Vài nét về Phật giáo trong xã hội Thái Lan

Tóm tắt: Bài viết tập trung giới thiệu tổng quan về Phật giáo Thái Lan, vai trò và vị trí của Phật giáo trong đời sống văn hóa, giáo dục.

 

Phật giáo tác động đến hình thành nên nhân cách, đạo đức mỗi con người, thông qua một số nghi lễ, như: sinh nở, trưởng thành, lễ cưới hỏi và tang ma… các ngày lễ hội Phật giáo quan trọng. Vai trò của nhà chùa và các nhà sư trong các hoạt động từ thiện như giúp đỡ trẻ em nghèo, điều trị cai nghiện ma túy, phòng chống HIV/AIDS. Phân tích một số vấn đề đặt ra với Phật giáo Thái Lan hiện nay như sự suy giảm đạo đức dẫn đến phạm tội của một số nhà sư, nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm đạo đức của các nhà sư, và cuối cùng là một số giải pháp điều chỉnh của Chính phủ Thái Lan đối với Phật giáo hiện nay.

Mở đầu

Thái Lan, là quốc gia nằm ở trung tâm khu vực lục địa Đông Nam Á, từ lâu được biết đến với tên gọi như “Miền đất tự do”, “Quốc gia Phật giáo”, hay “Miền đất của những chiếc áo cà sa” (The land of yellow robes) (1). Phật giáo được coi như tôn giáo quốc gia, gắn chặt đến mọi mặt trong đời sống hàng ngày và ở tất cả các tầng lớp xã hội: Từ người dân lao động đến giới quý tộc Thái. Phật giáo đồng hành với lịch sử, chính trị, văn hóa, và trở thành một trong 3 thành tố đại diện của quốc gia, thể hiện trên quốc kỳ Thái Lan: Màu trắng tượng trưng cho tôn giáo; màu đỏ tượng trưng cho sức mạnh quốc gia; màu xanh lam tượng trưng cho Hoàng gia (2). Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa xã hội và luôn dẫn dắt con người hướng tới điều thiện (Bun), và tránh cái ác (Bạp), vì vậy đạo đức luân lý là vấn đề cơ bản của Phật giáo Thái Lan. Các tổ chức Phật giáo, nhà chùa, cùng với các nhà sư trong nhiều thế kỷ đã đóng vai trò quan trọng trong nhiều mặt đời sống của người dân. Nhà chùa được coi là nơi giáo dục “đức tin”.

phat giao thai lan

Phật giáo hình thành và phát triển ở Thái Lan từ thời kỳ nhà nước Sukhothay. Các vị vua đều là những đệ tử của Phật giáo. Từ thời kỳ vua Li Thai (Maha Thammaracha I – trị vì từ năm 1419-1438) đến triều đại Rama – trị vì từ năm 1782, Phật giáo đã phát triển rực rỡ, thời kỳ này được coi là thời hoàng kim của Phật giáo Thái Lan. Các vị vua đều trải qua thời gian tu hành nhất định trong các ngôi chùa. Hoàng tử Mongkut, sau là nhà vua (Rama IV) từ khi 13 tuổi đã được gửi tới chùa để học tập, tu hành trong thời gian 8 tháng (3). Các vị vua gần đây là Bhumibol Adulyadej (Rama IX), Maha Vajiralongkorn (Rama X) hiện nay, đều trải qua một thời gian tu hành trong chùa4. Từ thời kỳ vua Rama V (1853-1910) trở về trước, hầu hết các trường học (Rong riên) của Thái Lan được thành lập trong các ngôi chùa Phật giáo. Các nhà sư chính là những người thầy truyền bá kiến thức cho trẻ em. Mặc dù Phật giáo đã đóng góp to lớn về mặt định hình và phát triển xã hội, tạo nên giá trị đạo đức của người Thái qua nhiều thế kỷ, nhưng gần đây trước sự thay đổi nhanh chóng của thế giới, như: hội nhập kinh tế, chính trị, văn hóa và thay đổi về công nghệ… đã phần nào tác động đến Phật giáo Thái Lan về mặt kinh tế và chính trị, tư tưởng (về kinh tế: nhiều chùa của Thái Lan đã có những tiêu cực về chi tiêu ngân sách, biển thủ tiền quỹ của nhà chùa; về chính trị: trước những biến động chính trị liên tục trong gần hai thập niên gần đây ở Thái Lan đã dẫn đến nhiều nhà sư xuống đường biểu tình bày tỏ quan điểm của mình, đã xuất hiện những mâu thuẫn tranh giành quyền lực trong giới tăng đoàn…).

1.  Khái quát về Phật giáo Thái Lan

Nhiều nguồn tư liệu cho thấy, Phật giáo được truyền vào Thái Lan từ rất sớm, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng, Phật giáo tông phái Theravada thâm nhập từ thời kỳ vương triều Chiang Sen (957-1057) và thời kỳ vương triều Lan Na5 (thành phố của Lan Na là Chiang Mai được xây dựng vào năm 1254) và bắt đầu có ảnh hưởng đến Thái Lan.

Phật giáo thực sự đặt nền móng,   phát   triển và ảnh   hưởng sâu rộng vào xã hội Thái Lan từ triều đại Sukhothay (1350-1567). Đây là giai đoạn Phật giáo phát triển mạnh mẽ, các vị vua đều theo sùng tín Phật pháp, tích cực ủng hộ xây dựng chùa chiền lớn, đào tạo tăng tài để phát triển Chính pháp, thậm chí có nhiều nhà vua xuất gia như vua Ram Khamhaeng và vua Li Thai6.

