Xuân nhớ mẹ
Mẹ à! Hôm nay các huynh đệ của con ở trong trường đang chuẩn bị hành lý để được về bổn tự đón Tết cùng Thầy Tổ. Có huynh đệ được về quê thăm gia đình sau những năm tháng xa cách, gương mặt ai cũng rạng ngời nụ cười hoan hỷ.
Tiết trời đang chuyển sang mùa xuân, muôn hoa đang khoe sắc thắm, mọi vật đang tưng bừng đón một năm mới tràn đầy sức sống. Vậy mà giờ này, con vẫn lủi thủi một mình bên chồng sách vở vẫn còn ngổn ngang. Đêm đã quá khuya, gió ngoài cửa sổ vẫn rít từng cơn, huynh đệ đã chìm sâu vào trong giấc ngủ với một niềm vui vì ngày mai lên xe được về với mẹ, với Thầy Tổ, còn con vẫn thao thức chưa ngủ được. Tại vì trời lạnh quá hay tại vì con đang thổn thức vì nhớ mẹ.
Mẹ à! Năm nay là cái Tết thứ 5 con không về quê đón Tết cùng gia đình mình. Nhớ những ngày con còn ở nhà cùng bố mẹ và chị chuẩn bị gói bánh chưng, dọn dẹp nhà cửa để đón Tết. Đêm 30 Tết được ngồi canh nồi bánh chưng và đón giao thừa, nhận bao lì xì của mọi người và đi mọi nhà chúc Tết. Ở đây không có mưa phùn, không lạnh gắt như ngoài Bắc mình, ngày tết không có hoa đào, không có bánh chưng xanh, nhưng có hoa mai vàng và bánh tét, cũng đủ để làm ấm lòng con khi xa nhà.
Ngày nhỏ còn được ở với bố mẹ, lại là con út, được mọi người yêu thương chiều chuộng là thế, ấy vậy mà con lại dứt khoát bước chân ra đi, để tìm cho mình một chân lý, một tương lai con đã từng ấp ủ. 19 tuổi con hoàn thành xong khóa học, và con xuất gia khi vừa bước sang tuổi 20. Con đã bỏ lại sau lưng cuộc sống nhung lụa, hạnh phúc ấm êm bên gia đình, mọi người đều thương yêu con hết mực và một tương lai vô cùng tươi sáng, vì chí nguyện muốn được xuất gia tu học trong con quá lớn. Con bỏ ngoài tai những lời dèm pha để quyết tâm xuất gia cầu đạo khi con học xong ra trường chỉ có 5 ngày. Vượt qua quãng đường dài gần 2000km, hành trang con mang theo bên mình là vài ba bộ quần áo, một ít tư trang và lớn hơn đó là sự khích lệ động viên của bố mẹ. Mọi người ai cũng nói con đi tu là trốn nợ đời, là bất hiếu, là trốn tránh trách nhiệm, nhưng thôi người ta nói sao cũng được miễn là con không có như vậy là được đúng không mẹ. Con thật hạnh phúc biết bao khi được làm con của bố mẹ, cảm ơn cuộc sống đã trao cho con món quà lớn nhất đó là bố và mẹ. Vậy mà nhiều lúc vô tâm, con đã không đoái hoài gì đến nó. Đó là tài sản lớn nhất mà có lẽ suốt cả cuộc đời này con cũng không sử dụng hết.
Mấy ngày hôm nay, con cùng chư huynh đệ đang dọn dẹp trường lớp để chuẩn bị đón Tết, nên ai cũng hăng say bắt tay vào việc để được về sớm. Ban ngày, con chấp tác cùng chư huynh đệ, hòa chung niềm vui, nhưng đêm về con đối mặt với thực tại nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ cứ cồn cào da diết trong lòng con. Con không khóc nhưng sao nước mắt con lại rơi, con không ngăn những giọt nước mắt ấy sẽ để nó chảy vì đó là cảm xúc rất thật trong con. Giờ này, con rất nhớ mẹ và con nhớ nhất là những trận đòn mà mẹ đánh con, con cứ nghĩ là mẹ ghét con. Bố sợ con trở lên lầm lì, trai sạn nên bố đã vừa gồng gánh lo cho gia đình miếng ăn cái mặc, vừa thay mẹ chăm sóc con. Bố đã làm tất cả những gì có thể của một người mẹ, bố cũng là người dạy cho con “nữ công gia chánh” mà người con gái ít nhất phải biết. Bố đã ngồi từng giờ dạy cho con cách may lại chiếc áo bị sứt chỉ, cùng với con giải những bài toán khó và con thích nhất mỗi khi bố vuốt tóc con và khen con ngoan. Là con út được cưng chiều, con hay vòi vĩnh đủ điều nên được bố đáp ứng tất cả. Điều đó càng làm mẹ buồn hơn, và trách rằng: “Tại bố cưng chiều con quá sẽ làm con hư, sau này lớn lên lỡ con có ra sao thì trách nhiệm hoàn toàn do bố cả”. Bố thường hay cười xòa và nói: “Vì con là con gái của bố nên bố hiểu con gái hơn ai hết”.
