Ứng dụng “trí tuệ Bát Nhã” để tu

Theo tinh thần Bát-nhã thì đối với tất cả pháp, thấy nó do duyên hợp mà có giả tướng không có thật thể cố định, nên không chấp nó là thế này thế nọ.

Nếu không chấp là không thọ, thì nội tâm tịch diệt được Niết-bàn.

Đó là ứng dụng trí Bát-nhã để tu hằng ngày.

Vậy Niết-bàn là giải thoát.

Người mà thấy các pháp đúng như thật, không chấp là người trí, người đó giác ngộ giải thoát không nghi ngờ, đó là tu Thiền.

Đạo Phật là đạo giác ngộ bằng trí tuệ, nên đối với tất cả các pháp, không một pháp nào mà Phật không dạy dùng trí tuệ để quán.

Trí Bát nhã và lòng từ bi của người học Phật

02

Thấy được lẽ thật thì gọi là trí.

Pháp Phật đưa chúng ta đến giải thoát là hướng dẫn chúng ta dùng trí tuệ ban sơ rồi dần dần tới trí tuệ viên mãn.

Do đó mà trong nhà Phật thường nói “Truyền đăng tục diệm”, tức là trai đèn tiếp lửa, hay nói cách khác là trao truyền ánh sáng trí tuệ.

Trong kinh Phật dạy:

“Các ngươi hãy tự thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với chánh pháp”.

Chánh pháp là ngọn đuốc trí tuệ sẵn có của Phật, muốn cho trí tuệ chúng ta sáng, nhưng tự mình không phát sáng được, nên phải mồi qua ngọn đuốc trí tuệ của Phật, để cho trí của mình được sáng.

Tu là thắp đuốc trí tuệ cho sáng rực lên.

Vì vậy mà tôi dùng chữ Chiếu đặt tên cho các Thiền viện để nhắc thiền sinh luôn luôn phải soi sáng tâm mình, chớ để mờ tối mê lầm.

Thời nay, đa số người đến với đạo vì lòng tin hơn là trí tuệ.

Rủ nhau đi chùa cúng lạy cho có phước, đi được mười chùa là năm đó được bình an.

Tới chùa chỉ tới bằng niềm tin chớ không tới bằng trí tuệ.

Đạo Phật là đạo trí tuệ, thế mà không thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ lên mà đi, chỉ biết tin, tin Phật như ông thần ban phước giáng họa vậy.

Đến với đạo Phật sai lầm như thế, cho nên tu không tiến, thậm chí càng tu càng nhiều phiền não nữa.

Có người nói tụng kinh Pháp Hoa nghiệp đổ.

Đổ nghiệp là do đâu?

Tại quý vị nghe nói tụng kinh Pháp Hoa phước nhiều nên ham, chùa mở hội tụng kinh Pháp Hoa thì đua nhau đi tụng, không đi sợ thiệt thòi.

Nhưng gia cảnh của mình còn bận rộn, bỏ nhà đi thì việc làm ăn bê bối, lui sụt, nên bị chồng con la rầy, rồi cho là đổ nghiệp.

Nghiệp đâu mà đổ vậy?

Tại quý vị không thấy được lẽ thật, hoàn cảnh của mình chưa cho phép mình làm điều đó, vội làm thì không được như ý, nên bực bội cho là đổ nghiệp.

Nếu đến với đạo Phật, tu bằng trí tuệ thì đâu có việc đáng tiếc xảy ra.

Lúc nào cũng soi lại mình, thấy rõ mình từng phút từng giây, tới chùa cũng tốt, không tới chùa cũng tốt.

Ở nhà mà dùng trí thấy rõ từng ý niệm sai lầm, từng lời nói bất thiện, từng việc làm ác, liền dừng không theo.

Những điều xấu tự bản thân mà mình bỏ được thì cũng như đi chùa tu đâu có khác.

Còn tụng kinh Pháp Hoa tính bộ mà không dừng ba nghiệp ác, thì cũng như chưa tu.

Đó là cái sai lầm của người Phật tử học đạo bây giờ.

Tôi nói đây không phải bài bác tụng kinh.

Đi chùa tụng kinh khi nào gia cảnh xuôi thuận, con cái lớn khôn, ở nhà không làm gì thay vì cờ bạc, xem hát… thì nên đi chùa lạy Phật tụng kinh tốt hơn.

Còn nếu gia cảnh đang bận rộn, người nhà đang đầu tắt mặt tối lo cho cuộc sống chung, mà mình phó mặc, cứ xách gói vô chùa tụng kinh hoài, làm sao trong gia đình không xào xáo phiền não?

HT. Thích Thanh Từ