Phật giáo được coi như tôn giáo quốc gia của Thái Lan, bởi phần lớn người dân là Phật tử (Phật giáo chiếm khoảng 95% dân số, Islam giáo chiếm khoảng 3,8%, Kitô giáo khoảng 5%, còn lại là các tôn giáo khác)7 và Thái Lan là quốc gia theo Phật giáo lớn thứ 2 trên thế giới, sau Sri Lanka (8). Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong nhiều mặt của xã hội, có thể tóm lược khái quát về vai trò của Phật giáo ở Thái Lan, đó là:

1) Phật giáo hình thành nhân cách lối sống của người Thái, bởi vì người Thái mang những nguyên tắc đạo đức của Phật giáo để thực hành trong cuộc sống hằng ngày, do đó người Thái có một tấm lòng tốt và thân thiện;

2) Phật giáo là nguyên tắc chính trong điều hành đất nước. Trong quá khứ, các vị vua đều áp dụng các nguyên tắc của Phật giáo trong việc điều hành quản trị quốc gia;

3) Phật giáo là trung tâm tinh thần, nguyên tắc trong Phật giáo là tập trung vào tình yêu, sự hòa hợp, đó là trung tâm người Thái là một;

4) Phật giáo là nguồn gốc của văn hóa Thái Lan, lối sống của người Thái gắn liền với Phật giáo. Nó là một khuôn khổ cho việc thực hành các nghi lễ trong Phật giáo, như: lễ kết hôn, tang ma và công đức (9)… Phật giáo là hạt nhân của văn hóa Thái, được định hình trong tư tưởng, suy nghĩ, trong truyền thống và nghệ thuật, tuy nhiên người Thái vẫn chấp nhận các tín ngưỡng khác như Bàlamôn giáo (Brahminism), và các tín ngưỡng khác thể hiện trong các nghi lễ hằng ngày (10).

Phật giáo Theravada, dưới sự bảo trợ của nhà vua Ram Khamhaeng, đã được chấp nhận là tôn giáo chính ở Thái Lan. Thời kỳ này nhiều chùa hoàng gia, và chùa địa phương được xây dựng cho người dân để thực hiện nghi lễ tôn giáo và làm công đức. Điều này đã được khắc trên bia đá năm 1292, đề cập đến người dân Sukhothay thường xuyên làm công đức và thực hành các nghi lễ tôn giáo tại chùa, đặc biệt là vào thời gian lễ hội Phật giáo Khau Phăn Sả (11). Thái Lan đã chú trọng đến lĩnh vực giáo dục đào tạo về Phật giáo từ nhiều thập niên trước. Hai trường đào tạo Phật giáo quan trọng tại Bangkok ở cấp độ Đại học (University level): Trường Đại học Phật giáo Mahamakut (Mahamakut Budhism University) tại chùa Wat Rajborpitsathitmahasimaram, thành lập từ năm 1946. Sau khi tốt nghiệp, học viên được cấp bằng cử nhân về Phật giáo “Sasannasatr Pundit”. Khóa học tại đây phải trải qua 7 năm học (trong đó 4 năm cuối là đào tạo trình độ đại học). Một tu viện khác đào tạo ở cấp độ đại học là Mahachulalongkornrajavidyalaya University tại chùa Wat Maha That. Trường này do nhà vua Chulalongkorn (Rama V) cho xây dựng từ năm 1947. Ngoài cơ sở chính tại Bangkok, còn có trên 10 chi nhánh tại các tỉnh: Chiang Mai, Nong Khai, Hat Yai, Nakhon Si Thammarat, Khon Kaen, Nakhon Ratchasima (12)…

Chương trình đào tạo (dành cho cả học viên trong nước và quốc tế từ bậc cử nhân đến tiến sĩ, trong đó đại học 4 năm, cao học 2 năm, tiến sĩ 3 năm). Khi tốt nghiệp, học viên được cấp bằng cử nhân Phật học “Buddhasastr Pundit”. Trụ sở Phật giáo lớn nhất hiện nay của Thái Lan đặt tại chùa Wat Mahathat. Đây là một trong sáu ngôi chùa thuộc Hoàng gia, là trung tâm Phật học và thiền Vipassana. Chùa được xây dựng vào thời Ayutthaya và chủ yếu được sử dụng thực hiện các nghi lễ Hoàng gia (13).

Về kiến trúc, các ngôi chùa Phật giáo ở Thái Lan đã tạo nên những nét thẩm mỹ, cảnh quan đặc trưng. Đặc biệt ở các vùng nông thôn của Thái, những ngọn tháp vươn lên cao như nhắc đến biểu tượng sức mạnh, và khát vọng của người Thái. Quần thể ngôi chùa (Wat) là khu phức hợp đền thờ, bao gồm một số tòa nhà, như: Chedi (Bảo tháp), Viharn (Hội trường) là nơi đề cầu nguyện và các nhà sư có thể nghỉ trong thời gian 3 tháng mùa mưa (Khau phăn sả); Bot (hay còn gọi là Ubosot) là phòng đại sảnh, nơi để cầu nguyện và là một trong những kiến trúc quan trọng nhất, nơi đặt tượng Phật chính. Bên trong khuôn viên mỗi ngôi chùa là một vài khối nhà và các ngọn tháp (Chedi) hình xoắn ốc, có đế rộng và đỉnh tháp thon nhỏ lại như cây trụ tròn nhô lên cao14. Đối với người dân vùng nông thôn, chùa là nơi gắn bó với nhiều hoạt động, như: hoạt động tâm linh, các nghi lễ, làm phúc, chữa bệnh, v.v… Hiện nay tại Thái Lan có khoảng 41.205 ngôi chùa (15) (số liệu thống kê năm 2018), và trên 300.000 nhà sư. Theo số liệu thống kê năm 1990 của Thái Lan có 29.002 ngôi chùa (16).

Mặc dù ngành giáo dục phổ cập Thái Lan chính thức ra đời từ triều đại vua Rama V (1868-1910), nhưng Phật giáo vẫn đóng một vai trò quan trọng trong môi trường kinh tế, văn hóa, xã hội. Giáo lý nhà Phật dạy về cách chọn nghề và thực hiện công việc chân chính, được áp dụng rộng rãi trong mọi tầng lớp xã hội, do vậy người dân biết tận dụng để duy trì một gia đình hạnh phúc, ổn định về kinh tế.

2.  Những ảnh hưởng của Phật giáo đến văn hóa, xã hội Thái Lan

2.1.  Phật giáo hình thành đạo đức, nhân cách

Chùa Phật đã đóng vai trò trọng trong xã hội Thái Lan từ hơn 700 năm qua kể từ thời kỳ nhà nước Sukhothay, đến nay nó đã trở thành một phần thiết yếu trong đời sống hằng ngày và có mối quan hệ chặt chẽ với tất cả các tầng lớp xã hội về các vấn đề tôn giáo, giáo dục. Mặc dù các ngôi chùa trong thời hiện đại không còn đóng vai trò giáo dục phổ thông nữa do sự phát triển của hệ thống giáo dục quốc gia, nhưng người Thái vẫn phải đến chùa để thực hiện nghi thức tôn giáo (17). Nhà chùa vẫn là nơi các Phật tử có thể đến để thỏa mãn nhu cầu đời sống tình cảm tâm linh, hướng về Đức Phật từ bi (18). Nhà chùa đóng vai trò giữ gìn nền nếp trong xã hội và duy trì nền văn hóa truyền thống, học đạo lý làm người, để học và tình yêu thương, vị tha và sự nhường nhịn (19).

