Xá lợi là gì, ý nghĩa đảnh lễ xá lợi Đức Phật theo thầy Trí Chơn, Minh Thiền…
Khi đi đến một số ngôi già lam, thiền viện, cơ sở thờ tự, chúng ta cũng có thể được giới thiệu ở nơi đó Phật tử, du khách có cơ hội chiêm bái xá lợi của Đức Phật. Vậy Xá lợi là gì, ý nghĩa của việc đảnh lễ xá lợi Đức Phật thế nào?
Xá lợi là gì?
Sư thầy Minh Thiền, trụ trì chùa Đức Hòa (Bình Dương) cho biết, có rất ít thông tin, dữ liệu về xá lợi. Trong kinh Phật cũng chỉ có vài bản kinh Đức Phật nói về xá lợi.
Xá lợi được hiểu đơn giản là tinh thể được kết lại từ xương, răng… trong hài cốt của các bậc tu hành khi các vị viên tịch, sau khi thiêu, phần nào đó trong cơ thể còn lại.
Ở tầng sâu hơn, chúng ta có thể hiểu xá lợi là đức hạnh, trí tuệ của các ngài còn lại. Theo sư thầy Minh Thiền, Phật giáo tôn thờ xá lợi của Đức Phật, chúng ta xem đó như là bảo vật. Xá lợi Đức Phật rất ít nơi có.
Chúng ta nhớ về ơn đức của Đức Phật, tôn thờ ơn đức của ngài nên tôn thờ xá lợi của ngài để lại. Nhưng xá lợi không chỉ là phần của hài cốt còn lại, xá lợi khác mà mọi người tôn thờ, học theo đó là những lời dạy của Đức Phật.
Thượng tọa Thích Huệ Công, Phó trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Trưởng ban đại diện Phật giáo người Hoa cũng cho hay, xá lợi là những hạt tinh thể cứng rắn, có nhiều màu sắc thường được phát hiện trong tro cốt của một nhà sư tu hành sẽ lễ trà tỳ.
Trong đó, lễ trà tỳ được hiểu là nghi thức hỏa thiêu nhục thân của một vị Phật hay cao tăng Phật giáo. Xá lợi là tinh hoa, được đúc kết bằng công hạnh thiền định, các vị đắc đạo có thể có xá lợi.
Ý nghĩa đảnh lễ xá lợi
Thầy Minh Thiền cho biết, ví dụ ở nhiệt độ 1.000oC, thân xác bình thường cháy còn lại xương, răng. Nhưng tăng lên 1.500 – 2.000oC thì thân xác con người không còn gì, tất cả thành tro bụi. Cùng với mức nhiệt này, thân xác vị nào vẫn còn răng, xương kết tinh lại thành viên gọi là xá lợi, thiêu tiếp 3.000 – 4.000oC độ mà những hạt này không cháy thành tro bụi mới được gọi là xá lợi.
“Thực tế, bây giờ nếu người thiêu yêu cầu thiêu chừa lại xương thì lò thiêu vẫn canh nhiệt độ để chừa xương lại, phần xương này gọi là hài cốt chứ không gọi là xá lợi”, trụ trì chùa Đức Hòa phân tích.
Trụ trì chùa Đức Hòa nói thêm, trong thời đại Đức Phật có nhiều bậc thánh tăng, tôn giả, các ngài được Đức Phật ấn chứng là người đã chấm dứt hết vô minh, không đi vào luân hồi… khi bỏ xác thân này vị ấy sẽ vào niết bàn, ngài xác thực cho nhiều đệ tử có thánh quả.
