Ý nghĩa Giới Định Tuệ trong truyền thống Hệ phái Khất sĩ – HT. Giác Thành

Sáng mùng 04/9/ Nhâm Dần (29/9/2022), ngày tu thứ 2 của khóa tu Giới Định Tuệ, lần thứ nhất của Giáo đoàn III, được tổ chức tại Tịnh xá Ngọc Đà (TP. Đà Lạt), HT. Giác Thành – Giáo phẩm Hệ phái, Tri sự phó kiêm Trưởng ban Tăng sự GĐ III đã chia sẻ pháp thoại với chủ đề: “Ý nghĩa Giới Định Tuệ trong truyền thống Hệ phái Khất sĩ.”

Ba môn học Giới Định Tuệ là con đường đi đến giác ngộ và giải thoát. Chính vì thế, đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã lấy đó làm tông chỉ tu tập cho Hệ phái.

Bước đầu trước khi thành đạo, đức Thế Tôn cũng lấy ba pháp ấy làm đường hướng tu tập và hướng dẫn cho Tăng đoàn. Nhưng về sau, theo nhân duyên và căn cơ, trình độ của mỗi người, Ngài mới nêu lên tám vạn bốn ngàn pháp môn để phù hợp với tất cả chúng sanh, mở ra nhiều con đường nhưng cùng về một đích đến đó là giải thoát.

Rời bỏ cuộc sống xa hoa, đền đài, cung điện nguy nga lộng lẫy, Thái tử Tất-đạt-đa khoác lên mình tấm y ca-sa, rũ bỏ râu tóc trở thành một vị Sa-môn. Trải qua 6 năm tu khổ hạnh rừng già, 49 ngày thiền định dưới cội Bồ-đề và suốt 49 năm hoằng pháp độ sinh muôn nơi, đạo Phật được truyền bá rộng rãi, từ vùng đất Ấn Độ sang Trung Hoa rồi đến Việt Nam. Giáo pháp của Ngài len lỏi khắp mọi miền tổ quốc và đến miền Nam Việt Nam. Nơi đây, thời bấy giờ, đức Tổ sư Minh Đăng Quang được sinh ra đời với ý chí tầm sư học đạo để đi tìm chân lý, tìm cầu sự giác ngộ giải thoát.

Thầm nhuần tư tưởng tam giáo: đạo Khổng – đạo Lão – đạo Phật, người thanh niên năm ấy đã chọn giáo lý Phật giáo làm con đường để đạt được mục tiêu, chí nguyện cao đẹp của mình. Trải qua quá trình tầm sư học đạo, nghiên cứu hai hệ thống giáo lý Nam truyền và Bắc truyền Phật giáo và cuối cùng, Ngài đã chứng ngộ.

Với trí tuệ uyên bác và sự hiểu biết thâm sâu về những giáo lý Phật giáo của hai tông phái, Ngài đã nhận thấy được cốt lõi trong ấy không gì ngoài ba môn học Giới – Định – Tuệ và lấy đó làm then chốt cho mình và đoàn hậu học hành trì. Tôn chỉ của Hệ phái Khất sĩ là: “Nối truyền Thích Ca chánh pháp” cũng vì lẽ đó mà được thiết lập và lưu truyền mãi cho đến ngày nay.

“Sáng ra khuyến giáo độ đời,

Trưa về thọ thực, xế thời thuyết kinh,

Chiều khuya quán tưởng lặng thinh,

Nửa đêm nhập định, điển linh ngưng thần.”

Một ngày của đức Phật đều đặn như thế, các buổi trong ngày nếu không hoằng pháp độ sinh thì thiền định tu tập, tăng trưởng tâm lực, đạo lực và phát sinh trí tuệ. Không nằm ngoài tôn chỉ đã đề ra, đức Tổ sư Minh Đăng Quang cũng thực hành như thế và truyền dạy lại cho nhị Tổ, tam Tổ, các vị Trưởng lão… và cả Tăng đoàn Hệ phái cùng giữ gìn truyền thống tốt đẹp này.

