Ý nghĩa Bồ-tát thừa trong kinh Pháp hoa

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 Đức Phật nói rằng Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát là Tam thừa, nhưng Tam thừa cuối cùng được giải thoát, trở thành Nhứt thừa là Phật thừa, vì tất cả đều theo Phật học, sống trong pháp Phật, là con của Đức Phật gọi là Phật tử thì tu hành thành Phật, không thành gì khác.

 

Trong Nhứt Phật thừa, Bồ-tát thừa có chia ra Bồ-tát từ nhân hướng quả và Bồ-tát từ quả hướng nhân. Những vị thành Phật, hay đắc quả La-hán, nhưng trở lại trần gian để cứu nhân độ thế gọi là Bồ-tát từ quả hướng nhân. Bồ-tát từ nhân hướng quả là chúng ta từ con người theo Phật nghe pháp và nương vào các vị Bồ-tát để hành đạo, để ra khỏi sanh tử.

Về Thanh văn thừa, có chia ra: thị hiện Thanh văn, thoái chuyển Thanh văn, thú tịch Thanh văn và đa văn Thanh văn, hay tăng thượng mạn Thanh văn.

Hàng thị hiện Thanh văn là Bồ-tát từ quả hướng nhân đã sạch nghiệp, không có trần lao, nghiệp chướng, phiền não như chúng ta. Vì tất cả mọi người trên cuộc đời này, Phật nói do nghiệp đời trước sanh lại để trả quả báo, nên gọi là nghiệp chướng. Thầy tu còn nghiệp nên gặp việc thì nghiệp đời trước khởi lên, họ cũng có thể trở thành xấu ác.

Lần trước, tôi nói có hai người bạn đều học giỏi, một ông tốt nghiệp cử nhân, làm Hiệu trưởng trường Bồ Đề. Có học đàng hoàng nhưng vì nghiệp sanh lại làm người cũng đi tu mà chỉ nhắm vô vấn đề học, hiểu biết, đa văn, có thể làm được một số việc. Bữa đó chùa phân công ông đi đám ma, thấy cảnh thương tâm thì ông khởi tâm thương, nhưng vì nghiệp còn nên tâm đại bi này được lồng thêm ái kiến. Nên biết tình thương của Bồ-tát khác với tình thương của người phàm. Tình thương của chúng ta còn có ái kiến bên trong, tức còn nghiệp, gọi là ái kiến đại bi, cho nên có người ta thương, nhưng có người ta ghét.

Ban đầu phát tâm thương người, cứu người là đại bi, nhưng vì còn ái kiến, nên lần lần đại bi mất, mà ái kiến phát triển lên khiến ông này bỏ tu, ra đời để gánh cái nợ này, khổ sở quá, cũng chết rồi.

Các vị hành Bồ-tát đạo nên cẩn thận điều này. Vì Phật dạy khi chúng ta đắc quả A-la-hán mới phát tâm Bồ-đề, hành Bồ-tát đạo thì an toàn hơn, tức bên trong ái kiến hết rồi, chỉ còn tâm đại bi. Đoạn sạch ái kiến, không có nghiệp ái, thì thương người bằng tình thương bao la, không bị hạn hẹp trong một con người hay một nhóm người nào đó. Chính vì điều này, ngay khi đi tu, cha mẹ, vợ con còn phải bỏ để cắt ái kiến.

Một vị Bồ-tát hiện vào cuộc đời, họ cũng giống như chúng ta, nhưng họ vì nguyện sanh lại, không phải vì nghiệp sanh lại. Mọi người vì nghiệp sanh lại, có đủ thứ nghiệp, đủ thứ ham muốn, đủ thứ khổ. Vì nghiệp sanh lại để trả quả báo, hay để hưởng phước. Phật nói có ba hạng người tái sanh. Hạng thứ nhất có nợ đời trước nên bây giờ sanh ra để trả cái nghiệp đời trước và nhiều đời trước của họ khiến trong cuộc sống thường gặp nhiều oan trái.

Trên cuộc đời này có điều lạ. Mắc nợ nhưng không muốn trả. Hồi trước, người bạn đồng tu mượn tiền tôi, tôi phải cho mượn vì là bạn đồng tu mà. Nhưng khi anh có tiền mà không trả tôi, lại nói rất kỳ quái rằng trả thì dễ, nhưng mượn lại chắc khó lắm! Như vậy, tâm của con người, lòng tham của con người tạo thành nghiệp. Không trả nợ đã vay thì nghiệp cứ lần lần tăng lên.

