Vì sao ba đánh mẹ?
Vì sao ba đánh mẹ? Câu hỏi ấy sẽ theo đứa trẻ suốt trong cuộc đời của mình…
Nạn bạo hành và hệ lụy tâm lý, như nhiều chuyên gia tâm lý đã nói, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần của bất kỳ đứa trẻ nào chứng kiến trực tiếp hoặc bản thân trở thành nạn nhân. Nhưng người lớn ơi, vì sao ta vẫn không thể kiềm chế chính mình?
Một đoạn clip với cảnh đứa con trai khoảng 8 tuổi đang rối rít xin ba đừng đánh mẹ. Em chạy đến giữ lấy tay ba, bên cạnh là người mẹ đã ngất xỉu.
Một bài viết trên trang cá nhân của cô con gái kể chi tiết những cú đấm, cú quật từ ba cô (một người khá nổi tiếng trong giới nghệ thuật) đánh mẹ mà cô chứng kiến lúc nhỏ…
Xuyên qua lớp vỏ gia đình bóng bẩy và hào nhoáng thì sự xù xì và mặt thật của nó, từ những cái tát tai, những nắm đấm, những cú quăng quật, vẫn giội xuống ngay trước mắt những đứa trẻ trong gia đình.
1. Vì sao ba đánh mẹ? Câu hỏi ấy sẽ theo đứa trẻ suốt trong cuộc đời của mình. Đứa trẻ sẽ không thể nào lý giải nổi vì sao, bên cạnh những yêu thương, vẫn là những cú đánh làm tổn thương trực tiếp lên thân thể, dày vò lên nhân phẩm.
Đứa trẻ cũng không thể nào hiểu nổi vì sao ba mẹ không đủ yêu thương mà lại về với nhau, mà lại sinh mình ra.
Trong quyển tiểu thuyết tâm lý có tựa đề Trưởng thành khi biết khoan dung (NXB Trẻ) do bác sĩ tâm thần học về tâm lý trị liệu gia đình – nhà văn Gérard Salem viết, có đoạn rằng: cái mà người ta gọi là gia đình, giúp cho ta vẫn là người, không trở thành người máy.
Không thể thành người máy, bởi vì khi đã là người một nhà – cái gọi là gia đình – ta có cùng cảm xúc, cùng niềm vui, cùng nỗi đau, cùng sự buồn bã, cùng niềm hân hoan.
Ta không thể không đau khi nhìn thấy ba mẹ mình đau, không thể không chảy nước mắt khi chứng kiến ba hay mẹ hay anh chị em buồn khổ.
Bởi vì trong gia đình thì tình thân là thứ vô cùng quan trọng, không thể thay thế.
Trước khi trở thành con trong một gia đình nào đó, đứa trẻ không có quyền chọn trước mình sẽ trở thành con cái của ai, ai sẽ làm cha, người nào sẽ làm mẹ của mình, không có quyền chọn gia cảnh để mình được sống.
Mọi thứ để thành một gia đình, vốn dĩ từ chuyện ba đến với mẹ, mẹ đến với ba. Ba và mẹ yêu thương nhau, cùng sinh ra những đứa trẻ và cùng nhau học chăm sóc, bảo vệ gia đình. Vậy thì tại sao ba đánh mẹ?
2. Tại sao ba đánh mẹ? Đứa trẻ sẽ hỏi mãi, ngày này qua tháng nọ. Đứa trẻ sống trong gia đình có cha bạo hành sẽ phải dè chừng để sống, sẽ phải trở thành một – người – lớn – không – mong – muốn vì em phải nhìn mặt những người lớn trong gia đình để đoán biết thái độ buồn vui, giận dữ hay thoải mái để sống.
Nếu thấy “nguy hiểm” sắp xảy đến, đứa trẻ sẽ trốn vào một góc, như con thú nhỏ bị thương. Đứa trẻ sẽ thấy hờn giận và trách móc, không chỉ với ba mà cả với mẹ.
Nếu người mẹ vẫn ngày qua ngày chịu đựng những cú đánh đấm của người cha, đứa trẻ sẽ thấy mẹ mình quá nhu nhược và tội nghiệp.
Đứa trẻ còn giận cả chính mình khi không bảo vệ được mẹ, can thiệp được ba. Và càng tổn thương sâu sắc hơn, khi lý do ba hay mẹ đưa ra để không phải thoát khỏi đời nhau là: sống vì con.
Người lớn đem con trẻ ra làm lá chắn, nhưng quên mất chính lá chắn đó cũng mong muốn mình có được gia đình người này bảo vệ người kia, ai cũng thương yêu nhau, không dùng bạo lực để cư xử.
Đứa trẻ cũng sẽ thấy cả mình có lỗi. Gia đình bạo hành, ai sẽ cho đứa trẻ một sức mạnh tinh thần và niềm hy vọng về tương lai mình, khi những giá trị thuộc về gia đình vốn dĩ là bất khả.
Người lớn ơi, hãy kiềm chế, hãy để gia đình là nơi cả nhà cùng tựa nương và con trẻ không phải chỉ là phép thử cho mọi quan điểm, mọi vấn đề của người lớn.
Và bởi, dù gì đi nữa, tình thương yêu giữa cha mẹ, con cái, giữa vợ với chồng vẫn là vô điều kiện.
MINH PHÚC-báo Tuổi Trẻ