Ước gì gói một làn hương

Trong làn gió mơ màng ảo điệu khói sương, thoảng nhẹ mùi hương trầm vương vấn thanh tao, lòng người như lắng đọng trong sự tỉnh thức của không gian huyền diệu sâu thẳm.

 

Làn hương đó đã làm lay động linh tính của tâm trí, để điều hòa hơi thở, thân tâm, khiến tâm hồn con người lâng lâng, thoát tục. Hương nhang trầm như một chiếc cầu nối thiêng liêng giữa cuộc sống hiện hữu của con người với cõi tâm linh của trời đất, gắn kết với linh hồn tổ tiên đang ở cõi vĩnh hằng vốn là những “năng lượng” hư hư thực thực…

Mùi hương là một thứ trừu tượng nhưng lại được mọi người yêu thích. Cũng như thưởng thức âm nhạc, thưởng thức hương thực ra cũng giúp ích cho việc nâng cao chất văn hóa và chiều sâu nội tâm của cá nhân. Khi tĩnh tâm, ngồi một mình, yên lặng thưởng thức hương thơm, uống chút trà, sẽ giúp cho tâm linh trở nên thanh tĩnh, thư thái, mở mang trí tuệ, cảm nhận được sự hài hòa giữa con người và môi trường xung quanh, đem lại hiệu quả trong công việc.

nhang

Với tính trầm tư mặc tưởng của thiền đạo, Nhật Bản đã tiếp nguồn cho nghệ thuật ngửi mùi hương thành một phong cách rất đặc biệt, mà họ trân trọng gọi nó là hương đạo Cũng giống như hoa đạo, trà đạo, thưởng thức hương đạo là cả một quá trình.

Người thưởng thức phải hiểu được nguồn gốc, xuất xứ cũng như cách thưởng thức loại hình nghệ thuật này. Khi cắm hoa, thưởng trà, ta có thể nhìn thấy những vật thể ngay trước mắt nhưng thưởng hương rất vô hình, nó đòi hỏi một kỹ năng nghe “hương” nói điều gì. Bởi lẽ, người Nhật Bản quan niệm rằng, lúc thưởng thức, những vị thần linh ở trên cao sẽ mách bảo cho bạn biết về mùi hương đó. Bởi vậy, “nghe” hương chính là lắng nghe tiếng nói của siêu nhiên, “nghe” hương để thấy lòng mình thanh thản.

“Để nhận biết được các mùi hương rất khó, bởi lẽ, các mùi hương có vị gần giống nhau. Thưởng hương cần phải tập trung cao độ. Nếu người thưởng hương chỉ một giây xao lãng thì cũng có thể không phân biệt được mùi hương của nó”, nghệ nhân hương đạo Imaizumi Fusako cho biết.

Mỗi lần hương trầm được xông lên, người tham dự phải làm một vế thơ tán thưởng mùi hương, đồng thời phải nhắc đúng tên loại trầm vừa đốt. Sau buổi hương đạo, người thưởng hương thường ứng tác một bài thơ liên ca nhiều vế về các mùi hương trầm, họ phân định xuất xứ, lai lịch, đặc tính của từng loại trầm được dùng. Ngoài khả năng thưởng thức hương trầm, họ còn có kiến thức văn hóa và khả năng cảm thụ cái đẹp.

Như vậy, hương đạo của Nhật vừa phản ánh chiều sâu văn hóa của người thưởng thức, vừa thể hiện vẻ đẹp u nhã của hương trầm, và cũng có thể diễn tả nhiều chủ đề văn học khác nhau. Do đó, hương đạo được xem là nghệ thuật độc đáo của người Nhật.

Điều thú vị là, cho đến tận ngày nay, những người yêu thích hương đạo vẫn coi Việt Nam là quê hương thứ hai của họ. Bởi lẽ, hương liệu dùng trong hương đạo được yêu chuộng nhất là hai loại Quế và Trầm, hai loại gỗ thơm này đều có xuất xứ chủ yếu từ Việt Nam. Trầm, là do cây dó bầu bị sâu ăn, tiết ra nhựa, đông cứng lại rồi lâu năm biến thành. Gỗ mang bộng nhựa của cây dó có tỷ trọng lớn, thả vào nước sẽ “chìm”. Do đó, “Trầm” trong chữ Hán có nghĩa là chìm và tên “trầm” bắt nguồn từ đó. Trầm ở các tỉnh ở miền Trung Việt Nam nổi tiếng khắp thế giới.