Thứ hai là vì nghiệp nên mới làm bạn với nhau mới bị lừa gạt, làm chồng vợ với nhau mới bị phản bội. Tất cả những thứ xấu ác đều là nghiệp của mình tạo. Phật dạy nếu mình vui vẻ trả thì nghiệp hết. Nhưng trả mà bực bội, gây gổ, kiện tụng, đủ thứ chuyện, rồi cũng phải trả và qua kiếp sau, nghiệp tăng lên nữa, đó là trả ít mà vay nhiều.

Ngoài hạng người vì nghiệp sanh lại, còn có hạng người sanh lại để đòi nợ vì đời trước, họ bị lường gạt, họ chết, ôm theo mối hận, phải sanh lại để đòi món nợ đó. Thực sự cuộc đời này chỉ có vay trả, trả vay thôi.

Nhưng hạng thứ ba là Bồ-tát vì thương nhân gian mà sanh lại cuộc đời này, người ta thường nói là mượn bụng mẹ để sanh ra, thì trường hợp này, không có ơn cũng không có oán. Tuy nhiên, mượn chỗ để sanh, tất nhiên cái ơn này cũng phải trả. Nếu xét kỹ, nhận thấy mình với gia đình này, dòng họ này không có gì liên hệ, mình không giống ai trong gia đình này, mình khác bên trong hoàn toàn thì việc tái sanh này không phải là đi trả nợ, cũng không phải là đi đòi nợ. Đối với hạng người thứ ba này, Phật nói đó là các vị Bồ-tát sanh lại để cứu đời. Hạng người thứ ba rất quan trọng.

Thật vậy, theo kinh Pháp hoa, phẩm Như Lai thọ lượng thứ 16, Phật nói rõ Ngài thành Phật từ vô lượng kiếp, không phải mới thành Phật đây, nhưng vì thương nhân gian mà Ngài sanh lại cuộc đời này. Và Phật đã chọn chỗ để sanh, chọn vua Tịnh Phạn làm cha, vì dòng họ này bảy đời nổi tiếng là vua hiền đức. Và Ngài chọn hoàng hậu Ma-da làm mẹ, bà có niềm tin trong sạch, sáng suốt. Đức Phật Thích Ca chọn dòng họ hoàn hảo như vậy để sanh ra, nên Ngài có thân thể rất khỏe mạnh, có ngoại hình rất dễ coi, rất thông minh, gọi là 32 tướng tốt, ngày nay khoa học coi đó là gen di truyền.

Vì Ngài là Phật sanh lại, nên chỉ bỏ cái nghiệp của cha mẹ xuống là Phật bên trong hiện ra. Mình còn có dư nghiệp đời trước nên cần phải tu, phải xóa nghiệp và xóa cho sạch nghiệp rất khó.

Và khi Phật thị hiện sanh trên cuộc đời, tất cả các vị Bồ-tát khác cũng ở trong thế giới Phật cùng thị hiện sanh ra. Điều này trong kinh Pháp hoa, Phật nói rằng thầy trò thường sanh chung một chỗ để dìu dắt cùng tu. Các Phật tử theo tôi cũng có duyên thầy trò, mới theo tu được, mới nghe pháp được, mới chấp nhận được, khổ cũng chịu được. Nếu không có duyên thầy trò, vui thì tới, buồn thì đi, khổ thì trốn.

Số người theo Đức Phật, chúng ta thấy rõ là hàng Bồ-tát thị hiện lại để trợ hóa cho Đức Phật, sống chết gì họ cũng quyết tâm theo. Điển hình như khi vua A-xà-thế thả con voi say để rượt đuổi Phật và Thánh chúng, lúc ấy những người tu gọi là ăn theo, bỏ chạy mất bát mất y, sợ khiếp vía. Nhưng ngài A-nan thì khác, voi chạy tới, ngài đến trước Đức Phật để cản con voi, không cho nó chạm tới Phật. Cho nên, khi nào người tu quý đạo hơn quý mạng sống mình, thương Phật hơn thương bản thân mình, người đó có thể đắc đạo được.

