Vì sao ta làm phúc lại ‘xúc’ phải tội?
Con chưa hiểu ở trường hợp nào Thầy dạy không khéo làm phúc thiện mà phải gánh chịu nghiệp báo thay cho người.
HỎI: Kính bạch Thầy, trong kinh sách Đại Thừa, làm phúc, làm thiện cứu giúp người bệnh khổ, tai nạn thì chính bản thân mình cũng được tiêu tai, giải hạn. Nhưng con chưa hiểu ở trường hợp nào Thầy dạy không khéo làm phúc thiện mà phải gánh chiu nghiệp báo thay cho người? Điều này con chưa hiểu, xin Thầy chỉ giáo?
Hoà thượng Thích Thông Lạc:
ĐÁP: Con đã học “nhân quả”, bệnh tật, tai nạn, khổ ách đều chính do nhân quả ác mà ra, họ đã làm ác họ phải gặt quả khổ, đó là luật công bằng nhất của nhân quả mà không có một đấng vạn năng nào có thể cứu họ, giúp họ được huống là chúng ta.
“Làm phúc, làm thiện cứu giúp người bệnh khổ, tai nạn thì chính bản thân mình cũng được tiêu tai, giải hạn”.
Làm phúc, làm từ thiện không phải là gieo nhân lành sao? Mà đã gieo nhân lành thì chuyển được quả khổ nơi bản thân mình. Làm phúc, làm lành với con người mà lại làm ác với tất cả các loài vật, giết hại chúng, ăn thịt chúng, thì có phải thiện không?
Làm phúc, làm thiện cứu giúp người bệnh khổ, tai nạn là để cầu danh làm từ thiện, cầu lợi gạt người khác, thì phỏng có thiện không?
Trong kinh điển Nguyên thủy, Đức Phật dạy: “Cứu giúp người nghèo khổ là làm cho người khác nghèo khổ hơn” như ông Ca Diếp đến khất thực bà lão ăn xin để giúp bà thoát cảnh nghèo khổ.
Vì có duyên nhân quả ta mới gặp người bệnh tật, khổ nạn, nghèo cùng để giúp đỡ nhau, để trả duyên nhân quả đời trước, để gieo nhân thiện đời sau, chớ không phải làm luôn luôn hữu sự, đầu óc đầy ắp những sự việc.
Ban Tư vấn Phật giáo