Ước nguyện mùa Phật đản: Đừng biến Phật thành vị thần linh

Vậy là mùa Phật đản nữa lại đến: Mùa Phật đản Phật lịch 2568.

 

những đất nước theo Phật giáo, ngày Phật đản là ngày lễ trọng đại nhất, được tổ chức hàng năm vào ngày rằm tháng tư để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thân là Thái tử Tất Đạt Đa, dòng họ Cồ Đàm, vương tộc Thích Ca. Theo phái Nam Tông, Ngài sinh vào ngày rằm tháng tư âm lịch năm 624 trước Tây lịch. Nhưng theo phái Bắc tông thì Ngài sinh vào ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch tại vườn Lâm Tỳ Ni – nơi nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal.

Ở Việt Nam, vào ngày lễ trong đại này, các nghi thức được tổ chức vô cùng trang trọng và thành kính. Lễ chính được tổ chức vào ngày rằm tháng 4 âm lịch. Giáo hội Phật giáo các tỉnh thành và các chùa, tịnh xá thường tổ chức nhiều hoạt động để mừng ngày đại lễ như: làm lễ đài để tổ chức chương trình văn nghệ, diễu hành xe hoa, thả đèn hoa đăng trên sông, thuyết giảng về Phật pháp, nghi thức tắm Phật… để những người con Phật tưởng nhớ kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời, Người đã mang ánh sáng chân lý soi rọi vào cuộc sống, xóa tan những nỗi khổ niềm đau.

Mùa Phật đản đã về - Ảnh: Quảng Đạo

Mùa Phật đản đã về – Ảnh: Quảng Đạo

Mùa Phật đản ở Hà Nội năm nay, thời tiết thật mát mẻ và trong lành bởi những cơn mưa như gột rửa hết những bụi bặm, oi bức của phố phường ngột ngạt. Là một người con của Phật, sáng sớm, tôi đã đội mưa, đội gió đi mua những đóa hoa đẹp nhất rồi tự tay cắm, dâng lên Người. Thắp một nén hương trầm, tụng một phẩm trong Diệu pháp liên hoa kinh mà trong lòng tôi trào dâng niềm xúc động và biết ơn vô hạn.

Tôi biết ơn tổ tiên tâm linh, tổ tiên huyết thống đã dẫn dắt tôi đến với đạo Phật. Tôi biết ơn người thầy tâm linh lớn nhất của đời mình – Thiền sư Thích Nhất Hạnh, đã chỉ dạy cho tôi hiểu đúng về Đức Phật, hiểu đúng về Đạo Phật. Nhờ Thầy, tôi mới hiểu: Đức Phật không phải là vị thần linh có phép thuật muôn màu có thể ban phúc, trừ họa. Ngài vốn là một thái tử, đã từng có vợ đẹp, con khôn, cung vàng, điện ngọc. Tương lai, sẽ là một vị vua thống trị cả một đất nước. Nhưng vì thấy cuộc đời vốn dĩ có nhiều khổ đau nên Ngài đã rũ bỏ tất cả danh, lợi tột đỉnh ấy để đi tìm con đường thoát khổ. Và Ngài đã thành công.

Bởi thế, thật là thiếu hiểu biết nếu chúng ta cứ cầu xin Phật ban cho địa vị, công danh, bạc tiền, tình ái – thứ mà Ngài đã buông bỏ từ lâu. Bởi thế, thật là thiếu hiểu biết nếu chúng ta coi Đạo Phật là đạo của tín mộ, của cầu nguyện, cầu cúng. Không! Đạo Phật là đạo của tỉnh thức, giác ngộ và giải thoát với những giáo lý và phương pháp thực tập cụ thể giúp chúng ta chuyển hóa khổ đau, chế tác hạnh phúc, vượt thoát sợ hãi của sinh, tử, tiếp xúc được với Niết-bàn trong giây phút hiện tại.

Có lẽ, một trong những điều đáng tiếc nhất của đạo Phật Việt Nam đương đại là biến Phật thành vị thần linh và biến chùa thành nơi buôn thần, bán thánh. Để rồi, ngày ngày, biết bao nhiêu con người hễ đến chùa là dâng lên Phật chút lễ bạc, dúi vào tay Phật chút tiền mọn rồi quỳ rạp dưới mấy cây hương mà cầu nguyện đức Phật ban cho đủ thứ: nào danh, lợi, tiền, tình…, những thứ mà Đức Phật đã buông bỏ từ lâu, những thứ mà theo Đức Phật, đó là nguồn gốc của khổ đau, bất hạnh.

