Tứ trọng Sư

Hơn hai tháng trước, vợ chồng tôi đưa hai con đi dự lễ Khai giảng mùng năm tháng chín tại trường Nguyễn Du cho cháu gái lớp Tám và trường An Cựu cho cháu trai lớp Hai.

Điều này làm tôi sực nhớ lại cả một khoảng trời dĩ vãng xa rồi nhưng vẫn chưa xưa. Đó là bóng hình bốn người thầy thực quan trọng đối với tôi luôn hiện hữu trong ký ức bản thân.

Xét theo lịch đại:

IMG_20240925_193742

Người thầy đầu tiên trong đời là Bá phụ tôi tên Nguyễn Đình Nhàn. Ông để lại cho tôi bài học về trách nhiệm làm con, làm anh đầy cảm động. Còn nhớ năm Đinh Hợi 1947, bà Nội tôi mất sớm để lại ba người con: Bác tôi, Cô tôi và Ba tôi. Lúc đó Bác tôi vừa được tám tuổi và Ba tôi được năm tuổi. Từ đó, Bác biết dành dụm tiền ôn Nội tôi cho đến mười năm sau cũng được kha khá. Do đó, khi chia tay gia đình tại Huế vào Sài gòn học Đại học Sư phạm nghành Toán, Bác có nói với ôn nội khi Ôn gửi tiền lộ phí rằng: Ba giữ lại số tiền này để lo cho các em con. Thời gian qua con cũng dành dụm được số tiền kết hợp với học bổng sắp tới hàng tháng đủ giúp con trang trải lộ phí cũng như tiền ăn ở trong quá trình học rồi.

Sau năm năm ra trường, Bác tôi vừa dạy chính ở trường cấp III Chu Văn An – Sài Gòn (nay là trường THPT Lê Hồng Phong – TP. Hồ Chí Minh) vừa đi dạy kèm – thêm ngoài nên một vài năm sau Bác mua được nhà ở Sài gòn. Đồng thời, Bác cũng gửi tiền về Huế để ôn Nội tôi xây mộ móng ngựa cho bà nội tôi, xây nhà để ôn nội ở và thờ tự bà nội. Sau giải phóng 1975, Bác tôi tiếp tục gửi tiền về chu cấp hàng tháng cho ôn nội đến khi người qua đời vào năm Giáp Thân 2004. Đó là cử chỉ đầy hiếu nghĩa trong âm thầm của bác tôi đã giúp tôi nhận thức rõ về hiếu sự để sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và mọi người. Bản thân bác cũng tài trợ năm triệu đồng năm 1998 (khoảng một lượng vàng theo thời giá lúc đó) cho tôi vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp. Nhưng lúc đó mẹ tôi buôn bán lao dốc, nợ nần chồng chất nên tôi phải gửi hết số tiền này về Huế để mẹ tôi bù đắp lỗ và trừ nợ. Hiện gia đình nhỏ tôi ở phía Nam Sông Hương, nhưng hàng ngày tôi vẫn về túc trực nhà mẹ tôi ở Bắc Sông Hương. Mẹ tôi bị tê bì tay chân, nhức xương cổ nên tôi phải rửa bát đĩa và giặt giũ áo quần dùm để mẹ đỡ vất vả cũng như xoa bóp tay chân cổ lưng để kinh mạch được lưu thông tốt tạo thoải mái cho mẹ.

IMG_20240925_193820

Người thầy thứ hai trong đời tôi là thầy Đặng Xuân Trừng gọi bà ngoại tôi bằng cô họ. Trong những ngày cuối đời của Ngoại, thầy Trừng thỉnh thoảng ghé thăm và có hứa sẽ ký nhận đơn cho tôi vào học lớp mười một năm 1989 tại trường Quốc học vì lúc đó thầy làm Hiệu trưởng (1977 – 1996). Tôi vâng lời làm theo ý Thầy để bà ngoại yên lòng nhắm mắt mà trong tâm khảm rối bời. Bởi vì lúc đó, kết quả học lực lớp mười của tôi tại trường gia hội chỉ ở mức trung bình nên rất khó để đương đầu với môi trường mới tại trường Quốc học vốn chuẩn mực và lắm người tài. Sau một năm học, tôi lưu ban và học lại lớp mười một mà thầy Trừng không hề hay biết vì tôi không muốn làm phiền thầy giúp tôi thêm một lần nữa. Điều đó rèn cho tôi tính tự lập: biết chấp nhận thất bại, rõ nhận ưu điểm để phấn đấu và khuyết điểm để hạn chế ngõ hầu đạt được thành tựu trong đời từ những khởi phát khó khăn nhất. Bây giờ, làm trụ cột cho một gia đình hạnh phúc có người vợ kiệm lời lẫn thánh thiện tôi mới thấy giá trị tự lập của tuổi học trò là thực quý báu. Hằng năm, cứ vào ngày giỗ thầy 20-10 âm lịch tôi lại đến nhà thầy trên đường Mai Thúc Loan – tp. Huế thắp nén hương để nguyện cầu thầy mãi an yên nơi chín suối.

