Tu từ cái miệng

Chúng ta mỗi ngày nói rất nhiều. Nhiều lúc cũng không biết và nhớ được những gì mình nói. Phần lớn chúng ta bị thúc đẩy vô thức và không đủ chánh niệm khi nói. Nói và cứ nói. Lâu ngày tạo thành thói quen nói nhiều, nói quá, nói thiếu trách nhiệm và đôi khi là nói có ác ý.
buddha-4317872_960_720

Tĩnh lặng một chút, nhìn lại những liên hệ nhân quả trong cách mình và người nói, chúng ta thấy lời nói có thể kết nối mà cũng có thể huỷ diệt, có thể xây dựng mà cũng có thể phá nát, có thể nuôi dưỡng mà cũng có thể tàn hại, có thể đem lại yêu thương mà cũng có thể mang đến thù hận, có thể gây ra chiến tranh mà cũng có thể xây dựng hoà bình. Khổ đau và hạnh phúc đều có trong lời nói.

Tuân Tử, triết gia phương Đông sống vào thế kỷ thứ tư trước Tây lịch, từng nói: “Lời nói hay, giúp người ấm hơn vải lụa. Lời nói dở, hại người như gươm dao”.[1]

Cuộc thảm sát đau thương thời Đức Phật Gotama mà vương tộc Thích Ca (Sakya) phải gánh chịu cũng chỉ vì lời nói miệt thị và có ác ý. Chính sự oán hận của vua Tỳ-lưu-ly (Viḍūḍabha) khi nghe những lời nói và thấy những hành động miệt thị về mình và mẹ mình đã dẫn đến lời thề tạo duyên cho cuộc thảm sát đau thương đó: “Khi ta lên ngôi, ta sẽ rửa chỗ ngồi bằng máu trong tim chúng”.[2]

Một cuộc thảm sát đau thương khác tại nhà số 7 phố Palandi ở Ba-lan làm 40 người Do-thái và 2 người Ba-lan bị giết vào ngày 4 tháng 7 năm 1946 cũng xuất phát từ lời nói dối không ý thức được trách nhiệm. Chính cậu bé Herian, vì sợ bố đánh đòn do bỏ nhà đi chơi 3 ngày, đã nói dối với bố rằng cậu bị người Do-thái bắt nhốt ở nhà số 7 phố Palandi. Ông bố do bị ảnh hưởng phong trào chống Do-thái nên đã phóng đại tin đồn. Kết quả là một cuộc tàn sát đẫm máu thương tâm xảy ra từ đó.[3]

Lời nói, nếu không thận trọng, thiếu trách nhiệm hay có ác ý, hậu quả có thể là rất lớn. Hậu quả không chỉ cho người nói mà còn cho cả người bị nói. Ngay cả trường hợp nói đùa không đúng hoàn cảnh, cũng có thể mang lại hậu quả khó lường. Ở Vũ Hán, Trung Quốc, một bé gái 8 tuổi đã thả em trai mới sinh của mình từ ban công xuống đất cho chết cũng chỉ vì một câu nói đùa của người thân: “Mẹ cháu có con trai rồi, giờ không cần cháu nữa”.[4]

Lời nói, đặc biệt là nói dối, nói thiếu trách nhiệm và nói có ác ý là rất nguy hiểm. Theo Đức Phật Gotama, nói dối chính là cánh cửa đi vào bại vong [5] và nói dối chính là nguyên nhân trở thành kẻ bần tiện[6]. Một người còn lừa đảo, dối gạt, người ấy không thể có hy vọng vào sự đoạn tận các lậu hoặc (đau khổ) được.[7] Cũng theo Đức Phật Gotama, hậu quả khổ đau không chỉ dừng lại ở lời nói dối mà còn mở rộng đến lời nói thô bỉ, lời nói phá hoại và lời nói phù phiếm.[8]

Chúng ta, những ai muốn có hạnh phúc, có yêu thương và kết nối, thật sự rất cần thận trọng trong lời nói.

Chúng ta cố gắng tập cho được không chỉ giải trừ lời nói dối mà còn giảm đến bằng không những lời nói thô bỉ, ác ý và phù hiếm.

Giảm lời nói dối bao nhiêu, chúng ta tăng tín nhiệm bấy nhiêu.

Bớt lời nói thô bỉ, ác ý và phù phiếm bao nhiêu, chúng ta thêm kết nối, yêu thương và hạnh phúc bấy nhiêu.

Trí tuệ, tâm định và tâm giải thoát cũng sẽ tuỳ thuộc vào mức độ từ bỏ lời nói dối, lời nói thô bỉ, ác ý và phù phiếm mà mở rộng.

Nhuận Đạt

————–

[1]【与人善言,暖于布帛;伤人以言,深于矛戟】——《荀子·荣辱》

[2] Tiểu Bộ Kinh, Chuyện Sàla, Cổ Thụ Cát Tường (Tiền thân Bhadda-Sàla) số 465.

[3] Hậu quả lời nói dối, báo Bình Phước Online.

[4] Hậu quả thật từ những câu nói đùa, báo Dân Trí Online.

[5] Kinh Bại Vong, Tiểu Bộ Kinh I.

[6] Kinh Kẻ Bần Tiện, Tiểu Bộ Kinh I.

[7] Kinh Mục Đích, Tăng Chi Bộ II.

[8] Kinh Là Rất Nhẹ, Tăng Chi Bộ III.