Ước mong của người Cư sĩ
Người cư sĩ ước mong những gì và làm sao thành tựu được mong ước của mình? Đó là những gì được nói đến nơi bài kinh Bốn Nghiệp Công Đức, trong Tăng Chi Bộ Kinh.
Bài kinh nầy Đức Phật đã nêu ra bốn ước mong chính đáng của người tại gia, nhằm khích lệ hàng cư sĩ nỗ lực tu tập đạo lý giác ngộ. Có ước mong chính đáng sẽ có nỗ lực và kết quả chính đáng. Bốn ước mong khả ái gồm:
1. Mong thu hoạch được tài sản đúng pháp.
2. Mong có được tiếng đồn tốt đẹp về bản thân, về bà con quyến thuộc và các bậc Thầy.
3. Mong được sống lâu thọ mạng kéo dài.
4. Mong được tái sanh ở các cõi lành sau khi chết.
Đức Phật cho rằng bốn mong ước trên của người cư sĩ là khả ý nhưng khó đạt được. Do đó, Ngài đã chỉ dạy cho ông Anathapindika (Cấp Cô Độc) bốn cách để đạt được bốn điều ấy. Đó là:
1. Nuôi dưỡng và phát triển lòng tin Phật một cách đầy đủ.
3. Thực hành đầy đủ hạnh bố thí (sống với tâm không bị cấu uế, xan tham chi phối, bố thí rộng rãi với bàn tay rộng mở, ưa thích từ bỏ, sẵn sàng khi được yêu cầu, vui thích san sẻ vật bố thí)
4. Phát huy nếp sống trí tuệ (sau khi biết được dục tham là uế nhiễm của tâm, từ bỏ dục tham, sau khi biết rõ sân hận là uế nhiễm của tâm, từ bỏ sân hận, sau khi biết được hôn trầm, thụy miên là uế nhiễm của tâm, từ bỏ hôn trầm, thụy miên, sau khi biết được trạo hối là uế nhiễm của tâm, từ bỏ trạo hối, sau khi biết được nghi là uế nhiễm của tâm, từ bỏ nghi, uế nhiễm của tâm).
Những lời dạy này cho thấy Đức Phật hiểu rõ và quán tâm đến ước mong chính đáng của hàng cư sĩ và cách thức giúp cho họ thực hiện thành công các mong ước chính đáng của mình. Bốn ước mong trên chính là mong ước hạnh phúc gắn liền với đời sống của người cư sĩ, nghĩa là tài sản, danh tiếng, tuổi thọ và phước báu đời sau. Người cư sĩ sống đời sống gia đình nên hạnh phúc của họ gắn liền với tiền tài, danh vọng, tuổi thọ và phúc lạc đời sau. Đức Phật cho rằng bốn ước mong trên của người cư sĩ là khó thành tựu, trừ phi họ biết nuôi dưỡng và phát triển bốn đức tánh thiện lành là tin Phật, giữ giới, bố thí và trí tuệ.
Như thế, theo lời Phật dạy, nền tảng hạnh phúc đời này và đời sau của người cư sĩ nằm ở chỗ sống chân thật và tin tưởng vào điều chân thật (tin Phật), sống có đạo đức giới hạnh (giữ giới), sống với tâm tư hiểu biết, thương quý và sẵn sàng giúp đỡ người khác (bố thí), sống với sự hiểu biết sáng suốt về những gì là thiện, bất thiện để nỗ lực sống theo thiện pháp và từ bỏ bất thiện pháp.
TKN. Thái Liên