Tu tịnh khẩu là tu như thế nào?

Hỏi: Con thưa Thầy, con nghe nói là có pháp tu tịnh khẩu, vậy tu tịnh khẩu là tu như thế nào thưa Thầy?

Đáp: Khẩu là cái miệng của mình (Khẩu ở đây tức là lời nói), còn tịnh là gì? Tịnh là thanh tịnh, là trong sạch. Vậy tịnh khẩu là lời nói trong sạch.

Tịnh khẩu có nghĩa là thanh tịnh khẩu nghiệp. Chữ tịnh có nghĩa là trong sạch và an ổn.

Tịnh khẩu có nghĩa là thanh tịnh khẩu nghiệp, chữ tịnh có nghĩa là trong sạch và an ổn

Ngăn khẩu nghiệp của mình bằng lời phát nguyện

Lâu nay, mình hay quan niệm tịnh khẩu là gì? Tịnh khẩu là không có nói. Ví dụ như hôm nay con phát nguyện tu tịnh khẩu (lâu nay con bà tám nhiều quá) nhiều khi cái lời nói của con như lời ông bà ta nói “Rượu nhạt uống lắm cũng say, người khôn nói lắm cũng nhàm”. Cho nên mình phải biết nói đúng lúc, đúng chỗ. Và ông bà ta còn nói thêm đó là “Đa ngôn, đa quá!” (Đa ngôn tức là nói nhiều, đa quá tức là lỗi lầm), có nghĩa là nói nhiều thì dễ lỗi lầm. Vì vậy, ít nói thì ít lỗi. Nhưng mà quý Phật tử thấy đó, trong chúng ta thường ít có ai chịu ít nói lắm. Mà cái việc mình nói nhiều cũng được nhưng với điều kiện mình nói đúng. Nói càng nhiều mà nói càng đúng thì càng lợi ích. Khổ nỗi chúng ta hay nói nhiều, nhưng mà cái nói nhiều của mình nó sai….Mà nói sai đâu phải là xong đâu quý Phật tử, phía sau lời nói của mình nó còn cái tội với cái phước.

Nếu phía sau lời nói của quý vị, ảnh hưởng đến người khác mà giúp họ tốt lên thì lời nói của quý vị có cái phước ở cái khẩu. Nếu phía sau lời nói của quý vị lại đem đến cho người khác cái khổ đau, đổ vỡ, buồn bã, xin thưa lời nói đó còn có cái tội…gọi là ác nghiệp. Nên có nhiều người phạm ở cái khẩu nhiều quá.

Khi nghe nói có pháp tu tịnh khẩu thì đa phần chúng ta sẽ hiểu có 2 tầng nghĩa như thế này:

– Tịnh khẩu là im lặng, không nói. Có những khóa tu, quý Thầy tổ chức tu 3 ngày hoặc tu 1 tuần, không nói là không có nói chuyện luôn, như vậy cũng là tu tịnh khẩu.

– Nhưng quý vị cũng phải hiểu thêm một cái nghĩa sâu hơn của tịnh khẩu nữa. Như định nghĩa: Khẩu là lời nói, tịnh là trong sạch, lời nói trong sạch, lời nói đúng chánh pháp cũng gọi là tịnh khẩu.Ví dụ hôm nay quý Phật tử đi vào chùa nghe thầy giảng bài pháp, những câu vấn đáp, lát nữa quý Phật tử đi về nhà thì có người hỏi là “Chị ơi, hôm nay chị vô chùa nghe thầy giảng cái gì vậy?”. Mình im luôn, mình không thèm trả lời, bởi vì “Tui đang tu tịnh khẩu mà!”.