Trong phẩm 13, kinh Pháp hoa, những vị được Phật thọ ký thành Phật, họ nói rất dễ thương rằng con nguyện sanh bất cứ chỗ nào có Phật, Phật sanh đâu con sanh đó. Vì nguyện đó mà khi Phật sanh vào cõi Diêm-phù-đề, các ngài cũng sanh vào đây. Chúng ta mới thấy lạ là có người làm quan, làm tướng, làm vương tử công tôn, làm trưởng giả, mà họ sẵn sàng từ bỏ cuộc sống quyền uy, xa hoa để theo Phật tu. Như ngài A-nan là em chú bác với Đức Phật, là vương tử cũng đi tu.

Nhìn lại cuộc đời của Đức Phật và Thánh chúng thấy rõ như kinh Pháp hoa nói là các ngài thị hiện vào hàng đẳng cấp cao trong xã hội, nhưng thấy Phật giải thoát, họ cũng bỏ tất cả, xuất gia theo Phật, không còn ham muốn bất cứ cái gì, vì đời trước, họ sạch nghiệp rồi. Họ không thích nhà cửa, vợ con, tiền bạc, địa vị… thì nói bỏ mà không ham thích thì cũng không cần bỏ.

Còn bây giờ mình thích, mà phát tâm tu thì mình bỏ, nhưng thực sự bỏ cũng tiếc. Thật vậy, khi đi tu, mình không có gì để bỏ, nhưng trong lúc tu, nghiệp bên trong mình còn, nên nghiệp khởi lên. Vì thế, người còn ái kiến, đi tu một lúc cũng bị dụ dỗ, ra đời. Hoặc nghiệp đời trước của họ làm thương mại quen rồi, nên tái sanh trên cuộc đời, đi tu một lúc cũng bị cái nghiệp này dẫn, cũng làm thương mại nữa.

Ở Lộc Uyển, các thầy đang tu, Phật còn không cho đi khất thực, vì họ chưa sạch nghiệp, mà đi vào làng, dân không phát tâm, đôi khi còn xem thường khiến các ông đổ nghiệp ra nữa thì nguy hiểm. Đức Phật sạch nghiệp rồi, để Phật đi khất thực nuôi các ông này.

Vì vậy, chư Tăng phải tu cho sạch nghiệp mới độ sanh được. Phật tử cũng vậy, phải sạch nghiệp mới hành Bồ-tát đạo.

Trước nhất, chúng ta thấy những vương tử công tôn theo Phật xuất gia, hàng ngoại đạo cũng theo Phật xuất gia. Như Ưu-lầu-tần-loa Ca-diếp là giáo chủ ngoại đạo, lãnh đạo một ngàn đồ chúng, điều này không phải ông ngoại đạo nào cũng làm được. Nhưng khi gặp Phật, ông và hai người em đã phát tâm xuất gia theo Phật. Tại sao có hàng ngoại đạo chống Phật tuyệt đối, mà những người ngoại đạo này lại đi theo Phật một cách dễ dàng như vậy. Hiểu theo kinh Pháp hoa, đây là những vị Bồ-tát thị hiện lại làm ngoại đạo để Phật có cơ hội thuyết pháp cải hóa hàng ngoại đạo.

Tiếp theo, ngoại đạo Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên có hai trăm đồ chúng. Khi Xá-lợi-phất gặp Phật, ông phát Bồ-đề tâm, theo Phật tu, không trở lại ngoại đạo nữa. Hàng đồ chúng nói thầy theo Phật thì chúng con cũng theo Phật!

Có thể nói con số 1.200 người ngoại đạo theo Phật hầu như đã được ấn định sẵn, cho nên từ con số này mà tăng lên rất khó. Thực tế cho thấy, Đức Phật mới thành đạo đã có 1.250 Tỳ-kheo đắc quả La-hán, nhưng từ đó về sau, người tu đắc quả La-hán hiếm lần.

