Vai trò của giới luật đối với Tăng Ni trẻ hiện nay
Đức Phật luôn luôn đề cao và khuyên hành giả hãy xem Giới luật là bậc thầy của các Ngươi sau khi ta diệt độ: “sau khi ta nhập diệt, giới luật sẽ là thầy của các người”.
Trong Phật giáo có tất cả tam tạng kinh điển thì Luật tạng có một vị trí và vai trò vô cùng quan trọng trong Phật giáo. Thông thường người ta gọi theo thứ tự là Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng nhưng nếu chúng ta xét rõ ràng và tìm hiểu trong văn học Pāli thì chúng ta thấy họ phân chia cũng Tam tạng kinh điển thì Luật tạng được xếp ở vị trí đầu tiên trong Tam tạng giáo điển của Phật giáo sau đó mới đến Kinh tạng và Luận tạng. Điều này cho ta thấy Luật tạng có một vai trò quan trọng trong đời sống tu tập của Tăng Ni.
Giới luật chính là phương tiện giúp cho mỗi hành giả rèn luyện bản thân trong khuôn khổ của giới. Nếu chúng ta hành trì giới luật tinh chuyên hay miên mật thì sẽ mang lại cho chúng ta thanh tâm được thanh tịnh, trưởng dưỡng tâm từ bi và đạt tới cảnh giới giải thoát khỏi sanh tử luân hồi trong lục đạo. Khi giới luật được thiết lập thì giúp cho mỗi hành giả họ biết suy nghĩ những lời nói, hành động giúp cho chúng ta tự tại và an lạc hơn. Vì thế giới luật rất chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống của người xuất gia và cũng rất quan trọng trong hệ thống giáo lý của đạo Phật.
Giới luật là chạm móc đầu tiên mà người xuất gia cần phải học trong năm bước đi: Giới, Định, Tuệ, Giải thoát và Giải thoát tri kiến. Mục đích chính yếu của người xuất gia như chúng ta là đạt được trí tuệ và giải thoát sanh tử luân hồi. Nêu một người xuất gia tu học mà không có trí tuệ và giải thoát thì coi như chúng ta uổng phí một đời sống của người xuất gia, dẫn đến sự thọ nhận của chúng sanh quá nhiều thì không tu hành thì sẽ rơi vào tam đồ lục đạo.
Người xuất gia muốn đạt được trí tuệ và giải thoát đó thì chúng phải nhờ vào Giới luật để kiềm chế lại những ham muốn của bản thân mình không để cho thân tâm chạy theo những thứ dục lạc của thế gian. Từ vô thỉ kiếp mà chúng ta không biết được tâm chúng ta đã huân tập biết bao nhiêu điều bất thiên nghiệp, biết bao nhiêu phiền não chướng và ma chướng. Muốn thoát khỏi những ma chướng hay phiền não đó, chúng ta phải hành trì Giới luật vì đó là điều căn bản nhất giúp cho người xuất gia thoát vô minh phiền não. Người giữ Giới luật họ có cuộc sống thận trọng trong từng lời nói, từng cử chỉ và trong từng hành động của chính bản thân mình. Sống cuộc sống phạm hạnh, sống đời sống chân thật, giữ các căn tốt hơn, sống chánh niệm tỉnh giác, làm cho thân, khẩu và ý của chính mình thanh tịnh và an lạc.
Đức Phật luôn luôn đề cao và khuyên hành giả hãy xem Giới luật là bậc thầy của các Ngươi sau khi ta diệt độ: “sau khi ta nhập diệt, giới luật sẽ là thầy của các người”. Lời tuyên bố này cũng được tìm thấy trong cả hai truyền thống Nam tạng và Bắc tạng Phật giáo. “Hãy tôn trọng cung kính Ba la đề mọc xoa, hãy lấy giới luật làm nơi nương tựa, chớ nương tựa một ai khác.” Và trong Trường Bộ kinh đức Phật nhấn mạnh: “Này Ananda, Pháp và Luật, Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Đạo Sư của các Ngươi [6].” Giới luật không chỉ giúp chúng ta thanh tịnh thân và tâm mà còn giúp chúng ta có một lòng từ bi đối với tất cả chúng sanh. Điều này được thể hiện qua hai khía cạnh là không sát sanh và cứu giúp chúng sanh.
Giới luật đối với đạo đức xã hội. Phật giáo ra đời không nằm ngoài mục đích cứu độ chúng sanh, cũng không dành riêng cho một cá nhân nào hay một tổ chức nào mà là Phật giáo ra đời gắn liền với xã hội. Đạo Phật ra đời nhằm mục đích giúp cho chúng sanh thoát khỏi những khổ đau trong cuộc sống, với tinh thần nhập thế của Tăng Ni đến với đời sống của chúng sanh, đặt trên lợi ích chung của tập thể… Sự đoàn kết và sống trong lục hòa của Tăng Ni ngày này chính là khẳng định tinh thần nhập thế của Phật giáo. Phật giáo không nằm ngoài lợi dưỡng của cá nhân mà đề cao lợi ích của con người cho nên Giới luật đạo Phật không thể tách biệt với đạo đức của con người. Trong cuộc sống, điều mà con người hướng đến chính là niềm hỷ lạc hay niềm hạnh phúc của tự thân mình. Chính vì đó, hạnh phúc chính là mục đích sống của xã hội cho nên giới luật của Phật giáo hoàn toàn xây dựng được cái cho là hạnh phúc đó và xây dựng được một xã hội an lành và hòa bình. Vì giới luật của chúng ta được xây dựng trên nền tảng của Giới, Định và Tuệ.
