Văn hóa nhận thức qua nhân sinh quan Phật giáo Việt Nam thời Lý-Trần
Văn hóa Phật giáo Việt Nam là một yếu tố vô cùng quan trọng trong đời sống sinh hoạt tôn giáo và đời sống người dân Việt, trở thành một bộ phận nòng cốt của văn hóa Việt Nam.
DẪN NHẬP
Tiếp cận từ góc độ cấu trúc thì yếu tố hàng đầu của văn hóa là sự hiểu biết, khả năng sáng tạo của con người qua từng thời kỳ lịch sử. Nhưng sự hiểu biết chỉ trở thành văn hóa khi nó trở thành nền tảng cho lối sống, hành vi ứng xử của con người trong các mối quan hệ của con người với xã hội, tự nhiên và chính bản thân. Văn hóa Phật giáo Việt Nam là một yếu tố vô cùng quan trọng trong đời sống sinh hoạt tôn giáo và đời sống người dân Việt, trở thành một bộ phận nòng cốt của văn hóa Việt Nam. Trong đó, hệ tư tưởng thời kỳ Phật giáo Lý – Trần là cốt lõi của các giá trị văn hóa Phật giáo vì nó giữ vai trò kết dính, định hướng những chuẩn mực giá trị của các cộng đồng người và được thể hiện qua nhân sinh quan Phật giáo Lý – Trần.
KHÁI QUÁT VỀ NHÂN SINH QUAN PHẬT GIÁOThế giới quan trong Phật giáo luôn bao hàm nhân sinh quan, vì con người chính là một chỉnh thể vũ trụ và được tạo thành bởi vô vàn nhân duyên trong chuỗi mắt xích luân hồi không ngừng biến chuyển. Phật giáo đi vào cuộc đời với mục đích cứu khổ ban vui cho con người, lấy con người làm đối tượng chính cho việc hoằng pháp và độ sanh. Trong nhiều kinh tạng ghi lại lời Phật dạy cho hàng đệ tử rằng: “Này các Tỷ-kheo, xưa cũng như nay ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ” [1]. Trong suốt 45 năm thuyết pháp, Ngài chỉ dạy cho nhân sinh thấy rõ sự khổ và phương pháp diệt trừ khổ, những vấn đề vô cùng thực tế và lợi lạc, Ngài thường tránh nói về những vấn đề siêu nhiên, huyền bí vì những điều đó không giúp ích cho việc liễu sanh thoát tử của con người.
Cũng chính vì nhận ra được sự vô thường của kiếp người qua bức tranh “sanh, già, bệnh, chết” mà trong khi dạo chơi bốn cửa thành, Thái tử Tất Đạt Đa sẵn sàng bỏ tất cả vinh hoa phú quý để quyết vào rừng sâu tìm thầy học đạo, sống cuộc đời xuất sĩ với gió núi mây ngàn, tự chiến đấu chính nội tâm và cám dỗ ngoại cảnh, chứng thành Phật quả. Với trí tuệ của bậc toàn giác, Ngài tuyên thuyết bài pháp đầu tiên là Tứ Diệu Đế sau khi chứng ngộ dưới cội Bồ đề, khiến Ma vương phải khuất phục cúi đầu cung kính, khắp cõi Tam thiên Đại thiên rúng động vui mừng hoan ca. Pháp Phật thậm sâu vi diệu không gì sánh bằng, nếu ai tinh tấn tu học theo giáo pháp của Ngài đã tự thân chứng đắc, thì con đường giải thoát không chỉ dừng lại ở sự mong muốn và thiết tha nguyện cầu được chạm đến cánh cửa vô sinh.