IMG_20240925_185800

Người thầy thứ ba trong đồi tôi là Cô Hoàng Thu Hiền dạy môn Văn cho tôi khi tôi vừa mới lưu ban xong. Cô cũng là Giáo viên Chủ nhiệm hết lòng quan tâm tới tất cả học sinh trong lớp tôi. Ngoài giờ học thỉnh thoảng Cô đi cùng bạn Hạ Lan có xe máy như một phương tiện hữu ích di chuyển xa đến thăm từng nhà nhằm động viên các bạn học sinh có gia cảnh khó khăn về vật chất lẫn tinh thần như tôi. Có lần hiếm hoi bài luận của tôi được Cô cho điểm năm với lời phê: Văn phong của em hiện mới đạt tầm trung nhưng vẫn có tiến triển về sau. Hãy cố gắng lên em nhé! Đó lời động viên chân thành đầy tính mô phạm của Cô mà sau này khi đứng trên bục nhận giải Nhất cuộc thi “Đạo phật trong trái tim tôi” được tổ chức bởi Ban Thông tin Truyền thông – Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (24-5-2023), tôi đã vô cùng cảm ơn lời động viên của Cô ngày ấy. Đó là động lực vô hình theo từng bước chân tôi tinh tấn miên mật đến nấc thang cuối cùng là khẳng định được văn phong bản thân tầm quốc gia như món quà hết sức ý nghĩa trọn gửi đến Cô trong từng ngày lễ Nhà giáo 20-11 hàng năm. Kính nguyện cầu Phật Trời hằng gia hộ cho Cô và quý quyến có cuộc sống thân an tâm yên giữa thành phố Hồ Chí Minh vốn nhộn nhịp – nơi Cô chọn gắn bó lâu dài với nghề giáo tại trường cấp III Lê Hồng Phong và nay đã nghỉ hưu.

IMG_20240925_193847

Người thầy thứ tư trong đời tôi là Giảng viên Bửu Ý – Chủ nhiệm khoa Pháp của Đại học Sư phạm Huế trong khoảng đầu thập niên 1990. Thầy dạy tôi suốt học khóa 1994 – 1998 nên kiến văn sâu rộng của thầy tôi thu nạp khá nhiều. Có thể trí lực con người lão hóa nên dể quên nhiều thứ, nhưng có một điều mà tôi không bao giờ quên ở thầy Bửu Ý. Thầy nói rằng: Tất cả vĩ nhân trên thế giới có cùng chung một điểm, rằng họ luôn dựa vào hình mẫu vĩ đại của quá khứ để tạt nên hình ảnh của họ ở hiện tại. Để rồi, khi độc giả đọc tác phẩm của họ chỉ thấy họ vĩ đại mà thôi. Nói cách khác, vĩ nhân là người biết chuyển tải quá khứ đến hiện tại họ sống và để lại bài học huấn thị sâu thực đến muôn đời sau. Khi rời khỏi bục nhận giải Nhất cuộc thi “Đạo Phật trong trái tim tôi” được tổ chức bởi Ban Thông tin Truyền thông – Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt nam (24-5-2023), tự đáy lòng tôi thực sự cảm ơn thầy về huấn ngôn sâu diệu ấy. Thực tế, tôi cũng chỉ dựa vào lời nguyện của Địa Tạng Bồ tát để lập nguyện không sâu rộng như Ngài mà chỉ dành cho ba mẹ tôi thôi:

“Song Thân độ tận

Phương chứng bồ đề

Thế gian vị không

Thệ bất thành Phật.”

Nghĩa là: đứng về mặt luân hồi, đây là một trường nguyện theo tôi đến vô cùng vô thỉ của kiếp nhân sinh, rằng: tôi sẽ hóa độ cho ba mẹ tôi vĩnh viễn men theo chánh đạo qua nhiều kiếp người cho đến khi tôi làm con ở kiếp cuối, lúc đó tôi sẽ thành Phật hiệu: Song thân. Trên đây chính là bốn câu giúp tôi đạt được giải Nhất trong cuộc thi toàn quốc như đã dẫn giữa tám trăm thí sinh trên toàn cõi hình chữ S này.

Sau cùng, có thể nói bác Nhàn tôi, Cậu Trừng tôi, Cô Hiền, Thầy Ý là những trọng Sư không thể thiếu trong cuộc đời tôi. Nếu khiếm một trong họ, kiếp người này đối với tôi là vô nghĩa. Họ giúp tôi phương tiện huấn thị vô giá để tôi mãi mãi bước theo lối Trung đạo: tham mà không lạm bằng lối sống thiểu dục (tối giản) – tri túc (biết đủ), giận mà không thù bằng từ bi (yêu mình đúng mực và thương người tùy duyên) – vị tha, si mà không mê bằng cách cân bằng được trí tuệ Thế gian vốn thuần lý và trí tuệ Bát nhã vốn thuần thiện. Đó là nếp sống: tùy duyên-thuận pháp-vô ngã-vị tha mà mười phương chư Phật và Hộ pháp hằng chở che và phò trợ. 

Cuối cùng, Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay (20.11.2024) tôi cầu mong xã hội tạo ra thêm nhiều người thầy cô tốt nữa để giúp cho thế hệ học sinh hôm nay được nâng đỡ như một trụ cột giáo dục tối thiết giúp các em tiến bộ hơn mỗi ngày. Thầy cô mãi mãi là ngọn đuốc từ bi – trí tuệ như một bảo vật để học sinh nhận lấy thắp sáng cho riêng mình trên hành trang sống làm con người đúng nghĩa: tốt đẹp cho bản thân, gia phong và nhân thế. Báo ân thầy cô, mỗi học sinh cần rèn ý chí để giữ bản sắc, luyện tri thức để cầu tiến trong mọi hoàn cảnh. Tương lai ấm êm của mỗi gia đình và phồn thịnh của đất nước ko thể thiếu khối óc mô phạm và tấm lòng bác ái của những người thầy cô như thế. Hãy tôn ghi điều đó nhé!

Huế, mùa Tri ân Giáo viên năm Giáp Thìn 2024.

Quảng Phương – Nguyễn Đình Mỹ