Ngày bé, con ốm đau liên miên cứ khóc ngằn ngặt suốt ngày. Bố mẹ đã ôm con đi khắp nơi tìm thầy chạy thuốc cho con, nhưng bệnh của con vẫn không thuyên giảm. Có người nói phải đem con đi cho thì mới có thể mong con hết bệnh. Nhưng mẹ nghĩ cho con đi làm con nuôi người ta liệu họ có thương con nhiều như bố mẹ thương con không? Liệu có lo cho con được ấm no đầy đủ không, hay như ở thế gian người ta thường nói “khác máu tanh lòng”. Vì thương con nên bố mẹ quyết tâm giữ con lại dù có vất vả, tốn kém bao nhiêu,…
Đến khi con học xong ra trường đầy đủ duyên lành được gặp Phật Pháp, đủ phước duyên xuất gia, bố mẹ đã đồng ý cho con đi tu và động viên con rất nhiều khi lựa chọn con đường này. Ôi! Tình mẹ bao la là thế sao mẹ? Mẹ là cho đi không lấy lại bao giờ sao mẹ? Vậy mà con đã hết lần này lần khác làm mẹ khóc.
Mẹ à! Giờ này ngoài trời đêm về lạnh lắm, gió vẫn rít từng cơn ngoài cửa sổ, giống như tâm trạng giờ này của con vậy. Bây giờ xa nhà, xa mẹ rồi con mới cảm thấy bơ vơ lạc lõng. Khi thiếu đi tình thương của mẹ, thèm được ăn những món ăn tự tay mẹ nấu. Xa mẹ rồi, con không được cưng chiều như hồi ở nhà nữa mà phải biết tự lập, tự lo cho bản thân mình khi không có mẹ ở bên.
Rồi thời gian thấm thoát trôi qua, con đi xa được một thời gian ngắn anh cũng theo con vào đây đi học. Khi đầy đủ duyên lành, anh cũng được gặp Phật Pháp sớm nhận thấy cuộc đời vô thường và phát tâm xuất gia. Chuẩn bị đến ngày xuất gia, anh sợ bố mẹ và con buồn nên đã nói con về thăm nhà. Con vừa về đến nhà được hai ngày thì nhận được tin anh xuất gia. Trong lòng con vui lắm những không dám nói ra. Con sợ bố mẹ buồn vì nhà mình anh hai là con trai duy nhất, lại là cháu đích tôn của dòng họ. Hai tháng sau khi về thăm nhà, con đi vào trong TP-HCM và quyết tâm xuất gia trong khi bao nhiều hoài bão, dự định và sự trông cậy của bố mẹ dồn vào con.
Ngày con xuất gia, anh cũng không biết và con cũng không dám cho bố mẹ biết vì sợ bố mẹ buồn. Sau khi “sự đã rồi” con mới điện thoại về thông báo cho bố mẹ biết. Bố mẹ rất hoan hỷ về việc xuất gia của hai anh em và đã trợ duyên rất nhiều cho chúng con tinh tấn tu học để không phụ chí nguyện xuất gia của mình. Thật diễm phúc thay, hai anh em con cùng xuất gia một chùa, cùng được đi học, cách nhau chỉ có 25km thôi mẹ à! Anh thương con nhiều lắm. Anh sợ con ở nhà được cưng chiều quen rồi vào đây cái gì cũng mới lạ không tự lo cho bản thân mình được. Một lần nữa, anh phải đóng vai vừa làm bố, vừa làm mẹ, vừa làm bạn thân để khuyên nhắc con những lúc con chưa được ngoan. Con nhớ lúc chưa xuất gia, con bị bệnh đi cấp cứu phải nằm bệnh viện mê man suốt ba ngày ba đêm, thì anh cũng thức trắng ba ngày ba đêm ngồi cạnh chăm sóc con. Đến lúc xuất gia rồi, con được sư ông cho đi học, con lại bị bệnh do không quen thời tiết ở đây, nên anh lại lật đật chạy về thăm con. Bây giờ, con đã 25 tuổi rồi nhưng sao con không thấy mình lớn và trưởng thành hơn chút nào hết. Phải chăng con được mọi người cưng chiều quá nên không lớn được. Cả cuộc đời con đã mang bao nghĩa tình của biết bao người, đến bao giờ con mới trả hết ân tình này đây.