Trong cuộc đời của mỗi người dân Thái Lan, từ khi mới sinh đến lúc qua đời, luôn gắn bó và chịu ảnh hưởng đậm nét văn hóa Phật giáo. Các nghi lễ đều có hiện diện ảnh hưởng của Phật giáo (lập bàn thờ có tượng Phật và mời các nhà sư về cầu kinh làm lễ). Nghi lễ đầu tiên là sau khi đứa trẻ sinh được 3 ngày là nghi lễ cúng vía (Phi thi thăm khoẳn), tiếp đến là cúng đầy tháng (Phi thi thăm khoẳn đươn), cắt chỏm tóc (Phi thi Côn Phổm Phay),… Người Thái giao đứa trẻ cho nhà sư nuôi trong một giai đoạn nào đó, và khi sinh con, cha mẹ thường thỉnh y các vị sư đặt tên cho con mình (Phi thi tăng chư đệch), vì họ tin rằng được các nhà sư chọn tên vừa đẹp về mặt ngôn ngữ lẫn ý nghĩa (20), ngoài ra còn các nghi lễ khác như sinh nhật và mừng thọ (Phi thi thăm bun văn cợt lé thăm bun a dú), v.v…

Trong văn hóa dân gian, Phật giáo đã đóng góp vào hình thành nhân cách đạo đức của con người, ở nghi lễ cắt chỏm tóc, mang ý nghĩa cho đứa trẻ trưởng thành sẽ gặp nhiều điều may mắn về sức khỏe và hướng thiện. Như vậy bắt đầu đứa trẻ trưởng thành đã ảnh hưởng các nghi lễ Phật giáo, cùng với những định hướng giáo dục của gia đình, người thân về làm phúc giúp đỡ người khác. Ngoài mặt tâm linh, các ngôi chùa Phật giáo còn là nơi cưu mang những đứa trẻ gặp khó khăn trong cuộc sống, những ngôi chùa ở vùng nông thôn đã là ngôi nhà tuổi thơ của những đứa trẻ trong cộng đồng đến nương tựa. Những đứa trẻ này thường được gọi là trẻ chùa – Dek Wat.

Cuộc sống hàng ngày của các em nhỏ làm các công việc như những người nội trợ, không được các nhà sư trả lương nhưng được ăn uống, chỗ ở miễn phí và coi như được hưởng phúc. Trẻ em đến nương nhờ chùa phần lớn có cha mẹ là những nông dân nghèo, muốn gửi con trai của mình đến các nhà sư giúp đỡ. Tuy nhiên, một số trẻ em trong gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, nhưng cha mẹ vẫn muốn gửi con mình vào chùa, vì tin rằng chúng sẽ trở thành những đứa trẻ tốt do được các nhà sư chỉ dẫn về đạo đức và dạy chúng kỷ luật và những điều tốt đẹp về Đạo Phật. Nhiều người nắm giữ các chức vụ cao trong xã hội trước đây đã từng trưởng thành từ trẻ chùa, điều này chứng tỏ cuộc sống trong chùa là có giá trị vì những đứa trẻ được trưởng thành trong môi trường đạo đức tốt.

Nghi lễ Phật giáo quan trọng ảnh hưởng đến đời sống của bất kỳ người đàn ông nào cũng đều phải trải qua, đó là lễ Thụ phong “Kan Upsombot hoặc Ordination Ceremony” (vào chùa tu). Theo phong tục truyền thống, đây là thời gian để con người có thể học trở thành người tốt, một việc làm có ý nghĩa để có đem lại được nhiều phúc nhất cho cha mẹ mình, vì vậy nam giới đều phải trở thành chú tiểu một thời gian nào đó trong đời. Phần lớn nam giới người Thái Lan sẽ tận dụng cơ hội để bày tỏ tấm lòng của mình đối với cha mẹ mình, thể hiện bằng việc vào chùa tu trước khi cưới vợ càng sớm càng tốt (21) (quy định được vào chùa tu là không dưới 20 tuổi, thời gian tu có thể từ 1-3 tháng). Có hai kiểu lễ Thụ phong: Banphacha cho chú tiểu, và Upsombot dành cho nhà sư. Một người phải trải qua 7 năm tu hành mới trở thành chú tiểu (22). Nếu người con trai nào đó, không vào chùa làm lễ thụ phong thì không được coi là một người trưởng thành và không giành được sự tôn trọng từ cộng đồng.

Người được thụ phong sẽ được gọi là “Thít” (23). Mặc dù lễ thụ phong có thể diễn ra bất kỳ thời điểm nào trong năm, nhưng thường chọn thời điểm 3 tháng mùa mưa hằng năm vì dịp này các nhà sư sẽ ở lại trong chùa (Dù chăm khau phăn sá). Trong lễ thụ phong, người đi tu sẽ trả lời một số câu hỏi, như: “Bạn có phải đàn ông không? Bạn có nợ nần ai không? Cha mẹ bạn có cho phép bạn trở thành chú tiểu không?”. Tất cả các câu hỏi này có nghĩa là để đảm bảo người thanh niên đã sẵn sàng, không vương vấn gì với đời sống xã hội để đi tu, có thể dâng hiến hầu hết thời gian của mình vào việc học về Phật giáo trong thời gian giá trị của cuộc sống trong chùa. Sau thời gian tu hành, các chú tiểu sẽ xuất tu và trở thành người thế tục trong khi đó một số khác vẫn tiếp tục cuộc sống tu hành thêm một thời gian nữa (24).