Thiết lập nhân sinh quan trên Ngũ uẩn, Đức Phật dạy “Ai thấy Pháp người ấy thấy Ta, ai thấy Ta người ấy thấy Pháp” [2]. Sau câu nói quan trọng này, Đức Phật liền giáo giới Tôn giả Vakkali bài pháp “Ngũ uẩn là vô thường”. Đây là lời dạy của Đức Phật dành cho Vakkali, cũng chính là dành cho tất cả hành giả nhằm nhắc nhở khi nhìn thấy Đức Thế Tôn, thấy ngay bài pháp “Ngũ uẩn là vô thường”, tức thấy pháp thân của Đức Thích Ca Mâu Ni chứ không phải thấy sắc pháp của Ngài, bởi vì dù cho sắc thân của Đức Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp khác hẳn với người thường, nhưng cũng không tránh khỏi quy luật biến dịch. Cho nên, ai chiêm ngưỡng dung nhan hình tướng của Đức Phật, nhận thấy bài pháp vô thường trên người Ngài thì mới thật sự thấy Ngài. Con người chịu sự chi phối do sự khổ đau từ thân Ngũ uẩn này, nguyên nhân chính yếu vẫn là do Vô minh và Tham ái dẫn đầu. Ngoài ra, muốn tồn tại được con người phải nhờ đến thức ăn duy trì mạng sống, Phật giáo nhận định có bốn loại thức ăn chính nuôi dưỡng con người: Đoàn thực (thức ăn từ động thực vật), Xúc thực (thức ăn từ những cảm giác, cảm thọ), Tư thực (thức ăn từ sự suy tư, nhận thức), Thức thực (thức ăn tinh thần thuần khiết chỉ có ở cõi vô sắc). Muốn có được sức khỏe, tinh thần minh mẫn thì mỗi người cần chiêm nghiệm lại, lựa chọn những thức ăn nào tốt cho mỗi chúng ta, không nên chọn những thức ăn chỉ vì ưa thích, tự nuôi chính mình bằng những suy nghĩ tiêu cực, đắm mình vào những cảm thọ làm não hại tâm trí.
Tính bình đẳng trong Phật giáo cũng là yếu tố quan trọng trong nhân sinh quan Phật giáo. Đức Phật là một bậc Vĩ nhân, Ngài đã làm một cuộc cách mạng tư tưởng xóa bỏ sự phân biệt giai cấp, nâng cao vị trí người nữ, cho người nữ xuất gia tu phạm hạnh, thành lập Ni đoàn, là việc làm duy nhất và chưa từng thấy trong lịch sử tôn giáo. Đây cũng chính là tinh thần nhập thế của Phật giáo về bình đẳng giới, không phải chỉ hôm nay mà đã có từ thời Đức Phật tại thế. Vì xã hội Ấn Độ đương thời, sự kì thị chủng tộc rất sâu sắc, sự phân chia bốn giai cấp vô cùng khắc nghiệt: Bà-la-môn (Thần quyền) cùng Sát-đế-lợi (Vương quyền) là giai cấp thống trị; còn Phệ-xá (thương nhân), Thủ-đà-la (nô lệ) là giai cấp bị trị. Cùng tồn tại nhiều bộ luật (luật Ma-nu) nhằm khống chế những con người thuộc hạng cùng đinh, riêng người phụ nữ Ấn Độ bị ảnh hưởng đương thời, trong vòng cương tỏa đè nặng của Nho – Ấn và Bà-la-môn bấy giờ. Họ không có một vị thế nào trong xã hội, họ sinh ra để mua vui cho nam giới, phục vụ chồng con, bị đối xử phân biệt về mọi phương diện. Đức Phật xuất hiện đúng lúc trong bối cảnh lịch sử bấy giờ, Ngài đã mở ra một cánh cửa mới cho nhân sinh và vũ trụ, mở ra con đường mới cho người nữ đi đến sự an lạc tuyệt đối bằng cách cho họ xuất gia và thành lập Ni đoàn cho Ni chúng. Đức Phật dạy: “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, trong nước mắt cùng mặn. Mỗi người sanh ra đều có Phật tánh và có thể thành Phật” [3]. Từ đó, nữ giới có cơ hội tu tập và trong Ni đoàn đã xuất hiện nhiều vị Ni lỗi lạc, rất nhiều vị chứng được Thánh quả A-la-hán.
