Vòng ôm của mẹ

Ảnh minh họa

Làm ca sĩ, quỹ thời gian của tôi dành cho gia đình, quê hương và đặc biệt là cho mẹ ngày một ít dần. Mẹ hay gọi cho tôi lắm, nhất là mỗi sáng, mỗi chiều, hỏi tôi nay có đi diễn ở đâu không, ăn cơm chưa, bao giờ về quê thăm mẹ.

Mẹ không trẻ nữa.

Tôi nhận ra điều đó trong một chiều vội vã về thăm nhà rồi đi luôn trong đêm. Mẹ bơi xuồng đưa tôi và cô bé trợ lý qua sông. Tôi ngồi trước, con bé ngồi giữa vì sợ nước, mẹ ngồi sau lái. Nhìn dáng mẹ lẩn khuất trong màn đêm, chiếc áo bà ba nhăn đùm và mái tóc cuộn gọn sau lái, tôi thương. Trăng tháng bảy soi xuống dòng sông lấp lánh, sóng nước dập dềnh. Dòng sông quê không quá rộng nhưng nó đủ trở thành dòng ngăn cách giữa tôi và xứ sở, quê hương.

Ở sau lái, mẹ tôi cầm chắc mái dầm khỏa nước. Chiếc xuồng từ từ đưa chúng tôi qua sông. Tôi nén chặt nỗi xúc động trong lồng ngực đến nỗi không dám thở mạnh, sợ cảm xúc bung ra và tôi sẽ khóc trước một cuộc xa rời trong vô vàn cuộc xa rời trước đó. Mẹ cũng im lặng. Khi gần đến bờ bên kia, mẹ tôi mới nhỏ nhẻ, giọng nuối tiếc:

– Không ở lại một đêm được sao Nhi?

Tôi lắc đầu. Lúc này tôi vẫn chưa đủ can đảm để mở miệng. Tôi thương mẹ quá! Mất vài giây sau, khi con bé trợ lý tưởng tôi không nghe mẹ nói nên khều tay tôi, tôi mới đáp lại lời mẹ:

– Sớm mai con phải bay ra Đà Nẵng diễn, ngày kế tiếp lại ra thủ đô… Lịch kín cả, mẹ ạ! Nếu không thì con đã ở lại ngủ với mẹ đêm nay rồi!

Mẹ tôi thở dài. Tiếng mẹ hòa vào tiếng con sông quê đang thều thào thở. Mẹ tôi buồn lắm nhưng không nói ra. Tôi biết! Vì thời gian mà tôi ở bên mẹ có bao nhiêu. Những chuyến đi cứ kéo tôi ngày càng cách xa quê nhà và xa hình bóng mẹ già ngày đêm mong ngóng… Nếu không có chuyến đi diễn ở tỉnh, có lẽ tháng sau, tháng sau nữa, hoặc khi mai vàng đua nở trước sân nhà tôi mới trở về thăm mẹ yêu thương.

*

Nhiều lần nghĩ lại, tôi thấy đời mình may mắn quá. Tôi may mắn vì mẹ cho tôi tự quyền quyết định mọi thứ, khi tôi đã đủ tuổi trưởng thành. Ngày xưa tôi rất mê ca hát, mỗi chiều đi học về lại xuống bến sông ngồi ca hát râm ran, cao hứng thì hát inh ỏi, tiếng hát vang ra cả một quãng sông dài.

Tốt nghiệp cấp ba, đám bạn của tôi mỗi đứa ấp ôm một giấc mộng đẹp. Đứa đi học kinh doanh để sớm đổi đời, vì nghe đồn rằng học kinh doanh sau này dễ dàng xin được việc làm mà thu nhập cũng rất ổn định. Đứa đi học du lịch vì ước mơ sau này sẽ được đi đó đi đây, đường cùng thì về quê, góp vốn mở du lịch sinh thái, phát triển quê mình.

Còn tôi, mẹ hỏi tôi thích gì, tôi đáp gọn: “Con chỉ thích ca hát”. Mẹ xót lòng khuyên tôi: “Xướng ca vô loài! Xưa kia mẹ cũng là nghệ sĩ trong đoàn hát, lênh đênh phiêu dạt rồi cuối cùng cũng có được gì đâu? Người ta quên mất mẹ từng là một người nghệ sĩ…”. Tôi thương mẹ nhưng vẫn tin rằng làm nghề ca hát sẽ… sống được, nhất là trong thời buổi hiện đại, khi nhu cầu giải trí của mỗi người rất cao.

