Ước muốn và mục đích sống của Sa-môn
“Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, Phạm chí Sanh Văn, sau giữa trưa thong dong tản bộ đi đến chỗ Phật, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên, bạch rằng:
– Cù-đàm, tôi có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho, tôi mới dám trình bày.
Đức Thế Tôn nói:
– Ông muốn hỏi điều gì xin cứ hỏi.
Phạm chí Sanh Văn hỏi rằng:
– Người Cư sĩ ước muốn gì? Thực hành cái gì? Thiết lập cái gì? Y cứ trên sự gì? Có mục đích gì?
Thế Tôn đáp:
– Người Cư sĩ ước muốn được tài vật. Thực hành nơi trí tuệ. Thiết lập bằng kỹ thuật. Y cứ trên nghề nghiệp. Lấy sự cứu cánh của nghề nghiệp làm mục đích.
Phạm chí Sanh Văn hỏi:
– Cù-đàm, người Phạm chí ước muốn gì? Thực hành cái gì? Thiết lập cái gì? Y cứ trên sự gì? Có mục đích gì?
Thế Tôn đáp:
– Người Phạm chí ước muốn được tài vật. Thực hành nơi trí tuệ. Thiết lập bằng kinh thơ (chú thuật). Y cứ trên trai giới (tế tự). Lấy Phạm thiên làm mục đích.
Phạm chí Sanh Văn hỏi
– Sa-môn ước muốn gì? Thực hành cái gì? Thiết lập cái gì? Y cứ trên sự gì? Có mục đích gì?
Thế Tôn đáp:
– Sa-môn ước muốn được chân lý, thực hành nơi trí tuệ, thiết lập bằng giới, y cứ trên vô xứ (vô sở hữu), lấy Niết-bàn làm mục đích”.
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Phạm chí, kinh Hà dục, số 149 [trích])
Chánh niệm và tỉnh giác để luôn thấy rõ vạn pháp duyên sinh như huyễn.
Theo ngữ cảnh của kinh văn, Cư sĩ đây không phải là Phật tử tại gia mà là người thế tục bình thường. Phạm chí là người tu tập theo lý tưởng đạo Bà-la-môn. Sa-môn là đệ tử xuất gia của Đức Phật, Sa-môn Thích tử.
“Người Cư sĩ uớc muốn được tài vật. Thực hành nơi trí tuệ. Thiết lập bằng kỹ thuật. Y cứ trên nghề nghiệp. Lấy sự cứu cánh của nghề nghiệp làm mục đích”. Hàng cư sĩ Phật tử ngoài những ước muốn và mục đích sống kể trên, họ phát tâm quy y Tam bảo, nguyện giữ năm giới, tích phước và làm thiện. Một số Phật tử hội đủ duyên lành, có thể phát tâm tu tập Giới-Định-Tuệ chứng đến Tam quả A-na-hàm, thoát ly cõi Dục.
“Sa-môn ước muốn được chân lý, thực hành nơi trí tuệ, thiết lập bằng giới, y cứ trên vô xứ (vô sở hữu), lấy Niết-bàn làm mục đích”. Sa-môn Thích tử, những đệ tử xuất gia của Đức Phật cũng có ước muốn (hoài bão) to lớn, đó là thượng cầu hạ hóa, trên cầu chứng đạt chân lý, dưới mong hóa độ chúng sinh.
Chánh niệm và tỉnh giác để luôn thấy rõ vạn pháp duyên sinh như huyễn. Thực hành trí tuệ là nhận ra bản chất vô thường, khổ, vô ngã nơi mọi sự vật, hiện tượng để xả buông. Định và tuệ cần được giới luật nâng đỡ, bảo hộ mới phát triển vững vàng. Một khi giới định tuệ phát triển hài hòa, ngày càng lớn mạnh thì Sa-môn mới thực sự xả ly tham ái và chấp thủ. Đầy đủ các thiện pháp như trên mới có thể hy vọng thú hướng Niết-bàn.
Như vậy, mục đích của đời sống xuất gia là chứng đạt Niết-bàn, thoát ly sinh tử bằng cách thực hành trí tuệ dựa trên nền tảng giới luật và buông bỏ. Nếu không giữ vững tâm ban đầu – đi tìm chân lý, khát khao được đi trên con đường giải thoát cao rộng và phụng sự chúng sinh – thì dù cho có hình thức Sa-môn Thích tử với vô vàn thành tựu (bằng cấp, chức vị, phẩm trật…) vẫn không đúng với mục đích của Sa-môn.