Xem người hại ta là bạn ta

“Trước con mắt đạo đức không có kẻ thù, cũng như trước ánh đèn pha không có bóng tối”. Phật dạy Phật tử: “Dù thân thuộc mình bị người giết hại cũng không có tâm niệm trả thù, đem oán hận trả thù oán hận là điều không hợp chánh pháp”. Đã không có tâm niệm trả thù thì làm gì thấy có kẻ thù.

 

Chẳng những Phật tử không thấy có kẻ thù, mà nếu ai tự đặt họ là kẻ thù của chúng ta, chúng ta vẫn coi họ là bạn. Bởi vì, nếu xác nhận họ là  thù, đã nói lên ta là người phi đạo đức. Có thù là có ý muốn hại nhau, có ý hại người là kẻ ác, không phải là người thiện.

Phật giáo dạy chúng ta lấy đạo đức làm cứu cánh, dù việc làm có lợi cho Đạo, cho đoàn thể mà thương tổn đạo đức, nhất định không làm. Trong Kinh Ưu-bà-tắc Phật dạy: “Bồ-tát có khi vì lợi ích chúng sanh mà phạm giới, nhưng khi phạm giới Bồ-tát tự nhận mình làm tội, không phải chánh pháp dạy như thế”.

Làm tổn thương người mà lợi cho Đạo, nhất định không phải Phật giáo. Vì thế, Phật tử không bao giờ có ý nghĩ đến kẻ thù, luôn luôn xem mọi người là bạn. Mặc dù người ấy đã nhiều phen làm ta điêu đứng, nhưng với tinh thần Phật tử chúng ta vẫn thấy họ là bạn.

Không có kẻ thù nào độc hại bằng ác nghiệp của chính mình

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đức Phật thuật lại cho chúng ta biết, Đề-bà-đạt-đa đã nhiều đời hại Ngài. Nhưng, đến sau cùng Ngài bảo: “Đề-bà-đạt-đa là thiện hữu tri thức bậc nhất của ta”. Nhẫn nhục tiên nhân đâu không nhờ vua Cát-lợi cắt tai, xẻo mũi mà thành tựu pháp Sanh-nhẫn. Thái tử Tu-đại-noa đâu không nhờ người Bà-la-môn xin con mà thành tựu pháp bố thí Ba-la-mật.

Người tu hành tiến được nhờ hai phương tiện: thuận duyên, nghịch cảnh. Thuận duyên là sự khuyến khích, giúp đỡ theo nhu cầu của chúng ta. Nhưng nếu toàn thuận duyên không, trên đường đạo tiến rất chậm chạp, phải nhờ nghịch duyên thúc đẩy sự tu tiến mới nhanh. Chúng ta đặt quan niệm chân chánh như vậy, mọi trở ngại đối với chúng ta không còn trở ngại nữa, là trợ duyên tốt cho ta tiến đạo.

Dù kẻ ác đến thế nào cũng còn đôi chút lương tri, chúng ta tin tưởng như thế, cố gắng tìm cách cảnh tỉnh họ. Nếu họ thay đổi được tâm niệm xấu ác, thật là một điều may mắn biết mấy. Bằng họ không thay đổi, chúng ta vẫn xem họ là ân nhân của chúng ta. Vì họ đã chịu hy sinh để đưa chúng ta lên nấc thang chót vót của đạo đức.

Trích từ Vài vấn đề Phật Pháp. 

HT. Thích Thanh Từ