Tự viện, chùa nào mới phải chịu sự kiểm tra về tiền công đức?

Việc kiểm tra, báo cáo thu chi tiền công đức tại các chùa, tự viện đang ‘hot’ trên các báo khi hôm qua, Bộ Tài chính có kết quả báo cáoThủ tuớng về việc này.

 

Thông tư số 04 ngày 19/01/2023 của Bộ Tài chính nói rõ các loại tự viện, chùa, cơ sở thờ tự Phật giáo mà tiền công đức được kiểm tra báo cáo theo quy định.

> Với nội dung Thông tư 04, bạn có thể đọc ở đây.

Căn cứ nội dung Thông tư 04 và hướng dẫn của Hội đồng Trị sự TW Giáo hội PGVN, có 2 nhóm tự viện (1) sau sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh, phải chịu sự kiểm tra về tiền công đức:

Đó là (1) các chùa, cơ sở tự viện đồng thời là di tích đã được Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Thủ tướng Chính phủ cấp bằng xếp hạng di tích hoặc UBND cấp tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương theo quy định của Luật Di sản Văn hóa.

Và (2), các chùa, cơ sở tự viện có tổ chức một trong 4 loại hình lễ hội sau:

(a) lễ hội truyền thống,

(b) lễ hội văn hóa,

(c) lễ hội ngành nghề,

và (d) lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài.

Chùa Đồng, trên đỉnh Yên Tử.

Chùa Đồng, trên đỉnh Yên Tử.

Đối với lễ hội dẫu tổ chức tại chùa nhưng có sự phối hợp, hoặc do cơ quan nhà nước tổ chức sẽ phải chịu sự kiểm tra về tài chính, cụ thể: lễ hội do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND cấp tỉnh phối hợp tổ chức; lễ hội do cơ quan nhà nước ở Trung ương tổ chức, trong đó người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu là Trưởng ban Ban Tổ chức lễ hội; lễ hội do cơ quan nhà nước ở địa phương tổ chức, trong đó Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND là Trưởng ban Ban Tổ chức lễ hội.

Như vậy, trong đợt tổng kiểm tra quản lý tiền công đức toàn quốc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc kiểm tra sẽ chỉ nhắm đến các cơ sở, trong đó có các chùa, tự viện Phật giáo, là di tích đã xếp hạng, hoặc đã được kiểm kê di tích, có tổ chức một trong 4 lễ hội thuộc nhóm (2) trên mà không bao gồm tiền công đức (cúng dường) cho các hoạt động tôn giáo, tiền cúng dường cho Tăng Ni, hòm công đức đặt trong các chùa.

Trong báo cáo nói trên ở Quảng Ninh, nhiều tờ báo đưa tin: Sau khi loại trừ số di tích không có công đức, còn trên 50 di tích không có số liệu báo cáo. Trong đó có chùa Ba Vàng ở Uông Bí thuộc di tích cấp tỉnh, được đánh giá có số thu công đức tốt.

> Thông tin về việc chùa Ba Vàng ‘không báo cáo thu chi tiền công đức

Tuy nhiên, hơn “50 di tích không có số liệu báo cáo” về việc quản lý tiền công đức trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang được nhiều báo mặc nhiên gọi là chùa; trong khi đó, các di tích đã được nhà nước xếp hạng các cấp bao gồm cả các đình, cơ sở tín ngưỡng, văn hóa và di tích lịch sử khác.

Phật tử có thể tìm hiểu loạt bài về TIỀN CÔNG ĐỨC trên Phatgiao.org.vn tại đây.

(1) – Tự viện là Đạo tràng để Tăng Ni tu tập, trụ trì, hoằng dương Phật Pháp, là nơi bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa Phật giáo, là cơ sở để Tăng Ni thực hiện các hoạt động phục vụ xã hội, lợi ích nhân dân, là sợi dây liên hệ và đoàn kết Phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước.

“Tôi cũng xin nhắc lại khẳng định của Bộ Tài chính, rằng không có nội dung nào quy định về quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, do đó, nếu có các vấn đề phát sinh, khó khăn, tôi đề nghị chư Tăng Ni, các vị đứng đầu các cấp Giáo hội phản ánh về Hội đồng Trị sự để Giáo hội có sự can thiệp, hướng dẫn kịp thời, tránh những điều đáng tiếc không đáng có xảy ra”.

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN.

Chùa, tự viện nào không phải kiểm tra tiền công đức?

Hoàng Yến