2.2.  Ảnh hưởng của Phật giáo trong các các nghi lễ vòng đời

Phật giáo ảnh hưởng sâu sắc đến nghi lễ cưới hỏi (Phi thi tèng ngan). Trước khi làm lễ cưới, hầu hết các gia đình đều mời các nhà sư đến tụng kinh cầu chúc hạnh phúc cho cô dâu chú rể. Thông thường các nhà sư được mời từ buổi chiều trước ngày cưới. Buổi sáng hôm sau, đôi tân hôn đem thức ăn cúng dường cho các nhà sư trước khi tiến hành hôn lễ. Trong lễ cưới, các nhà sư cầu kinh chúc phúc và rưới nước thiêng lên tay cô dâu và chú rể, tiếp theo đó những người tham gia rưới nước từ một vỏ sò xuống bàn tay của đôi vợ chồng, đôi tân hôn quỳ xuống trên một chiếc bàn thấp, mỗi người được đeo một vòng hoa và một sợi dây màu trắng liên kết với nhau, để tượng trưng cho sự gắn bó cuộc sống tương lai (25).

Phật giáo gắn chặt với chu kỳ vòng đời cuối cùng của đời người là nghi lễ tang ma, (Phi thi phảu sộp, nghĩa là nghi lễ hỏa táng). Theo phong tục truyền thống, sau khi gia đình có người thân qua đời, thường làm lễ tại nhà hoặc đưa đến chùa sau đó đưa đi hỏa táng. Các nhà sư cũng đóng vai trò quan trọng về tâm linh qua các bước lễ nghi này… Lễ hỏa táng thường được tiến hành vào buổi chiều trong ngày, các vị sư có mặt và tụng kinh trong suốt quá trình cho đến khi quan tài người chết được đặt lên giàn thiêu. Người thân trong gia đình có người chết, dâng một tấm áo cà sa màu vàng cho nhà sư mặc để tiến hành làm lễ hỏa táng… Nhà sư trưởng đọc điếu văn tiểu sử về cuộc đời người chết và sau đó các vị sư khác tiếp tục tụng kinh. Nhà sư trưởng là người khởi hỏa châm đuốc lên giàn thiêu. Khi công việc thiêu xác đã kết thúc thì người nhà ở lại thu nhặt xương cốt còn lại để vào một chiếc hũ sành, Hằng năm, vào những dịp lễ tết, người nhà đem hũ tro ra chùa nhờ các nhà sư cầu cho vong hồn người đã khuất.

Nhà sư đã xuất hiện và gắn bó với rất nghiều nghi lễ quan trọng trong cuộc đời mỗi con người, các nghi lễ này đều mang tính giáo dục cao trong cộng đồng. Từ lúc sinh đến lúc lìa cõi đời, các nhà sư cùng với ngôi chùa đã là chỗ dựa chủ yếu về mặt tinh thần của người Thái, có thể nói các nhà sư đại diện cho hiện thân của Đức Phật trong việc hình thành nhân cách, giáo dục cảm hóa con người và hướng tới điều thiện. Ngoài các nghi lễ quan trọng trong đời của mỗi cá nhân, những nghi lễ mang tính giáo dục trong cộng đồng được thể hiện rất nhiều qua các lễ hội của Phật giáo, các lễ hội là tương tác giữa người dân bản địa với các nhà sư, như là những hành động biết ơn đến các nhà sư, và những giáo lý Phật giáo.

Nghi lễ làm phúc (Thăm Bun) liên quan nhiều đến Phật giáo và phổ biến hằng ngày. Lễ làm phúc bao giờ cũng có các hoạt động làm món ăn, và một số đồ dùng khác… để dâng cho các nhà sư khi gia đình có công việc, như: cúng nhà mới, xe mới, cưới hỏi, tang ma. Trong dịp này, chủ nhà chuẩn bị mời và đón các nhà sư vào ngày đã định sẵn26. Trong buổi lễ, nhà sư tụng kinh bằng tiếng Pali, đọc một vài đoạn kinh ngắn, sau đó chủ nhà phải đọc theo. Vai trò của người phụ nữ trong gia đình rất quan trọng trong ngày này, đó là phải lên kế hoạch chuẩn bị bữa ăn dâng cho nhà sư, bữa ăn đó phải là chất lượng cao, món ăn phải đa dạng, và số lượng nhiều, cùng với các món tráng miệng và hoa quả tươi, đồ uống không có cồn (27)…..

Trong các ngày lễ hội Phật giáo, lễ hội chùa (Ngan Wat) hằng năm thường được tổ chức ở hầu hết các ngôi chùa trên khắp đất nước, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, lễ hội chùa còn nhằm mục đích để tăng nguồn vốn tu sửa, hoặc xây dựng thêm những công trình mới của nhà chùa. Lễ hội chùa được tổ chức nhằm cho những mục đích cụ thể của nhà chùa và đồng thời cũng tạo cơ hội cho những người dân làm phúc sau dịp thu hoạch mùa vụ thông qua hoạt động quyên góp, v.v… Đây là thời điểm làm phúc tốt nhất và tận hưởng những khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời của mỗi người dân.

Ngày lễ Phật đản (Wan Visakhabucha) là một trong những ngày lễ tôn giáo quan trọng nhất của Thái Lan, để tưởng nhớ đến ngày sinh, sự khai sáng của Đức Phật. Ngày này được coi là ngày trọng đại được tổ chức kỷ niệm trên khắp đất nước, các loại cờ Phật giáo được treo lên cùng với các hoạt động kỷ niệm được tổ chức theo quy mô trên toàn quốc.

Trong dịp này, người dân chuẩn bị thực phẩm, bánh kẹo, đồ uống để dâng lên các nhà sư, để đến ngôi chùa gần làng và dành phần lớn thời gian vào các hoạt động nghi lễ Phật giáo. Ngày Visakhabucha phần lớn tổ chức hoạt động diễn ra trong khuôn viên nhà chùa, hoạt động không thể thiếu trong ngày này là dâng thức ăn cho các nhà sư, sau đó những tín đồ Phật giáo sẽ được nghe các nhà sư thuyết pháp, và tiếp tục tham gia nghi lễ rước nến (Wien Thien) đi vòng quanh chùa vào buổi tối (28). Lễ hội quan trọng khác dành cho các nhà sư là dịp Khau Phansa, thường diễn ra vào dịp đầu mùa mưa hàng năm, trong thời gian 3 tháng mùa mưa các nhà sư sẽ không rời khỏi nhà chùa, người dân sẽ cúng dường, bái lễ, cầu nguyện (29). Lễ hội Khao Phansa là một trong những lễ hội Phật giáo lớn, được coi là lễ mở đầu cho mùa an cư của Phật tử. Vào ngày này, người dân sẽ cúng dường, bái lễ, cầu nguyện những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình. Sau ba tháng mùa mưa, người Thái tổ chức lễ hội kết thúc mùa mưa (Ọc phăn sả). Người dân sẽ tổ chức lễ rước nến và dâng tặng áo cà sa mới cho các nhà sư thể hiện sự biết ơn và tấm lòng thành kính với Phật giáo (30).