Nếu từ người bình thường mà chúng ta khởi tu lên để đắc quả La-hán thì khó, phải trải qua bốn giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất vào dòng Thánh gọi là nhập môn nhưng phần nhiều mới tới chỗ này, người ta đã dội ra. Phật dạy phải tu bốn điều căn bản chính yếu là thân, thọ, tâm, pháp để chứng quả Dự lưu. Phải thấy thân của mình và thân của người đều bất tịnh, nên mình nhàm chán nó và việc giao tiếp phải trái hơn thua trên cuộc đời này là thọ cũng nguy hiểm, vì quan hệ nhiều dễ mắc sai lầm. Nhưng cứ muốn quan hệ với người này, chia sẻ với người kia, nên cứ chia sẻ với một người thì nhận thêm một phần nghiệp và phiền não của họ. Thay vì chuyện của họ mình không biết thì mình không khổ, nhưng sau khi nghe chuyện của họ khiến mình suy nghĩ, làm mình khổ.

Vì vậy, người tu trong giai đoạn này, phần nhiều bịt mắt, bịt tai, bịt miệng. Ở Nhật trong chùa, tôi thấy để ba con khỉ, một con bịt mắt, một con bịt tai, một con bịt miệng. Khỉ tiêu biểu cho tâm con người. Muốn tu phải nhớ ba việc là miệng đừng nói, mắt đừng nhìn, tai đừng nghe. Như vậy là mắt không thọ, tai không thọ, thân không thọ. Vì thân có xúc chạm khiến mình có thích và ghét, mắt có xúc chạm làm mình thấy có tốt và xấu. Tất cả những cái này làm tâm mình rối động, cho nên thọ là khổ thì không thọ.

Thứ ba là tâm vô thường. Ta thấy mọi người và mọi việc trên cuộc đời này có rồi mất, tất cả đều hoàn không, đều là vô thường, nên không bận tâm, được giải thoát.

Cuối cùng, các pháp là vô ngã, tất cả các pháp đều do duyên sanh, không có gì tồn tại vĩnh viễn. Ở trong thế giới sanh diệt, có sanh rồi có diệt, nó là ảo, không có thật.

Phật dạy rằng quán thuần bốn pháp đó, tâm trở thành thanh tịnh thì trong lòng mình trống không, không còn ham muốn gì, không còn sợ sệt gì, tôi kết lại là không buồn, không giận, không sợ, không lo. Giữ được bốn pháp quán này là chứng được Sơ quả, bước vào dòng Thánh, dòng pháp của Phật thì mình tụng kinh, lạy Phật, tham thiền, thấy đây là lẽ sống của mình, là đời sống tốt đẹp nhất.

Khi đắc được Sơ quả, mình gặp được các vị Bồ-tát lớn thị hiện trở lại, mình hợp tác với các Ngài để hành Bồ-tát đạo cứu nhân độ thế. Còn cá nhân mình thì làm chưa được, vì tự mình làm rất nguy hiểm, dễ mắc nạn.

Khi đắc Sơ quả, thực tập pháp tiếp theo là Tứ chánh cần, tức quan tâm về thiện và ác. Nhưng thiện ác thế gian thì mình không quan tâm, vì mình không dính líu đến cuộc đời này nữa.

Bây giờ mình quan tâm thiện ác của xuất thế gian. Phật dạy rằng đối với thiện ác xuất thế thì tâm thanh tịnh là thiện, tâm động loạn là ác. Vì thế, thực tập pháp thiện xuất thế, lúc nào cũng giữ tâm thanh tịnh, giữ chánh niệm của mình, trong tâm mình ngoài niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, không nghĩ gì khác. Niệm Phật, Pháp, Tăng để từ từ mình thâm nhập vào thế giới Thật báo của Đức Phật, gặp Đức Phật thiệt. Còn Đức Phật Thích Ca là Phật thị hiện sanh làm người rồi cũng nhập diệt. Cho nên mình quan tâm Phật thiệt là Phật vĩnh hằng bất tử ẩn bên trong Phật Thích Ca. Vì có Phật thiệt tiềm ẩn bên trong, mới hiện ra bên ngoài Phật Thích Ca cũng là người, nhưng Phật không giống ai và không ai giống Phật.

Cái gì mình thấy Phật cao quý thì mình học và tập làm theo là tu, tôi gọi đó là niệm Phật. Niệm Phật tức nghĩ về Phật, nghĩ về hành trạng của Đức Phật, nghĩ về suy tư của Ngài, nghĩ về lời dạy của Ngài. Lúc nào cũng nghĩ như vậy, thì một thời gian sau, tâm mình trở thành thuần sẽ thấy thế giới Thật báo hiện ra, từ thế giới Thật báo trong cuộc đời này cho đến thế giới Thật báo siêu hình.

