là Thái tử Siddhāttha Gotama, con vua Suddhōdana, tiểu quốc Sakya. Là bậc vương giả, có tài sản, danh vọng, địa vị, gia đình… và trên hết là có cả một vương quốc, nhưng Ngài từ bỏ tất cả để xuất gia.

Ngài nhận thức rằng con người bị chi phối bởi sinh già bệnh chết, nhiễm ô… nên đi tìm cái chí thiện, vượt thoát sinh già bệnh chết. Kinh Thánh cầu ghi: “Khi Ta còn trẻ, niên thiếu, tóc đen nhánh, đầy đủ huyết khí của tuổi thanh xuân, …, Ta cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Ta xuất gia như vậy, một người đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ” (1).

Do xuất thân đặc biệt như thế, nên việc Thái tử xuất gia được đánh giá là sự từ bỏ hy hữu. Bởi khi đã có đời sống hưởng thụ dục lạc đủ đầy, mấy ai có thể từ bỏ? Ngược lại, với cái nhìn sâu sắc về cuộc sống, Bồ-tát nhận ra rằng chính lòng tham ái đời sống dục lạc đã trói buộc con người, trở thành tác nhân gây đau khổ. Vậy con đường nào giúp Ngài và nhân loại thoát khỏi khổ đau? Câu hỏi đó thôi thúc Ngài cất bước.

Tìm thầy học đạo

Sau khi xuất gia, Bồ-tát theo học với hai đạo sĩ nổi tiếng thời bấy giờ là Āḷāra Kālāma và Uddaka Rāmaputta. Ngài nhanh chóng thông suốt giáo lý và thành tựu các thiền chứng Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ của các vị thầy. Thấy được tố chất đặc biệt của Ngài, hai vị thầy đều mời Bồ-tát ở lại cùng lãnh đạo đồ chúng. Tuy nhiên, Ngài đã từ chối và tiếp tục ra đi tìm đạo. Bởi “Pháp này không hướng đến yểm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn” (kinh Thánh cầu) (2).

Tu tập khổ hạnh

Sau khi từ giã hai vị thầy, Bồ-tát đến rừng Khổ hạnh (xứ Uruvelā) tu tập khổ hạnh cùng năm vị đạo sĩ nhóm Kiều-trần-như. Thời bấy giờ, khổ hạnh được xem là cao thượng và tối thắng trong đời sống tôn giáo Ấn Độ. Ngài đã thực hành khổ hạnh, bần uế, yểm ly, độc cư tinh tấn vượt hơn các đạo sĩ cùng tu.

Tuy vậy, Bồ-tát đã nhận ra rằng: “Với sự khổ hạnh khốc liệt như thế này, vẫn không chứng được pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh” (Đại kinh Saccaka) (3). Ngược lại, một thể trạng kiệt quệ không thể nào đưa đến giác ngộ. Do đó, Ngài mạnh dạn từ bỏ phương pháp khổ hạnh mà mình đang thực hành. Trong kinh Pháp cú, Đức Phật dạy:“Dầu tại bãi chiến trường/ Thắng ngàn ngàn quân địch/ Tự thắng mình tốt hơn/ Thật chiến thắng tối thượng” (4). Quả thật, khi từ bỏ lối tu khổ hạnh mà mình đã theo đuổi suốt sáu năm dài, Ngài đã một lần nữa chiến thắng chính mình.

Tự tu và tự chứng

Rời Uruvelā, Bồ-tát dừng chân tại một khu rừng bên bờ sông Nerañjara, bắt đầu thiền định duới gốc cây assattha (bồ-đề). Từ những kinh nghiệm đã trải qua, Ngài nhận thấy cả dục lạc và khổ hạnh đều là những khuynh hướng cực đoan, do đó Ngài lựa chọn con đường Trung đạo. Về sau, kinh nghiệm nầy được Đức Thế Tôn nhắc lại trong kinh Chuyển pháp luân: “Có hai cực đoan này, này các Tỷ-kheo, một người xuất gia không nên thực hành theo. Thế nào là hai? Một là đắm say trong các dục, hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích. Hai là tự hành khổ mình, khổ đau, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích. Tránh xa hai cực đoan này, này các Tỷ-kheo, là con đường Trung đạo” (5).

Dưới cội bồ-đề, Bồ-tát nhớ lại kinh nghiệm Sơ thiền (xảy ra trong lễ Hạ điền thời thơ ấu), sau đó lần lượt trải qua Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Tiếp đến, Ngài phát huy thiền quán, đoạn trừ hết kiết sử, đạt được Túc mạng minh, Thiên nhãn minh, Lậu tận minh. Đêm trăng tròn tháng Vesākha (tháng Tư âm lịch), Thái tử Siddhāttha Gotama chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác vào năm 35 tuổi. Sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng, nó đánh dấu con người trở thành bậc Giác ngộ, đồng thời mở ra con đường giải thoát cho chúng hữu tình có cơ hội bước qua một cách bình đẳng. Con đường ấy chính là “Vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ”.

