Tưới tẩm hạt giống Phật

Khi chúng ta cam kết với một đối tượng nào đó, như trong một buổi lễ kết hôn hoặc trong một trường hợp nào đó, thường là bởi vì tin rằng chúng ta có thể làm được và muốn trung thành với đối tượng trọn đời.

 

Nhiều người trong chúng ta không có phương pháp cho lòng trung thành và giữ chữ tín với những người xung quanh.

Chúng ta có xu hướng so sánh mình với người khác. Nhiều người trong chúng ta cảm thấy mình còn thiếu thốn so với người khác. Cái ta nên khát khao là lòng tốt, lòng từ bi, vẻ đẹp tinh thần, mà những thứ này không tồn tại trong chúng ta, vì vậy chúng ta đi tìm kiếm bên ngoài. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng đã tìm được đối tượng lý tưởng là hiện thân của tất cả những gì là tốt, đẹp. Người đó có thể là một đối tượng lãng mạn, một người bạn, hoặc một vị thầy tâm linh. Chúng ta nhìn thấy tất cả những điều tốt đẹp trong con người đó và chúng ta rơi vào tình yêu. Nhưng sau một thời gian, chúng ta thường phát hiện ra rằng mình đã có một nhận thức sai lầm về người đó và trở nên thất vọng.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Cái đẹp và cái tốt là luôn luôn có trong mỗi chúng ta. Đây là giáo lý cơ bản của đạo Phật. Một người thầy thật sự, một đối tác tinh thần thực sự, là một trong những người khuyến khích bạn nhìn sâu vào vẻ đẹp bản thân và tình yêu bạn đang tìm kiếm. Đức Phật là người ở giúp bạn khám phá ra Phật tánh trong chính mình.

Theo Đức Phật, sự ra đời của một con người không phải là một sự khởi đầu mà là sự tiếp nối. Khi chúng ta sinh ra, tất cả các hạt giống hạt giống của lòng tốt, sự tàn ác, của  thức tỉnh, đã được gieo vào bên trong chúng ta. Lòng tốt hay độc ác phát triển trong ta là do cách mà chúng ta vun bồi.

Lúc vừa thành đạo dưới cội bồ-đề, Đức Phật tuyên bố: “Lạ thay! Lạ thay! Tất cả chúng sanh đều có đầy đủ trí tuệ đức tướng của Như Lai, chỉ vì vô minh, vọng tưởng, chấp trước mà không chứng ngộ được”. “Như Lai là Phật đã thành. Chúng sanh là Phật sẽ thành”. Đức Phật thấy rằng cả ngày lẫn đêm, chúng ta đang tìm kiếm những gì đã có trong chúng ta. Chúng ta có thể gọi nó là Phật tánh, là sự tự do đích thực, là nền tảng cho mọi sự bình an và hạnh phúc. Khả năng được giác ngộ không phải là một cái gì đó mà người khác có thể cung cấp cho bạn. Một người thầy chỉ có thể giúp bạn loại bỏ các yếu tố không giác ngộ trong bạn để giác ngộ có thể được hiển lộ. Nếu bạn có niềm tin rằng vẻ đẹp, sự tốt lành thì người thầy của bạn chính là bạn.

Mỗi chúng ta là chủ bản thể của mình với năm yếu tố. Những yếu tố này là thân thể, cảm xúc, tri giác, hành và thức. Thực hành của chúng ta là nhìn sâu vào năm yếu tố này và khám phá bản chất thật của con người; bản chất thực sự của chúng ta về sự đau khổ, hạnh phúc, sự bình an và lòng can đảm của chúng ta.

Nhưng khi chúng ta quên đi chính mình, chúng ta không chịu trách nhiệm cai trị thân xác. Mỗi ngày chúng ta đã không thực hành, thay vì chăm sóc bản thể chúng ta đã chạy ra khỏi nó và cho phép các cuộc xung đột cùng rối loạn phát sinh. Chúng ta sợ phải quay trở lại bản thể và đối mặt với những khó khăn, đau khổ đó. Bất cứ khi nào, hễ có thời gian rảnh là chúng ta lại xem truyền hình, báo chí, âm nhạc, trò chuyện, hoặc điện thoại để quên và bỏ chạy từ thực tế của các yếu tố tạo nên con người chúng ta. Chúng ta nghĩ rằng, “Tôi đau khổ quá nhiều. Tôi có quá nhiều vấn đề. Tôi không muốn quay trở lại với chúng nữa”.