Từ đó, sư thầy Minh Thiền cho rằng, Phật tử, người mến mộ đạo Phật cần tránh hiểu vị nào đi tu rồi khi viên tịch để lại xá lợi mới là tinh tấn, tu chứng đạo là không chính xác. Sư thầy nói: “Chúng ta không nên nhìn vào xá lợi mà hãy nhìn vào đời sống của vị tu hành đó xem họ sống hết lòng vì đạo hay không, họ thanh tịnh với đời hay không, có đem hết tâm tình của mình để đem chánh pháp, đem lời Phật dạy đến chúng sinh hay không, họ có ứng dụng lời Phật dạy vào đời sống để rồi đi đứng nằm ngồi có chánh niệm tỉnh thức không, đó mới quan trọng”.
Phật tử được cơ hội chiêm bái xá lợi Đức Phật, các bậc thánh tăng, những bậc cao tăng, theo sư thầy Minh Thiền là một phước lành, bởi chúng ta tôn kính một đời sống đức hạnh một đời sống tu hành tinh tấn, một đời sống đầy tuệ giác và tình thương của các ngài. Các ngài đã dành tặng cho đời nhiều những giá trị chuyển hóa, góp phần giúp cho chúng ta biết sống thiện lành, tỉnh thức và thương yêu hơn.
Do đó, sư thầy Minh Thiền đưa ra lời khuyên, mỗi Phật tử, người mến mộ đạo Phật thay vì chờ đợi một vị tu hành đến khi họ viên tịch để thiêu tro cốt, xem xá lợi còn lại thì bây giờ chúng ta nên cung kính người đó bởi chính họ là viên xá lợi đang hiện hữu. Viên xá lợi này biết đi, biết nói, mỉm cười, làm mọi việc phật sự, biết khổ trước nỗi khổ của chúng sinh, biết vui trước niềm vui của chúng sinh.
“Từ sự tôn kính, đảnh lễ này, chúng ta cần học tập và biến thành viên xá lợi sinh động, mình phải là xá lợi của chính mình, xá lợi ở đây đó là một đời sống tỉnh thức, thương yêu, tận tụy cống hiến, niềm vui cho cuộc đời. Viên xá lợi này giá trị hơn tất cả mọi viên xá lợi bởi viên xá lợi đó chính là mình”, trụ trì chùa Đức Hòa nói.
Thượng tọa Thích Trí Chơn từng chia sẻ, câu chuyện về Bồ tát Thích Quảng Đức được kể đến hôm nay đó là khi ngài tự thiêu nhưng còn để lại quả tim, sau đó, người ta tiếp tục dùng điện đốt mấy ngàn độ C nhưng vẫn còn nguyên.
Thượng tọa Trí Chơn kể: “Chúng tôi may mắn đã được vào trong Ngân hàng Nhà nước đảnh lễ trái tim của Bồ tát trong một dịp đại lễ Phật đản. Hiện nay trong Ngân hàng Nhà nước có gian thờ rất trang trọng bảo vệ trái tim bất tử của Bồ tát. Trái tim Ngài trở thành biểu tượng thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, của đạo Phật Việt Nam cho tới giờ phút này”.
Theo tư liệu từ bài viết: “Chuyện ít người biết về xá lợi Phật” đăng trên Thanh Niên năm 2009 của nhà báo Giao Hưởng, trước kia, trong lịch sử nước ta đã có nhiều vị thiền sư để lại xá lợi ghi trong sách cổ. Ngọc xá lợi Phật đưa vào Việt Nam từ Trung Quốc, Thái Lan, Tích Lan (Sri Lanka), Miến Điện (Myanmar), hoặc bất cứ quốc gia nào khác cũng đều bắt nguồn từ ngọn lửa đại bi của lễ trà tỳ tại Ấn Độ cổ cách đây hơn 2.500 năm. Và dầu đó là cốt xá lợi, hoặc nhục xá lợi, hoặc toàn thân xá lợi, hoặc toái thân xá lợi đi nữa, thì mục đích của việc chiêm bái tất cả các dạng ngọc xá lợi ấy cũng nhằm gieo hạt giống tốt vào ruộng phước và tạo nhân duyên với Phật pháp về sau.
Vũ Phượng-Theo Thanh Niên