Nhân sinh quan Phật giáo gắn liền với học thuyết Duyên khởi, Nhân quả, Nghiệp báo vì tất cả đều theo chuỗi tác động qua lại, phụ thuộc và ảnh hưởng lẫn nhau. Đây cũng chính là sự sống tất yếu mà con người phải chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm do ba nghiệp thân, khẩu, ý gây ra, không phải do ai ép buộc hay ban phước giáng họa từ một đấng tối cao thiên biến vạn hóa nào đó. Từ vô thỉ luân hồi, sự sống mãi tiếp nối theo dòng chảy nghiệp lực, thay đổi dạng thức sống đến cảnh giới, tùy theo nghiệp thiện – ác mỗi người đã gieo trồng. Nhận thức rõ những điều này, mỗi chúng ta cần tu tập theo Tứ Diệu Đế – cốt lõi của nhân sinh quan Phật giáo, với mục đích giúp con người nhận chân được căn nguyên của khổ, hiểu rõ cách diệt khổ và con đường đưa đến chân hạnh phúc.
NHÂN SINH QUAN PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỜI LÝ TRẦN
Kế thừa và phát huy tinh thần nhập thế của Đạo Phật không rời cuộc sống con người, các vị vua, các vị Thiền sư thời Lý – Trần đã sống và điều hành quốc gia theo tinh thần Phật giáo, trở thành thời kỳ nhập thế tích cực vang dội nhất trong lịch sử dân tộc Việt. Nhân sinh quan Phật giáo Việt Nam thể hiện rõ qua cuộc đời tu tập, hành thiền, sự nghiệp sáng tác kinh điển, thơ văn, phụng sự đạo pháp và dân tộc của các vị vua quan, các vị Thiền sư trong thời kỳ này.
Trong đời mỗi con người, ai rồi cũng phải kinh qua con đường sanh ly tử biệt. Không ngoài quy luật đó, Thiền sư Từ Đạo Hạnh trước lúc thị tịch đã dạy cho đồ chúng một bài pháp sống động về sự vô thường của kiếp người, khuyên bảo các đệ tử đừng than khóc mà hãy đối diện với tâm thái an nhiên như đã từng, vì bậc trí hơn người ở việc làm chủ được sinh tử, thong dong tự tại, không phải lo âu và sợ hãi, những gì không mất, những gì tồn tại mãi mãi, đó chính là bản thể của sự vật.
“Thu lai bất báo nhạn lai quy,
Lãnh tiếu nhân gian động phát bì.
Vị báo môn nhân hưu luyến trước,
Cổ sư kỷ độ tác kim si”.
(Thu về chẳng báo nhạn theo bay,
Cười nhạt người đời uổng xót vay.
Thôi hỡi môn đồ đừng lưu luyến,
Thầy xưa mấy lượt hóa Thầy nay) [4].
Thu về làm ta liên tưởng ngay đến hình ảnh những lá vàng thi nhau rơi rụng thay lá hay cũng chính là tấm thân tứ đại con người đã hư cũ khi già yếu bệnh tật, để rồi xuân đến những chồi non (sự sống mới) sẽ xuất hiện sau đó, sự tiếp nối tưởng chừng như chưa hề có sự kết thúc phân ly. Vì chết không có nghĩa là hết mà chỉ là thay đổi dạng thức sống trong chuỗi luân hồi. Thái độ cười nhạt biểu thị cho sự bình thản, an nhiên tự tại của Thiền sư trước giờ phút ra đi, khác với người đời thường khiếp sợ hãi hùng trước ngọn gió vô thường lôi kéo. “Thầy nay” và “Thầy xưa” không khác, nghĩa là chân tâm bản tánh của mỗi người không hề khác, khi trụ vào chân tâm đó thì không còn lo ngại trước những biến động đổi thay.
“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô”.
(Thân như bóng chớp, có rồi không,
Cây cối xuân tươi, thu não nùng) [5].