Phật giáo đã ảnh hưởng lớn đến văn hóa Thái Lan thông qua các nghi lễ của mỗi con người từ khi sinh ra đến khi qua đời. Phật giáo đã gắn liền với xã hội Thái qua nhiều thế kỷ, vì vậy đã hình thành và tạo nên nhiều nghi lễ truyền thống, phần lớn các nghi lễ ấy có tác động đến việc giáo dục hình thành nhân cách con người (31)… Có thể thấy thông qua niềm tin và ảnh hưởng giữa Phật giáo (đại diện là các nhà sư) với các Phật tử (người dân) có sự tương tác trên nhiều mặt cuộc sống, đã góp phần tạo nên một xã hội hài hòa và tốt đẹp hơn.

2.3.   Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động từ thiện xã hội

Ðược thấm nhuần từ lời dạy từ bi của Ðức Phật, các tăng sĩ Phật giáo đã trở nên tích cực, dồn tâm trí vào các hoạt động phúc lợi xã hội, các ngôi chùa Thái Lan là nơi cung cấp nhiều loại hình chăm sóc y tế khác nhau. Nhiều ngôi chùa truyền dạy cho nhà sư và Phật tử về các kỹ thuật chế biến thuốc thảo dược truyền thống, nhằm phục vụ cộng đồng. Hầu hết các chùa ở Thái Lan đều có thể cung cấp thuốc thảo dược do các nhà sư tự bào chế. Nhà chùa không chỉ cung cấp điều trị bệnh tật mà còn hỗ trợ tư vấn cho những người bị rối loạn thần kinh, suy nhược về tinh thần. Nhiều người già không nơi nương tựa cũng tìm đến nhà chùa để được chăm sóc. Nhà chùa là nơi cung cấp chỗ ở trẻ em nghèo, vô gia cư, hay mồ côi, hoặc cha mẹ không thể chăm sóc họ, những người có vấn đề về thần kinh hoặc khuyết tật (32)… Hiện nay trụ sở của Hiệp hội Y học cổ truyền Thái Lan đặt tại chùa Wat Pho, Bangkok.

Ngôi chùa có chức năng điều trị cho người nghiện ma túy là chùa Wat Thamkrabok, tỉnh Saraburi miền Trung Thái Lan, nhà sư trụ trì Chamroon nổi tiếng trong việc điều trị khỏi chứng nghiện ma túy, cai nghiện thành công đạt hiệu quả trên 70%. Do vậy, hàng ngàn người nghiện trên khắp đất nước đã tìm đến trung tâm cai nghiện ma túy của nhà chùa để tìm sự giúp đỡ, cùng với lý do lệ phí chữa bệnh và nội trú ở đây rất thấp và chính quyền Thái Lan cũng ủng hộ và tài trợ cho trung tâm này trong nhiều năm qua (33).

Về lĩnh vực phòng chống và điều trị HIV/AIDS, các nhà sư Thái Lan là những người tiên phong ứng phó với nạn dịch này. Trung tâm đầu tiên dành cho bệnh nhân AIDS được thành lập vào năm 1992 tại chùa Wat Phra Baht Nam Phu. Hiện nay, còn có ba ngôi chùa khác liên quan đến chăm sóc bệnh nhân AIDS. Tuy nhiên, đó không phải là vai trò duy nhất của các ngôi chùa trong cuộc chiến chống HIV/AIDS. Với sự hỗ trợ của UNICEF, dự án Shangha Metta được thành lập năm 1998 nhằm tham gia vào các hoạt động giáo dục và phòng chống HIV/AIDS. Dự án Shanga Metta triển khai khắp đất nước, tổ chức các hội thảo cho các nhà sư và lãnh đạo cộng đồng về phòng ngừa và chăm sóc HIV/AIDS. Năm 2001, dự án này đã đào tạo 1.500 tu sĩ trong công tác phòng chống và chăm sóc AIDS (34).

3.  Một số vấn đề đặt ra đối với Phật giáo Thái Lan hiện nay

Phật giáo Thái Lan hình thành nên tính cách đặc trưng của người dân là sự rộng lượng, giàu lòng vị tha, thích được vui vẻ, làm công đức, và thành công trong việc tạo ra một xã hội hạnh phúc và thịnh vượng. Người Thái có thể tích hợp niềm vui với khái niệm Phật giáo, thể hiện trong các dịp lễ hội truyền thống khác nhau dù đó là một đám cưới, hay trong các dịp lễ hội chùa (35)… Đời sống tinh thần của hầu hết mỗi người Thái đều liên quan đến Phật giáo. Nhưng khi thế giới được kết nối thuận tiện, nhanh chóng hơn qua các phương tiện truyền thông và tác động đến mọi mặt đời sống xã hội thì bên cạnh cơ hội tuyệt vời để tham gia vào thế giới toàn cầu hóa, Thái Lan cũng phải đối mặt với nhiều thách thức về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, v.v…

Những bê bối rúng động Phật giáo Thái Lan gần đây của một số nhà sư, như: sử dụng ma túy, biển thủ tiền công đức, lạm dụng tình dục, và rửa tiền (36) cũng một phần do nguyên nhân phát triển, hội nhập nhanh chóng, và đề cao vật chất cá nhân… Khi xã hội Thái Lan thay đổi trong mục tiêu phát triển đất nước, Phật giáo cũng giảm đi vai trò ảnh hưởng trong xã hội so với trước đây. Bởi vì khi xã hội Thái Lan tiếp nhận và hội nhập với văn hóa phương Tây sẽ gặp phải nhiều vấn đề, đặc biệt là việc áp dụng khoa học hiện đại, vì xã hội Thái Lan không phải là nền tảng của xã hội công nghiệp (37). Nhà sư Phra Payom Kalayano chỉ trích tình trạng thương mại hóa Phật giáo và kêu gọi người dân Thái Lan suy nghĩ kỹ hơn về chuyện cúng dường38. Ngày nay, vai trò của Phật giáo Thái Lan đã biến đổi. Phần lớn các nhà sư trở thành người “biểu diễn” các nghi thức tôn giáo (39). Phật giáo ở Thái Lan hiện nay xuất hiện những dấu hiệu tranh giành quyền lực giữa hai phe: một bên là Tăng đoàn (Sangha) có thiên hướng hiện đại với nguồn lực tài chính dồi dào của phái Dhammakaya, và một bên là phe truyền thống bất bình với con đường mà Sangha đang bước đi (40). Nhiều ngôi chùa quá quan tâm đến vật chất nên quên đi giá trị tốt đẹp của Phật giáo. Phật giáo ở Thái Lan đang bị thay đổi nghiêm trọng do một số nhà sư cấp cao nhất không giữ gìn được phép tắc cửa Phật.