Đạo Phật không chỉ là một tôn giáo. Đạo Phật là một kho tàng tuệ giác với những phương pháp rất cụ thể có thể giúp con người tháo gỡ, chuyển hóa những khó khăn, những khổ đau, thiết lập tình thương, chế tác được hạnh phúc, ngăn được sự sa đọa. Hơn ai hết, các nhà sư phải là những bậc thầy về nghệ thuật chuyển hóa khổ đau, chế tác hạnh phúc. Có như thế, họ mới độ được cho chúng sinh đang trôi lăn trong biển khổ trầm luân.

Bổn phận của các thầy tu, tôi nghĩ, không phải là xây dựng những ngôi chùa lớn, bức tượng lớn đang mọc lên như nấm như bây giờ. Bổn phận của họ là xây dựng những “ngôi chùa” của trí tuệ, của lòng từ bi, ngôi chùa của hiểu biết, thương yêu trong tâm hồn, trái tim mọi người.

Tôi thấy mình thật là có phước báu khi được Thiền sư Thích Nhất Hạnh mời đi Mỹ cùng Thầy trong chuyến hoằng pháp dọc nước Mỹ năm 2013. Suốt 3 tháng được nghe pháp, học giáo lý, thực hành chánh niệm cùng Thầy, màn vô minh giống như màn sương mù che lấp bao năm dần tan, tôi nhìn mọi vật, mọi sự đúng hơn. Trái tim dần rộng mở yêu thương. Những sân hận giảm dần. Lòng bao dung hơn, độ lượng hơn với đời. Mặt hồ tâm dần tĩnh lặng để phản chiếu rõ hơn mây bay, gió thổi, hoa nở, tiếng chim ca. Hạnh phúc đến ngày một nhiều.

Ba tháng sống bên cạnh Thầy là những ngày tháng hạnh phúc nhất trong cuộc đời mình. Chính Thầy, bằng trí tuệ tuyệt vời và trái tim yêu thương của một đấng giác ngộ đã mở cánh cửa kho tàng tuệ giác của đạo Phật, trao truyền cho tôi những pháp môn thật quý để chế tác khổ đau thành hạnh phúc, chế tác bùn thành sen.

Tôi hiểu, một trong những thứ quan trọng nhất mà chúng ta cần tích lũy, bồi đắp hàng ngày, đó là trí tuệ, tuệ giác. Bởi có trí tuệ sáng suốt, chúng ta sẽ không có những định kiến, tà kiến, không có những hành động, lời nói, quyết định sai lầm. Từ cổ chí kim, biết bao bi kịch lớn nhỏ xảy ra chỉ vì chúng ta không có trí tuệ sáng suốt, bị màn vô minh che lấp. Tôi cũng hiểu, điều quan trọng hơn nữa mà chúng ta cần bồi đắp hàng ngày, đó chính là tình yêu thương trong trái tim mỗi người. Có trái tim đầy ắp tình yêu thương, chúng ta sẽ không hờn trách, oán giận, không bon chen, đố kỵ, hận thù. Chúng ta dễ cảm thông, tha thứ, bao dung, độ lượng với mọi người. Và nếu như mình, nếu như mọi người có hai “báu vật” ấy trong đời: trí tuệ sáng suốt và trái tim yêu thương, xã hội này sẽ đẹp đẽ biết bao. Khi ấy, Niết-bàn hay thiên đường không phải ở cõi nào xa xôi. Niết-bàn, thiên đàng chính là ở đây, bây giờ. Tôi luôn cầu mong ai trong chúng ta cũng đều có hai báu vật đó!

Đời người, ai cũng có ít nhiều khổ đau. Khổ đau không chừa ai hết. Cổ nhân có một câu rất hay: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Hãy đón nhận những khổ đau như một phần tất yếu của cuộc sống một cách bình thản. Đừng khóc lóc, kêu ca, phàn nàn hay sợ hãi. Hãy dùng năng lượng chánh niệm để ôm ấp nó, nhận diện nó. Hãy dùng tuệ giác và lòng từ bi để tìm cách chuyển hóa nó. Và tôi tin, từ những vũng bùn tanh hôi của khổ đau ấy, hoa sen của hạnh phúc sẽ nở và tỏa hương thơm ngát. Đức Phật nói: “Không bùn thì không sen”. Hoa sen từ cổ chí kim chỉ nở trên bùn lầy chứ không nở trên kim cương, đá quý. Vì thế, đừng sợ bùn. Hãy biết ơn bùn vì nhớ bùn mới có hoa sen.

Mùa Phật đản, xin cầu mong cho tất cả mọi người luôn biết cách ươm trồng những đóa sen thơm ngát từ bùn!

—-

* Mời chư Tăng Ni, Phật tử, người mến đạo Phật gửi chia sẻ câu chuyện nhân văn, tử tế, nếp sống đạo đúng chánh pháp về Phatgiao.org.vn qua email: info@phatgiao.org.vn. Ban Biên tập sẽ chọn đăng những bài hay, chứa đựng thông điệp tích cực.

Hoàng Anh Sướng (nhà báo)