Mẹ à! Con có đủ bản lĩnh khi dám bỏ một tương lai sự nghiệp học hành, hạnh phúc của mình để đi tu, nhưng con lại không dám về thăm mẹ lúc này. Không phải con không nhớ mẹ, không thương mẹ. Con sợ về với mẹ lúc này rồi con sẽ không vào chùa được nữa. Con sợ tình cảm mẹ con quyến luyến bước chân con. Con biết không có tình cảm nào thiêng liêng và sâu đậm hơn tình mẫu tử. Nhiều đêm nước mắt con ướt đẫm gối vì nhớ mẹ. Nhưng thôi mẹ à! Tình riêng con xin gác lại, giờ con đã là một sư cô, là một sứ giả của Như Lai, con sẽ vẫn tiếp tục làm tròn trách nhiệm của một người tu sĩ, con sẽ mang ánh sáng của Phật Pháp đến những nơi mà chúng sanh còn đang ngập chìm trong bóng tối của sự đau khổ. Dẫu biết công việc đó đối với con sẽ cực sẽ khó, nhưng con hy vọng với tấm lòng tha thiết tu học của con và sự trợ duyên của chư huynh đệ, và nhất là mẹ. Con sẽ cố gắng làm được.
Công việc hiện tại của con khác với những công việc của người thế tục. Những ngày chủ nhật, ngày lễ Tết họ được trở về với những người thân yêu của mình, còn huynh đệ chúng con tranh thủ thời gian để làm Phật sự. Mỗi lần được nghỉ phép con về chùa phụ sư cô làm trong bếp, con đóng những khẩu phần ăn (chay) rồi mang tới cho những Phật tử. Công việc tuy nhỏ, nhưng con cảm thấy rất hạnh phúc. Với khẩu phần ăn đó, người ta có thể trong một ngày không sát sanh và có một tâm trạng hoan hỷ, đó cũng là công việc trước đây con đã được sư cô giao phó khi chưa đi học.
Mẹ à! Hôm nay ở trường con có mẹ một sư huynh được xuất gia. Nhìn khuôn mặt của huynh ấy rạng ngời khi mẹ huynh ấy được xuất gia lòng con bỗng quặn lại khi nghĩ về bố mẹ vẫn chân lấm tay bùn dù hai anh em con đã xuất gia rồi. Con thầm ước, đến bao giờ con mới có diễm phúc như huynh ấy, để bố mẹ bớt cực khổ phần nào, để bố mẹ luôn sống trong ánh sáng từ bi của Đức Phật, không còn lo âu phiền muộn ngoài thế gian nữa.
Mẹ à! Tuy con đã cách xa mẹ 5 năm rồi nhưng ở trong đây chư huynh đệ và quý Phật tử đều thương con lắm, nên con cũng ấm lòng khi không có mẹ ở bên lúc xuân về. Con cám ơn cuộc sống đã ban tặng cho con món quà vô giá đó là bố và mẹ, để cho cuộc đời con thêm yêu thương. Bây giờ, con là một tu sĩ nên không thể ở bên cạnh phụng dưỡng bố mẹ sớm hôm, lo cho bố mẹ cuộc sống vật chất đầy đủ như người thế tục. Con chỉ có thể báo đáp công ơn nuôi dạy của bố mẹ bằng cách tu học cho thật tốt để hướng bố mẹ đến gần với Phật Pháp hơn.