Cuộc sống của con người luôn luôn biến đổi theo thời gian và hơn thế nữa xã hội không có sự công bằng, cha con bất hòa, làng xóm gây gỗ, thậm chí còm đánh chém nhau… những sự việc đó trong xã hội thường xuyên xảy ra nhiều mâu thuẫn và đi đâu chúng ta cũng nghe đến điều đó. Chúng ta thử hỏi tại sao lại như vậy, do chúng ta có nhiều oán thù nhiều đời nhiều kiếp hay là do chúng ta thiếu hẵn tình thương con người với con người.Trước hoàn cảnh đó, đạo Phật đã xây dựng ngũ giới là thước đo chuẩn mực xã hội, là hàng rào để bảo vệ chúng ta, để xây dựng hạnh phúc con người với con người. Tuy nhiên, năm giới là điều kiện tối thiểu mà không phải là tất cả của người Phật tử. Nếu thực hành được năm giới này một cách hoàn chỉnh là đã xây dựng một thế giới an bình hạnh phúc, hay một nhân gian tịnh độ theo Phật giáo. Thế nào là ngũ giới mà đức Phật đã dạy? Đó là không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu:
246. “Ai sống hại sinh linh
Nói láo trong đời này
Lấy của người không cho
Quan lại với vợ người
247. “Lại rượi chè say sưa
Người sống đời sống ấy
Tất chính ngay đời nầy
Tự đào bỏ thiện căn.” [7]
248. “Vậy người hay nên biết
Chế ác chẳng dễ gì
Chớ tham lam phi pháp
Mà trường khổ lụy thân.” [8]
Con người ai cũng sợ cái chết, sợ mất tất cả của cải, vật chất… họ không muốn ai xâm hại đến bản thân họ, không muốn người ta làm tổn hại đến danh dự phẩm hạnh của mình thì chúng ta không nên làm ảnh hưởng đến danh dự phẩm hạnh của người khác. Đó chính là định luật tất yếu của cuộc sống và hơn thế nữa mọi thứ đều có luật nhân quả. Nếu chúng ta không muốn bị những quả báo đó thì chúng ta nên hành trì và thọ nhận giới luật. Vì vậy giới luật có một mối tương quan rất mật thiết với đạo đức chuẩn mực của xã hội hiện nay.
Lợi ích việc giữ giới đối với Tăng Ni. Giới luật đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống tu học của người xuất gia cũng như Tăng Ni trẻ hiện nay, nếu giữ giới luật miên mật thì người hành trì được rất nhiều lợi ích trong đời sống hiện tại, tương lai kể cả cho người xuất gia và tại gia.
Trong Kinh Trường Bộ đức Phật đã nói rõ nếu hành giả tinh chuyên về giới luật thì sẽ được năm điều lợi ích như sau:
1. Có tiền của dồi dào rất nhiều vì sống không phóng dật.
2. Tiếng tốt đồn xa.
3. Khi đi vào hội chúng nào, tâm thần không sợ hãi, không bối rối.
4. Khi chết tâm hồn không rối loạn.
5. Sau khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh vào thiện thú, thiên giới. [9]
Tăng Chi Bộ kinh đức Phật dạy rằng: “Vì rằng này Ananda, Ta đã tuyên bố một cách dứt khoát rằng, thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện là điều nên làm. Nếu làm những điều nên làm ấy, thời có những lợi ích như sau được chờ đợi: Tự mình không chê trách mình; sau khi được biết, kẻ trí tán thán, tiếng lành đồn xa, không bị mê ám khi mạng chung; sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào cõi Thiện, cõi Trời, cõi đời này.” [10]
Chú thích:
(1) Trưởng lão Thiền sư Pháp Minh dịch giả, Dhammapādatthakathā, Kinh Pháp Cú quyển 3, (Việt Nam: NXB Tổng Hợp TP Hồ Chí Minh. 2013), tr. 523.
(2) Trưởng lão Thiền sư Pháp Minh dịch giả, Dhammapādatthakathā, Kinh Pháp Cú quyển 3, (Việt Nam: NXB Tổng Hợp TP Hồ Chí Minh. 2013), tr. 523.
(3) Thích Trung Định, Tam Vô Lậu Học Qua Kinh Tạng Pāli, (Việt Nam: NXB Thuận Hóa, Huế. 2020), tr. 165.
(4) HT. Thích Minh Châu, Kinh Tăng Chị Bộ tập 1, ( Việt Nam: NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2015 ), tr 94 – 95.
*Tác giả là Học viên Thạc sĩ Học Viện Phật Giáo Việt Nam khoá VI
Thích Chúc Thanh