Thiền sư Vạn Hạnh nói đến bức tranh nhân sinh quan thực tế của kiếp người, sự tàn hoại nhanh chóng của thân Ngũ uẩn ví như tia chớp vừa xoẹt qua chưa kịp nhìn rõ đã biến mất. Vạn vật dù có tươi đẹp mơn mởn đến đâu cũng đến lúc tàn úa rụng rời vào tiết trời sang thu. Các triều đại đi qua có vị vua nào giữ mãi được ngôi báu mà đều phải trải qua thời kỳ lúc thịnh lúc suy; đời người cũng thế, lúc thăng lúc trầm như những nốt nhạc du dương trầm bổng, có người thành công tột độ sau lại nghe tin thất bại não nề, mấy ai cứ trẻ đẹp hoài rồi cũng đến lúc héo úa tàn phai theo năm tháng. Quan trọng là khi có được tâm chánh niệm tỉnh giác, hiểu được quy luật tất yếu mọi sự vật hiện tượng theo cái nhìn đầy tuệ giác của Phật giáo thì sẽ bớt đi những nỗi lo toan nhọc nhằn. Quá khứ đã trôi qua, muốn thay đổi hay nuối tiếc điều gì đều không được, tương lai lại càng không đoán trước được, vậy chỉ nên sống với hiện tại là điều ý nghĩa và thiết thực nhất.
Nói đến sắc thân Ngũ uẩn con người, vua Trần Thái Tông nhận rõ thấu đáo thân phận con người từ hình thể bên ngoài và nội tâm trong Khóa Hư lục “Chư nhân đẳng: Thân vi khổ bản, chất thị nghiệp nhân. Nhược tự dĩ thử vi chân, dã thị nhận tặc tác tử” (Hỡi các người! thân là gốc khổ; chất ấy nghiệp nhân. Nếu tự coi thân đó quả là chân; tức đã nhận kẻ thù làm ruột thịt) [6]. Dù làm vua nhưng hơn hẳn người thường ở chỗ có cái nhìn thấu đáo mọi sự vật hiện tượng, khuyên răn con người phải biết rõ thân này là gốc khổ, thể xác này không phải có từ ngẫu nhiên mà do nghiệp tạo thành tùy theo phước họa gieo trồng. Nếu chúng ta xem cái thân vô thường giả hợp đầy khổ đau này là thật, thì cũng như nhận giặc làm con cái của mình.
“Bốn núi cheo leo vạn khóm xanh,
Muôn loài không cả, hiểu cho rành.
Lừa ba chân đó, may tìm được,
Lên thẳng non cao sấn bước nhanh” [7].
Vua Trần Thái Tông phân tích bốn núi “sanh, già, bệnh, chết” chi phối tất cả con người, “vạn khóm tùng” chỉ cho sự nguy hiểm, cheo leo không có chỗ dựa vững vàng. Con lừa ba chân trong bài thơ này chỉ cho sự phi lý, đạt được cái phi lý này mới có thể lên được ngọn núi cao đó, nghĩa là thiện ác phải buông bỏ thì có phi lý chăng, còn trong đối đãi phân biệt sẽ chưa đạt ngộ cứu cánh. Dù ai có tài nghệ đánh giặc trăm trận trăm thắng, dù ai mệnh Đế vương hay kẻ khốn cùng trong thế gian này đều chịu thua trước quy luật này. Người tu Phật muốn thoát cảnh hãi hùng này không gì ngoài tu tập tinh tấn, cần kíp như cứu lửa cháy đầu vì: “Ngày nay đã qua, mạng sống giảm dần, như cá cạn nước, đâu có gì vui” [8]. Vua nhấn mạnh nhiều đến việc một khi làm thân người phải cố gắng tu tập, đừng đợi khi mất đi rồi thì muôn kiếp khó mà tìm lại được. Người chỉ ra tâm của mỗi cá nhân, cần hoàn thiện tâm qua việc trì giới, tu dưỡng đạo đức.
