Về thăm chùa Dâu, trung tâm Phật giáo đầu tiên của Việt Nam
Chùa Dâu là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến hành hương, tìm hiểu về giá trị lịch sử.
Chùa Dâu còn có tên gọi là chùa Cả, Cổ Châu tự, Diên Ứng Tự, Pháp Vân tự. Chùa Dâu tọa lạc tại xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, được chứng nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2013. Ảnh: Vương Lộc.
Theo Cục Di sản Văn hóa, chùa được khởi dựng năm 187 và hoàn thành năm 226 ở vùng Dâu, thành Luy Lâu. Ảnh: Vương Lộc.
Chùa Dâu được coi là trung tâm Phật giáo đầu tiên của Việt Nam và nơi khởi nguồn tín ngưỡng thờ Tứ pháp – 4 vị nữ thần hình thành từ sự kết hợp giữa Phật giáo Ấn Độ và tín ngưỡng dân gian của người Việt. Ảnh: Vương Lộc.
Tại đây, nhiều nhà sư Ấn Độ, Trung Quốc đã tới truyền bá đạo Phật, nghiên cứu, biên soạn, phiên dịch kinh Phật và đào tạo tăng ni. Ảnh: Vương Lộc.
Chùa tọa lạc trên một khu đất cao, rộng, bằng phẳng, cảnh quan đẹp, quay về hướng Tây, có bình đồ kiến trúc kiểu “nội Công ngoại Quốc”, gồm các hạng mục: tam quan, tiền thất (bái vọng đường), tháp Hòa Phong, Tam bảo, hậu đường, hai dãy hành lang và các công trình phụ trợ, như: nhà Mẫu và Tổ, nhà khách, vườn tháp, ao chùa, hệ thống tường bao. Ảnh: Vương Lộc.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh, nổi bật nhất trong các công trình của chùa Dâu là tòa tháp Hòa Phong. Ảnh: Vương Lộc.
Tháp được xây bằng gạch nung già, với 3 tầng, cao 15m. Bên ngoài tháp có tượng một con cừu đá dài 1,33 m, cao 0,8 m. Trong tháp có một quả chuông đồng đúc năm 1793 và một chiếc khánh đúc năm 1817. Ảnh: Vương Lộc.
Chùa Dâu in đậm dấu ấn kiến trúc, điêu khắc của nhiều thời kỳ lịch sử, với hệ thống tượng pháp mang nghệ thuật đặc sắc của thời Lê – Nguyễn, đặc biệt là hệ thống tượng Tứ Pháp. Ảnh: Vương Lộc.
Đây là một minh chứng sống động của sự dung hội giữa Phật giáo Ấn Độ khi du nhập vào nước ta với tín ngưỡng bản địa của người Việt, đã tạo nên một trung tâm tín ngưỡng, tôn giáo mang bản sắc dân tộc. Ảnh: Vương Lộc.
Vương Lộc