“Vô khứ vô lai”
Người, không từ đâu đến cũng chẳng đi về đâu.
Thật vậy, Phật tính – chân tâm thiện lương vốn sẳn ở ngay trong lòng mỗi chúng ta. Vậy ta đi tìm an lạc nơi đâu ngoài chính mình?
Đức Phật dạy: “Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng…” bởi lẽ chân tâm không thật có ở quá khứ hay tương lai mà chỉ hiển bày ngay trong hiện tại – “bây giờ và ở đây”. Chúng ta “thực sự sống” là khi và chỉ khi chúng ta biết rõ mình “đang sống”.
Mỗi sớm mai khi nắng vừa xanh trên giàn hoa bí, đã thấy dáng Người quét lá trước sân, tưới cây ngoài ngỏ… trong chiếc áo vàng phai bạc phong sương.
Người rất ít khi giao tiếp với ai, chẳng luận bàn chính sự, nhưng hầu như ai đã gặp cũng đều tỏ lòng quý kính. Những ấn phẩm Người biên dịch tuy không nhiều nhưng các bậc trí giả lại đặc biệt lưu tâm, những dòng thơ nét bút cũng thật dung dị khiết thanh như đời Người biểu hiện.
Đến cuối đời – viên tịch Người cũng an nhiên tự tại như lời thơ của Người vậy:
“Ta chỉ thấy màu xanh tươi của lá
Chỉ úa vàng trong một thoáng sương mơ
Và nhân thể hồn nhiên trong vĩnh cửu
Chiều hôm nay gió nhẹ thoảng đôi bờ”
…………
“Và như thế đâu có gì buồn bã
Sự ra đi như trái rụng ven rừng
Nhìn cuộc đời từng giây phút phế hưng
Như giấc mộng phù vân và ảo ảnh”
Quả thật, ai còn trong mộng thì còn tham vọng, được mất, đến đi… Người tỉnh thức thì danh lợi, phế hưng tức thì tan biến.
Người “Không từ đâu đến”
Cũng “chẳng đi về đâu”.
Tâm hương con khể thủ
Kính dâng Người… đôi câu
Học trò Nhuận Thường kính bút