Mẹ tôi bấm bụng gật đầu. Tôi nộp đơn vào Nhạc viện, thi thêm vài vòng thì có giấy báo nhập học chính thức. Mẹ tôi vừa vui, vừa buồn. Còn xóm làng thì lời ra tiếng vào, lo lắng cho tôi. Ở dưới quê thời điểm ấy người ta vẫn nghĩ rằng “xướng ca vô loài”, lông bông, không ổn định…

Nhưng rồi tôi đã chứng minh với mẹ mình không chọn sai nghề. Rời Nhạc viện, tôi trở thành cô ca sĩ đi lên bằng thực lực của mình. Cô ca sĩ có “màu giọng” rất riêng, có thể hát được cả nhạc hiện đại lẫn nhạc dân gian, truyền thống. Mẹ tôi vui lắm! Đôi lần mẹ ngồi nhìn tôi, nghe tôi đọc một bài báo về mình, mẹ tự hào pha lẫn ân hận:

– Phải ngày đó mày nghe lời mẹ, chắc đã không có tương lai xán lạn như hôm nay! Mẹ mừng lắm! Con càng thành công, mẹ càng áy náy!

Tôi ôm mẹ thật chặt, âu yếm:

– Thì mẹ cũng nghĩ những điều tốt nhất cho con thôi, chứ có làm gì sai đâu mà áy náy! Xứ mình ai cũng nghĩ “xướng ca vô loài”. Con thì thấy hạnh phúc khi được sống trọn vẹn với đam mê của mình.

Mẹ xoa đầu tôi, hệt như khi tôi còn nhỏ. Mỗi lần có chuyến đi diễn ở tỉnh hay rảnh rỗi, tôi lại về thăm mẹ, đứng bên này sông í ới gọi mẹ bơi xuồng sang đón tôi. Có khi tôi về cùng con bé trợ lý, có khi về một mình. Ở thành phố, tôi được săn đón bao nhiêu, ướm lên mình bao nhiêu bộ cánh lộng lẫy… thì khi về quê, tôi vẫn là cô con gái thảo hiền, chất phác của mẹ mình. Tôi mặc áo bà ba cũ, đi đi lại lại trong vườn hái rau nhổ cỏ, đi thăm xóm làng. Ai cũng tấm tắc: “Con Nhi ngày nào giờ là ca sĩ, nổi tiếng quá trời! Xóm mình cũng nở mày nở mặt…”. Tôi cười hiền, nửa tự hào, nửa ngại ngần, e ấp.

*

Nhưng càng nổi tiếng bao nhiêu, khoảng cách giữa tôi và mẹ càng xa xôi bấy nhiêu.

Một ngày, tôi xót xa nhận ra đã hơn nửa năm ròng mình chưa về quê thăm mẹ. Tôi đi diễn trong nước rồi lại ra nước ngoài, mỗi chuyến đi như thế thường kéo dài hai, ba ngày, thậm chí là nửa tháng trời ròng rã. Làm ca sĩ, tôi được cất cao tiếng hát của mình, tiếng hát nói hộ tâm trạng, nỗi lòng của bao nhiêu người. Tôi được cháy hết mình trên những sân khấu lớn, nhỏ, được tiếp cận nhiều đối tượng khán giả, từ người sang trọng đến người bình dân, từ thành phố phồn hoa đến miền quê xa xôi, hẻo lánh trong những chuyến đi diễn từ thiện.

Và tất nhiên tôi có thể lo lắng đủ đầy cuộc sống của mẹ tôi, xây được cái nhà, tráng cái sân, thuê người đắp bờ, trồng cây trái… Những thứ đó, ngày xưa tôi có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới.

Làm ca sĩ, quỹ thời gian của tôi dành cho gia đình, quê hương và đặc biệt là cho mẹ ngày một ít dần. Mẹ hay gọi cho tôi lắm, nhất là mỗi sáng, mỗi chiều, hỏi tôi nay có đi diễn ở đâu không, ăn cơm chưa, bao giờ về quê thăm mẹ. Tôi thường ít khi cầm máy. Mỗi khi ngồi trang điểm sau cánh gà hay đi chụp ảnh quảng cáo, tôi đều đưa điện thoại cho con bé trợ lý giữ giúp. Mẹ gọi, con bé bắt máy. Có khi hàng tháng mẹ vẫn chưa nghe được giọng của tôi, chỉ biết cuộc sống của tôi như thế nào qua lời kể của con bé trợ lý. Có lần con bé trợ lý nói với tôi một câu, là nói đùa thôi nhưng lại khiến tôi giật mình, nước mắt rưng rưng:

– Chị Nhi, riết rồi không biết mẹ là mẹ của chị hay mẹ của em nữa, ha!

Tôi điếng người. Con bé nói đùa nhưng lời nói như một con dao sắc nhọn đâm vào trái tim tôi, khiến tôi đau đớn vô cùng. Trời ơi, càng thành công, tôi càng thấy mình cách xa mẹ quá! Bao lâu rồi tôi không được nghe giọng nói hiền lương của mẹ? Bao lâu rồi tôi không được ôm mẹ vào lòng, được mẹ xoa đầu, được cảm nhận hơi ấm và mùi hương từ vòng ôm nồng nàn của mẹ? Bao lâu rồi… Lòng tôi se sắt.

Sau buổi diễn, tôi lui vào cánh gà trong tiếng vỗ tay reo hò của khán giả và sự đợi chờ của fan hâm mộ ngoài cổng nhà hát. Trông thấy tôi, con bé trợ lý hớt hải báo tin:

– Chị Nhi ơi, mẹ chị bệnh. Bác hàng xóm bảo chị về gấp!