Cần lưu ý rằng, từ nền tảng của Tứ thiền và Tứ định, Ngài dùng tuệ quán để phá trừ kiết sử mà đắc quả Chánh đẳng giác. “Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy” (Đại kinh Saccaka) (6), Ngài lần lượt dẫn tâm và hướng tâm đến thành tựu Tam minh.

Điều này cho thấy, tuệ giác mới thật sự là yếu tố quan trọng hàng đầu trong tiến trình giải thoát của đạo Phật. Đức Thế Tôn không thừa nhận mình là thần linh, có thể chứng đạo thông qua các yếu tố huyền bí, trái lại Ngài nhấn mạnh đạo quả giác ngộ đến từ sự nỗ lực tự thân với trí tuệ sáng suốt. Bên cạnh đó, giác ngộ là tiến trình diễn ra tuần tự, sau khi trải qua bốn tầng thiền, Ngài lần lượt chứng đắc Tam minh.

Sau khi giác ngộ, Đức Phật không đặt con người ở vị thế quỵ lụy trước đạo quả của mình, trái lại Ngài khẳng định ai cũng có khả năng giác ngộ. Đối với đạo Phật, con người là đối tượng trung tâm trong lộ trình tu tập, kết quả tốt hay xấu hoàn toàn phụ thuộc vào chính mình. Trong kinh Pháp cú, Đức Thế Tôn dạy: “Tự mình làm điều ác/ Tự mình làm nhiễm ô/ Tự mình không làm ác/ Tự mình làm thanh tịnh/ Tịnh, không tịnh tự mình/ Không ai thanh tịnh ai” (7).

Tuy nhiên, không phải ai tu tập đều đạt kết quả như nhau, mà phụ thuộc vào nghiệp lực và sự tinh tấn của mỗi người. Đức Thế Tôn nêu lên ví dụ rằng, không phải ai được chỉ đường đi đến thành Rājagaha (Vương Xá) đều có thể đi đến được, ở đây cũng vậy, Như Lai chỉ là người chỉ đường (kinh Gaṇaka Moggallāna) (8).

Giáo pháp Thế Tôn cũng như chiếc bè, nếu sử dụng đúng chức năng thì sẽ phát huy hiệu quả. Chiếc bè có công dụng đưa người qua sông, không phải để vác trên vai, đội trên đầu, di chuyển trên đường bộ… Nói cách khác, không phải cứ mang chiếc bè khư khư bên mình mọi lúc mọi nơi. Trong kinh Ví dụ con rắn, Đức Phật tuyên bố: “Ta thuyết pháp như chiếc bè để vượt qua, không phải để nắm giữ lấy. Chư Tỷ-kheo, các ông cần hiểu ví dụ cái bè… Chánh pháp còn phải bỏ, huống nữa là phi pháp” (9).

Đức Phật là bậc đạo sư lớn của nhân loại. Người đời sau ghi nhận về cuộc đời Ngài qua cả hai phương diện lịch sử và huyền sử. Đó cũng là điểm chung đối với các danh nhân tôn giáo lỗi lạc trên thế giới xưa nay. Tạm gác qua những yếu tố huyền sử, lịch sử của Ngài đã để lại nhiều bài học sâu sắc.

Khi nhận thấy phương pháp tu tập không phù hợp, chưa đi đến mục đích rốt ráo, chúng ta cần mạnh dạn từ bỏ thay vì cố gắng bám níu vô ích. Sự giác ngộ phụ thuộc vào nỗ lực thiền định và thiền tuệ của chính mình.

Có thể nói, cuộc đời Đức Phật là sự từ bỏ vĩ đại. Lúc mới xuất gia, Ngài từ bỏ vị trí lãnh đạo tôn giáo vì đó không phải mục đích tối thượng. Lúc tu khổ hạnh Ngài từ bỏ phương pháp sai lầm vì nó không đưa đến mục đích tối thượng. Khi đạt được mục đích tối thượng thì Ngài không vướng bận vào những gì đã chứng ngộ, tận lực thuyết pháp độ sinh cho đến ngày nhập Vô dư Niết-bàn.

1. Kinh Trung bộ (2012), Tập I, Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, tr.214.

2. Kinh Trung bộ (2012), Tập I, Sđd, tr.217.

3. Kinh Trung bộ (2012), Tập I, Sđd, tr.306.

4. Kinh Tiểu bộ (2015), Tập I, Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, tr.56.

5. Kinh Tương ưng bộ (2013), Tập II, Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, tr.783.

6. Kinh Trung bộ (2012), Tập I, Sđd, tr.307.

7. Kinh Tiểu bộ (2015), Tập I, Sđd, tr.65.

8. Kinh Trung bộ (2012), Tập II, Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, tr.329.

9. Kinh Trung bộ (2012), Tập I, Sđd, tr.179.

Vĩnh Thông