Những biến động chính trị gần đây đã dẫn đến việc các nhà sư tham gia vào các hoạt động trực tiếp xuống đường tuần hành, hay gián tiếp ủng hộ phe đảng chính trị nào đó ngày càng xuất hiện nhiều.

3.1.  Một số nguyên nhân tiêu cực trong giới nhà sư Phật giáo

Nguyên nhân dẫn đến các nhà sư sa ngã có thể do tổ chức Phật giáo lỏng lẻo của các tỉnh, nơi nhà sư là một phần của cộng đồng, tham gia vào các hoạt động làng xã và đôi lúc phạm giới luật một cách vô tình hay cố ý (41). Sự mê tín của người dân, và sự mê tín này đã bị thương mại hóa. Các nhà sư ngày nay thường xuyên làm lễ cầu may cho những chiếc xe hơi mới hoặc căn nhà mới (42)… Độ mê tín cao không chỉ có ở tầng lớp bình dân mà còn lan tới giới nhà giàu. Những người giàu sẵn sàng cúng tiến nhiều tiền bạc, lễ vật với niềm tin rằng, điều đó sẽ đem lại cho họ nhiều tiền tài hơn trong tương lai (43). Do điều kiện kinh tế khó khăn, số lượng hòa thượng giảm trong những năm gần đây, nhiều ngôi chùa ở các ngôi làng không thể tự nuôi nổi mình. Hội đồng Phật giáo Tối cao và Văn phòng Phật giáo Quốc gia được đánh giá là hoạt động chưa hiệu quả. Văn phòng bị ảnh hưởng bởi các biến động chính trị, thậm chí bị cáo buộc có vấn đề về quản lý tài chính.

Một nguyên nhân khác dẫn đến những tiêu cực trong Phật giáo gần đây ở việc quản lý Tăng đoàn của Thái Lan là Hội đồng Tăng già – nhưng đều là những nhà sư cao tuổi và hoạt động kém hiệu quả, bên cạnh đó Văn phòng Phật giáo Quốc gia cũng có chức năng quản lý các vấn đề tôn giáo nhưng luôn gặp bất ổn do thay đổi lãnh đạo và chịu nhiều cáo buộc về tài chính thiếu minh bạch.

3.2.  Những cải cách đối với Phật giáo Thái Lan

Sulakj Sivaraksa, một trong những học giả Phật giáo, cho rằng, “Cần cải cách Hội đồng Tăng già và bắt đầu lại mọi thứ”. Hiện nay, Hội đồng Tăng già gồm 20 nhà sư đã nhiều tuổi, thường xuyên né tránh sự kiểm tra và cáo buộc của cơ quan chức năng vì được sự ủng hộ của hàng chục triệu tín đồ Phật giáo. Tuy nhiên, người dân đang dần nhận thấy sự sai trái của những nhà sư cấp cao và cho rằng những người thuộc Hội Phật giáo đang điều hành không đúng cách.

Năm 2015, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha tuyên bố chịu trách nhiệm trong việc truy tố các nhà sư trụ trì phạm tội tham nhũng. Ngoài ra, bản Hiến pháp mới của Thái Lan được cho là cứng rắn hơn với nạn tham nhũng trong Phật giáo. Ban Tôn giáo đã đề ra mục đích thúc đẩy các hoạt động văn hóa của tất cả các tông phái cũng như phổ biến các vấn đề dân tộc và đạo đức trong cộng đồng. Sự phối hợp các hoạt động và chương trình ở cấp Bộ được thực hiện bởi Hội đồng Bộ trưởng. Bên cạnh đó, cũng có những bộ phận bán công liên quan đến những lĩnh vực văn hóa nhất định ở cấp độ quốc gia, như tổ chức truyền thông, tổ chức thể thao, Hội đồng Du lịch Thái Lan.

Chính phủ hiện đã đưa ra một đạo luật yêu các chùa tích lũy 3-4 tỷ USD quyên góp mỗi năm, phải công khai hóa các hồ sơ tài chính, tiến hành cấp thẻ số cho mỗi nhà sư để dễ quản lý và tránh bị giả mạo (44). Gần đây, Chính phủ đang thực hiện triệt để cam kết làm thanh sạch Phật giáo. Tháng 5 năm 2018, các nhà chức trách tiến hành khám xét 4 ngôi chùa ở Thủ đô Bangkok và tỉnh Nakhon Pathom.

Trong cuộc khám xét này, một trong những nhà sư bị bắt giữ là Phra Buddha Issara, 62 tuổi (45), với cáo buộc ủng hộ hành vi cướp bóc trong lúc diễn ra các cuộc biểu tình năm 2014 – nhà sư Issara là người từng ủng hộ phong trào Đóng cửa Bangkok năm 2013-2014 phản đối Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra (46).

Kết luận

Người Thái khởi đầu từ nền văn hóa nông nghiệp, có một tư tưởng thoải mái do được thiên nhiên ban tặng đầy đủ (dưới nước có cá, trong ruộng có lúa,…). Xã hội Thái Lan chấp nhận Phật giáo, và được xây dựng theo nguyên tắc, giáo lý của Phật giáo song hành qua nhiều thế kỷ đã hình thành nên những tính cách đặc trưng của người Thái: “Vui vẻ và làm phúc”. Nhưng khi thay đổi tiếp cận, Thái Lan cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, mọi người trong xã hội ích kỷ và đề cao chủ nghĩa cá nhân hơn… Đây là thời gian để Thái Lan xem xét áp dụng mô hình Phật giáo để thích ứng với tình hình hiện nay47.