Tôi mếu máo nhìn Nhi, tay run run. Cái vẻ kiêu hãnh của cô ca sĩ trên sân khấu đã biến mất, tôi trở thành cô gái đáng thương trong sự xuýt xoa vây quanh và hỏi han của ekip.

– Em ơi, mẹ chị… Mẹ chị có sao không? Mẹ ơi…

Tôi có thể về ngay, nhưng sực nhớ ra còn một tiết mục ở sân khấu xa xôi, ngoài vùng ngoại ô. Hợp đồng biểu diễn đã ký. Khán giả đã đến đông đủ và đợi chờ giọng hát ngọt ngào của ca sĩ Lưu Nhi. Lúc bấy giờ tôi mới cảm nhận được nỗi đắng cay của một người nổi tiếng. Cát-xê chục triệu hay những tiếng reo hò, tán thưởng… giờ đây chẳng còn ý nghĩa gì đối với tôi nữa.

– Em ơi, chị phải làm sao đây? Tôi bất lực nhìn con bé trợ lý. Nước mắt làm trôi đi lớp make up của tôi.

– Chị về quê đi. Về đi chị! – Con bé giục.

Tôi sững sờ:

– Còn hợp đồng? Buổi biểu diễn?…

– Bỏ đi, chị ơi! Đường cùng thì mình đền hợp đồng. Đền bao nhiêu cũng được, chị sẽ còn hát nữa. Mẹ thì chỉ một mà thôi…

Tôi khóc mướt. Con bé trợ lý ôm choàng lấy tôi, động viên.

Chúng tôi đi thẳng ra xe và bác tài xế điều khiển chiếc xe bốn chỗ ngồi xé màn đêm mưa gió về quê nhà xa lắc. Trên xe, tôi thầm cầu nguyện đất trời cho mẹ tôi được bình yên. Cho dù có đánh đổi bằng cả sự nghiệp của mình, tôi cũng bình thản chấp nhận…

*

Cửa phòng bật mở. Tôi thấy mẹ nằm trên giường bệnh, yểu xìu, mẹ xanh xao và gầy guộc quá, khiến tôi không kìm được nước mắt. Mẹ đã thấy tôi rồi, cô con gái của mẹ, cô ca sĩ nổi tiếng nay về úp mặt vào bầu ngực mẹ tìm hơi ấm thuở ban sơ. Mọi thứ vật chất xa hoa hay sự nổi tiếng đều không đáng kể bằng một khoảnh khắc nằm gọn trong vòng tay của mẹ, dù đôi tay ấy giờ đây xanh xao và một tay đang truyền nước.

– Mẹ ơi! Con gái đã về với mẹ rồi đây! Con sẽ ở lại bên mẹ cho đến khi mẹ khỏi bệnh. Mẹ mau khỏe nha mẹ!

Mẹ tôi gượng cười, dù chỉ là nụ cười nhạt màu trên khuôn mặt trắng bệt vì mất sức nhưng đã đủ để sưởi ấm lòng tôi.

– Nín đi con! Mẹ không sao… Con về, mẹ mừng lắm! Mẹ sẽ khỏi bệnh ngay mà!

Tôi gục đầu bên mẹ, lim dim, hệt như ngày xưa nằm ôm mẹ ngủ một giấc say sưa mặc kệ đất trời có xoay vần, biến đổi. Tôi thì thào kể cho mẹ nghe những câu chuyện vui, kể về một chuyến đi, kể về giấc mơ tôi thấy mình còn là cô gái sống quanh quẩn với ruộng đồng, lâu lâu lại níu áo mẹ đi bộ sang nhà bà ngoại ăn bánh chuối hấp nước cốt dừa béo ngầy ngậy.

Ba hôm sau, mẹ tôi rời viện. Chúng tôi trở về căn nhà bên bờ sông quê êm đềm. Hàng xóm sang hỏi thăm mẹ tôi đông lắm! Đêm, khi khách đã vãn, tôi ngồi bên cạnh mẹ tôi, dịu dàng và trìu mến, tôi thủ thỉ:

– Mẹ ơi! Giờ con chẳng cần gì ngoài cuộc sống bình yên, ấm áp ở quê mình. Có mẹ là điều tuyệt vời nhất của con. Những thứ khác, có cũng được, không có cũng chẳng sao. Con chỉ cần mẹ thôi!

Mẹ tôi cười, xoa đầu tôi. Cảm giác sung sướng và hạnh phúc chạy dọc sống lưng tôi. Mẹ nói:

– Con phải thực hiện những giấc mơ của mình chứ? Mẹ chỉ cần con nhớ đến mẹ và quê hương…

Tôi gật đầu. Sực nhớ bài thơ mẹ dạy thuở tôi còn bé xíu, rằng “Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người…”. Tôi ôm mẹ, mẹ choàng tay ôm lấy tôi vào lòng. Vòng ôm ấm áp. Hạnh phúc với tôi chỉ đơn giản và thiêng liêng như vậy thôi!