Tu tập Tứ niệm xứ để cân bằng cuộc sống (Phần 1)
Các giải pháp cân bằng cuộc sống theo thế gian không thể giúp con người thoát khỏi phiền não triệt để là vì nguồn gốc của sự mất cân bằng cuộc sống chính là tâm vô minh và tham ái. Nguyên nhân làm con người đau khổ triền miên trong sinh tử mà Đức Phật đã chỉ rõ trong Đại kinh Đoạn tận ái.
Hiện trạng mất cân bằng cuộc sống hiện nay
Ngày nay, để đảm bảo một cuộc sống ấm no về thể chất, hạnh phúc về tinh thần, nhiều người đã phải có gắng vượt qua mọi thử thách, khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu không biết sống điều độ, hợp lý thì tất cả những nỗ lực đó sẽ trở thành vô nghĩa, thậm chí là kẻ thù quay lại tiêu diệt dần dần sự sinh tồn của chính bản thân.
Tổ chức Nghiên cứu về Sự nghiệp và Gia đình (Canada) định nghĩa sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống chính là tình trạng tích cực mà con người có thể sắp xếp và quản lý thời gian hiệu quả để hoàn thành tốt những trách nhiệm của mình trong công việc, gia đình và cộng đồng”. Còn sự mất cân bằng cuộc sống là tình trạng xung đột giữa công việc và cuộc sống, xảy ra khi con người không thể chu toàn những trách nhiệm đó.
Để thoát khỏi tình trạng này, con người đã ứng dụng nhiều giải pháp như tổ chức công việc hợp lý, điều chỉnh lối sống lành mạnh nhưng vẫn chưa thật sự thoát khỏi những bế tắc hiện tại. Do đó, họ luôn khát khao có được phương thuốc cứu khổ rốt ráo để hóa giải hoàn toàn những nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống.
Tu tập Tứ niệm xứ, kẻ độc hành viễn ly xuôi về Niết bàn
Nguyên nhân sâu xa của sự mất cân bằng cuộc sống theo quan điểm Phật giáo
Các giải pháp cân bằng cuộc sống theo thế gian không thể giúp con người thoát khỏi phiền não triệt để là vì nguồn gốc của sự mất cân bằng cuộc sống chính là tâm vô minh và tham ái. Đây là nguyên nhân làm con người đau khổ triền miên trong sinh tử mà Đức Phật đã chỉ rõ trong Đại kinh Đoạn tận ái. Tiến trình luân hồi của chúng sinh xuất phát từ tâm vô minh, chưa liễu ngộ Tứ Thánh đế:
1. Khổ đế: chưa thật sự thấu hiểu thế nào là khổ;
2. Tập đế: chưa tận diệt nguyên nhân của khổ là vô minh và tham ái;
3. Diệt đế: chưa trực nghiệm trạng thái hết khổ là hạnh phúc Niết bàn;
4. Đạo đế: chưa tu tập hoàn thiện Bát chánh đạo.
Chính vì vô minh như vậy nên chúng sinh mới tham ái, dính chấp vào mọi thứ là thường, lạc, ngã, tịnh mà khởi sinh ra hành, những ý niệm dẫn đến luân hồi vô tận. Như vậy, nguyên nhân sâu xa của sự mất cân bằng này là tham ái, nghĩa là muốn có hạnh phúc (ham thích) và muốn không có khổ đau (ghét bỏ). Là phàm phu, ai cũng thích chơi trò “trốn tìm (trốn khổ, tìm vui), tìm mọi cách để đạt được hạnh phúc và luôn chối bỏ khổ đau. Xuất phát từ lòng tham, người ta đã dành hết sức lực, tâm trí và thời gian cho công việc, theo đuổi tham vọng của mình để rồi ngày càng chìm đắm trong phiền não.
Có người bỏ qua lương tâm và đạo đức, sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn tàn nhẫn để vượt qua các chướng ngại trên đường danh lợi của mình. Lúc này, tâm sân ngày càng bộc lộ rõ rệt. Với tâm vô minh sẳn có, người ta đã trở thành nô lệ trung thành cho những ảo tưởng, tham vọng to lớn. Dù cho đạt được thành công, thì họ càng tham đắm và luôn lo mất mà có gắng giữ gìn hạnh phúc đang có. Ngoài ra, với lòng tham vô đáy, người ta luôn tiếp tục đặt ra mục tiêu mới để rồi phải điên cuồng phấn đấu. Đối với kẻ phàm phu thì không bao giờ là đủ. Nếu thất bại, họ sẽ thất vọng, chán nãn trong từng giây phút, khiến họ bỏ ăn, bỏ ngủ và rơi dần vào trầm cảm. Nếu không biết cách cân bằng cuộc sống, họ có thể nhanh chóng tìm đến cái chết để kết thúc gánh nặng này như nhiều người dân Nhật Bản đã chọn lấy.