Mặc dù Phật giáo có những biến đổi cùng với xã hội, hay đã xảy ra nhiều những tiêu cực, sự xuống cấp về đạo đức của một số vị sư trụ trì các ngôi chùa danh tiếng nhưng đó chỉ là số ít trong hơn 300.000 nghìn nhà sư đang tu hành hướng thiện ở trên khắp đất nước. Với những sự điều chỉnh mới (những quy định mới trong Hiến pháp), thanh lọc, loại trừ những nhà sư có phẩm chất đạo đức kém ra khỏi Tăng đoàn, Phật giáo Thái Lan đang và vẫn sẽ là những yếu tố quan trọng trong việc xây dựng một xã hội thịnh vượng, đó là:

1) Phật giáo là tôn giáo của phần lớn dân số Thái Lan;

2) Phật giáo là trụ cột và nền tảng của nền văn hóa Thái Lan;

3) Phật giáo là trung tâm tinh thần, mang lại sự đoàn kết đối với người dân Thái.

4) Phật giáo là nguyên tắc trợ giúp bảo đảm tự do tôn giáo;

5) Phật giáo là bộ phận song hành của Quốc gia;

6) Phật giáo phù hợp với đặc điểm và tính cách của người Thái là yêu thích tự do;

7) Phật giáo là nguồn quan trọng đúc kết nên bản sắc Thái Lan;

8) Phật giáo là kho tàng di sản và báu vật của người Thái;

9) Phật giáo dẫn đường trong việc phát triển quốc gia Thái Lan;

10) Phật giáo là một nguồn có giá trị lớn mà người dân Thái Lan đóng góp cho nền văn minh của thế giới (48).

Sự kiện nhà sư Phra Maha Muniwong 89 tuổi, được bổ nhiệm là Hòa thượng cao cấp nhất của Phật giáo Thái Lan (năm 2018) hy vọng đem lại sự ổn định mới và trở lại trật tự vốn có trong truyền thống. Bên cạnh đó, Chính phủ nỗ lực cải tổ và thanh lọc những nhà sư tiêu cực ra khỏi Tăng đoàn, và cuộc bầu cử dân chủ dự kiến được tổ chức vào năm 2019, tình hình chính trị hy vọng sẽ đi vào ổn định, Phật giáo Thái Lan sẽ tiếp tục phát huy những hoạt động và định hướng mà trong truyền thống đã góp phần xây dựng nên một vương quốc Thái Lan thịnh vượng và phát triển như ngày nay. /.

CHÚ THÍCH:

1    http://www.buddhanet.net/pdf_file/bud-thailand.pdf

2    https://gdptthegioi.net/2016/09/quoc-ky-thai-lan-la-co-mang-y-nghia-phat-giao

3    https://nghiencuulichsu.com/2013/08/27/vua-mongkut-va-duong-loi-cach-tan- thai-lan-theo-phat-giao/

4    Hai nhà vua đều tu hành hành tại chùa Wat Bowornnivet Vihara, Thủ đô Bangkok.

5    http://www.visitchiangmai.com.au/history.html

6    https://thuvienhoasen.org/a18300/phat-giao-tai-thai-lan

7    A Survey of Thai Arts and A chitectural Attractions – Chulalongkorn University, Bangkok, 1998.

8    http://dulichdisanviet.vn/thong-tin/van-hoa-phat-giao-tai-dat-nuoc-thai-lan

9    https://sites.google.com/site/phrasayyankietsaksy/khwam-sakhay-khxng- phraphuthth-sasna-tx-sangkhm-thiy-ni-thana-pen-sasna-praca-chati

10  A Survey of Thai Arts and A chitectural Attractions – Chulalongkorn University, Bangkok, 1998, p. 44.

11  https://www.learnthaistyle.com/thai-life/2016/09/07/the-role-of-temples-in-thai- society/

12 https://duhocchd.edu.vn/du-hoc-thai-lan-cam-nang-du-hoc/nhung-dieu-can-biet- khi-du-hoc-tai-truong-dai-hoc-phat-giao-thai-lan-p1/

13 http://chuanoitieng.com/chua-noi-tieng-o-nuoc-ngoai/chua-noi-tieng-thai- lan/chua-wat-mahathat-tru-so-phat-giao-lon-nhat-o-thai-lan/

14  https://www.renown-travel.com/temples/templeterminology.html

15  http://www.onab.go.th/service/temples_total_anual/

16  https://www.budsas.org/ebud/ebdha108.htm

17  https://www.learnthaistyle.com/thai-life/2016/09/07/the-role-of-temples-in-thai- society/

18  http://phathoc.net/PrintView.aspx?Language=vi&ID=52464A

19  http://dulichdisanviet.vn/thong-tin/van-hoa-phat-giao-tai-dat-nuoc-thai-lan

20  https://www.tourthailan.net.vn/van-hoa-thai-lan/dau-an-phat-giao-trong-nen-van- hoa-xu-chua-vang.html

21  Thông thường là trước khi lập gia đình, người Thái tin rằng nếu những người đàn ông mà vào chùa tu sau khi lập gia đình, thì vợ của người đó sẽ nhận được một nửa phúc, mà đáng ra bố mẹ phải là người phải được hưởng hết phúc đức để sau khi chết sẽ được tái sinh.

22  (P. 49. A Survey of Thai Arts and A chitectural Attractions – Chulalongkorn University, Bangkok, 1998.

23  Từ này xuất phát từ “Bundhit”. Bundhit có nghĩa là một “người có học” hoặc “học giả”.

24  Đặc biệt một số ít trong số họ có thể dành toàn bộ cuộc đời của họ cho đời sống tu hành. Tuy nhiên, việc ở lại tiếp tục để trở thành nhà sư hay không phụ thuộc vào phúc đức và sự tu tập của mỗi người trong việc duy trì được 227 điều trong giới luật đối với các nhà sư hay không.

25  https://www.budsas.org/uni/u-vbud/vbpha245.htm

26  Tùy theo từng gia đình, chủ nhà có thể mời số lượng 2, 3, 5 nhà sư, hoặc tốt nhất là 9 nhà sư. Số 9 trong tiếng Thái đọc là “Cao”, nghĩa là phát triển.

27  Bữa ăn của các nhà sư bắt đầu trước 11 giờ trưa, theo phong tục, bữa ăn của các nhà sư phải kết thúc vào trước 12 giờ trưa, vì vậy các hoạt động tụng kinh cầu phúc đều kết thúc trước 11 giờ trưa.

