Y bác sĩ khắp thế giới đổ về Thổ Nhĩ Kỳ cứu những ‘trái tim vẫn còn nhịp đập’ dưới sàn bê tông

Thay cho các bệnh viện hư hỏng hoặc bị phá hủy, hàng loạt bệnh viện dã chiến được dựng lên ở Thổ Nhĩ Kỳ. Các bác sĩ và y tá khắp nơi trên thế giới đổ về quốc gia này để cứu người.

Y bác sĩ khắp thế giới đổ về Thổ Nhĩ Kỳ cứu những trái tim vẫn còn nhịp đập dưới sàn bê tông - Ảnh 1.

Những tình nguyện viên y tế đưa các nạn nhân đến bệnh viện dã chiến Antakya – Ảnh: NEW YORK TIMES

Vào sáng 10-2 (giờ địa phương), một chiếc xe cứu thương chạy đến bệnh viện dã chiến với cụm lều đỏ – hiện được xem là bệnh viện chính ở thành phố đổ nát Antakya. Cáng cứu thương đưa một người phụ nữ được kéo ra sau gần 100 giờ kẹt dưới đống đổ nát vào bệnh viện.

Mặc dù một chân bị gãy và thậm chí còn bị một khối bê tông rơi trúng đầu, nhưng cô vẫn tỉnh táo để hỏi hai đứa con của mình đang ở đâu. Nhưng chúng vẫn chưa được tìm thấy.

Phép màu đã xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không bao giờ đủ!

Đối với các bác sĩ trong bệnh viện dã chiến (được xây dựng vội vàng trong một bãi đậu xe), phép màu đã xảy ra nhưng không bao giờ là đủ.

Mọi người vẫn tiếp tục được kéo ra khỏi đống đổ nát. Họ cần được điều trị vì tay chân bị giập nát, mất nước và phơi nhiễm. Điều đó thường có nghĩa là phải cắt cụt chi. Đối với nhiều phụ nữ mang thai, họ có thể chuyển dạ sớm do chấn thương.

Y bác sĩ khắp thế giới đổ về Thổ Nhĩ Kỳ cứu những trái tim vẫn còn nhịp đập dưới sàn bê tông - Ảnh 2.

Bà Mine Kaya, sống sót sau 3 ngày dưới đống đổ nát của ngôi nhà, đang được điều trị tại bệnh viện – Ảnh: THE NEW YORK TIMES

“Nếu tôi kể cho bạn nghe những gì tôi đã trải qua, những gì tôi thấy trong 5 ngày qua, có lẽ các bộ phim sẽ không kịch tính đến như vậy nếu so sánh” – Halil Kabadayi, 25 tuổi, y tá trong khoa hộ sinh, bộc bạch. Anh đã từ bỏ mọi thứ ở thành phố Izmirr để đến Antakya làm tình nguyện viên.

Với mức độ bị tàn phá nặng, việc chính quyền thành phố Antakya thiết lập một hệ thống bệnh viện dã chiến là điều đáng chú ý. Trận động đất thật sự đã phá hủy các bệnh viện cũng như nhà cửa.

Tuy nhiên, kể từ đó, một hệ thống chăm sóc sức khỏe tạm thời mới đã được xây dựng với sự góp sức của các tình nguyện viên từ khắp Thổ Nhĩ Kỳ và thế giới.

Những người bị thương nặng nhất được gửi đến các bệnh viện còn nguyên vẹn ở các tỉnh khác để điều trị. Các bệnh viện dã chiến ở trung tâm vùng động đất được dựng lên làm nơi ở cho những người mới được giải cứu, điều trị các vết thương nhẹ hơn và quản lý các căn bệnh bùng phát sau thảm họa.

Ngay cả thú cưng được giải cứu khỏi đống đổ nát cũng được chăm sóc y tế tại một bệnh xá động vật tạm thời ở Antakya.

Y bác sĩ khắp thế giới đổ về Thổ Nhĩ Kỳ cứu những trái tim vẫn còn nhịp đập dưới sàn bê tông - Ảnh 3.