Trầm “kỳ nam” (còn gọi là “già nam hương”) được xem là “linh khí” của trời đất, là loại trầm tốt nhất và chỉ có ở Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên, kỳ nam được phiên âm ra tiếng phạn là tagara, và được người Nhật gọi tắt là “già la” (viết tắt từ chữ đa già la của tiếng Phạn), bởi lẽ con đường giao thương trên biển thời bấy giờ cũng chính là con đường truyền bá Phật giáo từ Ấn Độ, và “già la”, hay trầm “kỳ nam”, đã đi theo con đường đó cùng với Phật giáo và cũng với tư cách là một sản phẩm độc đáo trong mối giao lưu kinh tế, văn hoá giữa Việt Nam và các nước khác.

Mui-nho-5

Hương có khả năng cảm nhiễm, lan tỏa, biến hóa và gợi mở trí tuệ, nên văn hóa Phật giáo đã phát triển thành Pháp môn tu trì có liên quan đến hương, phối hợp với sự tự tu trì thân tâm, tiến hành hoạt động tu pháp cúng hương, như: ngửi hương ngộ đạo, đốt hương cúng Phật (biểu đạt sự tôn kính, cảm kích và tưởng niệm với chư Phật, Bồ-tát); đốt hương tụng kinh (giúp sự chú ý của chúng ta càng thêm tập trung dưới sức mạnh của công đức và sự cảm nhiễm của hương phẩm), đốt hương thiền tu (cùng với tu trì bản tâm, hương thơm ngào ngạt lan tỏa khắp pháp giới, thanh tịnh tất cả pháp giới và tâm niệm, từ đó tiêu trừ bụi trần phiền não, giành được trí tuệ của Phật pháp,..).

Khi đốt hương, sẽ khiến cho hương liệu chuyển hóa từ vật chất cố định sang hình thái không cố định, không có thực, cũng tức là biến hóa từ hương liệu thực tướng thành khói hương và mùi hương không cố định. Nhờ đó, trong quá trình tu trì, sẽ có thể không còn chấp trước vào sự đẹp xấu bề ngoài của hương liệu, mà nhìn thấy được khói hương hoặc ngửi thấy mùi hương sau khi đốt hương phẩm. Điều đó, cũng tương tự với với việc giúp người tu tập nhìn thấy rõ quan hệ biến hóa ẩn phía sau các hình tướng bề ngoài và đi sâu vào bản thể của sự vật.

Ở một góc độ khác, tính chất của hương đã phản ánh về pháp môn bất nhị “không trong, không ngoài” mà Phật giáo luôn nhắn mạnh, cũng chính là tư tưởng trung đạo mà Long Thọ Bồ-tát đã đưa ra. Mặt khác, giống như các vật chất khác, hương không có tính cố định bất biến, rất dễ dàng nhìn thấy sự biến hóa của nó. Sau khi đốt hương, nhờ vào việc quan sát, “nghe” hương sẽ nhận ra quá trình từ hương liệu -> đốt ->khói và hương thơm-> tiêu biến trong không khí, giúp ta ngộ được nguyên lý vô thường mà Phật giáo đã nhắc đến, tức là giúp người tu tập “ngửi hương mà ngộ đạo”, mang lại sự bình an trong tâm hồn.

Trí tuệ của hương, không chỉ là phẩm vật để đốt, để xông trầm mà còn là hương lòng thanh tịnh của mỗi chúng ta, để thắp sáng lên những nén tâm hương, hương từ trong tâm của người đức hạnh có thể “ngược gió bay xa” khắp muôn phương là vậy.

Hãy thắp hương lên, bao niềm ước vọng cũng theo đó ùa về. Mùi hương trầm vương vấn chứa đựng cả “vị” linh thiêng của trời đất, của cả nghĩa cử văn hóa và tâm hồn người Việt, tạo một nét đẹp văn hoá tâm linh trong cuộc sống cộng đồng.

___

* Bài viết trong cuốn Mùi nhớ – Nxb Hội Nhà Văn ấn hành năm 2022. Tác giả là Thạc sĩ, chủ nhiệm bộ môn Du lịch Trường ĐH Tôn Đức Thắng, một nhà nghiên cứu về văn hóa Việt, đặc biệt là văn hóa Nam bộ