Tuỳ bút: Con xin thọ lãnh một chữ “chừa”
Nam mô A Di Đà Phật! Đệ tử ngũ thể đầu địa cung kính thọ lãnh pháp nhũ cao quý của Ngài, bậc chơn tăng thạc đức, để thệ nguyện y giáo phụng hành trên bước đường tu học Chánh pháp, sống tiếp đoạn đời ngắn ngủi còn lại của con.
Nhìn thấu lòng người cũng không cần nói ra hết, chừa cho họ một con đường, chừa cho mình chút khẩu đức.
Trách người không cần hà khắc đến tàn nhẫn, chừa cho họ chút mặt mũi, giữ cho mình chút độ lượng.
Tài năng không cần phô trương hết, dành cơ hội cho người khác, giữ sự sâu sắc cho mình.
Có công không nhận hết, chuyển cho người vài phần, lưu khiêm nhường cho mình. Hiểu hết lý lẽ chẳng cần tranh cãi đến cùng, mở đường cho người khác, giữ khoan dung cho mình.
Được yêu quý chớ nên cậy hết vào, sẻ cho người chút ít, lưu cho mình đường lui.
Giàu sang chẳng nên hưởng hết, chia cho người chút ít, lấy chút phúc cho mình.
Trưởng lão Hoà thượng Tinh Vân
Con đọc và chiêm nghiệm đạo từ của Ngài, tâm rúng động, vô cùng kính phục trước một chữ “Chừa”, một hành xử tinh tế nhẹ nhàng mà tột cùng cao thượng và từ ái bao dung!
Chính chữ “Chừa” này đã như tiếng chuông gióng vào tâm thức mê muội u ám của con, cho con tỉnh thức lồm cồm đứng dậy giữa đêm trường…
Con đã nhớ lại, cách đây 4 năm, con đã từng cảm tác một bài lục bát:
CHỪA
Chừa cho ai một khung trời
Chừa cho em nửa cuộc đời tôi đi
Chừa trống trắng đôi bàn tay
Chừa vuông vắn giấy để thầy trợ duyên
Chừa chút đất để mầm lên
Chừa sân giải nghiệp mong triền phược tan
Chừa ô cửa ngắm lá vàng
Chừa tường rêu ẩm dán trang thơ buồn
Chừa lại chiếc gối góc giường
Chừa một lỗ khóa gió luồn qua vui
Chừa bồ đoàn để khuya ngồi
Chừa thời gian để mình tôi tìm mình
Chừa một khoảnh khắc mong manh
Chừa một dấu hỏi để dành mai sau
Chừa thoáng chốc đón dài lâu
Chừa đen huyền tóc đón màu già nua
Chừa bậc cấp để lên chùa
Chừa ba đồng lẻ để mua ngòi mòn
Chừa chỗ hết để đón còn
Chừa thời méo móp đón tròn trịa thêm
Chừa bùn tanh ướp hương sen
Chừa em bên bến thả đèn huyền đăng
Chừa trời sáng một vầng trăng
Chừa một tuyệt tác mà dâng Mẹ hiền!
Nay, kiến văn thọ lãnh được chữ “chừa” của Ngài, liền ngồi ngâm nga lại bài thơ cũ của mình, nhận thấy những hành vi “chừa” của mình có đó, nhiều chỗ “chừa” đó, nhưng sao còn quá phàm phu tầm thường, thậm chí còn thấy vài cái “chừa” non nớt thấp kém.
Thật vô cùng hổ thẹn!
Tâm Không Vĩnh Hữu