Sau khi đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, từ năm 1954 đến năm 1955, chư vị đức Thầy cũng có thời gian nhập định tu tập ở nơi núi non trong vòng ba năm để tăng trưởng đạo lực, để đủ sức lan tỏa ánh đạo vàng của đức Tổ sư. Sau thời gian ba năm, các đức Thầy chia ra hành đạo ở khắp mọi nơi nhưng đều tôn trọng và giữ gìn truyền thống cơ bản này. Sáng đi khất thực gieo duyên cho nhân loại, trưa về thọ thực dưới gốc cây, chiều thuyết giảng kinh pháp, tọa thiền, khuya quán tưởng, nhập định,… tất cả những yếu tố này không chỉ giúp tăng trưởng năng lực tu tập của tự thân mà còn là nhân, là duyên để độ chúng sanh, khiến họ quy phục và tôn kính.

Từ những năm 1958, đức thầy Giác An, vị Tổ khai sáng Giáo đoàn III, một mình ra vùng đất Phan Thiết, tới động làng thiền. Theo người dân, nơi đây là nơi khai tử những người chống đối chính quyền, nên người mất rất nhiều. Đức Thầy một mình ở trên đồi ấy tọa thiền sáng và tối, trưa thì đi du hành khất thực. Điều này khiến người dân cảm nhận được năng lực tu tập, nể phục và tôn kính bậc đạo sư này. Mảnh đất ấy nay là Tịnh xá Ngọc Cát – Trung tâm Văn hóa Phật giáo của Hệ phái Khất sĩ, là nơi đầu tiên đức Thầy sáng lập. Sự kiện ấy nói lên rằng nhờ vào năng lực tu tập mà thu phục được quần chúng quy hướng Tam bảo. Do đó, Tổ sư luôn đề cao việc lấy giới luật làm thầy.

Các khóa tu trong Hệ phái được thường xuyên mở ra một mặt nhằm giữ gìn truyền thống tốt đẹp, mặt khác, đây là cơ hội tu tập cùng nhau, rèn luyện cho các vị Sa-di, tập sự, uốn nắn vào khuôn khổ tu tập, rèn luyện, mài giũa thân tâm với tông chỉ lấy Giới – Định – Tuệ làm thầy dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Thời bấy giờ, cứ ba tháng đổi Tăng một lần, rồi sáu tháng cho đến một năm nhân dịp lễ Tổ ngày rằm tháng Bảy họp Tăng một lần. Nên đức Thầy cho tập Sống chung tu học, đề cao giới luật, kể cả 10 giới của Sa-di cũng không được phạm phải. Từ năm 1964 đến năm 1974, đây là giai đoạn rõ nét nhất của Hệ phái Khất sĩ, mang đậm dấu ấn của việc “Lấy giới luật làm thầy.” Thành công vang dội thể hiện rõ ở việc Tăng đoàn Khất sĩ đi đến đâu, quần chúng nhân dân quy phục đến đấy, thấy Tăng cũng như thấy Phật, họ tiếp nhận sự thiêng liêng và thanh cao của một bậc Xuất sĩ tu hành.

10 năm tiếp theo, do hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ, Tăng đoàn không thể thực hành hạnh khất thực được nữa, Tăng chúng phải khép mình trong khuôn viên tịnh xá mà tu hành. Một số nơi đã thực hiện chủ trương “dĩ nông vi thiền” của Tổ Bách Trượng và “dĩ hòa vi quý”. Phương tiện trồng cây, làm ruộng, để duy trì cuộc sống hàng ngày nhưng vẫn không quên giới luật, cúng hội hàng tháng và một tháng khất thực một lần.

