Vài nét về Thiền sư Không Lộ

Sư Không Lộ họ Dương, không rõ tên thực là gì, quê ở làng Hải Thanh. Ông cha Sư Không Lộ chuyên nghề chài lưới, đến đời Sư mới bỏ nghề ấy đi tu đạo Phật.

Khoảng niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh (1059 -1065), Sư theo Thiền sư Lôi Hà Trạch xuất gia, cùng làm bạn với Thiền sư Giác Hải và sư Từ Đạo Hạnh.

Phong cách Sư Không Lộ thoát tục, ăn mặc thế nào xong thôi, không vướng mắc vật chất thường tình, chỉ tinh chuyên thiền định, trải bao năm tu tập, ăn cây mặc cỏ, quên cả thân mình.

Sau khi đắc đạo, Sư có thể bay trên không, hoặc đi trên mặt nước, cọp thấy phải cúi đầu, rồng gặp cũng nép phục. Những pháp thuật thần bí của Sư không đo lường được.

Đến ngày 3 tháng 6 năm Hội Tường Đại Khánh thứ mười (1119) đời Lý Nhân Tông, Sư viên tịch. Môn đồ làm lễ hỏa táng, thu xá lợi, xây tháp thờ ở trước chùa Nghiêm Quang.

Chùa Keo là nơi Sư Không Lộ trụ trì.

Chùa Keo là nơi Sư Không Lộ trụ trì.

Chùa Nghiêm Quang đổi tên là Thần Quang (1167), nguyên ở hữu ngạn Sông Hồng đã bị hủy hoại vì bão lụt. Năm 1630 dân sở tại dựng lại chùa ở tả ngạn sông Hồng, nay thuộc xã Vũ Nghĩa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, thường gọi là chùa Keo là nơi Sư  trụ trì.

Tác phẩm của Sư Không Lộ có bài kệ Ngôn hoài và bài thơ Ngư nhàn.

Kệ Ngôn hoài:

  Trạch đắc long xà địa khả cư,

  Dã tình chung nhật lạc vô dư.

  Hữu thời trực thướng cô phong đảnh,

  Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.

Dịch:

  Lựa nơi rồng rắn đất ưa người,

  Cả buổi tình quê những mảng vui.

  Có lúc thẳng lên đầu núi thẳm,

  Một hơi sáo miệng, lạnh bầu trời.

  (Ngô Tất Tố)

Bài thơ Ngư nhàn:

  Vạn lý thanh giang vạn lý thiên,

  Nhất thôn tang giá nhất thôn yên.

  Ngư ông thùy trước vô nhân hoán,

  Quá ngọ tỉnh lai tuyết mãn thuyền.

Dịch:

  Muôn dặm sông dài, muôn dặm trời,

  Một làng dâu giá, một làng hơi.

  Ông chài mê ngủ, không người gọi,

  Tỉnh giấc quá trưa tuyết đầy thuyền.

Cuộc đời Sư Không Lộ và Nguyễn Minh Không

Phương Anh