Một con chó bị thương đang điều trị tại bệnh viện dã chiến Antakya – Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Tình người không biên giới ở Thổ Nhĩ Kỳ

Bác sĩ Ferit Kilic, 38 tuổi, thuộc phòng cấp cứu tại một bệnh viện chính phủ ở Istanbul, người tình nguyện đến Antakya, cho biết: “Công việc của chúng tôi mới bắt đầu. Chúng tôi đã ở đây năm ngày không có vòi sen, không có nhà vệ sinh. Nhưng những điều này không quan trọng. Mỗi mạng sống cứu được đều quan trọng hơn”.

Bác sĩ Kilic từ Istanbul bay đến hiện trường động đất trên một chiếc máy bay chở đầy các bác sĩ và y tá tình nguyện.

Một sinh viên y khoa đã đi nhờ xe 600km đến vùng thiên tai ngay sau khi anh nghe tin về trận động đất.

Một bác sĩ thú y và bạn trai của cô lái xe từ Ankara đến với ý định giúp đỡ con người, nhưng cuối cùng cô ấy lại chữa trị cho thú cưng.

Một bác sĩ phẫu thuật hàm mặt người Ấn Độ và đội quân y của ông đã lên đường đến Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một trong nhiều nhóm y tế từ khắp nơi trên thế giới xuất hiện tại vùng động đất để giúp đỡ mọi người.

“Tôi vừa nghe tin và nghĩ mình không thể ở nhà được” – anh Mumtaz Buyukkoken (27 tuổi), bác sĩ thực tập đến từ thành phố Konya, nói.

Anh nói ngay từ khi nghe tin anh đã lao đến để chung tay thành lập bệnh viện dã chiến trong một trường học ở thành phố ven biển Iskenderun, nơi một trong hai bệnh viện đã ngừng hoạt động.

Thảm họa từ động đất kép cũng khiến nhiều nhân viên y tế địa phương ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như việc làm.

Một nhân viên cứu thương, đã mất nhiều người thân, nói rằng ở Pazarcik, gần tâm chấn của trận động đất, chỉ có 5 hoặc 6 trong số 13 thành viên của đội cứu thương còn có thể làm việc được. Số còn lại phải chôn cất người nhà hoặc tìm nơi ở mới.

Y bác sĩ khắp thế giới đổ về Thổ Nhĩ Kỳ cứu những trái tim vẫn còn nhịp đập dưới sàn bê tông - Ảnh 4.

Lồng ấp trẻ em tại một bệnh viện dã chiến ở Antakya – Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Những nhịp đập trái tim dưới sàn bê tông

Cả tuần, Antakya rền rĩ âm thanh của trực thăng, của máy phát điện, và tiếng còi xe cứu thương.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng sự im lặng bao trùm một con phố. Các đội tìm kiếm và cứu nạn kêu gọi mọi người im lặng, và ô tô tắt động cơ trong khi những người tìm kiếm lắng nghe tiếng nói dưới đống đổ nát.

Còi báo động là một lời nhắc nhở rằng vẫn còn những nhịp đập trái tim dưới đống bê tông.

Các bác sĩ thường không chỉ điều trị vết thương cho bệnh nhân mà còn cố gắng giúp họ đoàn tụ với gia đình thất lạc, nếu gia đình họ còn sống.

Giờ đây, những làn sóng bệnh nhân mới đang tràn vào các bệnh viện dã chiến. Đó là những người từ các ngôi làng nông thôn, bị mắc kẹt ở cuối những con đường đầy tuyết hoặc bị hư hỏng, những người không thể tìm được sự giúp đỡ cho đến bây giờ, và những người quá bận rộn tìm kiếm người thân mà quên đi vết thương của mình.

Bác sĩ Aslihan Cakaloglu, 45 tuổi, đến Antakya từ thủ đô Ankara, buồn bã nói: “Thật tồi tệ khi biết có rất nhiều người dưới các tòa nhà đổ nát mà ta không thể tiếp cận và điều trị. Bây giờ chúng tôi đang tổ chức lại, tìm cách lo cho những trái tim còn nhịp đập ngay dưới sàn bê tông”.

Y bác sĩ khắp thế giới đổ về Thổ Nhĩ Kỳ cứu những trái tim vẫn còn nhịp đập dưới sàn bê tông - Ảnh 5.

Những đứa trẻ tại bệnh viện dã chiến Antakya – Ảnh: THE NEW YORK TIMES

GIA MINH– Báo Tuổi trẻ