Từ việc TT.Chân Quang sửa giới thứ 3: Giới luật có thể tùy tiện thay đổi được không?

Trả lời cho câu hỏi, giới luật có thể thay đổi được không, trong tác phẩm “Một số vấn đề giới luật” (Nxb Phương Đông), Hòa thượng Thích Phước Sơn cho biết, mục đích của người tu hành là hướng đến giải thoát và giác ngộ.

Mà muốn được giải thoát, giác ngộ thì đương nhiên phải tuân thủ một số nguyên tắc. Theo Hòa thượng, những nguyên tắc căn bản ấy đầu tiên được thiết lập dựa vào tinh thần của bài kệ:

“Không làm các điều ác,

Vâng làm các hạnh lành.

Giữ tâm ý trong sạch,

Lời Phật dạy rành rành”.

(Chư ác mạc tác,

Chúng thiện phụng hành.

Tự tịnh kỳ ý,

Thị chư Phật giáo).

Tất cả được cô đọng thành những tiêu ngữ như: “Phòng phi chỉ ác” (Ngăn ngừa điều sai trái, chấm dứt việc xấu ác). “Biệt biệt giải thoát” (Giữ gìn chừng mực nào, thì giải thoát chừng mực ấy). Hay “Tị thế cơ hiềm” (Tránh những sự chê bai của người đời). v.v…

Đức Phật chế giới để hàng đệ tử tứ chúng khép mình trong oai nghi, tế hạnh, tăng trưởng thiện nghiệp, tiến lên trên đường Giải thoát, Giác ngộ

Đức Phật chế giới để hàng đệ tử tứ chúng khép mình trong oai nghi, tế hạnh, tăng trưởng thiện nghiệp, tiến lên trên đường Giải thoát, Giác ngộ

Vì sao Phật chế giới?

Giáo sử cho chúng ta biết rằng, trong giai đoạn đầu, Phật chỉ đề ra những nguyên tắc khái quát như thế mà chưa quy định thành những giới điều cụ thể. Thế nhưng, đến năm thứ 12 sau khi Phật thành đạo, trong hàng ngũ Tỳ-kheo có người làm những việc sai trái khiến cho người đời chê trách, làm tổn thương đến thanh danh của Thánh chúng, gây trở ngại cho sự tu tập, do đó Phật mới tùy phạm tùy chế, nghĩa là vi phạm việc gì thì chế định ngay việc ấy. Thế rồi, dần dần trải qua thời gian những giới luật mà Phật đã chế định được gom lại thành Ngũ thiên thất tụ (5 cột 7 nhóm) mà cụ thể là 250 giới của Tỳ-kheo và 348 giới của Tỳ-kheo ni (theo Luật Tứ Phần), hay 227 giới của Tỳ-kheo và 311 giới của Tỳ-kheo ni theo luật Pàli. Tất nhiên, ở đây có sự dị biệt giữa Nam tông và Bắc tông nhưng rất nhỏ, không đáng kể.

Đó là sự hình thành của giới luật thời Phật còn tại thế và được kết tập lần đầu sau khi Phật Niết-bàn. Thế rồi, các đệ tử của Phật căn cứ theo đó mà hành trì cho đến ngày nay. Thiết nghĩ không gian và thời gian luôn luôn thay đổi, nếu cứ áp dụng y nguyên một loại giới luật được quy định từ thời đức Phật thì khó mà tránh khỏi có nhiều điều bất cập.

Chúng ta thấy rằng những bản hiến pháp và những bộ luật của thế gian luôn luôn được cập nhật hóa (bằng cách thay đổi và bổ sung) thì mới thích ứng được với sự biến đổi của hoàn cảnh và thời đại. Nếu như chúng không được điều chỉnh và bổ sung đúng lúc thì sau một thời gian ắt hẳn sẽ có nhiều điều trở nên lỗi thời và vô tác dụng. Đó là quy luật đào thải rất khắt khe của vạn sự trong vũ trụ.

Thế còn đối với giới luật thì sao? Chúng ta biết rằng đức Phật sinh tại Ấn Độ, cách nay 25 thế kỷ, và giới luật được chế định từ lúc đó. Nhưng mỗi quốc gia có những truyền thống văn hóa, khí hậu địa lý, phong tục tập quán khác nhau và mỗi thời đại cũng luôn luôn tiến hóa đổi khác, thế thì giới luật của Phật có thể thích hợp với mọi không gian và mọi thời đại hay không? Và nếu nhưng không hoàn toàn thích hợp thì tại sao các đệ tử của Phật không điều chỉnh để phù hợp với từng không gian và từng thời đại?