Con thực là người hạnh phúc nhất thế gian, vì ngày con xuất gia cũng là ngày bố mẹ biết đến Phật Pháp, quy y Tam Bảo, biết bố thí cùng dường, biết ăn chay niệm Phật. Hằng ngày, mẹ thường tụng kinh niệm Phật và làm phước để hồi hướng cho hai anh em con có thể đi trọn được con đường đạo. Con thầm nhủ với bản thân mình sẽ cố gắng thật nhiều hơn nữa để làm cho bố mẹ yên lòng khi con xa nhà và đó cũng là một công việc mà bất cứ người con nào cũng phải làm, đó chính là báo hiếu bố mẹ.
Mẹ à! Trong kinh Đức Phật đã dạy khắp bốn biển đều là nhà, chúng sanh trong ba cõi sáu đường là cha mẹ nhiều đời của ta, cho nên con phải làm tròn bổn phận của một người con. Con xin nguyện noi theo tấm gương hiếu hạnh của Ngài Mục Kiền Liên để phần nào có thể bù đắp lại những lỗi lầm mà trước đây con đã làm bố mẹ phải lo nghĩ quá nhiều về con. Mỗi năm chỉ có một mùa xuân và một mùa Vu Lan báo hiếu, nhưng con nguyện sẽ tu thật tốt để ngày nào cũng là ngày Vu Lan, trên khuôn mặt của bố mẹ luôn rạng ngời hạnh phúc và tự hào về anh và con. Mẹ đã cho con sự ấm áp yêu thương của tình mẫu tử, Sư Phụ đã dạy cho con lòng từ bi và bao dung với tất cả muôn loài. Con sẽ mang đi khắp muôn nơi, mang yêu thương trao tặng cho những mảnh đời cơ cực và bất hạnh.
Hy vọng với bài viết mang cảm xúc và nỗi niềm của người con bất hiếu, con xin chia sẻ với những ai đã và đang đi vào những bước chân đó thì hãy một lần nhìn lại, vì bố mẹ là một món quà vô cùng quý giá mà cuộc sống đã ban tặng cho các bạn. Đừng vô tâm làm mất đi, vì bố mẹ chỉ có một mà thôi. Các bạn hãy mạnh dạn nói lời yêu thương chân thành của mình thì lúc đó các bạn sẽ cảm nhận thấy một bờ vai ấm áp, một trời yêu thương. Hãy nói đi dù chỉ một lần, bố mẹ các bạn sẽ hạnh phúc vô cùng khi nghe được những lời yêu thương từ chính đứa con bé bỏng của mình.
Với con! Con sợ vô thường đến bất cứ lúc nào nên con đã nói những lời yêu thương đó với bố mẹ. Cho dù chỉ qua những cuộc điện thoại gấp gáp, những lá thư viết vội, nhưng cũng đủ làm bố mẹ ấm lòng khi con vắng nhà. Cho nên mỗi khi con đi làm Phật sự con rất hạnh phúc và yên tâm khi bố mẹ luôn đứng sau ủng hộ tinh thần cho con mỗi khi con gặp khó khăn. Xuân năm nay, con lại vắng nhà vì Phật sự và tu học, nhưng con cảm thấy rất ấm lòng, vì con được nhận những cuộc điện thoại động viên của bố mẹ dành cho con, và chư huynh đệ cùng quý Phật tử cũng yêu thương con rất nhiều.
Cuối thư, con xin mượn bài thơ “Nhớ mẹ” của tác giả Miên Thụy để gửi tặng cho các bạn may mắn còn hai đấng sinh thành, để các bạn biết rằng còn bố còn mẹ là còn cả bầu trời yêu thương.
Mỗi lần nghe khúc hát
Lại thấy thương mẹ nhiều
Con một đời lầm lủi
Dòng nước mắt quạnh hiu
Biết làm sao mẹ hỡi
Một kiếp người lưu vong
Vẫn nhớ thương về mẹ
Vẫn nước mắt thành dòng
Mẹ ơi con lại khóc
Như ngày đầu bé thơ
Làm sao khô nước mắt
Mỗi đêm con nằm mơ
Vai mẹ giờ thêm gầy
Gánh đời nặng trên vai
Mẹ ơi con của mẹ
Đau khổ cả hình hài
Con sẽ về bên mẹ
Lau khô dòng lệ buồn
Đến bao giờ mẹ nhỉ
Nước mắt đừng rơi tuôn
(Miên Thụy)
Chùa Hoằng Pháp