Tự tứ – đôi điều suy nghĩ
Tự tứ (Pravāraṇā) là một nghi thức quan trọng của Tăng đoàn Phật giáo được thực hiện vào ngày cuối cùng của hạn kỳ an cư và chỉ thực hiện với cộng đồng Tăng lữ cùng sống chung với nhau trong một trú xứ suốt 3 tháng.
Tự tứ có nghĩa là những người xuất gia sống chung, bằng việc hoặc thấy, hoặc nghe, hoặc nghi mà soi sáng lỗi lầm cho nhau để cùng nhau sám hối. Cho nên, nếu không cùng sống chung để tu tập với nhau suốt ba tháng thì không có lễ tự tứ, và những ai không cùng sống chung với chúng Tăng suốt 3 tháng thì không có tư cách tự tứ.
Thật vậy, kỳ hạn một mùa an cư là 90 ngày, đây là khoảng thời gian tu tập đặc biệt của người xuất gia. Nó biểu hiện sức mạnh thanh tịnh và hòa hợp của Tăng-già. Một cộng đồng tối thiểu là bốn người mà không thể sống chung hòa hợp và thanh tịnh được với nhau thì không thể gọi cộng đồng ấy là Tăng và chắc chắn sẽ không có lễ Tự tứ. Bởi chỉ những ai với tâm tư, ý chí, nguyện lực muốn sống hòa hợp và thanh tịnh nhằm hướng đến mục đích duy nhất là giác ngộ, giải thoát mới có thể chấp nhận sự chỉ lỗi của người khác qua 3 phương diện thấy, nghe và nghi, tức là chấp nhận tự tứ.
Tự tứ như vậy là một nghi thức hết sức đặc biệt đánh dấu kết thúc một khoảng thời gian tu tập với nhau trong một trú xứ với cương giới được thiết lập trong thần hòa hợp và thanh tịnh như nước với sữa.
Tứ phần luật hành sự sao, quyển thượng, giải thích: “Suốt 9 tuần (1 tuần bằng 10 ngày) tu tập, tinh tiến kiểm thúc thân tâm, nhưng con người phần nhiều mê muội, chẳng tự thấy được lỗi lầm, vì vậy phải khẩn thiết cầu xin Tăng chúng thương xót dạy bảo cho thấy. Dù chỉ trích lỗi lầm của mình, vậy mà phải cầu xin Tăng cử tội; trong lòng hoan hỷ, không chút che giấu, bên ngoài biểu hiện biết mình có lỗi, đem hết thân tâm gởi gắm nơi người khác cầu mong soi sáng, như thế gọi là tự tứ”.
Trong khi người khác chỉ lỗi của mình mà mình vẫn thấy hoan hỷ, hạnh phúc, nên tự tứ được dịch là mãn túc, hỷ duyệt, tùy ý sự, tức là niềm vui, niềm hạnh phúc trọn vẹn, đong đầy khi được người khác chỉ lỗi và đúng theo pháp mà sám hối nên được thanh tịnh. Tâm thanh tịnh rồi hỷ lạc càng thêm lớn, nên gọi là tự tứ. Sau khi tự tứ, vị Tỳ-kheo được thêm một tuổi giới, nên tự tứ cũng gọi là thọ tuế, nhận thêm một tuổi đạo, mà ta thường gọi là hạ lạp.
Kinh Tăng nhất A-hàm ghi: Bấy giờ, đến ngày rằm tháng Bảy, Thế Tôn trải tòa ngồi giữa khoảng đất trống, các Tỳ-kheo trước sau vây quanh. Phật liền bảo A-nan hãy mau đánh kiền chùy, vì hôm nay rằm tháng Bảy là ngày nhận thêm tuổi. A-nan hỏi nhận thêm tuổi là thế nào? Phật dạy, nhận thêm tuổi là làm sạch ba nghiệp của thân, miệng, ý. Cứ mỗi hai vị Tỳ-kheo đối diện với nhau mà tự trình bày nhược điểm, sai trái của bản thân mình, đồng thời tự xưng pháp danh của mình và nói rằng, hôm nay Tăng chúng nhận thêm tuổi, con cũng muốn thanh tịnh nên nhận thêm tuổi, xin tha thứ cho lỗi lầm của con.
Tôn giả A-nan lại hỏi, việc này là pháp của chư Phật hay chỉ Đức Thế Tôn mới có? Đức Thế Tôn nói, quá khứ vị lai hằng sa chư Phật đều có, như Ta có ngày nay. Tôn giả A-nan hoan hỷ hết sức, tức thì lên giảng đường đánh kiền chùy mà nói, tôi đánh lên hiệu lịnh của Như Lai, đệ tử của Ngài xin tập hợp lại! Tăng chúng tập hợp cả rồi, Đức Thế Tôn nhìn mà nói, hôm nay Như Lai nhận thêm tuổi: Như Lai có lỗi lầm gì với ai không? Thân, miệng, ý của Như Lai có phạm lỗi gì không? Đức Thế Tôn nói đến 3 lần như vậy, rằng hôm nay Như Lai muốn nhận thêm tuổi, Như Lai có lỗi lầm gì với Tăng chúng không?