Không điều chỉnh giới luật, vì sao?

Theo Hòa thượng Thích Phước Sơn, có mấy lý do như sau:

1. Giới luật chỉ do Phật chế định

Chúng ta biết rằng kinh do Phật thuyết, ngoài ra còn do các cao đồ của Phật cũng như những vị thánh hiền xưa nay tuyên thuyết, còn luận thì do các bậc cao tăng thạc học, các vị luận sư uyên bác mổ xẻ phân tích, chú giải kinh điển mà tạo thành. Thế nhưng, giới luật thì chỉ có Phật chế định, ngoài ra không ai được phép chế định cũng như không đủ thẩm quyền để chế tác. Đó là điều mà giáo sử đã khẳng định.

2. Đã được Thánh chúng nhất trí giữ nguyên

Trong lần kết tập pháp tạng thứ nhất, Tôn giả A-nan cho Tôn giả Ca-diếp biết rằng trước lúc nhập diệt, Phật có di chúc rằng trong những giới luật do Ngài chế định, sau này nếu các Tỳ-kheo thấy có những giới nhỏ nào không còn phù hợp thì có thể tùy nghi bỏ đi. Ca-diếp bèn hỏi A-nan: “Vậy chứ Phật có nói cụ thể những giới nào được xem là nhỏ có thể bỏ đi hay không?”, thì A-Nan đáp rằng: “Phật không nói cụ thể”. Do đó, Tôn giả Ca-diếp kết luận: “Vì Phật không nói cụ thể, cho nên, nếu giờ đây chúng ta cho rằng những giới Đột-cát-la (ác hạnh) là nhỏ nhiệm nên bỏ đi, thì có người sẽ bảo không những giới Đột-cát-la nên bỏ đi mà giới Ba-la-đề-đề-xá-ni cũng nên bỏ. Rồi người khác lại nói, không những giới Ba-la-đề-đề-xá-ni nên bỏ mà giới Ba-dật-đề (bị đọa lạc) cũng nên bỏ v.v…, cứ như thế thì không biết đâu là giới hạn và trong đại chúng sẽ nảy sinh sự tranh cãi khó mà nhất trí.

Bởi vậy, tốt hơn hết là những gì Phật đã chế định chúng ta phải kết tập đầy đủ (và khi áp dụng thì tùy nghi châm chước), còn những gì Phật không chế định thì chúng ta không tùy tiện đặt thêm”. Chung cuộc, lời kết luận ấy đã được đại chúng đồng thanh nhất trí tán thành.

3. Do sự kiện Đề-bà-đạt-đa phá Tăng

Đề-bà-đạt-đa (Devadatta) phát tâm xuất gia với thiện chí tu hành tinh tấn trong 12 năn đầu, nhưng về sau ưa thích phép thần thông, phế bỏ chánh đạo. Thầy muốn đảo chánh Phật để giành quyền lãnh đạo chúng Tỳ-kheo, bèn cấu kết với vua A-xà-thế (Ajatasattu), xúi giục, thuyết phục vua sát hại phụ vương để đoạt ngôi báu: “Ngươi giết cha, ta giết Phật; ngươi sẽ làm vua nước Ma-kiệt-đà (Magadha), ta sẽ làm Phật. Bấy giờ tại nước Ma-kiệt-đà này có một vị vua mới, một vị Phật mới, như thế chẳng khoái sao?”

Thế rồi, Đề-bà-đạt-đa bàn bạc cùng bốn đệ tử tâm phúc, đi đến thưa với Phật: “Bạch Thế Tôn! Thế Tôn tuổi tác đã cao, nên giao chúng Tăng lại cho con. Thế Tôn chỉ cần thụ hưởng pháp lạc hiện tại, để Tăng chúng cho con lãnh đạo”.

Phật dạy: “Này, Đề-bà-đạt-đa, Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên có đại trí tuệ và thần thông như thế, Ta còn không giao chúng Tăng cho họ thay, huống chi người là người ngu, là cái thây ma, mà Ta lại đem Tăng chúng giao cho ngươi hay sao?”