Chúng ta phải trở về với bản thân và đặt mọi thứ theo thứ tự. Đức Phật đã dạy cho chúng ta rất kỹ về cách để làm điều này. Ngài đã cho biết rằng để làm sạch và chuyển đổi các yếu tố của bản thân, chúng ta cần phải trau dồi năng lượng của chánh niệm. Đây là những gì sẽ cho chúng ta sức mạnh để trở về với chính mình.

Năng lượng của chánh niệm là một cái gì đó cụ thể mà có thể vun bồi được. Khi chúng ta đi bộ với chánh niệm, năng lượng chánh niệm đưa chúng ta trở về với giây phút hiện tại. Chúng ta có thể ngồi và theo dõi hơi thở khi chúng ta rửa chén hoặc giặt quần áo. Khi ăn trong chánh niệm, chúng ta đầu tư tất cả con người mình trong thời điểm hiện tại và nhận thức về thức ăn cùng những người đang ăn với chúng ta. Chúng ta có thể trau dồi năng lượng chánh niệm khi bước đi, khi thở, khi làm việc và năng lượng này sẽ giúp bạn bảo vệ bạn, cung cấp cho bạn sự can đảm để quay trở lại với chính mình, để nhìn thấy và nắm lấy những gì đang có trong bạn.

Khi bắt đầu thực hành theo lời Phật dạy là bạn bắt đầu sống như một vị Phật bán thời gian và từ từ bạn trở thành một vị Phật toàn thời gian. Đôi khi bạn rơi trở lại và trở thành một vị Phật bán thời gian một lần nữa, nhưng nếu thực hành ổn định bạn sẽ trở thành một vị Phật toàn thời gian. Điều này hoàn toàn là trong tầm tay của chúng ta bởi vì trước đây như chúng ta, Đức Phật cũng là một con người. Bạn có thể trở thành một vị Phật bất cứ khi nào bạn thích.

Trở thành một vị Phật không phải là quá khó khăn. Một vị Phật là người giác ngộ, có khả năng yêu thương và tha thứ. Bạn biết rằng tại một số thời điểm bạn đang như thế. Khi bạn ngồi là vị Phật trong bạn ngồi. Khi bạn đi bộ là vị Phật trong bạn đi bộ. Hãy thưởng thức điều kỳ diệu này. Nếu bạn không trở thành một vị Phật, thì ai sẽ làm?

Trong mỗi con người đều có chứa những hạt giống của lòng tốt và sự giác ngộ. Chúng ta đều có hạt giống của Phật tánh. Để cho các hạt giống Phật trong bạn có cơ hội bạn phải tưới nước cho chúng. Khi chúng ta hành động như con người, có những hạt giống của lòng tốt bên trong, chúng ta sẽ cảm thấy đầy sức mạnh. Nếu hành động như thể không tin vào sự tốt lành vốn có của chúng ta thì chúng ta đổ lỗi cho người khác về sự đau khổ và mất đi hạnh phúc của mình.

Bạn có thể sử dụng sự tốt lành trong chính mình để chuyển hóa khổ đau và các xu hướng nổi giận, độc ác, sợ hãi trong bạn. Nhưng bạn sẽ không muốn ném nỗi khổ của bạn đi vì bạn có thể sử dụng nó. Đau khổ của bạn là loại phân bón cung cấp cho sự hiểu biết để nuôi dưỡng hạnh phúc của bạn và hạnh phúc của những người xung quanh.

Minh Tiến chuyển ngữ

(Trích từ “Giới thiệu về sách Gieo trồng hạnh phúc của Thiền sư Thích Nhất Hạnh” của tác giả Peggy Rowe Ward và Larry Ward)