Tuổi nào cho em

Tôi vác ba lô trên lưng trở về sau chuyến hành trình nơi đất khách, trong hành trang tôi mang vài thứ từ quê xa làm quà cho anh em. Vừa bước vào cổng chùa nghe hơi lạnh… thoáng mùi chia ly.

Ngồi trên xe, đang trên đường về, một sư em điện báo tôi ghé bếp trước khi lên chào Sư Phụ. Tôi lấy làm lạ, nhưng cũng nhận lời. Bước xuống xe, ngó chừng sao im ắng quá. “Giờ này các Thầy đâu hết nhỉ”, tôi tự hỏi.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ồ, hóa ra ở đây, các Thầy đang quây quần bên chum trà cùng bánh thơm. Tôi tưởng họ đang chào đón tôi trở lại, nào ngờ Thầy Phó bảo:

– Chào mừng Thầy đã trở lại! Hôm nay, quý Thầy làm buổi chia tay!

– Chia tay ai ạ? Tôi hỏi trong sự ngạc nhiên giữa bao nhiêu con mắt hướng về em.

– Về lấy vợ hả?

Tôi buột miệng hỏi một câu mà tôi vẫn hay bông đùa với các anh em thường ngày. Nhưng ngờ đâu, nay nó là sự thật. Tôi có chút bùi ngùi rồi cũng lặng lẽ ngồi xuống. Sư em ấy nhìn thoáng qua tôi rồi quay sang ngã khác, có lẽ vì cái câu nói kia khiến em ngại.

“Mười mấy năm trời cắt ái ly gia

Bỏ sau lưng bao lạc thú phong trần

Giờ trở lại, hội trà thôi thiếu bóng

Đành ngậm ngùi, em chóng bước sang ngang.

Cuộc vui kia sao quá đỗi bẽ bàng

Đành chia cắt tình Thầy, tình huynh đệ

Bước lại đời gieo suối lệ buồn thêm…”.

Tôi không nói, em cũng lặng thinh, nhưng có lẽ em cũng hiểu mà tôi cũng thế. Bất giác, trong tôi câu hát xa hiện lại: “Lại một người nữa nay đã quay lưng ra đi, và em đã đi không quay trở về, mang trái tim lạnh căm về chốn xa xăm, để trong bóng đêm mình em lê bước…”. Tôi tự hỏi “em sẽ như thế nào khi em mang trái tim lạnh về một phương xa nào đó?”. Nhưng có lẽ, với em nơi ấy có niềm vui riêng… Trước giờ, đi hay ở là một cái duyên, nào có hẹn trước, bởi cuộc đời là những ngả rẽ mà ta chứ không ai khác lựa chọn. Ta có thể chọn cửa Phật làm mái ấm gia đình tâm linh, để nhìn mọi sự bằng lăng kính của sự sinh diệt, có rồi không, được rồi mất; cũng có thể chọn cách hòa mình vào dòng đời tấp nập với những hỷ nộ, ái ố… Và, ngả rẽ cuộc đời mình em đã chọn rồi, nào có níu giữ được đâu…

Gói kỳ nghỉ gia đình

Thôi thì:

“Ngàn năm trong cõi vô thường

Một lần ngoảnh lại, đoạn trường phân ly”.

Ngó qua, ngoảnh lại thì cũng đã có bao kẻ ra đi trước đó, bỏ cuộc chơi theo người vừa lạ lại vừa quen. Em cũng thế, cũng vu vơ rồi cũng ngả theo hướng ấy. Đời đã kéo em về khi nắng chưa kịp hong khô chiếc áo Thầy trao ngày ấy.

Ngày nào áo Hạ còn khoe sắc, chí hy sinh vì lý tưởng dấn thân, rũ bỏ thế sự để khoác lên mình màu áo nâu bình dị. Nhưng chiếc áo nâu kia, giờ treo lại một góc chùa để đắp lên mình màu đời trần trụi với gió sương.

Người đi, kẻ ở, trùng phùng rồi lại phân ly, sao thấy nó mong manh một cuộc tu vội vàng, chóng vánh. Em đã bước qua cái tuổi không còn là trẻ con mà cũng chẳng phải là quá lứa lỡ thời. Suy nghĩ trong em giờ là một vùng thương nhớ, cũng chập chờn như những giấc mơ khuya.

“Đời và đạo giờ là xa cách

Bước chân buồn, ngăn vách một niềm riêng

Tuổi cho em, hay đó những ưu phiền

Chân bước nhẹ em về bên lối cũ

Cuộc tình buồn em rũ gánh quay lưng…”.

Tôi nhớ có đọc đâu đó một bài viết của sư Toại Khanh trong tập Chuyện Phiếm Thầy Tu, có đoạn: “Qua sông không đò này thì cũng thuyền khác, nhưng nếu nhầm đò thì thêm mất thời gian. Chuyến đò đời còn ghê hơn vậy. Nhầm thuyền rồi thì đôi khi lỡ cả một đời… Chỉ mong người đời muốn sang sông thì tự biết chọn đò mà đi, kẻo lỡ làng một đời rồi biết đâu một kiếp. Suy cho cùng, ngày nào trong mỗi đời người cũng là những chuyến đò. Mọi xuất phát của tam nghiệp đều cần đến những quyết định”.

Thế đấy, em đã chọn cho mình một con đò khác để đưa em về lại bến cũ. Tuổi nào cho em khi bến kia giờ không như trước nữa! Rồi một lúc nào đó, em sống chậm lại, nhấp ly trà ngẫm nghĩ về cuộc đời. Có khi nào em thổn thức, tiếc cho một lần đò theo lái bước qua sông?

Nhưng mong em nhớ cho rằng, cửa chùa luôn rộng mở, mọi người vẫn dang rộng vòng tay để khi nào em về, ghé bộ qua chơi, thăm Thầy mỗi khi thuyền em chơi vơi em nhé!

Tâm Đồng