Ý dẫn đầu các pháp
Như ánh sáng, không hề tấn công ai, nhưng mỗi khi hiện hữu ở đâu thì bóng tối sẽ tự tan biến
Hai ngàn năm trước, từ Ấn Độ, Phật giáo theo bước chân của các Tăng sĩ, thương nhân du nhập nước ta. Trên vùng đất mới, Phật giáo đã hiện diện không hề áp đặt trong hình tướng của một giáo lý “nguyên chất” mà nhẹ nhàng và khiêm tốn dung hòa với tín ngưỡng bản địa.
Tín ngưỡng Tứ pháp là kết quả lịch sử của một tinh thần như vậy, tạo nền tảng vững vàng cho văn hóa Phật giáo Việt Nam thăng hoa. Cũng từ đó, Phật giáo có một chỗ đứng trong dân, gắn bó mật thiết với sự vận động và phát triển của nước Việt cho tới hôm nay.
Lúc sinh tiền, cố Giáo sư Trần Văn Khê, trong khi thuyết trình về nghi lễ, âm nhạc truyền thống Phật giáo Việt Nam, đã công bố phát hiện thú vị: ông xác nhận giọng điệu, thang âm trong lời kinh, tiếng niệm Phật của người Việt được hình thành theo các điệu ru bên vành nôi của những người mẹ Việt, truyền trong dân gian từ đời này sang đời khác.
Bản sắc riêng đó từng được đoàn Phật giáo Việt Nam tham dự Festival Âm nhạc tâm linh thế giới tại Pháp năm 1997 – đại diện là Ban Kinh sư xứ Huế do cố HT.Thích Từ Phương dẫn đầu, đã quảng bá bằng các nghi thức lễ nhạc thiền môn gây nên sự hứng thú và quan tâm cho giới nghiên cứu văn hóa và âm nhạc quốc tế.
Với Phật giáo Việt Nam, việc tách bỏ các hoạt động tín ngưỡng để có một đạo Phật được gọi là thuần túy, hay nguyên chất, là điều khó nếu không muốn nói là không thể làm được. Chính Đức Phật thời tại thế, ngay tại Ấn Độ, cũng tùy theo phương xứ mà sử dụng ngôn ngữ, cách thức để quảng diễn giáo pháp cho phù hợp.
Vấn đề ở đây, đó là cần điều chỉnh hình thức phương tiện tùy theo yêu cầu và hoàn cảnh lịch sử, phù hợp với thời đại để đạt được mục đích tối hậu là đem lại lợi lạc cho số đông. Lịch sử hai ngàn năm của Phật giáo Việt Nam đã từng diễn ra nhiều cuộc đấu tranh tự thân để rồi có những giải pháp dung hợp nên một chỉnh thể Phật giáo toàn diện, từ tín ngưỡng cho đến triết lý, pháp môn thực hành, đôi khi xóa nhòa ranh giới giữa tâm thức dân gian và Phật giáo
Nửa đầu thế kỷ XX, có một cuộc chấn chỉnh mạnh mẽ và liên tục được chính các vị Tăng sĩ cùng giới cư sĩ, trí thức dân tộc thực hiện, phần nào gỡ bỏ được một số tầm gửi bám ký sinh trên thân đại thụ bồ-đề. Công cuộc chấn hưng ấy được đặt ra không phải chỉ là những cổ xúy bằng lời, mà thực hiện từ căn bản và đồng bộ trên nhiều phương diện như lập hội, mở trường học, dịch kinh điển, lập cơ quan ngôn luận…, nhằm mục đích sau cùng là nâng cao dân trí bằng tuệ giác đạo Phật.
Khi dân trí được nâng cao, sự lệ thuộc vào các hủ tục sẽ tự giảm và mất đi, thay thế bằng sự tự tín. Và chính lúc đó con người mới có khả năng tự nhận thức đúng sai chứ không mê tín, thậm chí rơi vào cuồng tín dẫn tới nhiều hậu quả khó lường.
Như Đức Phật đã từng dạy trong bài kệ đầu tiên của phẩm Song yếu thuộc kinh Pháp cú, nhận thức sẽ soi sáng cho lời nói và hành động, đồng thời quyết định kết quả của chính lời nói và hành động ấy. Đó là nguyên tắc căn bản của mọi sự thay đổi. Chỉ khi dân trí được nâng cao thì con người mới tránh được các cực đoan, tự gây hại cho chính mình. Như ánh sáng, không hề tấn công ai, nhưng mỗi khi hiện hữu ở đâu thì bóng tối sẽ tự tan biến.