Tự tánh của tâm và biểu hiện của tâm
Thầy ơi cho con hỏi, khi nào gọi là tâm, khi nào là không có tâm? Sao có lúc thì là tâm, có lúc không phải là tâm, con không hiểu, xin Thầy hoan hỉ trả lời giúp con.
Trả lời:
Thực ra tâm khi nào cũng có, chỉ là hiện diện dưới nhiều dạng khác nhau mà thôi. Vì người ta chỉ biết có tâm khi nó khởi lên theo đối tượng, còn khi nó không khởi lên thì cho là không có tâm.
Đúng ra tâm lúc đó ở dưới dạng bhavanga, tiềm thức hoặc vô thức, mà cũng có thể lúc đó là Tâm Bất Sinh, cái tâm luôn chiếu sáng (pabhassara citta) mà Đức Phật gọi là “không sinh, không hữu, không tác, không thành”.
Khi khởi tướng dụng thì có tới 121 tâm khác nhau, người không cảm nhận vi tế ít thấy được tâm xả hoặc tâm si trong trạng thái hôn trầm, và càng không thấy được cái tâm vốn Bất Sinh.
Hiện tướng của tâm thì lúc sinh lúc diệt, lúc có lúc không nên còn dễ thấy, vậy mà người không chánh niệm tỉnh giác vẫn không thấy được, huống chi tự tánh của tâm thì không sinh-diệt, không đến-đi, không thường-đoạn, không hữu-vô, làm sao mà thấy, nên nói thế nào cũng đúng, thế nào cũng sai.
Tốt nhất là khi nó thế nào con thấy như vậy là được…
Thầy Viên Minh