Lời dạy của Quốc sư Phù Vân đến vua Trần Thái Tông đã trở thành bài học nhân sinh bất hủ muôn đời “Phàm làm đấng nhân quân, thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, và tâm thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón Bệ hạ về, Bệ hạ không về sao được? Tuy nhiên, sự nghiên cứu nội điển xin Bệ hạ đừng phút nào quên” [9]. Vì trách nhiệm làm vua một nước, vua phải hy sinh những ước muốn cá nhân mà làm tròn bổn phận của đấng Quân vương, song song đó vẫn nên nghiên cứu tu học giáo pháp, đây là điều mà không phải vị vua nào cũng có thể làm được. Vua vừa điều hành đất nước vừa dành thời gian học đạo, tham vấn các Thiền sư, còn sáng tác nhiều tác phẩm kinh điển để lại hậu thế. Đây chính là tinh thần nhập thế đạo đời viên dung, quên mình vì mọi người hay cũng chính là tinh thần hành Bồ tát đạo giữa chốn nhân gian. Dù là bậc có tâm đạo lớn và hành trì tu tập theo Phật giáo, vua vẫn chú trọng nhiều đến tinh thần Tam giáo đồng nguyên, dung hòa cả ba đạo Nho – Phật – Lão khiến sức mạnh đoàn kết toàn dân lại càng vững mạnh. Đây cũng chính là nghĩa cử mang tính nhân văn cao đẹp hợp lòng dân, không phân biệt tôn giáo nên gây được tiếng vang lớn và thành tựu trên nhiều phương diện xây dựng và phát triển đất nước, đúng theo tinh thần bình đẳng của người Phật tử hành trì lời Phật dạy.
Nhân sinh quan của Tuệ Trung Thượng sĩ cũng không ngoài tư tưởng phá chấp, vượt thoát cánh cửa bất nhị trong sự phân biệt đối đãi trên cõi đời, sống thật với bản tâm thanh tịnh vốn có, không câu nệ hình thức:
“Sắc không mê ngộ giả
Nhất lý cổ kim đồng”
(Sắc và không, mê và ngộ,
Xưa nay cùng một lý như nhau) [10].
Theo Thượng sĩ, việc hành thiền, tụng đọc kinh điển, giữ gìn giới luật là phương thức tu tập, mỗi người phải tự thân thực nghiệm tu trì mới có kết quả viên mãn. Trong Đại cương tư tưởng Phật giáo Việt Nam có nhận xét: “Xưa nay, lý thuyết là màu xám, hiện thực mới thực sự là màu xanh của sự sống. Khi buông xả cái nhìn chấp trước nhị nguyên giữa có và không thì mọi sự tu trì trên hình thức lý luận sẽ chẳng còn ý nghĩa gì” [11]. Tuệ Trung gạt bỏ sự đối lập ranh giới giữa phàm – thánh, thị phi – phải trái, nhân – ngã, vượt lên tất cả rào cản sự chấp trước khổ não, chỉ còn lại chân tâm nhất như thanh tịnh, sáng suốt. Bàn về lẽ sống chết, ông cho rằng:
“Người ngu điên đảo tử và sinh,
Bậc trí, tử sinh thưởng thời vậy”
(Ngu nhân điên đảo,
Trí giả đạt quan nhàn nhi dĩ) [12]
Tuệ Trung xem sống chết là lẽ thường, thậm chí “chỉ là nhàn thôi” biểu hiện thái độ an nhiên tự tại của bậc tỏ ngộ giữa cõi đời. Những người sợ hãi trước sự sinh tử thì chỉ là kẻ tầm thường không thấu đạt lẽ thấu suốt của tiến trình duyên khởi, còn mê mờ si mê giữa màn đêm u tịch và chưa tìm được bản tâm thanh tịnh vốn có của mình, phải chăng chính vì không học pháp và hành trì pháp Phật một cách thấu đáo.
