Vi diệu Phật Pháp

Tháng 4 – tháng của lịch sử, của ngày hội đón mừng Đức Phật đản sinh (15/04 AL). Năm nào cũng vậy, khi những chùm phượng vĩ khoe sắc thắm, sân chùa đầy nắng và cờ bay là dịp mỗi người con Phật đều bâng khuâng, suy nghĩ về lịch sử của Đức Phật Thích Ca đáng kính.

 

“Vui thay Đức Phật ra đời” câu nói ấy đã trở thành câu hát luôn ngân vang khắp mọi nơi như nhắc nhở chúng con nhớ về cội nguồn của Đạo Pháp và sự vi diệu của Phật Pháp đem lại cho mỗi người chúng ta.

Không phải ngẫu nhiên mà Phật giáo phát triển mạnh mẽ mà do con người đã chứng nghiệm được từ thực tế, từ đời sống thường ngày và thốt lên rằng: “Phật Pháp nhiệm màu thật, vi diệu thật” như nhận định về Phật giáo của nhà triết gia bác sĩ – nhạc sĩ người Pháp ALBERT SCHWEITZER đã nói: “Trên trái đất này, Ngài đã quảng diễn những chân lí có giá trị trường cửu và xiển dương đạo đức không những cho Ấn Độ mà cho toàn nhân loại. Đức Phật là một trong những thiên tài đạo đức vĩ đại chưa từng có trên thế gian”.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Nói đến vi diệu Phật Pháp, chúng ta không thể nào quên quá khứ về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca rồi đến Phật Hoàng Trần Nhân Tông trên núi Yên Tử và vị bồ tát Thích Quảng Đức… đây là những nhân chứng hùng hồn, những tấm gương sáng ngời vì Đạo Pháp luôn sống mãi với thời gian.

Thời gian sẽ cho chúng ta cơ hội thế nhưng thời gian cũng không thể chờ, không thể đợi ai.

Để thấy đươc sự vi diệu của Phật Pháp không cách nào khác hơn là thực hành theo lời Phật dạy.

Tất cả những việc làm thiết thực trên đều giúp cho chúng ta gieo hạt giống lành để chuyển nghiệp, giải nghiệp vì phật từng dạy: ”tất cả chúng sinh đều được sinh ra bởi nghiệp. Nghiệp là của mình, phải thọ quả của nghiệp” nhưng nghiệp từ đâu? Từ tâm mà ra, nghĩa là tâm chọn lấy địa ngục hay cõi trời cũng đều do tâm.

Ai cũng hiểu rằng cuộc đời không êm ái như dòng sông, để có được an lạc hạnh phúc là cả 1 quá trình không hề đơn giản bởi oan gia, nghiệp chướng luôn đeo đuổi, phải một lòng thành kính Phật, một đạo tâm kiên cố vững bền, một hành giả tinh tấn như Phật đã dạy: từ bi – hỷ xả – trí – dũng. Phải nhất tâm hành trì hồng danh Phật nhất định sẽ đẩy lùi ma chướng và niềm hạnh phúc hay gọi là sự vi diệu của Phật Pháp sẽ đến với chúng ta ngay hiện đời này, ngay cõi ta bà này.

“Vi diệu Phật pháp” một cụm từ khá trừu tượng, đối với những ai chưa từng được cảm ứng thì khó hiểu nhưng đối với những người con Phật thì dễ gần gũi, dễ hiểu hơn vì họ đã sẵn có căn lành để tạo thiện nghiệp hoặc họ đã cảm nhận được phép màu trong cuộc sống.

Khi cảm nhận được những giá trị thiêng liêng cao cả cũng như lợi ích thiết thực của văn hóa Phật giáo thì việc đến chùa lễ Phật, tìm hiểu và ứng dụng Phật pháp vào đời sống là lẽ đương nhiên như hơi thở, như đói ăn cơm, khát uống nước, càng củng cố thêm lòng tin đối với thế giới tâm linh, đây là nét đẹp văn hóa đặc thù của Phật giáo nói chung.

Non sông gấm vóc Việt Nam có vững bền muôn thuở, Phật giáo Việt Nam rạng rỡ vang danh trường tồn. Đó là nhờ sự vi diệu của Phật Pháp mang lại.

Người ta thường nói Phật chung cảnh riêng nên dù ở đâu đi chăng nữa xin mọi người hãy nhớ đến Phật, hãy đến với Đạo Phật cao quí càng sớm càng tốt, hãy áp dụng lời Phật dạy để thấy được sự vi diệu của Phật Pháp, để trở về với bản tính tốt đẹp của mình, trở về với Phật để cuộc sống đẹp như hoa, có sắc lại thêm hương

Nguyễn Thanh Thảo