Tu thiền chết về đâu?
Có nhiều người thắc mắc hỏi tôi, người tu Tịnh độ niệm Phật, sau này chết sanh về Cực Lạc, thầy tu Thiền chết về đâu.
Hết chỗ về!
Nghe nói vậy, ta tưởng như mình đã lạc lõng rồi.
Nhưng sự thật, tại sao chúng ta không nhớ gốc của đạo Phật là cứu kính Niết-bàn.
Niết bàn là chỗ cứu kính, là vô sanh, không còn sanh thì lấy gì có tử?
Còn người tu thiền theo Thiền tông, tới chỗ không còn niệm đối đãi sanh diệt nữa là vô sanh, vô sanh là Niết-bàn.
Kẻ không biết, cứ nói về Cực Lạc mới cứu kính, còn nhập Niết-bàn chưa phải.
Như vậy không biết đức Phật phải dạy sao bây giờ?
Đó là cái thấy nông cạn của người học Phật, họ không biết chỗ nào là gốc, chỗ nào ngọn, cứ bị kẹt trong phương tiện, rồi trở lại chống đối người khác.
Vì lẽ đó, chấp cái hiểu, cái tưởng, cái nhận định của mình là đúng, đó là bệnh rất lớn.
Trong kinh A-hàm, Phật nói câu tuyệt vời làm sao:
“Khi chúng ta nghĩ tưởng điều gì, thì nói lên rằng đây là cái tưởng của tôi” thôi.
Không nói cái nghĩ tưởng của mình đúng.
Tại sao?
Vì nghĩ tưởng hay suy tưởng là tướng sanh diệt, nó không phải chân lý, không phải chân lý thì không có cái nào đúng tuyệt đối hết.
Nó chỉ đúng một phần, một góc cạnh mà chúng ta lại tưởng là tuyệt đối.
Người tu Phật phải dẹp hết tất cả những suy tưởng, còn kẹt hai bên là còn sanh tử.
Bởi thấy còn đúng còn sai là sanh tử, thấy mình phải người quấy là sanh tử.
Tới chỗ cứu kính Tâm chân thật là tâm không còn hai, còn hai là chưa phải chân thật.
Cái cao siêu của đạo Phật là như vậy.
Nghĩa là không cho chúng ta có cái nhìn đối đãi, so sánh đây hơn kia thua, có trọng có khinh.
Vì thấy hay sanh ra ngạo mạn, thấy dở sanh ra khinh miệt, như vậy là tâm không tốt, phải bỏ tâm đó.
Còn đối đãi là còn sanh diệt, còn sanh diệt thì chưa phải chân lý.
Chân lý là không còn hai.
HT. Thích Thanh Từ