Vesak – Đại lễ Tam hợp có ý nghĩa ra sao?

Theo truyền thống Phật giáo Đại thừa, hàng năm cứ đến mùng tám tháng Tư, là mọi quốc gia theo truyền thống Bắc truyền như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, v.v… lại hoan hỷ tổ chức Đại lễ mừng Khánh đản đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.

Mãi đến năm 1950, Hội nghị Phật giáo thế giới tổ chức lần đầu tiên tại Tích Lan, đại diện Phật giáo 26 nước thành viên đã thống nhất lấy ngày trăng tròn tháng Vesakha theo lịch Ấn Độ (Rằm tháng Tư theo lịch Trung Hoa, khoảng trung tuần tháng Năm dương lịch) là ngày Đản sanh của đức Phật làm ngày lễ Vesak. Từ đó lễ Vesak trở thành ngày lễ chung của tất cả Phật tử trên thế giới.

Lễ Vesak tại Bồ Đề Đạo Tràng

Lễ Vesak tại Bồ Đề Đạo Tràng

Vesak là bắt nguồn từ tên gọi tháng Vesakha của Ấn Độ vì lễ Vesak được tổ chức nhân ngày sinh của đức Phật nên mọi người còn gọi là lễ Phật Đản. Trong phiên họp khoáng đại ngày 15 tháng 12 năm 1999, Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết công nhận ngày lễ Vesak là một ngày lễ quốc tế; đồng thời quyết định hằng năm sẽ có các công tác bố trí thích hợp để tổ chức ngày lễ Vesak với sự cố vấn của các đại diện quốc gia trong Hội đồng.

Ngày lễ Vesak là ngày thiêng liêng nhất của Phật tử trên thế giới, là ngày để mọi người cùng tưởng nhớ về cuộc đời và lời giáo huấn của Đấng Toàn giác. Còn theo truyền thống Phật giáo Nam truyền thì Đại lễ Vesak còn được gọi là lễ Tam Hợp. Bởi vì, đây chính là ngày kỷ niệm ba sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni: Đản sanh, Thành đạo và Niết bàn. Nơi vườn Lumbini, hình ảnh của đức Bồ tát sơ sinh bước đi khoan thai trên bảy đóa sen hồng, tuyên bố với vũ trụ rằng đây là kiếp chót của ngài ở đời, như vẫn còn âm vang đâu đó. Chính ngày trọng đại này, ngày mà vị Thánh nhân của ba cõi hạ sanh, đã làm cảm hứng cho lễ kỷ niệm Đản sanh được lưu truyền mãi và rộng khắp như ngày nay.

Cũng ngày này, ba mươi năm sau, vào đêm trăng tròn tháng Vesakha, bên bờ sông Neranjara, dưới cội cây Assattha, thái tử Siddhattha đã chiến thắng ma vương, đem ánh sáng trí tuệ soi rọi khắp ba cõi chúng sanh, làm rạng ngời cả tam giới. Chúng sanh hân hoan ca ngợi “Sàdhu! Sàdhu! Buddho uppanno!” (Lành thay! Lành thay! Đức Phật xuất hiện trên thế gian rồi!). Hình ảnh của đấng Giác Ngộ uy nghiêm trên Bồ đoàn (Aparàjitapallanka)[1] dõng dạc tuyên bố với Ma vương: “Này Ác ma thiên, ngôi Bồ đoàn quý báu này phát sinh do phước thiện… mà Như Lai đã tạo từ vô số kiếp. Do đó, ngôi Bồ đoàn này thuộc về Như Lai, không phải của ngươi”. Đại địa rúng động, phát ra những tiếng sấm sét long trời lở đất làm cho quân ma phải khiếp sợ, ba cõi như bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài, đó cũng là sự minh chứng cho lời tuyên bố của ngài. Sau 49 năm hoằng hóa khắp mọi miền Ấn Độ, ở tuổi 80, cái tuổi mà trong tâm thức của người Việt là “cổ lai hy”, Đức Phật vẫn du hành khắp nơi, thuyết giảng những chân lý sâu mầu, khai ngộ những chúng sanh còn u mê, tăm tối.

Hình ảnh một bậc Đạo sư của ba cõi, những năm cuối đời tuy thân tứ đại đã mệt mỏi nhưng vào mỗi buổi sáng ngài vẫn ôm bát vào thành khất thực cùng chư vị Tỳ kheo, đêm về còn thuyết pháp giảng dạy cho các vị chư thiên, ngài tinh tấn hành trì năm phận sự gọi là Buddhakicca[2]  mà không bao giờ mệt mỏi… nghĩ đến thật không thể kể hết ân dày của đức Phật đối với chúng sanh.