Tôn giả Xá-lợi-phất đứng dậy bạch Đức Thế Tôn: Tăng chúng quan sát Như Lai, không thấy có lỗi lầm gì về thân, miệng, ý. Như Lai cũng không có lỗi lầm gì với ai. Còn phần con, con xin hướng về Như Lai mà tự trình bày: Con có lỗi gì với Như Lai và Tăng chúng không? Đức Thế Tôn bảo, Xá-lợi-phất, Tôn giả không có hành động gì phi Chánh pháp nơi thân, miệng, ý. Tôn giả Xá-lợi-phất lại thưa, bạch Đức Thế Tôn, tất cả Tỳ-kheo Tăng đây cũng muốn nhận thêm tuổi: Tất cả Tỳ-kheo Tăng đây có lỗi lầm gì đối với Như Lai không? Đức Thế Tôn dạy, không (Đại chính 2, tr. 676, Tăng nhất A-hàm, phẩm Thiện tụ).
Kinh Tạp A-hàm cũng ghi: Hôm ấy ngày rằm, vào giờ tự tứ, Thế Tôn trải tòa ngồi trước đại chúng, rồi bảo rằng, Ta là người mang thân sau cùng, đã đắc Bát-niết-bàn, như Đại y sư, có thể nhổ bật những gai nhọn phiền não đã đâm vào chư vị. Quý thầy là những người con từ miệng Ta sinh ra, từ pháp hóa sinh, được gia tài pháp. Ta nay muốn tự tứ, quý thầy hãy soi sáng cho Ta, chớ để cho thân, miệng, ý của Ta có điều đáng hiềm trách.
Lúc ấy Tôn giả Xá-lợi-phất ở giữa đại chúng đứng dậy, cung kính thưa rằng, bạch Thế Tôn, chúng con không thấy thân, miệng và tâm ý của Thế Tôn có điều gì đáng hiềm trách. Nay đối trước Thế Tôn, xin chỉ cho con các tội được thấy, được nghe, được nghi, hoặc thân, miệng, ý có điều gì đáng hiềm trách? Phật dạy, Ta không thấy ông có các tội được thấy, được nghe, được nghi và thân, miệng, ý có điều gì đáng hiềm trách.
Tôn giả Xá-lợi-phất lại thưa, nếu con không có các tội được thấy, được nghe, được nghi và thân, miệng, ý có điều gì đáng hiềm trách; vậy thì 500 Tỳ-kheo này có không các tội được thấy, được nghe, được nghi và thân, miệng, ý có điều gì đáng hiềm trách? Đức Phật bảo, đối với 500 Tỳ-kheo này, Ta cũng không thấy các tội được thấy, được nghe, được nghi và thân, miệng, ý có điều gì đáng hiềm trách (Đại chính 2, tr. 330, Tạp A-hàm, quyển 45).
Qua trích dẫn trên, chúng ta thấy, ngay cả Đức Thế Tôn còn tác pháp tự tứ thì rõ ràng nghi thức này không chỉ đơn giản là một lễ “bế mạc khóa an cư kiết hạ” được! Và càng không thể có chuyện chư Tăng ở rải rác đâu đó đến ngày đã hẹn lại tập trung về một chỗ tác pháp tự tứ được! Tự tứ là kết quả sau cùng của ba tháng sống chung hòa hợp và thanh tịnh của Tăng. Một mặt nó biểu hiện đời sống đạo hạnh của từng cá nhân người xuất gia, một mặt nó biểu hiện sự tồn tại của Tăng đoàn Phật giáo.
Bởi Tăng là sinh mạng của Phật pháp, Tăng còn tồn tại thì Phật pháp còn ở đời, mà yếu tố căn bản tạo thành sinh mạng của Tăng là hòa hợp và thanh tịnh. Chừng nào chúng Tăng còn hòa hợp và thanh tịnh để cùng nhau hội họp, cùng nhau bố tát, thuyết giới, tự tứ… thì chừng ấy Phật pháp còn hưng thịnh ở đời làm ruộng phước cho chư thiên và nhân loại. Nhưng làm sao thể hiện được tinh thần hòa hợp và thanh tịnh ấy nếu không cùng sống chung với nhau?
Sống chung để giáo giới, chỉ điểm, sách tấn lẫn nhau là nhiệm vụ của các Tỳ-kheo, chứ không phải tập hợp lại với nhau vì mục đích nào đó, lại càng không phải sống chung với nhau như những người câm. Đức Phật khuyến khích người xuất gia sống độc cư, viễn ly để tránh xa những nơi ồn ào náo nhiệt, tranh danh đoạt lợi, “tụ hội vô thù”… chứ không phải sống tách biệt với cộng đồng Tăng lữ.
Cộng đồng này được củng cố sức mạnh bởi ba tháng an cư mùa mưa khi tất cả thành viên Tăng chúng gạt bỏ tất cả mọi việc gọi là Phật sự để trở về ngồi yên, tu tập, sách tấn, giáo giới lẫn nhau trong tinh thần hòa hợp và thanh tịnh. Đây chính là sức mạnh mà không một uy lực bên ngoài nào có thể phá hoại được giáo hội Tăng-già.
Cho nên, an cư và tự tứ là nếp sống định kỳ vô cùng quan trọng đối với lý tưởng xuất gia giải thoát, đồng thời còn mang ý nghĩa sống còn của Tăng-già. Mong sao ý nghĩa này được mỗi cá nhân người xuất gia tự ý thức lấy trách nhiệm của mình để thân tâm an lạc, đạo pháp xương long, Tăng-già hòa hợp.