28  Mỗi người cầm trên tay một ngọn nến đang cháy, một bông hoa và 3 nén hương đi vòng quanh khu nhà cầu nguyện của ngôi chùa ba vòng. Điều này để tưởng nhớ đến công ơn của Đức Phật (đó là những bài thuyết giảng về đạo đức của Đức Phật và các môn đệ của Đức Phật).

29  https://vietnammoi.vn/sap-dien-ra-le-hoi-phat-giao-khao-phansa-o-thai-lan- 119976.html

30  https://thailansensetravel.com/le-hoi-phat-giao-khao-phansa-vo-cung-quan- trong-cua-thai-lan-n.html

31  https://www.baanjomyut.com/library_2/extension-1/buddhism_culture/02.html

32  https://scholarworks.wmich.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=3111&context=jssw

33  http://www.thamkrabok.org.au/

34  https://scholarworks.wmich.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=3111&context=jssw

35  http://www.bangkokbiznews.com/blog/detail/641259

36  https://news.zing.vn/nhung-be-boi-rung-dong-phat-giao-thai-lan- post723318.html

37  http://www.bangkokbiznews.com/blog/detail/641259

38  Ông cho rằng “Nếu họ yêu cầu tôi tham gia chiến dịch của họ để biến Phật giáo trở thành tôn giáo quốc gia trong Hiến pháp mới, trong khi mọi người vẫn tiếp tục bị say, phạm tội hoặc tham nhũng, thì tôi không đồng ý ở điểm này”.

39  https://www.channelnewsasia.com/news/asia/thai-buddhism-shaken-by-power- struggle-and-transformation-8153670

40  http://soha.vn/cuoc-chien-quyen-luc-dang-sau-su-doi-dau-giua-chua- dhammakaya-va-canh-sat-thai-lan-20170226214752419.htm

41  Tại các ngôi làng ở Thái Lan, chùa chiền đóng vai trò như các trung tâm hỗ trợ về mặt tinh thần, người dân đến chùa để xin lời khuyên trong mọi vấn đề thế tục. Và trong hoàn cảnh đó, ranh giới giữa hành vi được và không được phép thực hiện có thể bị lẫn lộn.

42  http://soha.vn/thai-lan-nhieu-toi-pham-doi-lot-nha-su-sa-luoi- 20180604094437644.htm

43  https://www.tienphong.vn/the-gioi/be-boi-hoa-thuong-o-thai-lan-1169836.tpo

44  https://www.bbc.com/news/world-asia-40678511

45  https://news.zing.vn/canh-sat-thai-lan-dot-kich-den-chua-thanh-tay-phat-giao- post845446.html

46  http://soha.vn/thai-lan-nhieu-toi-pham-doi-lot-nha-su-sa-luoi- 20180604094437644.htm

47  http://oknation.nationtv.tv/blog/print.php?id=763241

48  https://sites.google.com/site/phrasayyankietsaksy/khwam-sakhay-khxng- phraphuthth-sasna-tx-sangkhm-thiy-ni-thana-pen-sasna-praca-chati

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (1994), Tìm hiểu lịch sử – văn hóa Thái Lan, tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

2.      Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (2007), Phật giáo ở Thái Lan, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

3.       Nguyễn Tương Lai (2013), “Bàn về phật giáo Thái Lan trong thời hiện đại”,

Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2, tr. 27-36.

4.      Nguyễn Thị Hồng Lam (2017), “Phật giáo trong hệ thống giáo dục Thái Lan hiện đại”, Nghiên cứu Đông Nam Á,  số 7, tr. 54-61.

5.      H. H. Phani Nivat (1965), A History of Buddhism in Siam, The Siam Society, Bangkok.

6.      Rory Mackenzie (2007), New Buddhist Movements in Thailand: Towards an Understanding of Wat Phra Dhammakaya and Santi Asoke (Các phong trào Phật giáo mới ở Thái Lan: hướng tới sự hiểu biết về Wat Phra Dhammakaya và Santi Asoke ), Routledge, London.

7.      “Religious Movements in Contemporary Thailand: Buddhist Struggles for Modern Relevance” (Các phong trào tôn giáo ở Thái Lan: Cuộc chiến của tín đồ Phật giáo cho một xã hội mới), Asian Survey, 1990.- Vol. XXX.- No.4.- pp. 395-408.

8.      David K.Wyatt (2013), Thailand: A Short History (Lịch sử tóm tắt Thái Lan), Silkworm book, Bangkok.

9.      Essay on Thailand , Thanapol, Bangkok, 1994.

10.    A Survey of Thai Arts and Achitectural Attractions, Faculty of Art, Chulalongkorn University, Bangkok, 1998.

11.    Nghệ thuật kiến trúc điêu khắc Phật giáo Thái Lan ở Chiềng Mai và Băng Cốc qua một số ngôi chùa tiêu biểu, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002.

12.    Phong tục tập quán, nghi lễ và những ngày quan trọng của Thái Lan (Tiếng Thái), Thanakit, Bangkok.

13.    http://www.thaifolk.com/Doc/culture_e.htm

14.    http://www.thailandlife.com/blessingnewhouse.htm

15.    http://www.bangkokbiznews.com/blog/detail/641259

16.    http://siampublic.com/religious/791/buddhism-thailand-relations

17.    https://thestandard.co/news-thailand-thai-buddhism-relate-government/

18.    https://prachatai.com/journal/2015/02/58062

19.    https://www.baanjomyut.com/library_2/extension-

20.    https://www.posttoday.com/social/general/552371

21.    http://oknation.nationtv.tv/blog/print.php?id=763241

22.    https://www.budsas.org/uni/u-vbud/vbpha191.htm

23.    https://www.pri.org/stories/2016-02-29/why-does-thailand-s-top-monk-own- vintage-mercedes

Nguyen Hong Quang, Institute for Southeast Asian Studies, VASS.

The article shows an overview of Thailand’s Buddhism, the role and status of Buddhism in cultural life and education. Buddhism has formed the personality and morals of every human being through the life-circle ceremonies such as giving birth, maturing, marriage and funeral. They are important Buddhist festivals. The role of Buddhist temples and monks in charitable activities such as helping poor children, treating drug addiction, preventing HIV/AIDS. This paper also analysis some current issues of Thailand’s Buddhism such as the moral decline that led to law violation of some monks, causes and Thai government solutions towards Buddhism at present.

* Tác giả Nguyễn Hồng Quang, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam;  theo Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 11 – 2018.

Nguyễn Hồng Quang (*)