Vàng thật và đồng thau

Đúng là ở đời có chuyện vàng thau lẫn lộn. Nhưng đối với người có nghề thì vàng và thau khác biệt rõ ràng. Nếu là thau thì cần thường xuyên lau chùi, đánh bóng mới sáng đẹp, và dẫu cho có sáng chói đến rực rỡ thì giá trị cũng bình thường. Còn vàng thì muôn đời vẫn là vàng.

 

Ngày xưa, bên Ai Cập có một vị hiền triết tên là Zun-Nun. Ngày kia, một anh thanh niên đến và hỏi ông:

– Thưa ngài, tôi không biết tại sao những người đáng kính như ngài lại ăn mặc giống nhau và luôn đơn giản như vậy. Chẳng lẽ không cần chưng diện một chút, không phải để khoe khoang, nhưng còn vì nhiều mục đích khác nữa chứ, thưa ngài?

Nhà hiền triết chỉ cười và cởi chiếc nhẫn ở tay ra, trao cho chàng trai và nói:

– Này anh bạn trẻ, ta sẽ trả lời câu hỏi của cậu, nhưng trước tiên cậu phải giúp ta việc này đã. Hãy cầm lấy chiếc nhẫn này và đi đến khu chợ bên kia đường, cậu hãy đổi nó lấy một đồng vàng.

Cầm chiếc nhẫn đen đúa của Zun-Nun trên tay, chàng thanh niên tỏ vẻ nghi ngại:

– Một đồng vàng? Tôi không chắc là chiếc nhẫn có thể bán được với giá đó.

– Thử trước đã chàng trai, ai biết được điều gì sẽ xảy ra?

Chàng trai trẻ phóng nhanh ra chợ. Anh ta đem chiếc nhẫn vào hàng rau cải, thịt cá và tạp hóa nhưng không ai đồng ý trả cho anh ta với cái giá đó. Anh ta quay về gặp Zun-Nun và nói:

– Thưa ngài, không một ai đồng ý bỏ ra số tiền nhiều hơn một đồng bạc để mua chiếc nhẫn này cả.

 

Với một nụ cười nhẹ nhàng trên khuôn mặt trầm tĩnh, nhà hiền triết đáp lời:

 

– Bây giờ anh hãy ra tiệm vàng, đưa chiếc nhẫn này cho ông chủ. Đừng yêu cầu giá bán, chỉ lắng nghe xem ông ta trả giá bao nhiêu.

Chàng thanh niên đi đến tiệm vàng và sau đó quay về với vẻ mặt khác hẳn. Anh ta nói:

– Thưa ngài, những người bán hàng ở chợ không biết giá trị của chiếc nhẫn này, người chủ tiệm vàng đã đồng ý mua chiếc nhẫn này với giá một ngàn đồng vàng, và giá trị thật của nó chắc còn lớn hơn nhiều.

Zun-Nun mỉm cười và ôn tồn nói:

– Đó là câu trả lời cho câu hỏi của anh. Không thể đánh giá con người mà chỉ dựa vào cách ăn mặc bên ngoài. Những người bán hàng ở chợ định giá theo kiểu đó. Nhưng nhà buôn vàng thì không như thế. Cũng vậy, vàng và đá quý luôn tồn tại bên trong mỗi con người, chỉ có thể được nhận ra và xác định giá trị nếu anh có thể nhìn thấu tâm hồn.

Cần có con tim để nhìn vào cả một quá trình dài lâu. Chúng ta không thể ngang nhiên đánh giá người khác chỉ dựa vào những lời lẽ và cách cư xử trong một lúc nào đó. Nhiều lúc cái ta nghĩ là vàng thì hóa ra là đồng thau, những thứ ta tưởng là đồng thau thì lại chính là vàng thật.

(Theo Nghệ thuật sống)

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bài học đạo lý: 

 

Đúng là ở đời có chuyện vàng thau lẫn lộn. Nhưng đối với người có nghề thì vàng và thau khác biệt rõ ràng. Nếu là thau thì cần thường xuyên lau chùi, đánh bóng mới sáng đẹp, và dẫu cho có sáng chói đến rực rỡ thì giá trị cũng bình thường. Còn vàng thì muôn đời vẫn là vàng.

 

Điều đáng bàn ở đây là người đời thường hay đánh giá con người cũng như sự vật theo các hình thức hào nhoáng bên ngoài mà ít khi để tâm đến những phẩm chất tốt đẹp ở bên trong. Điều đó đã dẫn đến thực tế là không ít người đã bị những hình thức đẹp đẽ, hoành tráng bên ngoài mê hoặc, dối gạt.

Và nhất là, quan điểm hay ý kiến của số đông chưa hẳn lúc nào cũng đúng. Cũng như những người bán hàng tạp hóa ở một ngôi chợ xép thì làm sao biết được giá trị thật của chiếc nhẫn vàng gia bảo, trừ người chủ tiệm vàng giàu kinh nghiệm với nghề.

Cho nên chúng ta cần thận trọng khi đánh giá một con người hay một sự vật hoặc sự việc khi chỉ dựa vào một số yếu tố bên ngoài. Quan trọng hơn là cần quán sát vấn đề qua lăng kính tuệ giác, lòng thương yêu cùng với thời gian dài thì lúc ấy sẽ nhận chân được sự thật.

Hãy rèn luyện thân tâm để đích thực là vàng. Phẩm chất tốt ở bên trong mới thật sự hữu ích, cần thiết cho bản thân cũng như gia đình và xã hội. Dùng sự phù phiếm giả tạo bên ngoài nhằm che đậy sự kém phẩm chất bên trong là điều không nên và không thể.

Cho nên, sự thật muôn đời nếu đã là vàng thì không thể là thau, và lại càng không thể lẫn với thau nếu ta là người có trí và có tâm.

Thái độ sống quyết định phẩm chất đời sống của mỗi người

Quảng Tánh