Kinh tạng ghi rằng, vào khoảng Rằm tháng Giêng, năm đức Phật tròn 80 tuổi, sau khi khất thực ở Vesàli, thọ trai xong và trên đường trở về ngài cùng với tôn giả Ananda đi đến ngôi điện thờ Càpàla. Sau khi đến nơi, và ngồi trên chỗ đã được soạn sẵn, Đức Thế Tôn đã nói với Đại đức Ananda rằng: “Này Ananda, những ai đã tu bốn thần túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo, thời nếu muốn người ấy có thể sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại. Này Ananda, nay Như Lai đã tu bốn thần túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo. Này Ananda, nếu muốn Như Lai có thể sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại”. Điều này được Đức Phật lặp đi lặp lại nhiều lần, thế nhưng vì tâm Tôn giả Ananda bị Ma vương ám ảnh, nên ngài không thể nhận hiểu sự gợi ý quá rõ ràng, để thỉnh Thế Tôn đừng nhập diệt. Điều này, ngài đã bị Đức Phật quở trách: “Này Ananda, như vậy là lỗi của ngươi, như vậy là khuyết điểm của ngươi, đã không nhận hiểu sự gợi ý quá rõ ràng, sự hiện tướng quá rõ ràng của Như Lai, ngươi không thỉnh cầu Thế Tôn”. Ananda vội thưa: “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy ở lại cho đến trọn kiếp, Thiện Thệ hãy ở lại cho đến trọn kiếp, vì lợi ích cho chúng sanh, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho trời và người”.

Và chính vì sự thiếu sót này, mà lời thỉnh mời của Ma vương thành tựu: “Bạch Thế Tôn, nay phạm hạnh Thế Tôn giảng dạy đã được thành  ựu, thịnh đạt, phổ biến, quảng bá, biến mãn nghĩa là được khéo giảng dạy cho loài người. Như vậy, nay Thế Tôn hãy diệt độ, Thiện Thệ hãy diệt độ. Bạch Thế Tôn nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ”. Khi được nói như vậy, Đức Phật đã nhận lời như sau: “Này Ác ma, hãy an tâm, không bao lâu Như Lai sẽ diệt độ. Sau ba tháng, bắt đầu từ hôm nay Như Lai sẽ diệt độ”. Vừa dứt lời, đại địa rúng động làm mọi loài hốt hoảng, khiếp sợ. Và từ đây, Đức Phật đã gián tiếp tuyên bố với nhân sinh rằng đêm trăng tròn tháng Vesakha sẽ là ngày mà ngài xả bỏ tấm thân tứ đại nhập vô dư Niết bàn.

Vào đêm cuối của ngày Rằm tháng Tư, Đức Phật khuyên dạy, khuyến tấn tu tập đến bốn chúng đệ tử, những lời dạy của ngài được xem như lời di huấn tối hậu. Rồi hình ảnh đức Phật an nhiên nhập vào đại định và tiến dần đến tịch diệt Niết bàn, làm biết bao nhiêu người con Phật đau buồn thương tiếc. Cuộc đời của một bậc vĩ nhân khép lại cũng giống như bao con người khác, nhưng đã mở ra cho chúng sanh một sự tỉnh ngộ trước luân hồi, vô thường sanh diệt của vạn pháp…

Empty

Cuộc đời của Đức Phật gắn liền với ngày trăng tròn tháng Vesakha như thế, nên hàng năm vào ngày rằm tháng Tư, chư tôn đức theo truyền thống Nam truyền, long trọng tổ chức Đại lễ Tam hợp (lễ kỷ niệm đức Phật Đản sanh, Thành đạo, Niết bàn) rất trang trọng với nhiều hoạt động rất ý nghĩa. Trong đó, có lễ phát nguyện thọ Đầu đà (Dhutanga) rất đặc biệt, chư Tăng và Phật tử cùng nhau phát nguyện hành trì một hạnh lành trong mười ba hạnh Đầu đà suốt một ngày một đêm, để tưởng nhớ đến công hạnh của Đấng Từ phụ.

Là kẻ hậu bối thiếu phước, nên không sanh vào thời “Phật hậu” nhưng đầy đủ nhân duyên gặp được ánh sáng của chánh pháp, được dùng những ngôn từ để xưng tán Tam bảo đó cũng là một hạnh phúc thật sự. Mặc dù “Phật tại thế thời ngã trầm luân, kim đắc nhân thân Phật diệt độ”; thế nhưng, sống trong đời có Phật, Pháp và hàng sứ giả Như Lai cũng đã là những nhân duyên lành gieo trồng trong quá khứ. Bởi thế, xin góp những lời chúc tụng của mình kính mừng Khánh đản. Cầu nguyện cho Phật pháp cửu trụ thế gian để làm ánh sáng soi đường cho chúng sanh trong đêm dài tăm tối.

___________

[1] Nghĩa là ngôi Bồ đoàn quý báu nơi toàn thắng Ác thiên ma.

[2] Phận sự của đức Phật, theo chú giải Anguttaranikàya, phần Ekakanipàtatthakathà.

– Phận sự buổi sáng trước khi độ ngọ (purebhattakicca)

– Phận sự sau khi độ ngọ (pacchàbhattakicca)

– Phận sự canh đầu đêm (pathamayama)

– Phận sự canh giữa đêm (majjhimayama)

– Phận sự canh chót đêm (pacchimayama)  

Nguồn: Nội san Nguyên Hương số 04