Bị Phật thẳng thừng bát bỏ ý đồ đen tối của mình, Đề-bà-đạt-đa liền bàn với bốn đệ tử: “Ta với các ngươi hãy cùng nhau phá hòa hợp Tăng, hoại pháp luân của Sa-môn Cù-đàm; làm như thế, chúng ta sẽ nổi tiếng là người đã phá hòa hợp tăng, hoại pháp luân của Phật”.

Vì đã rắp tâm làm điều nghịch đạo, Đề-bà-đạt-đa liền xướng xuất 5 việc phi pháp sau đây:

1) Tỳ-kheo suốt đời mặt y phấn tảo (loại vải nhặt được từ những đống rác)

2) Tỳ-kheo suốt đời sống theo hạnh khất thực

3) Tỳ-kheo suốt đời mỗi ngày chỉ ăn một bữa

4) Tỳ-kheo suốt đời phải ngủ ngoài trời

5) Tỳ-kheo suốt đời không ăn thịt.

Thực ra, trong 5 điều trên chỉ có điều thứ 5 là khác với Phật, vì Phật cho phép Tỳ-kheo được ăn tịnh nhục (món thịt hợp pháp) nếu như không thấy, không nghe và không nghi người ta giết con vật để lấy thịt cúng dường cho mình. Ngoài ra, 4 điều còn lại Phật cũng đã quy định, nhưng được áp dụng một cách uyển chuyển mà thôi. Ở đây, thâm ý của Đề-bà-đạt-đa là mong được thiên hạ thán phục và đặc biệt là cố ý phá sự hòa hợp của Tăng đoàn, do thế mà phạm tội nghịch. Và tội nghịch này phải rơi vào địa ngục Vô gián, chịu lấy khổ quả trọn một kiếp không thể cứu vớt được, như lời Phật đã khẳng định.

Đó là 3 lý do chính khiến cho giới luật của Phật không thể bổ sung và thay đổi được. Ngoài ra, còn một lý do nữa là từ khi Phật diệt độ cho đến ngày nay đã có biết bao bậc Tôn túc, Trưởng lão, Thạc đức cao hạnh – mặc dù biết trong giới luật có đôi điều bất cập – vẫn uyển chuyển tuân thủ nghiêm túc mà không có ý định thay đổi thêm bớt; ngoại trừ việc các Ngài soạn thuật, phân tích, chú giải để cho người sau dễ hiểu và dễ thực hành. Có lẽ các Ngài đã vận dụng lời Phật di huấn trong Luật Ngũ Phần như sau:

“Tuy là những điều do Ta chế định, nhưng nếu như không phù hợp với (phong tục, tập quán) của một địa phương nào đó thì không nên áp dụng; trái lại, tuy là những điều không do Ta chế định, mà là những việc phải làm theo (phong tục, tập quán) của địa phương đó, thì không thể không tuân hành”.

(Tuy thị Ngã sở chế nhi ư dư phong bất dĩ vi thanh tịnh giả, giai bất ưng dụng. Tuy Phi Ngã sở chế nhi ư dư phương tất ưng hành giả, giai bất đắc bất hành)

*

Thời gian qua, dư luận dậy sóng với việc Thượng tọa Thích Chân Quang tự ý sửa giới luật trong phái Quy y Tam bảo của người Phật tử, trong đó, giới thứ 3 trong năm giới từ “Không tà dâm” thành “Không phản bội”.

Ngày 19/6, Trung ương Giáo hội đã có văn bản thông báo việc kỷ luật Thượng tọa Thích Chân Quang liên quan tới những thuyết giảng phản cảm, gây bức xúc xã hội của thầy, hình thức nghiêm cấm thuyết giảng dưới mọi hình thức trong 2 năm; đồng thời buộc thầy Chân Quang thu hồi những phái Quy y sửa giới luật Phật đã được Phật tử ứng dụng, thực hành suốt hàng ngàn năm qua.

10 mục đích của Giới luật:

1. Để nhiếp phục Tăng chúng

2. Để Tăng chúng đạt đến cực thiện.

3. Để tăng chúng an lạc.

4. Để chiết phục những người không biết hổ thẹn.

5. Để những người biết hổ thẹn sống yên ổn.

6. Để cho những người chưa tin sinh khởi lòng tin.

7. Để cho những người đã tin càng thêm tin tưởng.

8. Để diệt trừ các lậu hoặc trong tương lai.

9. Để ngăn ngừa các lậu hoặc trong tương lai.

10. Để cho chánh pháp được tồn tại lâu dài.

BTV