Đến Trần Nhân Tông với nhân sinh quan chủ yếu theo tinh thần Phật giáo còn có sự kết hợp yếu tố Nho giáo qua việc giúp ích cho đời theo tinh thần nhập thế, không hổ là kẻ trượng phu trên thiên hạ. “Sống mà không giúp ích gì cho đời là điều đáng thẹn của kẻ trượng phu” (Sinh vô bổ thế trượng phu tàm) [13]. Kẻ “trượng phu” đây chính là tư tưởng Nho gia, chỉ cho người có chí làm việc lớn gánh vác thiên hạ, gánh vác giang sơn cứu nhân độ thế. Trần Nhân Tông muốn giúp ích cho đời qua việc làm tròn bổn phận chăm lo đời sống nhân dân, khuyên dân bỏ dâm từ, thực hành Thập thiện. Người xứng đáng là bậc trượng phu của một đất nước tuy nhỏ bé nhưng hùng cường, luôn yêu nước thương dân, đồng thời là một Thiền sư đắc đạo, trở thành Phật hoàng duy nhất của đất nước Việt Nam. Như vậy, người đã hoàn thành sứ mệnh cho dân tộc, cho bản thân và đạo pháp qua lối sống nhân sinh cao cả, một đời cống hiến không ngừng nghỉ, du phương hóa độ dân làng và kết nối tình hữu nghị đến Chiêm Thành.
“Ăn rau trái, nghiệp miệng chẳng hiềm thửa đắng cay;
Vận giấy vận sồi thân căn có ngại chi đen bạc” [14].
Tuy là bậc Đế vương cao sang quyền quý nhưng ngài vẫn chọn cách sống giản dị, về đến Trúc Lâm Yên Tử, Ngài một lòng tu hạnh Đầu đà khiến tâm trí thường minh, rau quả thanh đạm qua ngày, quả là bậc Giác ngộ giữa cõi đời. Khi bàn đến việc sinh tử, Ngài nhấn mạnh hai việc này là việc lớn của đời người nên tuyệt đối không thể xem thường, phải chuyên tâm tu tập mới có thể vượt thoát nó. Cần thấu suốt bản tánh để nhận ra thân mạng mong manh như ngọn đèn trước gió, như hơi thở ra vô sinh diệt trong từng sát na, thở ra không thở vào cũng đồng nghĩa sự sống không còn:
“Thân như hơi thở trong mũi khi hô hấp,
Cuộc đời như đám mây bay theo gió ngoài núi xa”
(Thân như hô hấp tỵ trung khí
Thế tự phong hành lĩnh ngoại vân) [15].
Những đám mây cứ bay trôi nổi vô định trên bầu trời, trên đỉnh núi, tan biến vào hư vô, cũng như tấm thân tứ đại này vốn vô thường, một trong bốn đại chống đối hay suy yếu thì các đại kia cũng ảnh hưởng dẫn đến sức khỏe tổn giảm, cánh cửa tử mở toang chào đón chúng ta. Nhưng đối với người đã dừng cái nhân sinh tử thì còn lo gì đến quả tử sinh, tâm tư định tĩnh, sống cuộc đời tùy duyên nhập thế phụng sự đạo pháp. Chết chỉ là một chặng đường khác nên chấp nhận nó theo cách khách quan không luyến tiếc, đây cũng chính là quan niệm nhân sinh quan của Đại thừa Phật giáo được Trần Nhân Tông tiếp thu mạnh mẽ. Ông đã đau đáu tìm con đường đạo không chỉ để viên mãn cho bản thân mình trong những điều chứng ngộ về Phật pháp, mà còn để có thể giúp nước giúp dân. Ông đã thực hiện việc lấy bản thân làm kim chỉ nam cho người đời hiểu về tu tập chân chính, phản ảnh chính trong cảnh giới ngộ đạo và thành quả tu luyện của bản thân ông. Trong tác phẩm của mình, ông viết:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tác xan hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”
(Cõi trần vui đạo hãy tùy duyên
Đói cứ ăn no mệt ngủ yên.
Báu sẵn trong nhà thôi khỏi kiếm
Vô tâm trước cảnh hỏi gì thiền) [16].