Mình không giống Phật cái gì? Cái không giống Phật thì mình bỏ lần là mình tu, nhưng cái mình thấy được thì mình tập cho giống Phật. Tôi thực tập pháp này. Thấy Phật ngồi cứ nhìn thẳng phía trước, không nhìn qua nhìn lại và Ngài nhìn thẳng vào tâm người. Mình tập một việc cho giống Phật, con mắt nhìn thẳng phía trước, không láo liên.

Tập con mắt rồi, thấy Phật đi nhẹ nhàng như mây bay, mình cũng tập đi cho nhẹ nhàng, đi cho đều bước, đi nhanh. Phật đi không thấy đi, nhưng Vô Não vác dao, chạy theo không kịp. Đi bằng tâm, đi bằng ý chí, đi bằng định hướng. Mình có mục tiêu để đi tới là Niết-bàn, tức tới thế giới của Đức Phật. Nếu tu Tịnh độ, mục tiêu của mình đi về Cực lạc. Cứ thẳng đường mà đi, mình tập lần lần.

Cái gì mình thấy Phật cao quý thì mình học và tập làm theo là tu, tôi gọi đó là niệm Phật. Niệm Phật tức nghĩ về Phật, nghĩ về hành trạng của Đức Phật, nghĩ về suy tư của Ngài, nghĩ về lời dạy của Ngài. Lúc nào cũng nghĩ như vậy, thì một thời gian sau, tâm mình trở thành thuần sẽ thấy thế giới Thật báo hiện ra, từ thế giới Thật báo trong cuộc đời này cho đến thế giới Thật báo siêu hình.

Thế giới Thật báo trong cuộc đời này là thế giới của tâm linh, của tinh thần, nơi đó Đức Phật và hàng Thánh chúng là những người đã đắc quả La-hán hiểu nhau, không cần lời nói. Phật nói là nói cho những người chưa đắc quả thôi. Với những người đắc quả, Phật nói bằng tâm và nói trong thiền định. Vì vậy, lúc mình chỉ nghĩ tới Đức Phật, hiểu Đức Phật thì Phật xác định rằng ông đã hiểu Ta rồi đó. Được như vậy, mình thấy trong thế giới vô hình và cả trong thế giới Ta bà hữu hình này, giữa Phật và 1.250 La-hán tỏa sáng tình thầy trò quá tuyệt vời.

Còn đối với thực tế cuộc sống, các đoàn thể tụ họp thường tranh cãi hơn thua, tranh giành quyền lợi, nên Phật phải chế ra Lục hòa để họ sống yên ổn. Trái lại, trong thế giới tâm linh, giữa Phật và Thánh chúng hoàn toàn thanh tịnh, có mối tương thông mật thiết, sâu sắc, không cần dùng ngôn ngữ.

Thể hiện ý này, khi kiết tập Kinh tạng, A-nan có nói điều quan trọng nhất là phải nghe được cái không có tiếng, phải thấy được cái không có hình. Sống được trong pháp này, cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Thật vậy, lúc ở Nhật, tôi có viếng một thiền sư, ngài nói được cái ý mà tôi muốn hỏi thì cần gì hỏi nữa. Thế giới này là thế giới của người sạch nghiệp mới có. Mình học được với họ những cái không qua ngôn ngữ. Và tôi gặp Đức Pháp chủ của Thiền tông và Đức Pháp chủ Tịnh Độ tông, hai vị này đều mù. Nhưng có điều lạ, ngài biết tôi tới thăm dù không báo trước và cũng biết tôi tới để hỏi gì. Tôi hiểu ngài và ngài hiểu tôi, không cần nói.

Thực chất của thiền là không sử dụng ngôn ngữ mà tôi đã thực tập với ngài Kono. Hai người ngồi đối diện với nhau, nhưng không được nói, mà quan trọng là tôi phải hiểu thiền sư muốn nói gì. Và khi tôi nói đúng ý của ngài, thì ngài chỉ nói “đắc thiền”, đó là thiền công án, mà thâm nhập được thì đưa mình vào pháp giới kỳ diệu vô cùng.

