Tu trong một chữ “Nhớ”
Vì vọng tưởng chuyện này chuyện kia hoặc bị tâm phiền não che mờ chớ không gì khác.
Thời Phật tại thế, có một vị Bà la môn đến hỏi Phật: “Bạch ngài Cù Đàm, tại sao có khi có những bài chú chưa từng học mà bỗng nhiên tôi nhớ, cũng có khi có những bài chú đã thuộc lòng rồi lại quên?”
Đức Phật đáp: “Nguyên nhân thứ nhất khiến quên là do năm món triền cái che đậy. Đó là tham, sân, thùy miên, trạo hối, nghi hoặc, khiến cho tâm trí bị che mờ, nên dễ quên.
Nguyên nhân thứ hai khiến nhớ, là có khi tạm xa lìa năm món triền cái, tâm trí sáng suốt nên nhớ lại nhớ nhiều việc. “
Phật thí dụ như bát nước trong, đem hoà màu vào làm mất đi sự trong suốt của nó nên khi nhìn vào bát nước không thấy được mặt của mình. Cũng vậy, sự tham nhiễm làm mờ đi trí sáng suốt. Tham nhiễm dụ cho màu, nước trong dụ cho trí sáng suốt.
Màu hoà vào làm mất đi sự trong của nước dụ cho tham nhiễm làm mờ đi trí sáng, do đó dễ quên. Ví dụ thứ hai, như bát nước dù trong mà nấu sôi sùng sục lên cũng không nhìn thấy mặt được.
Cũng vậy, khi nổi sân là tâm đang sôi sục thì mất sự sáng suốt. Đây là hai món triền cái gần với mình.
Ví dụ thứ ba, như bát nước trong bị rêu phủ trên mặt cũng không nhìn thấy được mặt. Cũng vậy, khi thùy miên (buồn ngủ) thì tâm trí mơ màng khó nhớ.
Ví dụ thứ tư, tuy bát nước trong nhưng bị dao động thì nhìn vào thấy mặt mình cũng bị dao động không thấy rõ được. Cũng vậy, khi trạo hối thì tâm không yên nên khó nhớ.
Ví dụ thứ năm, như bát nước trong vừa bị khuấy động, vừa để trong chỗ tối thì khi nhìn vào làm sao thấy được mặt mày. Cũng vậy, khi tâm bị nghi hoặc che đậy thì trí mờ không nhớ được những việc lâu xa.
Tu học Phật là hành trình khai tâm, mở trí
Tóm lại, khi có năm món triền cái nầy thì trí nhớ bị lu mờ, không có nó tâm trí mới sáng suốt, bén nhạy.
Phật dạy thực tế như vậy mà thế gian không chịu nghe.
Nhưng đây phải xét lại, phải phân biệt cái nhớ của tâm mê và cái nhớ của tâm ngộ.
Người đời nhớ dai nhưng nhớ cái gì?
Đó là nhớ theo duyên, theo cảnh, nhớ theo phiền não. Ai làm mình giận thì nhớ đời.
Cũng nhớ, nhưng chưa phải chỗ Phật muốn nói ở đây, vì nhớ những thứ đó thì không nhớ được những chuyện khác.
Thí dụ mình đang nhớ giận người nào thì tâm mờ, hoặc ngồi đây mà nhớ chuyện nhiều năm về trước, hay nhớ bên Mỹ, hay nhớ triết lý này triết lý nọ chứa đầy trong đầu thì đó là sống trong cái thức tưởng hay còn gọi là sống theo những cái bóng của quá khứ; hoặc không nhớ quá khứ thì nghĩ tới tương lai.
Tương lai là gì?
Là quá khứ phóng đại, vì từ quá khứ mới tưởng thành tương lai.
Vậy là cũng đang sống với cái đâu đâu.
Rốt lại có thực sống không?
Bây giờ đặt câu hỏi:
“Ai đang sống đó? Chỉ ra xem! Tại sao như vậy?”
Đó chỉ là tâm phân tán thôi.
Tâm phân tán theo cái nầy, phân tán theo cái kia, luôn luôn có vấn đề trong đầu nên không được an ổn.
Do không an ổn nên tâm bị che mờ, bị che mờ nên không nhớ được việc cần nhớ.
Hoặc càng học cho nhớ nhiều chừng nào thì tâm càng loạn động chừng nấy.
Ngài Vô Trụ phó chúc một công án cho đệ tử là vô hữu bằng một câu chuyện.
Chuyện kể có một người đang đứng trên một đồi cao, có ba du khách đi ngang qua đường nhìn thấy người đứng trên đồi mới nói với nhau.
Người thứ nhất nói: “Chắc anh ta bị mất vật gì thương yêu nên đang kiếm nó.”
Người thứ hai cãi: “Không, chắc anh ta đang đứng chờ một người bạn thân.”
Người thứ ba nói: “Trông cái dáng tôi đoán chắc anh ta đang đứng thưởng thức khí trong lành. ”
Mỗi người một ý cãi nhau không thôi, mới đề nghị lên đồi gặp anh kia hỏi cho ra lẽ.
Ba người cùng nhau lên đồi, gặp người kia.
Anh thứ nhất hỏi: “Anh làm gì ở đây vậy? Có phải anh đánh mất vật gì không?”
Người kia đáp: “Tôi không mất gì hết. ”
Người thứ hai hỏi: “Anh đang chờ ai phải không?”
Người kia đáp: “Không, tôi không chờ ai hết. ”
Người thứ ba hỏi: “Vậy có phải anh đứng hóng mát không?”
Anh kia đáp:
“Không phải, tôi chỉ đứng đây thôi. ”
Câu chuyện này ngài Vô Trụ bảo là một công án.
Mình luôn sống như ba người ở dưới đồi, luôn lấy cái suy nghĩ trong đầu mình mà suy ra cho người, nghĩa là trong đầu luôn có vấn đề.
Như vậy thì quả tang mình sống trong vô minh, sống trong vọng tưởng.
Quên là sống quên mình, sống không nhớ chủ.
Còn nhớ là vì trong đầu mình có vấn đề gì mình nhớ vấn đề đó.
Trích trong: Tu trong một chữ nhớ.