Vì sao Đức Phật vẫn còn tóc mà các Tỳ-kheo thì không?
Hình ảnh trích từ phim Buddha (Cuộc đời Đức Phật)
Nhân mùa Phật đản, tôi có xem bộ phim Cuộc đời Đức Phật rất cảm động và tâm đắc. Tuy nhiên, sau khi xem phim xong, có hai vấn đề mà tôi không hiểu, kính nhờ quý Báo vui lòng giải thích. Một là, vì sao Đức Phật sau khi thành đạo (và tượng Phật) vẫn còn tóc, trong khi các đệ tử xuất gia thì cạo tóc? Hai là, trong phim có nói về bữa ăn cuối cùng của Đức Phật dường như là bị đầu độc? Tại sao Đức Phật mà còn bị đầu độc?
(PHÁP THIỆN, kedie…@gmail.com)
Bạn Pháp Thiện thân mến!
Theo lịch sử Đức Phật Thích Ca, sau khi vượt thành Ca-tì-la-vệ, Ngài đã cắt tóc xuất gia. Đến khi đắc đạo, hóa độ đệ tử, thành lập Tăng đoàn, Thế Tôn và các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni mỗi nửa tháng đều cạo tóc và mang hình tướng “đầu tròn, áo vuông”. Sở dĩ việc tạo hình Đức Phật có tóc là do thể hiện tướng nhục kế và tướng tóc xoăn về bên phải của Ngài.
Nhục kế, theo Từ điển Phật học Huệ Quang (tập IV, tr.3384), Phạn ngữ Usnisa, Hán dịch Phật đảnh, Đảnh nhục kế tướng, … là thịt xương (có sách nói búi thịt) trên đảnh của Đức Phật nổi cao lên như búi tóc (kế), một trong 32 tướng Đại trượng phu của chư Phật. Trong tướng nhục kế, có cái đỉnh điểm mà tất cả trời người đều không thể thấy được nên gọi là Vô kiến đảnh tướng. Nhục kế và vô kiến đảnh tướng là tướng hảo biểu thị trí tuệ của chư Phật.
Khi tạo hình, vẽ tranh hay tạc tượng Đức Phật thì tướng nhục kế (búi thịt nhô cao), vô kiến đảnh tướng và tướng tóc xoăn thành vòng theo chiều bên phải (cùng các tướng tốt khác) phải được khắc họa nổi bật, thể hiện rõ nét, vì thế ta thấy Ngài còn tóc.
Về bữa ăn cuối cùng của Đức Phật, căn cứ vào kinh Trường bộ (số 16, kinh Đại bát Niết-bàn) thì Thế Tôn biết rất rõ và hoàn toàn chủ động thọ dụng bữa ăn này: “Và Thế Tôn buổi sáng đắp y, mang theo y bát, cùng với chúng Tỳ-kheo đến nhà thợ sắt Cunda, khi đến xong liền ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với thợ sắt Cunda:
– Này Cunda, loại mộc nhĩ đã soạn sẵn, hãy dọn cho ta. Còn các món ăn khác đã soạn sẵn, loại cứng và loại mềm, hãy dọn cho chúng Tỳ-kheo.
– Xin vâng, bạch Thế Tôn!
Thợ sắt Cunda vâng lời Thế Tôn, dọn cho Thế Tôn các món mộc nhĩ đã soạn sẵn, và dọn cho chúng Tỳ-kheo các món ăn khác, loại cứng và loại mềm.
Rồi Thế Tôn nói với thợ sắt Cunda:
– Này Cunda, món ăn mộc nhĩ còn lại, ngươi hãy đem chôn vào một lỗ. Này Cunda, Ta không thấy một ai ở cõi Trời, cõi Người, ở Ma giới, ở Phạm thiên giới, không một người nào trong chúng Sa-môn và chúng Bà-la-môn, giữa những Thiên, Nhân, ăn món mộc nhĩ này mà có thể tiêu hóa được, trừ Như Lai.
– Xin vâng, bạch Thế Tôn!
Thợ sắt Cunda vâng theo Thế Tôn, đem chôn món ăn mộc nhĩ còn lại vào một lỗ, đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Rồi Thế Tôn thuyết pháp cho thợ sắt Cunda đang ngồi xuống một bên, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ rồi từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
Sau khi dùng cơm của thợ sắt Cunda, Thế Tôn bị nhiễm bệnh nặng, bệnh lỵ huyết, đau đớn gần như đến chết, và Thế Tôn chánh niệm tỉnh giác, nhẫn nại, chịu đựng cơn bệnh”.
Và cũng trong kinh Trường bộ (số 16, kinh Đại bát Niết-bàn), Đức Phật đã dự liệu trước các đồn đoán (bị đầu độc) có thể xảy ra cho Cunda nên dặn Tôn giả Ananda:
“Này Ananda, rất có thể có người làm cho thợ sắt Cunda hối hận: ‘Này Hiền giả Cunda, thật không lợi ích gì cho ngươi, thật là tai hại cho ngươi, vì Như Lai dùng bữa ăn cuối cùng từ ngươi cúng dường, và nhập diệt’.
Này Ananda, cần phải làm tiêu tan sự hối hận ấy của thợ sắt Cunda: ‘Này Hiền giả, thật là công đức cho bạn, vì được Như Lai dùng bữa ăn cuối cùng từ bạn cúng dường, và nhập diệt. Này Hiền giả Cunda, tôi tự thân nghe, tự thân lãnh thọ lời nói này của Thế Tôn: Có hai sự cúng dường ăn uống đồng một quả báo, đồng một dị thục quả, quả báo lớn hơn, lợi ích hơn các sự cúng dường ăn uống khác? Thế nào là hai? Một là bữa ăn trước khi Như Lai chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, hai là bữa ăn trước khi Như Lai diệt độ Niết-bàn giới, không còn di hưởng sinh tử. Hai bữa ăn này đồng một quả báo, đồng một dị thục quả, quả báo lớn hơn, lợi ích hơn các sự cúng dường ăn uống khác. Nhờ hành động này, Đại đức Cunda sẽ được hưởng tuổi thọ; nhờ hành động này, Đại đức Cunda sẽ được hưởng sắc đẹp; nhờ hành động này, Đại đức Cunda sẽ được hưởng an lạc; nhờ hành động này, Đại đức Cunda sẽ được hưởng danh tiếng; nhờ hành động này, Đại đức Cunda sẽ được hưởng cõi trời; nhờ hành động này, Đại đức Cunda sẽ được hưởng uy quyền’.
Này Ananda, cần phải làm cho thợ sắt Cunda tiêu tan hối hận”.
Như vậy, có thể nói, quan điểm của đạo diễn phim Cuộc đời Đức Phật (mà bạn xem – có rất nhiều phim đề tài này) về bữa ăn cuối cùng của Đức Phật dường như bị đầu độc là không đúng với kinh.
Chúc bạn tinh tấn!