Về nhà: ‘Học’ cách bên nhau và hiểu nhau

Tôi trở về nhà sau một chuyến du xuân cả chục ngày dài, tưởng nhà bụi đầy và hoa héo rũ. Lạ thay, nhà bụi thiệt, nhưng mấy nhánh củi khô cắm trước khi đi đã nảy từng chùm lá xanh và điểm thêm những bông hoa trắng nhỏ!

"Học" cách bên nhau và hiểu nhau - Ảnh 1.

Bỗng dưng thấy mình lẩm bẩm: té ra trong đầu mình lúc nào cũng đầy ắp những định kiến và “kỳ cục vọng” (chớ không hẳn chỉ là những kỳ vọng)!

Chuyến đi vỡ kế hoạch

Tôi không rõ mình kỳ vọng điều gì ở chuyến đi dài ngày đầu tiên này. Ban đầu dự định sẽ đưa bà nội về thăm quê chồng và cũng để cho bọn trẻ biết quê cha đất tổ của chúng. Chỉ định đi 2-3 ngày, cuối cùng chuyến đi kéo dài gần 10 ngày!

Khi ngồi tổng kết lại chuyến đi, các con tôi đều công nhận đây là chuyến đi vui nhất từ trước đến giờ và việc dành thời gian cùng nhau cả chục ngày trời là quyết định đúng đắn. Vì bà cũng già, không biết còn đi được bao nhiêu chuyến nữa cùng con cháu. Các con cũng ngày càng lớn, không còn bao nhiêu ngày sẽ vỗ cánh bay đi!

Chúng tôi sắp xếp chuyến đi có lộ trình nhưng ngẫu hứng. Nơi nào đẹp vui thì ở thêm, nơi nào đông đúc bất tiện thì ghé qua chơi một chút. Cuối ngày mới chốt cung đường cho hôm sau, thậm chí ngay khi khởi hành vẫn có thể đổi điểm đến. Trên tinh thần đây là chuyến đi dành cho người già và trẻ nhỏ. Hai nhóm “đối tượng” này sẽ quyết định chuyện đi đâu, ở đâu, ăn gì…

Việc của hai con người chớm già là điều phối và thực hiện “các chỉ đạo” theo cách tối ưu nhất có thể. Ví dụ trong khi bạn trẻ đòi đi thác thì bạn già chọn cách đi xe điện rồi lựa một góc nào đó ít di chuyển ngồi ngắm thác để chờ mấy bạn trẻ trâu tung tẩy quay phim chụp hình các thể loại.

Đến chỗ ăn, bạn già đôi khi phải theo bạn trẻ ăn các thể loại Hàn, Hoa, Nhật gì đó, còn bạn trẻ sẽ kiếm cho bạn già ít nhất một chén cơm trắng và một tô canh. Cũng có khi bạn trẻ ăn các sản vật địa phương theo cách bạn già, hợp khẩu vị thì ăn nhiều, không hợp thì ăn ít…

Hai bạn chớm già chỉ ngồi quan sát và can thiệp khi cần. Năm bảy con người ba thế hệ chất trên một chuyến xe, ngồi sát rạt, loanh quanh với nhau một lát đã thấy hết ba ngày tết, bảy ngày xuân.

Chuyến này là chuyến đi chơi nhưng cũng là chuyến đi học. Điều ít nhất các con có thể học là: điều chỉnh bản thân để có thể sống cùng người khác.

Để có thể sống cùng nhau

Hai người chớm già ngồi nhẩm lại mới thấy 10 ngày vừa qua là khoảng thời gian dài nhất mà bà nội với các cháu ở cạnh nhau. Bình thường chỉ là ghé thăm rồi ai về nhà nấy!

Bà có đôi khi phàn nàn: Hai vợ chồng đừng chiều chuộng tụi nó quá sinh hư. Cháu cũng “còm-plen”: Bà nội đi chỗ nào cũng kêu ca: chỗ này có gì đâu chơi, có gì đâu vui, ăn gì đâu mà ngon. Nhiều lúc con sắp không kiềm chế nổi”. Người sồn sồn – ba của bạn trẻ kiêm tài xế – ôn tồn: Con chưa hiểu bà nội nên con không biết. Bà nội chỉ nói cho có chuyện nói vậy thôi chớ bà nội vui lắm con!

Có đi chung các con với bà mới có dịp cọ xát, mới có dịp hiểu hơn, chấp nhận hơn, thương hơn. Mai kia mốt nọ các con đi học, ra đời, thậm chí lấy chồng lấy vợ, hai cá thể riêng biệt về sống cùng nhau, mọi thứ còn khó khăn hơn nhiều. Chuyến này là chuyến đi chơi nhưng cũng là chuyến đi học. Điều ít nhất các con có thể học là: điều chỉnh bản thân để có thể sống cùng người khác.

  • Có ngoại là có Tết

    Có ngoại là có TếtĐỌC NGAY

    Bạn trẻ nhất hỏi: Vậy thì bà nội có phải học không? Người sồn sồn hơi rối, đáp: Mỗi người có lấy một bài học của riêng mình, mẹ tin là như vậy. Nhưng ông bà mình đã quá già để đòi hỏi ông bà phải điều chỉnh. Xem ra các con phải gánh vác phần nặng nhọc hơn là điều chỉnh cho hợp với ông bà thôi!

Các bạn trẻ xem chừng cũng hiểu. Chúng khoe: Bà nội rủ mai mốt đi chơi nữa, bà nội bao.

Người sồn sồn tài xế chốt rất nhanh: Vậy là bà nội vui nên mới rủ mấy con đi chơi tiếp phải không? Vì vậy mấy cái gì chưa vui, các con hãy học cách bỏ qua, được không con! Bọn trẻ im lặng, chắc chúng cũng cần suy nghĩ!

Người chớm già còn lại cũng im lặng. Cô ấy cũng có những điều không hài lòng, thỉnh thoảng giữa cuộc hành trình cô ấy cũng thấy lẻ loi! Cuộc đi cho cô ấy thêm những bài học nhỏ. Cô ấy hiểu rằng từ hiểu đến thương là một hành trình không ngắn! Cô ấy hiểu khi còn thấy những nỗi lẻ loi nghĩa là mình vẫn chưa đủ hiểu, chưa đủ thương, thậm chí là chưa đủ kết nối!

Chẳng phải mục đích cuối cùng của cuộc đi là để những tình thân có cơ hội được ở cùng nhau sao? Chỉ chừng đó thôi là đủ, mọi điều khác chỉ là những giá trị cộng thêm, những tưởng thưởng mà cuộc đời khuyến mãi thêm cho những người biết thực sự dành thời gian và tâm trí cho nhau.

Đòi hỏi chi nữa việc hiểu nhau hay mà còn hiểu được bản thân mình, đòi hỏi gì đến bài học nọ bài học kia cho mệt quá “chiếc” đầu này.

TRẦN LÊ SƠN Ý