Những giới luật không phải ngẫu nhiên đức Phật đề ra, từ những sự việc thực tế, không làm phát triển đạo lực, tâm lực cho hàng đệ tử xuất gia cũng như tại gia mà Phật chế giới. Hàng Phật tử tại gia có ngũ giới, bát quan trai giới, thập thiện giới, Bồ-tát giới,… Chúng đệ tử xuất gia, từ 10 giới Sa-di, cho đến 250 giới của Tỳ-kheo và 348 giới của Tỳ-kheo-ni, nếu giữ gìn và tôn trọng giới thì đó chính là áo giáp bảo hộ cho tâm Bồ-đề của hai hàng đệ tử luôn kiên cố, thành tựu đạo nghiệp.

Để nhập đạo không phải ai cũng có đủ dũng khí cạo bỏ râu tóc, từ bỏ gia đình, gấm vóc lụa là, đầu trần chân đất, không còn lưu luyến gia đình người thân, xem huynh đệ, thầy tổ, đạo hữu là thân quyến, máu thịt của mình, từ bỏ luôn những chấp ngã, chấp kiến của mình, cho mình là đúng, là phải. Đặt cái tôi của mình xuống – đó không phải là điều dễ dàng nhưng không phải là không thể thực hiện.

Ngày nay, điều kiện hội đủ, chúng ta được tham dự những khóa Sống chung tu học, được cùng nhau tu tập, cùng nhau tinh tấn, chia sẻ kiến thức cho nhau để cùng phát triển, thúc liễm thân tâm. Đức Phật dạy “tự giác giác tha”, nếu bản thân mình không tự chiến thắng được chính mình, chiến thắng con ma giải đãi, ma buông lung làm sao có thể giúp người khác giác ngộ được. Sống chung tu học như vậy còn rèn luyện cho chúng ta được đức tính tàm quý, tự mình cảm thấy xấu hổ với đại chúng trong khi mọi người đều tinh tấn để thôi thúc bản thân nỗ lực hơn nữa.

Tổ sư dạy: “Giới như trái đất, định như cây trồng trên đất, huệ như trái cây” hay “giới năng sanh định, định năng phát tuệ, tuệ năng minh tâm, minh tâm kiến tánh là thành Phật” nhằm khẳng định tuệ là mục đích cứu cánh; muốn đạt đến tuệ phải có định, muốn định được tâm thì không gì ngoài việc giữ giới, thu thúc lục căn thanh tịnh. Có tám vạn bốn ngàn pháp môn tu tập, mỗi tông phái chọn cho mình một phương pháp phù hợp. Đối với đức Tổ sư, Ngài lấy giới luật làm đầu trong các pháp.

Là người xuất gia chúng ta phải luôn luôn chánh niệm tỉnh giác ngay cả khi ăn. Pháp ăn hòa chúng muôn người như một là một trong những truyền thống tốt đẹp và mang đậm nét bản chất của Hệ phái Khất sĩ, là một mô phạm đẹp cho mọi người hành theo; không chỉ thực tập chánh niệm, tỉnh giác trong từng hành động trộn đều thức ăn, đưa muỗng cơm lên, đưa vào miệng và nhai,… mà còn thể hiện sự không chấp vào mùi vị của thức ăn. Và trong khi ăn phải quán tưởng rằng:

“Thức ăn này từ đâu đem đến,

Phải chăng vì người mến đạo lành,

Thương ai chín chắn tu hành,

Thảo lòng nhịn miệng, kính thành kính dâng.

Tay thọ lãnh bâng khuâng tự nghĩ,

Xét lại mình thọ thí đáng không,

Món vay món trả phải đồng,

Người dâng vật quý là mong phước lành.”

Của cải vật chất không phải ai cũng dễ dàng đem ra bố thí. Vì vậy, người ta dâng cúng phẩm thực cho chúng ta thọ nhận, chúng ta phải trân quý và biết ơn, tinh tấn tu hành để hồi hướng công đức và gieo duyên lành với Tam bảo cho họ. Đức Tổ sư đã viết ba bài thọ bát đều nhắc đến công ơn ấy và nhắc nhở chúng đệ tử không được quên và phải nỗ lực, quyết chí tu hành cho đến ngày đạt đáo viên mãn.