Cảnh giới tư tưởng của Trần Nhân Tông đã bộc lộ rất rõ Phật pháp là cuộc sống và không hề tách ly phân biệt, trong chính cuộc sống nơi trần tục Ngài tự tại, an nhiên giữa dòng đời, buông bỏ tham chấp, tu tâm đoạn dục, nâng cao cảnh giới thiền định và tác động mạnh đến tư tưởng Thiền học Việt Nam. Tư tưởng cư trần lạc đạo trở thành đỉnh cao, là đường lối sống đạo của Phật giáo Việt Nam thời kỳ này và trở thành tấm gương phản chiếu cho đàn hậu lai. Nhân sinh quan Phật giáo Việt Nam thời đại Lý – Trần nổi bật với tinh thần tự do, phá chấp một cách triệt để nhằm đạt được tâm chân như sáng suốt rỗng không, tự do tự tại giữa trần thế. Với sự thực tu thực chứng, phá trừ cái nhìn nhị nguyên, không còn phân biệt đối đãi giữa mê và ngộ, phàm và thánh, thiện và ác buộc trói con người vào sự tướng, vướng vào sự nghi ngờ cố chấp. Khi phá được chấp trước, con người không còn lo sợ trước tấm thân Ngũ uẩn này mà vượt lên trên sự sanh tử, coi mọi chuyện theo hướng duyên sinh thì duyên diệt, đó cũng là vòng tuần hoàn của vạn pháp. Không có gì sinh ra và mất đi nên không hề có việc đi và đến, thân tồn tại là do dục sanh, diệt được những ham muốn dục lạc đó thì không còn sanh tử.
TÁC ĐỘNG CỦA NHÂN SINH QUAN PHẬT GIÁO ĐẾN NHẬN THỨC NGƯỜI VIỆT
Nhân sinh quan Phật giáo Việt Nam với những giá trị nhân văn, nhân đạo nên dễ dàng dung hợp các nền văn hóa mà không mất đi những giá trị cốt lõi. Người dân Việt thấm nhuần tư tưởng Phật giáo, thay đổi nhận thức theo hướng tích cực tạo nên khí phách đầy hiên ngang và tinh thần đoàn kết trở nên nhiệt huyết khiến Vương An Thạch phải gật đầu thừa nhận “Cả nước Giao Chỉ, nhà có sáu người thì năm người tòng quân, còn một người không đi được nên phải ở lại” [17]. Không phải ngẫu nhiên nhà triết học thông thái người Đức P. Nietzsche đã đề cao ý nghĩa thực tiễn của giáo lý nhà Phật: “Phật giáo đã nhận lãnh trách nhiệm đặt các vấn đề một cách khách quan và bình tĩnh… Phật giáo không kích thích người ta làm chiến tranh chống các tôn giáo khác. Điều cảm động nhất chính là ở chỗ giáo lý nhà Phật chống lại tư tưởng phục thù, hằn học, oán ghét” [18].
Văn hóa Phật giáo qua triết lý nhân sinh quan giúp cho dân tộc Đại Việt có được lối sống tốt đẹp, cùng nhau xây dựng đất nước và kiên quyết đấu tranh khi có giặc ngoại xâm. Không phân biệt là ai, tầng lớp nào, học thức ra sao đều có quyền được sống, được yêu thương và quan trọng nhất là bất cứ ai cũng có thể tu tập và chứng ngộ đến con đường giải thoát. Từ đó, con người có thể cảm thông và sẻ chia lẫn nhau từ cuộc sống, lòng nhân ái đùm bọc của dân tộc Việt cùng tinh thần từ bi, bình đẳng của Phật giáo đã cộng sinh và cộng hưởng tạo nên lối sống nhân sinh cao cả ngay tại thế gian này.
