‘Vẽ một bông hoa cũng là thiền’
Đó là chia sẻ của họa sĩ Lê Thiết Cương trong triển lãm, ra mắt sách Niêm Hoa diễn ra ngày 8.4, tại Hà Nội. Triển lãm trưng bày hơn 40 tác phẩm tranh và gốm vẽ hoa dựa trên cảm hứng từ tích của nhà Phật.
Triển lãm Niêm Hoa trưng bày hơn 40 tác phẩm tranh và gốm của 8 nghệ sĩ từ nhóm G39: Bình Nhi, Nguyễn Quốc Thắng, Hồng Phương, Vũ Hữu Nhung, Đinh Công Đạt, Chu Hồng Tiến, Phương Bình, Lê Thiết Cương tại không gian Nghệ thuật SON Art & Culture Space (Q.Ba Đình, Hà Nội) từ ngày 8 – 20.4.
Qua những tác phẩm nghệ thuật của mình, mỗi nghệ sĩ sẽ cùng gợi lên trong lòng khán giả cảm thức “Niêm hoa vi tiếu” theo những cách riêng.
Chia sẻ với Thanh Niên, họa sĩ Lê Thiết Cương, một trong 8 họa sĩ có tác phẩm trưng bày tại triển lãm Niêm Hoa, bày tỏ: “Trong những con đường đi tìm mình, trở về mình thì nghệ thuật là con đường đặc biệt, con đường của cái đẹp. Cùng nở một nụ cười, cùng ngắm một bông hoa nở, vẽ một bông hoa cũng là thiền”.
Họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết thêm, triển lãm lần này không chỉ có tranh mà còn trưng bày cả gốm, gốm Phù Lãng hiện đại. Tất cả các đề tài vẽ hoa đều được thực hiện trên nhiều chất liệu như sơn dầu, tranh bột màu trên giấy…
Vẫn là mực nho trên giấy dó, Lê Thiết Cương mang tới triển lãm 6 tác phẩm vẽ hoa chỉ với hai gam màu trắng, đen theo phong cách tối giản thường thấy. Hoa trong các bức họa của Lê Thiết Cương được vẽ theo cảm giác của tác giả về hoa, chứ không phải là một loài hoa cụ thể nào đó như hoa hồng hay hoa sen.
“Đối với thiền, “cảm” là đủ rồi, thiền là không lời, vô ngôn. Bức tranh số 6 (một trong 6 bức tranh Lê Thiết Cương mang tới triển lãm lần này – PV) tôi mới vẽ ngày 1.4 trong một sự kiện triển lãm mới đây tưởng nhớ 22 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Lúc đó, một ca sĩ hát bài Đóa hoa vô thường bất chợt gợi cảm xúc trong lòng, tôi liền mang giấy bút ra vẽ luôn, và tôi đặt tên cho bức họa đó là Vô thường”, họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ.
“Niêm hoa vi tiếu” là một điển tích của nhà Phật về sự ra đời của thiền. Đây cũng chính là mối đồng cảm của nhóm nghệ sĩ trong quan niệm sáng tác nghệ thuật của họ. Trên hành trình đi tìm mình, nhóm nghệ sĩ đã chiêm nghiệm ra những sự tương đồng trong sáng tạo hội họa với hành thiền.
Với họ, nghệ sĩ là kẻ đi tìm chính mình, tìm ra cách biểu đạt riêng. Tìm ra cá tính nghệ thuật đối với người nghệ sĩ được ví như tìm ra cõi niết bàn của người tu hành. Với họa sĩ, vẽ cũng là tu, vẽ cũng là hành thiền.
Vô thường trong quan niệm nhà Phật, theo họa sĩ Lê Thiết Cương là rất tích cực. Nói đến vô thường để nói về cái thường, cái hàng ngày mình sống nó thật ý nghĩa, đấy mới là bản chất của vô thường. Vì biết rằng sẽ không có gì là còn mãi, mình phải sống bằng năng lực, bằng những cống hiến của mình ở từng phút giây.
Bách Nhật