Với Má, tôi không đủ bản lĩnh để “áp khuôn” bình tĩnh…
Tinh thần nhìn chung của việc tu tập của Đạo Phật mà tôi muốn đạt được chính là đón nhận quy luật cuộc sống, bình tĩnh, không sợ hãi…
Hôm qua, Má tôi vấp ngã khi đi vệ sinh. Thú thật, khi coi lại camera tôi bưng mặt một mình rấm rức nơi góc trọ lúc đêm về; ban ngày đang dẫn tour tôi lặng người để không ai thấy. Lần đầu tôi thấy Má như vậy, bản thân điếng người và lo sợ. Nhất là khi Má gọi lớn em út tôi để tìm trợ giúp: “Bé ơi, Bé!… Trời ơi, Má đây nè con ơi!”.
Không thể diễn tả được tâm can tôi lúc đó.
Ngẫm lại, thật lạ đời khi chúng ta “chỉ muốn chết đi” lúc biết bị phụ bạc, muốn xé toang sự thật khi kẻ khác hiểu lầm thiện ý, hay bị đơm đặt mà chẳng biết làm gì… Nỗi day dứt không thôi, trong mơ còn nghĩ tới… Trong lòng toàn hình bóng những “người dưng khác họ” đó… Cũng bởi sống nặng lòng, vì tình thương rộng lượng, rồi nhìn lại tủi hổ, đớn hèn vì lo làm đẹp dạ thiên hạ mà không ít lần quên sự tồn tại của người nhà… Tất cả chộn rộn đó rồi sẽ bình thường hóa, cũng thành mây khói, không theo đời, sống kiếp với ai.
Má mình kìa, lo thương đi…
Tinh thần nhìn chung của việc tu tập của Đạo Phật mà tôi muốn đạt được chính là đón nhận quy luật cuộc sống, bình tĩnh, không sợ hãi…
Bản thân tôi đã nghĩ và thông suốt rằng, nếu một sáng nào hay một đêm kia, khi phủi được bụi trần rồi ngồi tự tại ra đi là duyên phước. Không mang theo gì, không sở hữu gì, không vướng bận ai, nghiệp nợ trần gian khi đã dứt thì về “quê hương an lành” nào đó hay tinh tấn hơn thì được về với chư Phật, Bồ-tát chứ không ở thêm cõi Ta-bà để lòng trần thêm nhiễm tạp – cứ luân hồi, xoay vần trong lục đạo đau khổ biết ngày nào hỷ lạc lâu xa. Nếu được vậy thì đúng là thù thắng không gì bằng. Từ ý niệm đó tôi bớt sợ “bệnh – tử” hơn rất rất nhiều. Nhưng với Má, tôi không đủ bản lĩnh để “áp khuôn” bình tĩnh.
Bữa nay, Má tôi ở viện ăn được chút chút, cười vui khi tôi chọc ghẹo, không xay sát gì quá thể, con cháu kề cận… Tôi an lòng hơn, phận tha phương lữ thứ… chỉ mong mỏi có vậy. Vô cùng biết ơn cả nhà mình đã động viên, chúc lành cho Má tôi. Có những người đáng quý như vậy, tôi thấy thật diễm phúc.
Nhân đây, tôi kể chuyện Má mình hay đề xuất: “Con hỏi người ta có nhận con nuôi không”?
Tôi không biết tâm ý của Má là gì, nhưng hễ nghe con trai kể ai đó tốt với mình lắm là Má nói: Tội hông, người ta đối tốt với mình như vậy, ráng mà sống cho đúng, cho đáng. Không phải ai cũng được vậy đâu.
Rồi Má hái trái đu đủ, chặt buồng chuối, gói cái bánh chưng đều biểu: Đem vô cho người ta đi, nói Má con/em tặng… Như rằng, con cái chơi thân với ai, mà người đấy về chơi, về thăm Má là Má thân như từ kiếp nào, Má kể chuyện, Má hỏi thăm, Má quý như cách người ta quý con Má.
Học trò, bạn học tôi mà về quê với Má là Má coi như con.
Ai lớn tuổi cỡ Má, chú, cậu, cô dì mà vì giao tiếp tinh tế, trân trọng mối quan hệ xã hội… cứ: Thầy Huân – em/chị/ba/mẹ… Là Má quở kiểu: Trời ơi! Sao mà gọi nó trịnh trọng dữ vậy… Nó còn nhỏ, đáng con đáng cháu, có gì chỉ dạy cho nó…
Lâu dần, khách về nhà nhiều Má mới không quở nữa, tại quy tắc xã hội/nguyên tắc giao tiếp của nhà giáo như vậy, mới giữ được sự “thiêng liêng” của nghề. Rồi Má cũng chịu, cũng thương người ta.
Trò chuyện tới lui, Má thỉnh thoảng sẽ lặp lại: Hông ấy hỏi người ta có nhận con nuôi không, mày làm con nuôi họ luôn đi.
Chắc là, Má lo rằng ở xa, ở nơi lạ, không có vòng tay cha mẹ thì con cái thiếu hơi ấm, thiếu tình thương, có thêm Ba nuôi, Má nuôi sẽ bồi đắp được.
Thời gian trôi đi, tôi cũng trung niên, mình tuy không có ba nuôi, mẹ nuôi nào cả nhưng sự “thương nuôi” nếu tôi cần trên thế gian này đủ để mình được sưởi ấm suốt cuộc đời.
Những học trò tôi xem như em, như cháu khi dạy, nên đã dạy không lừa lọc, không ảo vọng hay vì hám danh lợi…
Những người chơi chung mình cũng xem như người thân thương, nên luôn thật tình, thật dạ.
Đi tour với mình thì tôi luôn mong ai cũng cảm nhận như gia đình.
Làm công ty cũng muốn kiểu gia đình nhất có thể…
Ở đâu cũng muốn rủ người này, người kia về để hưởng không khí của sự thân tình…
Vậy là, mình hoặc những người ở quanh đều có thể là anh, chị, em, con, cháu, ba, mẹ, ông, bà nuôi với nhau rồi.
Tôi tin là cứ sống cho đúng đạo, thì đời không quá bạc với mình!
Mong Má tôi, Má quý vị bình an và khỏe mạnh!
Mong chúng ta gạt bỏ ích kỷ để “nuôi tình thương” với nhau.
Lỡ mai này một trong chúng ta rời đi, lấy người nào đâu để mà giận dỗi, trách móc, lời xin lỗi nói ra liệu có ai nghe?
Tha lỗi cho người đã khó, thứ lỗi cho bản thân mình vì chấp niệm vụng vặt còn khó hơn bội phần…
_____
(*) Thạc sĩ Tâm lý, giảng viên đại học, một Phật tử thuần thành
Lê Minh Huân (*)