Ngoài ra, các đại oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi của mỗi vị hành giả là đại diện cho tướng mạo của Tăng đoàn. Làm chủ được các oai nghi đồng thời quán tưởng bốn pháp Thường – Lạc – Ngã – Tịnh sẽ thấy được sự chơn thường, chơn lạc, chơn ngã, chơn tịnh trong các pháp.

Trong Kinh Bát-nhã có nói: “Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc.” Dụ như một bông hoa, dù cho có đẹp, có tỏa hương thì nó cũng sẽ tàn phai. Người ta ủ thành phân rồi lại nảy mầm nở thành hoa. Cũng vậy, trong thế giới bất tịnh nếu không nhận ra con đường giải thoát sẽ chỉ thấy khổ đau. Chung quy lại, thế giới bất tịnh, không nhận ra con đường giải thoát và khổ đau đều là vô minh. Chỉ khi chấm dứt vô minh, đạt đến chơn như thì sẽ không còn thế giới bất tịnh ấy, nhận chân ra được con đường giải thoát và an lạc hưởng Niết-bàn.

Như vậy, muốn đi vào định để phát tuệ chỉ bằng con đường giới luật. Tuệ phải có kiến giải thấy được cùng tột các pháp như huyễn ở thế gian. Vì thế có câu “Duy tuệ thị nghiệp” tức vốn liếng, tài sản duy nhất của người con Phật đó là trí tuệ được xây dựng nên từ ba chất liệu văn, tư, tu. Phải học, phải lắng nghe, phải suy tư về vạn vật và các pháp thì mới làm nền tảng, làm chất xúc tác cho tuệ phát sinh. Học không chỉ học những kiến thức nơi trường lớp mà phải có sự nghiên cứu, tìm tòi, suy ngẫm về Tam tạng kinh điển, học hỏi nơi Thầy Tổ của mình, sau đó thiền tọa đắc định, sinh ra tuệ giác chơn tâm. Có tuệ giác chơn tâm mới sinh ra cái thần, đạo lực thu phục ngoại đạo.

Tu tập phải trải qua quá trình công phu, công quả, bố thí, hành thiện,… mới đạt kết quả. Cũng như vậy, muốn thọ Cụ túc giới phải trải qua quá trình học giới và thọ giới Sa-di, và thuộc 250 giới Tỳ-kheo hoặc 348 giới Tỳ-kheo-ni thì mới chính thức trở thành một Sa-môn Thích tử, một phần của Tăng đoàn. Như vậy, chúng ta phải nỗ lực tinh tấn và tinh tấn hơn rất nhiều để tuệ giác được phát sinh. Không gì bằng việc chúng ta tinh tấn chiến thắng sự giải đãi của bản thân, tinh tấn học hỏi và tinh tấn tu hành thì đối với bậc thượng căn sẽ chứng quả A-la-hán ngay trong đời này, còn đối với bậc hạ căn sẽ được sống trong đạo pháp và chết trong đạo pháp ngay kiếp này và kiếp sau được bén duyên với Tam bảo từ rất sớm.

Kết thúc bài pháp, Hòa thượng nhắc lại về tầm quan trọng của Giới – Định – Tuệ, là nền tảng căn bản tạo đạo lực tu hành, đưa đến sự giác ngộ, giải thoát. Chính đức Phật không chỉ dùng thần thông hoằng pháp độ sinh mà Ngài còn dùng lực tu của mình mà cảm hóa chúng sanh thì mỗi hành giả Như Lai cũng phải nối gót Ngài tinh tấn tu tập, giải thoát cho chính mình và chúng sanh.

“Buông ra muôn trượng gom thời một câu,

Độ đi độ khắp đâu đâu,

Độ cho giác ngộ chóng mau viên thành.”

Liên Uyển tóm tắt