Cũng đúng cái nghĩa đen của tu tịnh khẩu đó nhưng mà quý vị hiểu 2 nghĩa dùm thầy:

Tịnh khẩu ở đây có nghĩa là quý vị nói đúng cũng được gọi là tịnh khẩu, nói đúng chánh pháp, nói đúng chân lý thì vẫn được gọi là tịnh khẩu. Dĩ nhiên, nếu như chúng ta có tham dự những khóa tu mà khóa tu đó là yêu cầu, nội quy của khóa tu là không được nói luôn thì quý vị cũng tuân thủ nguyên tắc đó (là không được nói chuyện). Nhưng chúng ta hiểu trong đời thường của mình. Quý vị mà nói đúng chân lý thì điều đó được gọi là tịnh khẩu, quý vị nhớ ý này dùm thầy.

Thầy kể quý vị nghe một câu chuyện vui:

Có bốn thiền sinh đi tới tham dự một khóa tu, họ tự đưa ra một nguyên tắc cho nhau (vì thời gian tham dự trong khóa tu không có nhiều, mà ở ngoài đời chúng ta lại tốn quá nhiều thời gian vào cái việc nói năng rồi) cho nên bây giờ hứa với nhau là trong bốn người sẽ im lặng và không ai nói cái gì hết. Im lặng để lo học Pháp, im lặng để lo tu tập, thì trải qua 3 ngày không ai nói với nhau lời nào, đến giờ công phu, đến giờ tụng kinh, đến giờ ngồi thiền, đến giờ niệm Phật thì cũng đúng thời khóa mà mạnh ai người đó làm thôi. Đến đêm của ngày thứ 3 thì bốn vị thiền sinh ngủ chung một phòng, có một thiền sinh thấy cái đèn lúc đó còn sáng, thì đưa tay tắt đèn, vị thiền sinh khác bèn nói “Anh ơi, đừng có tắt cái đèn đó”. Vị thiền sinh thứ hai liền lên tiếng “Ủa, sao anh lại nói chuyện”… (thế là có hai người nói chuyện rồi)… Người thứ ba lên tiếng “Chết rồi, hai anh nói chuyện rồi kìa” (ba người nói chuyện, chỉ có người thứ 4 không có nói). Lúc này người thứ 4 mới cười và nói “Ba anh nói chuyện… chỉ có một mình tui… không có nói.

Bạn tin chăng câu nói: “Khẩu xà, Tâm Phật”?

Cuối cùng, quý vị thấy không? Trong bốn người, người nào cũng nói hết. Thật ra, đây là một câu chuyện vui muốn nói với mình rằng, nhiều lúc mình chỉ nhìn cái lỗi của người khác rồi cuối cùng mình phạm cái lỗi đó lúc nào không hay luôn. Nếu như mình tham dự một khóa tu mà có nguyên tắc là không nói chuyện, thì nghĩa đen là mình im luôn không có nói ra lời, còn một cái nghĩa của tịnh khẩu nữa đó là lời nói mình đúng chân lý, lời nói mình đúng chánh pháp, lời nói mình trong sạch, tức là lời nói thiện thì cũng được gọi là tịnh khẩu.

Thầy cũng khuyến khích lâu lâu quý vị cũng nên phát tâm tu tịnh khẩu. Tu tịnh khẩu được nhiều lợi ích lắm, vì thật ra nói nhiều mệt lắm quý Phật tử. Người ta nói là “Khẩu khai, khí tán” tức là nói nhiều cũng tổn khí, rồi tổn thần nữa, nói nhiều cũng dễ sai nữa (cho nên Thầy xin phép quý phật tử cho thầy nói 70 phút thôi, nói nhiều quá Thầy cũng mệt nữa….).

Nên thầy khuyến khích quý vị Phật tử, đời thường mình ngoài những việc cần nói ra thì quý Phật tử nên im lặng, để giữ cái khí lực trong cơ thể của mình. Và quý vị cũng để ý, khi mình im lặng, mình dễ quán sát cái tâm mình hơn.

Hơn nữa, lúc nào mình cũng nói mà không có khoảng thời gian im lặng, thì lời nói của mình không có giá trị nữa. Cho nên muốn lời nói của mình có giá trị sâu sắc và có ý nghĩa thì phải cần có những lúc chúng ta nên im lặng.