Tu và học
Tu và học luôn song hành với nhau, nhất là đòi hỏi phải có sự nỗ lực siêng năng, không sợ khó, vì có khó mới cố gắng tu học, còn dễ quá thì sinh ra lười biếng.
Có học mới có được sự hiểu biết chín chắn, khỏi phải tu sai lầm, tránh được cái nạn “mình lầm và làm cho người lầm”, hướng tới ứng dụng Phật học dung thông thế học, so sánh đối chiếu để hiển bày sự sâu xa và kỳ diệu của Phật pháp, làm cho mọi người dễ dàng kính tin và tiếp nhận. Ngài Hàn Sơn có làm bài thơ như sau:
“Hiểu biết không sống lâu
Hiểu biết không hết nghèo
Tại sao thích hiểu biết
Hiểu biết sẽ hơn người
Trượng phu chữ không thông
Chẳng chốn nào an thân”.
Cái học làm cho trí sáng hay nói cách khác, tu học làm cho thân được an, tâm hạnh tuệ. Đây là kết quả cần phải có với người nhiệt tâm hành trì theo lời Phật dạy. Có hiểu biết tức có được tri thức nhưng cần phải được dụng công tu tập thì mới phát sinh ra trí tuệ. Có trí tuệ là có giải thoát. Nơi nào có giải thoát thì nơi ấy có trí tuệ.
Trên lộ trình tu học, muốn có được sự thành công mỹ mãn (chứng ngộ Niết-bàn) thì không thể nào mà không nhẫn nại, chịu đựng, kiên trì vượt qua chướng ngại khó khăn.
“Nhẫn! Nhẫn! Nhẫn! Từ từ nhẫn
Nại! Nại! Chầm chậm nại
Không nhẫn không nại họa tai sanh
Hay nhẫn hay nại họa thư thái.
Nhẫn nhục lớn nhanh nguồn phước đức
Sân hận trí tuệ luôn ngăn ngại
Phước đức mong cầu không khiếm khuyết
Nhẫn nhục phép mầu bậc nhất hay”.
Nếu không kiên trì nhẫn nại với biết bao ngọn sóng thăng trầm thì sự nghiệp tu học Phật pháp dễ bị đổ vỡ. Như đức Phật Thích-ca là một tấm gương tiêu biểu về đức tính nhẫn nại. Nếu không chịu đựng được sự khổ hạnh của đời tu sĩ và nhiều cám dỗ của ác ma thì Ngài sẽ không thành đạo, là bậc Chánh Đẳng Chánh Giác được cả nhân thiên tôn kính và noi theo gương hạnh Ngài để tu tập.
Hướng đến giác ngộ giải thoát là mục tiêu của người con Phật. Đường đi tuy khó, đòi hỏi phải lâu dài, nhưng nếu ta không đi thì làm sao mà tới nơi, khó hay không là bởi tại lòng người. Người không có ý chí và lý tưởng thì việc dễ trở thành khó, ngược lại, người có ý chí, đích đến rõ ràng thì việc khó hóa ra dễ, sớm muộn gì cũng đạt được bổn nguyện thành công. Như Đại sư Ấn Thuận có dạy:
“Núi cao ta trông
Đường rộng ta đi
Tuy chưa đến nơi
Lòng đã hướng về”.
Một khi đã chọn con đường lý tưởng thì phải đeo đuổi cho tới cùng, dù phải gặp phải muôn ngàn thuận nghịch chướng duyên, trăm đắng ngàn cay cũng không thay lòng, thối chí. Đó là nhất trí kiên trì một lòng son sắt, dù chết không lui.
“Đãi cát để tìm vàng
Cứa cây để lấy lửa
Cố rèn lòng kiên nhẫn
Có chí sẽ thành công”.
Nhờ học mà có sự nhận thức, cái thấy, hiểu biết đúng đắn, sáng suốt. Nếu không chịu tu thì sẽ không thể nào đi tới đích mong muốn. Muốn được như thế, đòi hỏi phải nỗ lực cố gắng liên tục, “tự mình thắp đuốc lên mà đi” với nghị lực và sự quyết tâm không việc gì mà không thành tựu.
“Một đường ta gắng bước đi
Dù cho gian khổ việc gì cũng cam
Đông Tây quyết chí mà làm
Bể Đông cũng cạn, sơn Nam cũng mòn”.
(Diệu Lý Phương Đông, HT. Thích Giác Nhiên)
Tâm Thăng