Ứng dụng Bát chánh đạo để cân bằng cuộc sống
Bát chánh đạo là con đường duy nhất giúp chúng sinh thoát khổ, gồm có tám yếu tố chân chính là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Chỉ có Bát chánh đạo mới có thể cân bằng cuộc sống của con người thật sự, bằng cách kiểm soát lời nói và hành động bằng Giới, chế ngự những ác tâm trong ý thức bằng Định và tận diệt những phiền não ngủ ngầm trong vô thức bằng Tuệ. Như vậy, con người cần tu tập Giới-Định-Tuệ để được hạnh phúc cứu cánh.
1- Tu tập Giới
Hành giả cần giữ gìn: chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng.
– Chánh ngữ (Sammā-vācā): Lời nói chân chánh với 4 yếu tố: cố ý tránh xa lời nói dối, lời nói chia rẻ, lời nói vô ích và lời nói thô ác gây hại đến mình và người.
– Chánh mạng (Samma-ajiva): Nghề nghiệp nuôi mạng chân chánh không vi phạm ngũ giới và pháp luật thế gian.
Hành giả giữ gìn giới hạnh trong sạch nhằm tránh khởi tâm hối hận, tự trách khi phạm lỗi lầm và tạo tường thành vòng ngoài đảm bảo thân tâm an lạc tương đối để tu tập định.
Khi hành thiền: Giới cũng chính là giới hạn, đối tượng thiền mà tâm cần hướng đến quan sát, chánh niệm.
2- Tu tập Định
Hành giả thực tập 3 yếu tố: chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
– Chánh tinh tấn (Samma- vāyāma): Sự siêng năng, nỗ lực không ngừng một cách phù hợp trong bốn việc:
Ngăn ác (ngăn chặn ác nghiệp mới phát sinh);
Diệt ác (từ bỏ ác nghiệp cũ đang làm);
Làm thiện (thực hiện thiện nghiệp mới chưa sinh);
Tăng thiện (phát triển thiện nghiệp cũ đang làm).
Khi hành thiền: Chánh tinh tấn chính là nỗ lực liên tục hướng tâm, giữ tâm trên đối tượng thiền (hơi thở, cảm giác, suy nghĩ, cảm xúc, phản ứng) để duy trì chánh niệm khi ngồi thiền, đi kinh hành và trong sinh hoạt.
– Chánh niệm (Samma-sati):
Dựa trên Tứ niệm xứ (thân, thọ, tâm và pháp), thiền sinh có chánh niệm khi hay biết, ghi nhận liên tục, trọn vẹn mọi hiện tượng danh sắc (thân tâm) trong khi ngồi thiền, đi kinh hành hay trong đời sống sinh hoạt (đi, đứng, nằm, ngồi…) ngay trong khoảnh khác hiện tại để thấy được thực tánh pháp (khổ, vô thường, vô ngã) mà ngăn chặn phiền não mới phát sinh và đoạn trừ phiền não cũ đã sinh,
Khi hành thiền: Chánh niệm là sự hay biết liên tục, trọn vẹn tiến trình thay đổi, sinh diệt của đối tượng thiền.
+ An chỉ định: Theo kinh Đại niệm xứ, hành giả tu tập thiền định và chứng một trong các tầng thiền sắc giới (Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền) để tâm tĩnh lặng vững chắc rồi xả thiền và dùng chánh niệm, định tâm (sát-na định) và tỉnh giác để hành thiền Tứ niệm xứ bằng một trong hai cách là:
Quan sát sự sinh diệt liên tục của các hiện tượng thân tâm để thực chứng tam tướng (vô thường, khổ não, vô ngã) và các tầng Tuệ minh sát.
+ Cận định: Hành giả tu tập thiền định đạt đến trạng thái tâm tĩnh tương đối, chuẩn bị nhập định (có đủ năm thiền chỉ chế ngự năm triển cái) rồi hành thiền Tứ niệm xứ.
+ Sát-na định: Hành giả chọn một đề mục Tứ niệm xứ để thiết lập chánh niệm, định tâm và tỉnh giác. Khi có sát-na định (định tâm từng chặp song hành với sự sinh diệt liên tục của đối tượng thiền), đủ năm thiền chỉ để chế ngự phiền não thì thiền sinh bắt đầu tu thiền Tứ niệm xứ.
(còn tiếp).
Tỳ Khưu Phước Hưng