Tu Tịnh và tu Mật

Đạo Phật có tám vạn bốn ngàn (84.000) pháp môn tu nên mỗi người con Phật tùy theo căn cơ, nghiệp lực mà chọn cho mình một pháp môn thích hợp. Tu Thiền, Tịnh hoặc Mật hay bất cứ pháp môn nào theo Phật giáo là do nhân duyên của mỗi người.

 

Có nhân duyên với pháp môn nào thì học tập, nghiên cứu, ứng dụng hành trì pháp môn ấy rất dễ dàng, mau tiến bộ. Ngược lại nếu thiếu nhân duyên thì chỉ riêng việc tìm hiểu, học tập về pháp môn ấy đã khó lãnh hội nói chi đến tu tập hành trì.

Các pháp môn tu tập đều là phương tiện nhằm hướng đến một cứu cánh duy nhất là giác ngộ, giải thoát. Như có nhiều cách, nhiều con đường để đi đến một địa điểm. Không hẵn đường bộ thì thù thắng hơn đường sông và ngược lại. Tùy vào nhân duyên của mỗi người mà chọn cho mình một con đường hay một phương tiện di chuyển thích hợp nhất.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Trong tu tập cũng vậy, không thể nói tu Mật mau thành tựu giải thoát hơn tu Tịnh, hay ngược lại tu Tịnh sớm đắc đạo hơn tu Mật. Mọi so sánh, phân biệt so đo cao thấp đều thiếu cơ sở và phát xuất từ tâm lý chấp thủ, không phù hợp với tinh thần khai phóng và tùy duyên của đạo Phật.

Mỗi pháp môn có một cơ sở lý luận và cách thức hành trì riêng. Một hành giả am tường cơ sở lý luận và cách thức hành trì pháp môn của mình vốn đã là điều khó. Nên khi nhận định về các pháp môn khác cần phải thận trọng, nhất là đánh giá hoặc phê bình các pháp môn khác thông qua lăng kính pháp môn của mình lại càng không nên.

Do vậy, một người Phật tử trong khi thực hành pháp môn của mình cần tôn trọng các pháp môn khác. Các pháp môn đều là phương tiện nên không có pháp môn nào là thù thắng nhất.

Giác Ngộ