Vì sao Phật dạy “Chánh pháp còn phải xả bỏ”?

Trong thế gian này ta khổ hoài là vì sao, mọi người có biết và thấy được nguyên nhân của nó?

 

Đó chính là do chúng ta luôn dính mắc và bám chấp vào cái tướng. Trong kinh Kim Cang, Đức Phật đã khẳng định rằng: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng!”. Nghĩa là, phàm cái gì có tướng đều là không thật, tạm bợ cả. Hầu hết đều nhìn vào những thứ mình có hoặc những thứ mình muốn như nhà lầu, xe hơi, tiền của, v.v.

Thực tế, có nhưng rồi nó mất đi, hoặc chưa có nhưng muốn không được đều khiến cho ta buồn khổ. Hoặc thậm chí đến gặp người con gái, hoặc con trai mình thích cũng làm cho mình khổ, hoặc đến nghe những lời chửi mắng, thị phi, v.v, hoặc ngửi những mùi không vừa ý, v.v, cũng làm cho mình khổ. Ta khổ chính là do mình thấy rằng những cái đó nó có tướng thật. Tướng ở đây nhằm để ám chỉ đến “tướng của 6 căn, 6 trần và 6 thức”. Thực chất, tất cả đều là hư vọng cả.

Ta phải dùng trí tuệ để nhìn thấu vào các tướng để thấy ra bản chất của nó là do duyên giả hợp mà có. Nghĩa là bất cứ thứ gì trên đời từ mắt, tai, mũi, v.v., sắc, thanh, hương, v.v, nhãn thức, nhĩ thức, v.v, con gái, con trai, lời khen, tiếng chê, v.v, tất cả đều hư vọng, do hội tụ đủ các duyên mà có ra. Nếu ta thấu hiểu được điều này thì khi đối duyên xúc cảnh, ta sẽ dễ dàng buông bỏ sự dính mắc và chấp trước, không bị nó lôi kéo.

 

buddha01

Kể cả Phật pháp cũng có tướng, vì nó là pháp nên nó có tướng của pháp như vô thường, vô ngã, Bát Chánh Đạo, v.v đó là tướng của Phật pháp và Đức Phật cũng có nói “nhất thiết Tu Đa La giáo như tiêu nguyệt chỉ”, nghĩa là tất cả lời dạy của Đức Phật, hoặc kinh điển chỉ là ngón tay chỉ trăng, đừng có lầm ngón tay là mặt trăng. Cho nên khi học Phật, ta phải khôn khéo sử dụng giáo lý để ứng dụng thực hành và buông xả.

Đức Phật có lấy ví dụ trong kinh “Người bắt rắn” rằng, người khôn khéo thì lấy cây nạng kẹp vào đầu con rắn và sau đó nắm đầu nó, nhưng người ngu nắm vào đuôi rắn thì nó sẽ quay lại cắn mình tổn thương. Cũng vậy, trong tu học nếu ta cố chấp vào giáo lý thì đôi khi mình sẽ bị chính nó làm ta mắc kẹt. Nên người khôn thì nhìn hướng của ngón tay chỉ để thấy mặt trăng, cũng như họ dùng kinh điển để thấy ra Chân lý. Nhưng người ngu sẽ bám chấp vào ngón tay cho rằng đó là Chân lý và cho rằng kinh điển là Chân lý thì sẽ không bao giờ thấy được sự thật.

Cũng có lần Đức Phật dạy “Chánh pháp còn phải xả bỏ, huống hồ là phi pháp”. Nghĩa là qua sông phải luỵ đò, nhưng lên đến bờ thì không ai vác thêm chiếc đò nữa cả. Cho nên Đức Phật chốt lại một câu cốt lõi của Phật pháp là “không dính mắc, chấp trước bất cứ thứ gì ở đời”.
Dạ Khách (nhà sư)