Qua giáo lý Duyên khởi, Nhân quả, Nghiệp báo của nhân sinh quan giúp con người sống tích cực lạc quan, không còn quá khổ đau trước những biến động vô thường của cuộc đời. Con người là chủ nhân của Nghiệp, thế nên cần tu tập và làm chủ Nghiệp lực, siêng năng thực hành các pháp lành để khi kết thúc cuộc đời, ta không còn phải lo âu tiếc nuối những gì đã qua như lời dạy của Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ “Tuổi thọ không phải là thước đo giá trị của đời người. Vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì cho đời, cho đạo [19]. Giờ phút lâm chung là lúc quyết định cuối cùng tâm thức chúng ta đi về đâu, người Phật tử cần nhận thức rõ điều này và luôn trong tâm thế chuẩn bị hành trang vững chãi trước lúc đi xa. Trong chuỗi luân hồi này, tất cả mọi người có khi đã từng là cha mẹ ta, anh em, thân bằng quyến thuộc nhiều đời nhiều kiếp nên tốt hơn hết là luôn kính trọng, yêu thương lẫn nhau.
Nhận thức được môi trường đang sống có quan hệ mật thiết với con người nhằm giữ gìn ngôi nhà chung của chúng ta, không tàn phá môi sinh một cách thiếu ý thức, gieo trồng hạt giống trí tuệ qua việc học hỏi và thực hành giáo lý Phật Đà, hành thiền cho tâm trí định tĩnh qua những ngày bôn ba vì cuộc sống mưu sinh. Tinh thần bình đẳng đã kết nối những trái tim con người cùng sưởi ấm yêu thương nhau, cùng dìu nhau vượt qua sóng gió cuộc đời. Dù ngày nay thế giới vật chất đủ đầy, công nghệ tiên tiến hàng đầu phục vụ nhu yếu con người nhưng kéo theo đó là những hệ lụy đưa đến các bệnh về tâm. Phật giáo đã và đang đồng hành cùng nhân sinh, đưa ra đường hướng giáo dục toàn diện giúp mỗi người tự cân bằng thân tâm qua phương pháp Thiền định. Sự an lạc nội tâm chính là chìa khóa đưa đến hạnh phúc nên rất nhiều người trên thế giới ngưỡng mộ và cùng nhau thực hành phương pháp Thiền của Đạo Phật. Họ không chỉ xem đây là phương pháp dưỡng sinh phòng chống bệnh tật mà còn tìm đến thiền như một con đường quay về sự thăng bằng của nội tâm, giải tỏa stress, những trạng thái căng thẳng thần kinh, sự bất ổn về mặt tâm lý trong cuộc sống hiện tại. Bài pháp “Ngũ uẩn” cho con người hiểu rõ sâu sắc sự vô thường biến đổi trong từng sát na sinh diệt, từ đó quý trọng từng tấc bóng thời gian tu tập, làm những việc có ích cho bản thân và cộng đồng.
KẾT LUẬN
Thực hành quán chiếu pháp Ngũ uẩn giúp hành giả mở tung cánh cửa vô minh, rửa sạch phiền não và khi chúng ta ý thức được những việc làm sai trái, luôn thực hành pháp Phật dạy thì những vấn đề khủng hoảng đạo đức, bạo lực gia đình, các tệ nạn xã hội sẽ được giảm thiểu tối đa. Với tấm lòng bi mẫn, Đức Phật đã tự thân kinh qua và thực nghiệm, chỉ cho chúng ta nhận thức rõ khổ đau và phương cách đoạn trừ. Phật giáo là tôn giáo góp phần tạo nên nền văn hóa dân tộc thêm đậm đà bản sắc qua tư tưởng từ bi, trí tuệ, hướng con người đến lối sống đạo đức lành mạnh và an vui trong cuộc sống. Với tinh thần khế lý khế cơ, văn hóa nhận thức Phật giáo thời đại Lý – Trần cho chúng ta thấy rõ được Phật giáo có một hệ thống nhận thức vô cùng khoa học và thực tiễn, thể hiện rõ được chức năng ảnh hưởng và điều chỉnh xã hội. Nhận thức rõ nhân sinh quan, thế giới quan và giải thoát quan Phật giáo qua chuỗi mười hai nhân duyên phần nào đáp ứng được những tiêu chuẩn của một nền văn hóa.