Vài phương thức đoạn trừ phiền não (Phần 3)

Suốt ngày chạy theo dục vọng thì suốt đời chúng ta chỉ là một kẻ nô lệ của nó. “Dục vọng như bộ xương khô, như miếng thịt, như hầm lửa, như rắn độc …, hoan lạc ít mà khổ não lại nhiều, đầy dẫy nguy hiểm”.

Muốn ít biết đủ

Trong kinh Đức Phật dạy:

“Bất tri túc giả tuy xử thiên đường do bất xứng ý, tri túc chi nhân, tuy ngọa địa thượng do vi an lạc”. Người biết đủ, dù nằm trên đất cát vẫn an lạc; trái lại, người không biết đủ, dù ở cung trời cũng không vừa ý. Ít ai bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Người nghèo muốn giàu, người giàu muốn giàu thêm; người có thứ này mong được thêm thứ khác. Cũng vì vô minh, con người tự chui vào lưới ngũ dục, cho đó là hạnh phúc, là cứu cánh của đời mình. Có ý niệm truy đuổi tìm cầu tức không bằng lòng với hiện tại, như kẻ thả mồi bắt bóng, không biết bao giờ mới tìm thấy hạnh phúc. Biết dừng lại tức ổn cố được tâm, không dính mắc với trần cảnh bên ngoài, biết vui với những gì mình đang có, ta sẽ thấy hạnh phúc tại hiện tiền.

Vài phương thức đoạn trừ phiền não (Phần 2)

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nếu chúng ta ít muốn biết đủ, bằng lòng với những gì mình đang có, sống đời an nhiên tự tại thì sẽ giảm bớt những áp lực từ cuộc sống. Chính tâm tham cầu quá nhiều mới sinh ra khổ đau. Như vậy thiểu dục tri túc là một pháp đối trị lại tâm tham cầu. Chính dục vọng của con người đã làm cho họ khổ đau triền miên. “Phật giáo dạy con người đi vào giải thoát, có nghĩa là đi ra khỏi mọi trói buộc mọi ách nô lệ. Nô lệ lớn nhất của hiện tượng giới là nô lệ chính dục vọng của mình”.

Trong một bài sám văn có nói rằng hàng ngày chúng ta ở “trong trí Bồ-đề mà thấy không thanh tịnh, trong cảnh giải thoát mà sinh ràng buộc”. Không ai mang khổ đau lại cho chúng ta mà chính chúng ta là chủ nhân tạo ra nó. Hàng ngày chúng ta sống trong trí Bồ-đề nhưng lại thấy không thanh tịnh bởi vì tâm tham cầu, tâm vọng tưởng chi phối và dẫn dắt chúng ta đi lầm đường lạc lối.

Như vậy, giải thoát hay ràng buộc là do cách sống của chúng ta chứ không phải do một ai khác. Suốt ngày chạy theo dục vọng thì suốt đời chúng ta chỉ là một kẻ nô lệ của nó. “Dục vọng như bộ xương khô, như miếng thịt, như hầm lửa, như rắn độc …, hoan lạc ít mà khổ não lại nhiều, đầy dẫy nguy hiểm”. Do vậy, thiểu dục tri túc là một phương pháp giúp đoạn trừ những tham muốn, những dục vọng; khi đã đoạn trừ được dục vọng tham muốn thì sẽ không còn khổ đau.

(còn tiếp).

Thích Nữ Hạnh Từ