Xúc phạm tôn giáo có thể ‘bị truy cứu trách nhiệm hình sự’
Luật sư Đào Thị Bích Liên, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 quy định xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Báo Pháp luật TP HCM trong bài viết Hóa trang thành Đức Phật livestream bán hàng trên TikTok, bị xử lý ra sao? (tác giả Thảo Hiền) trích dẫn ý kiến của luật sư Đào Thị Bích Liên, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết tại khoản 3 Điều 5 Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 quy định xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm mà cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về tôn giáo sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Tờ báo nhận định, hiện nay, chưa có quy định pháp luật cụ thể về mức xử phạt hành chính đối với hành vi xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020 sửa đổi, bổ sung bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022 quy định phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với tổ chức nào có hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Trong trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng ½ mức phạt tiền đối với tổ chức, là sẽ bị phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng.
Đồng thời, người vi phạm còn bị buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn.
“Do đó, người mà xúc phạm tôn giáo trên mạng xã hội có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng và phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật xuất phát từ hành vi vi phạm gây ra”, Luật sư Đào Thị Bích Liên nói.
Trong trường hợp phát hiện hành vi xúc phạm tôn giáo thì cá nhân có thể trình báo tới Thanh tra chuyên ngành về tín ngưỡng, tôn giáo tại UBND các cấp.
> Hoà thượng Thích Gia Quang có ý kiến về vụ việc mượn hình tượng Đức Phật để livestream bán hàng