Tu khám phá được thế giới tâm linh không qua ngôn ngữ, nhưng hiểu được pháp ngữ tức là chân thật, hiểu được Phật ngữ tức là hiểu được trí tuệ. Điều này gọi là ngôn ngữ đạo đoạn nghĩa là cắt đứt hết ngôn ngữ, cắt đứt hết hành động, chỉ còn cái tâm thì chúng ta sinh hoạt với tâm này, Pháp hoa gọi đó là thế giới Thật báo.

Phật nói Ngài tới Ta-bà thì Ta-bà cũng là thế giới Thật báo. Nói chính xác là Phật và Thánh chúng tới chỗ nào thì chỗ đó an lành, thanh tịnh, tốt đẹp. Và cuối cùng, Phật giới thiệu thế giới Cực lạc của Đức Phật A-di-đà, ở đó tất cả đều hiểu nhau bằng tâm thanh tịnh tuyệt đối. Còn phàm phu không hiểu, phải nói, phải phân công mà phân công cũng làm không đúng!

Tu khám phá được thế giới tâm linh không qua ngôn ngữ, nhưng hiểu được pháp ngữ tức là chân thật, hiểu được Phật ngữ tức là hiểu được trí tuệ. Điều này gọi là ngôn ngữ đạo đoạn nghĩa là cắt đứt hết ngôn ngữ, cắt đứt hết hành động, chỉ còn cái tâm thì chúng ta sinh hoạt với tâm này, Pháp hoa gọi đó là thế giới Thật báo.

Đức Phật hiện thân trên cuộc đời thì Thánh chúng cũng xuất hiện trên cuộc đời. Phật vào Niết-bàn, các Ngài cũng ra đi, bỏ lại thế giới này cho chúng ta. Từ đó, hình thức Phật giáo còn, chùa có, Tăng có nhưng không đắc đạo làm Phật giáo suy đồi, làm người ta không quý trọng nữa, cuối cùng bị ngoại đạo tận diệt. Lịch sử cho thấy ở Ấn Độ, nơi sản sinh ra Phật giáo, nhưng từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XIX, cái tên Phật giáo còn không có, chùa bị tàn phá hoàn toàn, chư Tăng bị giết hết.

Nhưng Phật vào Niết-bàn, Ngài nói có các vị Bồ-tát Tăng nguyện trở lại thế gian. Chúng ta lắng lòng nhìn kỹ thấy họ xuất hiện trên thế gian để phục hưng Phật giáo, mới có các vị Tổ sư ra đời. Các ngài là các vị La-hán ở thời Phật tái sanh lại để khai sáng đạo. Các ngài không giống như người thường, vì có sức thuyết phục kỳ diệu. Thí dụ Việt Nam có ngài Pháp sư Ngô Chân Lưu là thầy của vua Đinh Tiên Hoàng. Nhà vua kính trọng ngài vì ngài đã giúp vua được nhiều việc. Hay Vạn Hạnh thiền sư có tầm nhìn siêu đẳng, không thể có được một vị Vạn Hạnh thứ hai như ngài, hoặc Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng là một bậc tài đức độc nhất vô nhị.

Những vị này là A-la-hán trong thời Phật mà Phật đã huyền ký. Các ngài hiện lại thì quyến thuộc của các ngài cũng hiện lại để làm một việc trọng đại nào đó, trong thời kỳ nào đó, để cho đất nước đó, Phật giáo ở đó, dân tộc ở đó được hưng thạnh. Một người không làm được, nên khi các ngài hiện lại, chung quanh các ngài luôn có một số người phò trợ. Vua Trần Nhân Tông hiện lại cũng có những người chết sống với nhà vua. Vạn Hạnh Thiền sư hiện lại cũng có những người hết lòng hỗ trợ, nên các ngài làm được việc lớn. Nhưng khi các ngài vào Niết-bàn, Phật giáo bắt đầu suy sụp.

Tu hành, lắng lòng thanh tịnh, nhắm mắt lại sẽ thấy dòng thác trí tuệ của Đức Phật miên viễn từ chư Phật quá khứ qua Đức Phật Thích Ca và truyền thừa cho đến ngày nay. Cố gắng tu đúng với cốt tủy của pháp Phật, mới vào dòng Thánh được, vào Niết-bàn được, vào thế giới Thật báo của Đức Phật được. Và từ thế giới Phật trở lại Ta-bà độ sanh, làm bậc thầy tôn quý mà mọi người hằng mong chờ.